Vào thời điểm này, nhiều địa phương trong tỉnh đang phải hứng chịu những ngày nắng như đổ lửa xuống các vườn cà phê xanh tốt.
Tại những vùng có diện tích cà phê lớn như Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Mil, Chư Jút… nhiều hộ nông dân đang tất bật tưới nước chống hạn cho cây cà phê. Ông Vũ Văn Định ở xã Đắk N’Drót (Đắk Mil) lo lắng: “Những năm trước, lượng nước tại công trình thủy lợi Đắk Goun rất dồi dào và cho đến tận cuối mùa khô mới cạn. Vậy mà bây giờ, người dân ở đây mới tưới đợt 2 mà mực nước đã xuống rất thấp. Nếu thời tiết gay gắt thêm nữa thì 2 đợt tưới còn lại không biết lấy nước ở đâu để tưới”.
Ngoài công trình thủy lợi Đắk Goun, trên địa bàn huyện Đắk Mil còn có rất nhiều hồ chứa, công trình thủy nông khác cũng có khả năng không đáp ứng đủ nước cho cây trồng như công trình thủy lợi Đắk Ken, Vạn Xuân (thị trấn Đắk Mil), Đắk Loou (xã Đắk Lao)… Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thì tình trạng một số hồ, đập trên địa bàn không tích đủ nguồn nước sẽ khiến cho 221 ha cà phê có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ.
Còn tại huyện Đắk Song, tình trạng thiếu nước cục bộ cũng đang diễn ra và có chiều hướng gia tăng. Ông Nguyễn Văn Lại ở thôn 2, xã Đắk N’Drung cho biết: “Trong mấy ngày qua, khi người dân có rẫy ở khu vực công trình thủy lợi Xơ Re đồng loạt tưới cà phê thì mực nước trong hồ đã giảm hẳn và dòng chảy từ đầu nguồn về cũng yếu dần. Tôi rất lo cho những tháng cuối vụ khu vực này sẽ khan hiếm nước tưới cho cây trồng”.
Không riêng gì công trình Xơ Re, trên địa bàn huyện cũng còn có rất nhiều công trình khác không đáp ứng đủ nguồn nước sẽ là nguy cơ khiến cho trên 71 ha cà phê thiếu nước vào cuối vụ. Cùng với các địa phương trên, theo dự báo, một số huyện sẽ thiếu nước tưới cho diện tích cà phê vào cuối vụ như Tuy Đức: 61 ha, Đắk Glong: 223 ha, Gia Nghĩa: 440 ha…
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh thì các công trình thủy lợi của tỉnh chỉ đáp ứng tưới khoảng 20.000 ha cà phê, như vậy, còn hơn 56.000 ha cà phê còn lại người dân phải chủ động lấy nước tưới từ các giếng khoan, sông, suối… Thế nhưng, theo khảo sát của Đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước 704, có trụ sở tại Đắk Lắk thì trước đây, giếng khoan ở nhiều điểm thuộc khu vực Nam Tây Nguyên đạt công suất trên 600.000m³/ngày, nhưng nay chỉ còn khoảng 400.000m³/ngày.
So với năm 2006, mực nước ngầm trong khu vực đã sụt giảm khoảng 3 – 5m. Với độ sâu 40m, giếng khoan của nông dân trước đây có thể cung cấp đủ nước tưới 2-3ha cà phê, nhưng nay lượng nước không đủ tưới cho 1ha. Nguồn nước ngầm giảm sút chủ yếu do lượng mưa hàng năm ít dần, diện tích rừng ngày càng thu hẹp, nhà nông tưới tiêu lãng phí nước… Vì thế, việc làm thế nào để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây cà phê luôn là vấn đề lo lắng của nông dân và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh.
Những năm trước đây, người trồng cà phê ở các huyện mỗi năm thường tưới 4-5 lần trong một mùa khô, khối lượng nước cho mỗi lần lên tới 600-700 lít/gốc. Với cách làm này, lượng nước tưới gây lãng phí lên tới 300-400 lít/gốc. Theo quy trình tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê do Viện Khoa học, Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đưa ra và khuyến cáo nên áp dụng, đối với cà phê trồng mới, trong năm đầu chỉ cần tưới 120 lít nước/gốc/lần, chu kỳ tưới 20-22 ngày và 2 năm tiếp theo, nâng gấp đôi lượng nước tưới với chu kỳ 22-25 ngày. Đối với cà phê thời kỳ kinh doanh thì lượng nước tưới mới cần khoảng 500 lít/gốc/lần. Ông Trần Văn Thọ ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) cho biết: “Ngoài việc được tập huấn, hướng dẫn cách ủ gốc cà phê bằng xác bả thực vật, trồng cây che bóng thì thời gian qua, tôi còn được tiếp cận với kỹ thuật tưới phun sương thay cho tưới tràn để tiết kiệm nước. Việc áp dụng hình thức tưới phun sương đã mang lại hiệu quả rõ rệt”. Theo ông Thọ thì giếng khoan của gia đình ông, những năm trước, với diện tích trên 2 ha, ông tưới gần 2/3 thì hết nước, nhưng năm nay, nhờ áp dụng biện pháp tưới phun sương đã tiết kiệm được nguồn nước và tưới hết cả diện tích mà giếng vẫn không cạn. Theo tính toán của các nhà quản lý thì phương thức tưới tràn tiêu tốn từ 3.600 m3 đến 4.000 m3/ha/năm trong khi sử dụng giải pháp tưới phun sương lượng nước tiêu chỉ tốn khoảng 2.400 m3/ha/năm đối với cây cà phê. Đây sẽ là giải pháp mang lại nhiều ưu điểm trong việc bảo đảm nguồn nước cho cây trồng không chỉ ở những khu vực không chủ động được nguồn nước mà kể cả những vùng đang sử dụng nước tưới từ các công trình thủy lợi. Qua đó, người trồng cà phê và các đơn vị quản lý công trình thủy lợi hạn chế được lượng nước lãng phí hàng năm.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, nếu người trồng cà phê sử dụng nguồn nước tưới không hợp lý, hoang phí thì có thể xảy ra hạn cục bộ cuối vụ ở một số địa phương không chủ động được nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi.