Hiện nay, ở huyện Cư M’Gar, vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Đăk Lăk đã có nhiều hộ mạnh dạn cưa đốn hàng nghìn ha cà phê vối hết chu kỳ kinh doanh, chọn chồi tái sinh để ghép chẻ nối ngọn bằng các dòng cà phê vô tính chọn lọc mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Cây cà phê tự ghép chồi cao sản tại Đạt Lý, Buôn Ma Thuột (Ảnh – Giacaphe.com)
Gia đình anh Ama Nghé, ở xã Ea Tur là một điển hình với 1 ha cà phê sau khi cưa đốn chọn chồi tái sinh và ghép chẻ nối ngọn đã cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Anh Ama Nghé cho biết, trước đây, vườn cà phê của gia đình mặc dù đầu tư thích đáng từ khâu tưới nước, bón phân cân đối, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, nhưng do hết chu kỳ kinh doanh (trên 20 năm) nên năng suất vườn cà phê vẫn ngày càng giảm, từ 2 tấn xuống chỉ còn 1,5 tấn, thậm chí có năm chỉ còn 1 tấn cà phê nhân/ha. Sau khi được hướng dẫn, tập huấn quy trình kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông huyện, Viện Khoa học Kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên, anh đã cưa trắng vườn cây, sau đó chọn những chồi to, khoẻ tiến hành ghép chẻ nối ngọn với các dòng cà phê vối vô tính chọn lọc như TR4, TR5 của Viện Khoa học Kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên.
Anh cũng cho biết thêm, để có vườn cây ghép đạt tỷ lệ cây sống cao (đạt từ 98% trở lên), gia đình sử dụng gốc ghép khá nhỏ tuổi và chồi ghép chỉ mang một cặp lá, áp dụng đồng bộ các quy trình thâm canh, chăm sóc, nên chỉ sau hai năm vườn cây đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch, với năng suất năm đầu đạt 3 tấn cà phê nhân/ha và từ năm thứ tư trở đi, năng suất ổn định từ 4 tấn cà phê nhân/ha trở lên. Cũng theo anh Ama Nghé, làm trẻ lại vườn cà phê bằng phương pháp cưa đốn phục hồi, chọn chồi tái sinh ghép chẻ nối ngọn dễ làm, không những rút ngắn được thời gian kiến thiết cơ bản, từ 1 – 2 năm mà chi phí đầu tư cũng ít hơn nhiều lần so với trồng mới.
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 100.000 ha cà phê hết chu kỳ kinh doanh có hiệu quả, già cỗi phải cưa đốn phục hồi hoặc trồng lại, trong đó tỉnh Đắk Lắk chiếm diện tích nhiều nhất, với trên 50.000 ha. Việc cưa đốn vườn cây hết chu kỳ kinh doanh để chọn chồi tái sinh ghép chẻ nối ngọn là phương pháp tối ưu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho việc tái canh cà phê, các địa phương cần nhân rộng. Hiện nay, ngoài việc hướng dẫn các vùng trọng điểm cà phê của các tỉnh Đăk Lăk, Lâm Đồng xây dựng các vườn nhân chồi, Viện Khoa học Kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã đầu tư xây dựng 5 ha vườn nhân chồi các dòng vô tính cà phê vối chọn lọc để cung cấp chồi ghép cho các địa phương cải tạo, trẻ hoá các vườn cà phê
Quang Huy
Em ở Đức Trọng, LĐồng, em cũng được nghe nhiều đến giống cà phê TR4, TR5 v.v…
Nhưng ba em cố tìm xem ở đâu có bán ngọn chồi đó mà ba em tìm hổng có ra.
Vậy có anh chị nào biết ở vùng em mua ở đâu để ba em tập ghép cải tạo chứ vườn ba em ít trái lắm. Em xin cám ơn trước.
https://giacaphe.com/24890/cac-giong-ca-phe-voi-c-canephora-var-robusta-duoc-cong-nhan-chinh-thuc/
Cháu đọc bài này và xem kỹ những phản hồi bên dưới. Hy vọng tìm được cái mà ba cháu đang cần.
Tôi cũng dã gép caphe trước đây mấy năm cho năng suất khá tốt nhưng tôi chỉ có lấy tược từ những cây tuyển ở trong vườn. Còn chuyện mua giống tược như trên thì đúng là không biết mua ở đâu vì tôi ở Di Linh, mong sao tại Di Linh cũng có một trung tâm như ở Đắc Lắc
Cà phê nhà tôi đã hơn 25 năm tuổi, tôi tính chặt bỏ và trồng mới, tuy nhiên đất vườn nhà tôi rất dễ bị sạt lở nên tôi không dám cày sới đất và phải để gốc cà phê để giữ đất. Thấy có phương pháp ghép chồi này rất hay tuy nhiên tôi thấy nếu cà phê đã già cỗi có bộ rễ rất kém, sâu bệnh nhiều thì sau này chồi ghép không phát triển được (chẳng hạn có một số cây trong vườn tôi đốn ngang và để nuôi chồi mới tuy nhiên những cây này phát triển rất kém chỉ ra được vài cặp cành, bị sâu bệnh liên tục).
Có ai có nhiều kinh nghiệm về tái canh vườn cà phê xin góp ý cho tôi? Cảm ơn nhiều!
Trong nông nghiệp bền vững, người ta có phương pháp “Làm đất tối thiểu” nghĩa là không cày xới lại, hoặc có nhưng mà rất hạn chế cày xới. Điều này, rất phù hợp trên những chân đất dễ bị xói mòn do nước, đất dốc. Bạn có áp dụng phương pháp này, khi trồng lại (tái canh) cà phê.
– Nguyên tắc của phương pháp này là: Chỉ đào và làm đất tơi xốp ở hố mình trồng cây.
– Trong trường hợp tái canh: Cây giống phải kích thước bầu lớn 17 x 25 cm để bộ rễ hoàn chỉnh.
– Trước khi trồng nên tập huấn cây con trước 1 tháng và phun các loại phân bón lá có chứa chất kích thích sinh trưởng.
Trong giới hạn hiểu hiết của mình, tôi xin giới thiệu các chất rất tốt cho cây cà phê như: Axit Humic (nhiều Cty BVTV có), dòng chất thuộc Brassinosteroid có khả năng kích kháng mà đã được thử nghiệm trên cà phê như: Camcat, Vitazyme, v.v..
Cần lưu ý: Cây giống và tạo điều kiện cho cây cà phê phát triển tốt là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp Tái Canh Cà Phê Thành Công.
Xem: https://giacaphe.com/25408/tai-canh-cay-ca-phe-mot-cach-nhin-moi-ve-van-de-cu/
Thân chào!
Bạn đến thôn 3 xã Dak Nia, TX Gia Nghĩa (Xí nghiệp kinh doanh nông lâm nghiệp) nằm trên quốc lộ 28 mà mua chồi ghép.
Cách ghép chồi xem ra rất hiệu quả. Nhưng những cây dược ghép nếu đã đc hơn 15 tuổi, thân cây đã mục, rễ cây hư rồi thì ghép cũng sẽ chết mà thôi. Cách này chỉ làm được ở một số cây còn khỏe mà thôi.