Các thương hiệu lớn trong lĩnh vực ẩm thực thế giới đã và đang tìm cách thâm nhập để chiếm lĩnh thị trường cà phê Việt Nam.
“Ông lớn” nhập cuộc
Việc doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường cà phê trong nước đã được dự báo từ trước và đến nay thì những điều tiên lượng bắt đầu trở thành hiện thực. Từ cuối năm ngoái, có thể thấy nguồn nguyên liệu cà phê ở Tây Nguyên đã bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm và họ có quyền điều tiết giá cà phê trong nước bằng nguồn vốn dồi dào và kinh nghiệm lâu năm của mình. Ở thị trường cà phê chế biến, cuộc cạnh tranh đã nóng dần lên khi có sự góp mặt của các thương hiệu hàng đầu thế giới. Giữa năm 2011, Jollibee Foods, tập đoàn cung cấp các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh của Philippines, đã hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần của Việt Thái, doanh nghiệp sở hữu hơn 60 quán cà phê Highlands Coffee trên toàn quốc và nhà hàng 5 sao 1911 tại Hà Nội.
Nỗ lực cạnh tranh trên thị trường cà phê chế biến – Ảnh: Q.T
Không lâu sau đó, Công ty CP hàng tiêu dùng Masan đã thâu tóm thành công Công ty cà phê Biên Hòa (Vinacafé), một thương hiệu mạnh khác trong lĩnh vực cà phê nội địa. Việc nắm đa số cổ phiếu của Vinacafé thể hiện quyết tâm giành quyền chi phối và toan tính cho những bước đi xa hơn trong lĩnh vực cà phê chế biến của Masan. Việc hợp nhất hệ thống phân phối của Masan và Vinacafé có thể sẽ được hoàn tất trong quý 1.
Tại phân khúc cửa hàng cà phê, hàng loạt tên tuổi lớn của nước ngoài đã dần xuất hiện khá nhiều tại TP.HCM như The Coffee Bean & Tea Leaf, Gloria Jean’s Coffees, Illy’s… Đặc biệt, thương hiệu cà phê khổng lồ Starbucks có nguồn gốc từ Mỹ cũng đang lên một kế hoạch hết sức chi tiết để đổ bộ vào Việt Nam vào năm sau. Theo nguồn tin của chúng tôi, hiện nay Starbucks đã tiến hành các bước đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam, lập văn phòng đại diện cũng như thúc đẩy đối tác truyền thông là Công ty Edelmen thiết lập mạng lưới tại Việt Nam để mở đường cho việc thâm nhập diễn ra thuận lợi. Hệ thống Starbucks hiện có đến 11.000 cửa hàng ở Mỹ và Canada; 6.000 cửa hàng khác nằm rải rác nhiều nơi trên thế giới. Thông tin về việc gã khổng lồ này chuẩn bị tiến vào Việt Nam đã gây ra nhiều lo lắng cho các thương hiệu trong nước vì cuộc cạnh tranh sắp tới dự báo sẽ rất khốc liệt.
Chủ nhà lo âu
Theo thống kê, các doanh nghiệp cà phê chế biến trong nước chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, trong đó đa phần là doanh nghiệp nhỏ, để có thể cạnh tranh với các thương hiệu khổng lồ quốc tế thì rõ ràng không cân sức. Ngay như thương hiệu Trung Nguyên cũng đang phải tìm nhiều hướng đi để hạn chế rủi ro. Hiện tại Trung Nguyên có 15.000 quán cà phê lớn nhỏ trên toàn quốc, nhưng những quán đầu tư theo đúng tiêu chuẩn Trung Nguyên chỉ có khoảng 30 quán, trong đó có 10 quán nhượng quyền. Trung Nguyên đã đặt mục tiêu gia tăng số quán thuộc hệ thống của mình lên 120 trong năm nay, nhưng ngay chính đại diện của Trung Nguyên cũng thừa nhận mục tiêu này rất khó đạt được bởi việc huy động nguồn lực cũng như tìm kiếm mặt bằng thuận lợi để mở quán không dễ.
Mới đây, Trung Nguyên đã trình Chính phủ dự án “Cụm cà phê quốc gia” tại Đắk Lắk. Mục tiêu của dự án là nhằm đạt giá trị xuất khẩu của cà phê lên 20 tỉ USD, gấp 10 lần giá trị hiện nay và tạo ra 5 – 6 triệu việc làm thông qua mô hình nông – công nghiệp. Bên cạnh đó, đại diện Trung Nguyên cũng cho biết sẽ khởi công nhà máy chế biến cà phê hòa tan thứ 5 của mình tại Bắc Giang với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu cà phê hòa tan G7 năm 2011 của Trung Nguyên sang Trung Quốc mới chỉ là 50 triệu USD, nhưng doanh nghiệp này cũng không giấu giếm mục tiêu thu về 1 tỉ USD từ thị trường này đến năm 2014.
Trên địa bàn Đắk Lắk, hiện đã có thêm 8 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan. Theo các chuyên gia trong ngành, hiện tại nguồn nguyên liệu thô đã bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, nếu thị trường cà phê chế biến cũng lâm cảnh tương tự thì đúng là điều đáng lo ngại khi chúng ta bị lép vế trên sân nhà.
Quang Thuần
Mọi người ơi các hãng cà phê nào 100% của Việt Nam mình nhỉ? Mình muốn ủng hộ bằng cách uống cà phê Việt Nam, nhưng nhiều hãng cà phê nước ngoài cũng mang tên như Việt Nam, mà nhiều hãng cà phê Việt Nam lại mang thương hiệu như nước ngoài nên khó phân biệt quá. Ai biết thì chỉ giúp mình với.
Thời buổi kinh tế hội nhập rồi, cần gì phải phân biệt. Cứ hãng nào uống ngon, chất lượng và giá cả vừa ý theo mình là được, đơn giản thế thôi.
Thưa các bác, hiện nay muốn ủng hộ các doanh nghiệp trong nước để cho ngơì Việt mình giàu cũng tốt nhưng những GÃ nhà giàu VN lại rất thích khoe mẽ, thể hiện mình. CHÁN. Thôi cứ để cho doanh nghiệp nước ngoài có uy tín người ta vào để làm ăn cho tốt, họ cũng đóng thuế đàng hoàng đó thôi. Họ kinh doanh có lãi, người lao động có thêm việc làm, không bị thất thu thuế. Doanh nghiệp Việt thì nợ thuế, thua lỗ thì kêu nhà nước trợ giá, giảm thuế,…Túm lại người nông dân muôn đời vẫn phải chịu thiệt thòi, như con tằm dưới muôn vàn cành dâu.
Tôi hoan nghênh bạn có ý kiến rất hay! Khi nghèo hơn người ta thì ghen ghét khi giàu lên rồi thì chảnh, chơi ngông, sa đọa …
Buôn bán có cái thế của buôn ,sản suất có cái thế của sản xuất .Ngày D dã dến.
Cái gì cũng có quy luật tự nhiên của nó. Không phải hễ cứ muốn là được. Một mâm cơm sẽ bị chén sạch khi số người cầm chén quá hạn. Tương tự nhiều người làm kinh doanh cafe thì sẽ có sự tích cực cạnh tranh trong mua bán đem lại lợi ích cho nông dân. Khi các đối thủ nghẻo hết thì anh nào độc quyền sẽ thao túng giá cả đó là cái lý ngụy biện thôi- Bởi theo mình anh ép giá người dân thấy trồng cafe không có khả năng đem lại lợi nhuận thì sẽ chặt phá bỏ thay đổi cây trồng khác đem lại hiệu quả kinh tế cho họ thì người chết lại là chính anh độc quyền kia. Bởi anh sẽ không có nguồn thu và tự anh đánh mất dần thị trường đã dày công giành giật được… bấy nhiêu đó để chúng ta hiểu đâu là cái nên và không nên ủng hộ. Theo mình cứ nên ủng hộ cho các DNNN vào Việt Nam để thêm càng nhiều doanh nghiệp nhảy vào đầu tư thu mua thô và chế biến thì người dân chúng ta sẽ càng được nhiều đặc ân hơn hiện nay.
Chắc chắn đây là cuộc chiến không cân sức.
– Tại sao chúng ta không tự hỏi: “Họ” vào thị trường VN để làm gì? Làm một cuộc dạo chơi mùa hè chăng?
– Bấy lâu nay các anh đã bỏ ngỏ nhiều thứ tại thị trường VN thì bây giờ là cái giá để các anh phải trả thôi.
– Bây giờ WTO rồi, các anh có lo sợ thì cũng phải đành chịu thôi, tôi vẫn thích cái quy luật của thị trường, dù khắc nghiệt và đầy ngang trái. Những kẻ có đủ sức khỏe, sự ủng hộ đông đảo của thị trường sẽ giành chiến thắng, những kẻ yếu tiềm lực thì đội nón ra đi.
Trước khi vào WTO tất cả các doanh nghiệp trong nước đều biết và tiên liệu từ trước. Nhưng với nhứng bước đi hoạch định chính sách không đúng đắn đã dẫn đến các thương hiệu ta thua ngay trên sân nhà. Chính sách Tam nông của chính phủ rất là hời hợt, không quan tâm đúng mức đến người Nông dân, nói là chính nhưng không có 1 chính sách cụ thể nào và với cơ chế thị trường theo định hướng XHCN thì các doanh nghiệp ta chỉ có chết ngay tại sân nhà vì lối làm ăn chụp giựt, lỗ có Nhà nước chịu. Thật là mỉa mai khi ai cũng cho rằng tiền Nhà nước bỏ ra chứ không phải tiền thuế của nhân dân ?