Đắk Lắk: Sắn rớt giá nông dân gặp khó

Ea Súp là một trong những huyện có diện tích trồng sắn (mì) lớn của tỉnh. Những năm trước giá sắn lên cao, nông dân ồ ạt chặt bỏ các loại cây trồng và hoa màu để trồng sắn. Tuy nhiên, năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, giá sắn đang rớt giá liên tục khiến người dân điêu đứng.


Mua bán sắn tại xã Ia R’vê.

Sau nhiều tháng bỏ công sức, tiền bạc vào việc trồng sắn, tưởng sẽ được đền bù xứng đáng, vậy mà giờ đây ông Mai Hữu Huỳnh, thôn 4 (xã Ia R’vê) đang rất lo lắng khi giá sắn xuống thấp. Ông cho biết: “Những năm trước, gia đình tôi trồng đậu và bắp nhưng cho năng suất không cao. Đến năm 2010, tôi trồng thử nghiệm 2 ha sắn, tới vụ thu hoạch được 24 tấn, với giá tại thời điểm đó, trừ chi phí còn lãi 30 triệu đồng/ha. Thấy việc đầu tư có hiệu quả, năm 2011, gia đình tôi quyết định trồng thêm 5 ha sắn. Nhưng giá sắn đột ngột giảm mạnh khiến gia đình tôi thất thu.

Theo tính toán, trừ công chăm sóc và chi phí sản xuất chỉ còn thu được lãi 5 triệu đồng/ha. Nhưng như thế vẫn còn tốt hơn nhiều gia đình khác”. Ông Huỳnh còn cho biết thêm, việc trồng sắn chỉ là biện pháp tạm thời trước mắt, vì càng về sau công và chi phí cho việc trồng sắn là rất lớn, nếu trừ đi tất cả chi phí thì nông dân chỉ có thể thua lỗ chứ không thể lời được.

Cũng như ông Huỳnh, gia đình bà Trương Thị Oanh, thôn 4 (xã Ia R’vê) đang dở khóc dở cười khi 14 ha sắn sắp thu hoạch xong mà không có ai hỏi mua. Bà ngán ngẩm cho biết: “Năm nay giá sắn xuống quá thấp, tại nơi thu hoạch sắn chỉ được mua với giá 1.000 đồng/kg, trong khi đó chi phí đầu tư từ khâu giống, phân bón, công thuê… mỗi ha sắn tốn hết 20 triệu đồng. Với giá sắn như hiện nay, gia đình tôi vụ này thua lỗ khoảng 200 triệu đồng”.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, do giá sắn năm 2010 tăng đột biến nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã chuyển đổi diện tích sang trồng sắn với tổng diện tích sắn toàn huyện là 1.500 ha, tập trung chủ yếu ở các xã như Ia R’vê, Ya T’Mốt, Cư Kbang… Với giá thu mua tại thời điểm đó, bình quân mỗi ha sắn cho lãi từ 25-30 triệu đồng/ha, gấp nhiều lần so với các loại nông sản khác. Vì vậy, thấy lãi lớn, nhiều người dân đã ồ ạt đổ xô trồng sắn. Diện tích trồng sắn từ 1.500 ha năm 2010 đã tăng lên 5.000 ha trong năm 2011.

Tuy nhiên, đến nay, chỉ có khoảng 70% diện tích này được thu hoạch do khâu tiêu thụ bị trì trệ kéo dài. Đây là hậu quả của việc phát triển cây sắn ồ ạt, tràn lan không hề tính tới sự thất thường và rủi ro của thị trường tiêu thụ. Hiện tại giá sắn đã giảm xuống mức 1.000-1.200 đồng/kg sắn tươi và 3.000-3.500 đồng/kg sắn khô, giảm một nửa so với giá bán năm 2010 (2.000-2.200 đồng/kg sắn tươi và 5.500-6.000 đồng/kg sắn khô). Trong khi giá sắn giảm mạnh thì giá cây giống, phân bón, chi phí thu hoạch, vận chuyển ngày càng tăng khiến người dân thua lỗ nặng.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng