Vào thời điểm giữa tháng 2 này, người dân trên địa bàn xã Đăk Wil (Chư Jút) đang hối hả bắt tay vào việc thu hoạch hồ tiêu. Điều đáng mừng là năm nay hồ tiêu tại địa phương không chỉ được mùa, mà giá cả cũng cao hơn hẳn mọi năm.
Vườn tiêu của gia đình ông Trần Công Thành ở thôn Hà Thông mang lại nguồn thu khá
Vụ tiêu năm nay, gia đình ông Trần Công Thành ở thôn Hà Thông có gần 3 sào cho thu hoạch, với trên 600 trụ tiêu, hiện đã thu hoạch gần xong số diện tích, với năng suất bình quân đạt 5,2 tạ/sào. Không những được mùa mà giá cả bán tiêu vụ này cũng đạt ở mức cao với mức 118.000/kg nên sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư gia đình ông còn thu về được gần 170 triệu đồng. Ông Thành chia sẻ: “Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên cây tiêu phát triển tốt và tỷ lệ đậu trái khá cao. Hơn nữa, so với mọi năm thì giá tiêu năm nay cũng cao hơn hẳn. Nếu năm nào tiêu cũng được “mùa vàng” như năm nay thì đây sẽ là loại cây trồng làm giàu cho người dân địa phương”. Cũng theo kinh nghiệm của ông Thành thì trồng tiêu rất đơn giản, chỉ nên sử dụng phân hữu cơ hoai mục để bón cho tiêu, hạn chế tối đa phân hóa học. Đồng thời, người trồng phải tiến hành phun thuốc đúng thời kỳ, không nên phun tràn lan, tiến hành làm cỏ sạch sẽ và cung cấp đủ lượng nước tưới là cây tiêu sẽ luôn xanh tốt, hạn chế được nhiều sâu bệnh và mang lại thu nhập cao.
Tương tự, hơn 7 sào tiêu của gia đình anh Triệu Kim Sinh ở thôn Thái Học cũng đã cho thu hoạch, với dự kiến sản lượng đạt khoảng 3,8 tấn tiêu nhân. Anh Sinh tâm sự: “Vừa được mùa, lại trúng giá nên năm nay gia đình tôi cũng thu được số tiền lớn từ vườn tiêu. Với công chăm sóc ít, lãi nhiều, tận dụng được công lao động nhàn rỗi trong sản xuất nông nghiệp nên rất phù hợp với điều kiện của những người nông dân như chúng tôi”. Còn đối với gia đình anh Nguyễn Hữu Dương ở Thôn Thái Học thì để vườn tiêu của gia đình đạt năng suất trên 5 tạ/sào như hiện nay, sau vụ thu hoạch của niên vụ trước, gia đình anh đã tiến hành bón đủ lượng phân chuồng và các loại phân NPK, đồng thời, chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh và thu hoạch theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, với 3 sào tiêu, mỗi năm gia đình anh thu hoạch được hơn 1,5 tấn tiêu.
Ông Bàn Dào Sơn, Trưởng thôn Thái Học cho biết: “Đến nay, trên toàn thôn Thái Học có gần 50 hộ trồng tiêu tập trung, bình quân mỗi hộ từ 500 đến 3.000 gốc tiêu. Để có cơ sở khuyến cáo và từng bước nhân rộng mô hình trồng tiêu này, ban tự quản thôn đã phối hợp với cán bộ huyện, xã tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả kinh tế của cây tiêu tại một số vườn trên địa bàn. Ngoài ra, nhờ được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, bà con đã biết áp dụng các chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ bón cho tiêu nên hạn chế được sâu bệnh, giảm chi phí về công lao động để mang lại năng suất và sản lượng cao, góp phần giúp bà con trang trải cuộc sống”.
Theo ông Đoàn Ngọc Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Wil thì qua việc trồng, chăm sóc thì cho thấy, cây tiêu là một loại cây trồng rất phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng nơi đây, vì thế luôn cho thu nhập cao. Hiện, toàn xã có hơn 300 ha tiêu, chủ yếu tập trung ở các thôn như Buôn Trum, Thái Học, Hà Thông, Trung Tâm. Với năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha, vụ tiêu này toàn xã sẽ thu được trên 1.500 tấn. Hàng năm, nhằm hỗ trợ cho các hộ dân có thêm kinh phí trồng, chăm sóc cũng như thay thế những giống cây trồng kém hiệu quả khác, xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho bà con vay vốn theo từng chương trình ưu đãi. Cùng với việc tạo điều kiện cho người dân được hỗ trợ về nguồn vốn, chính quyền địa phương còn phối hợp với Trạm khuyến nông và Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện tổ chức các lớp tập huấn về cách trồng, chăm sóc loại cây mới này cho người dân, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng những mô hình sản xuất tiêu năng suất và chất lượng.