Đồng Nai: Ca cao ngoại “hại” ca cao nội

Năm 2011, giá ca cao liên tục giảm và là năm có giá thấp nhất trong nhiều năm qua. Hiện tại, ca cao ở Đồng Nai đang vào mùa thu hoạch rộ, nhưng với giá thu mua thấp khiến nhiều chủ vườn tiếc nuối…

Vườn ca cao hơn 1 ngàn cây trồng xen trong vườn cây ăn trái của anh Nguyễn Thanh Phong (xã Hàng Gòn, TX. Long Khánh) đến nay đã được 4 mùa thu hoạch. Hiện mỗi tuần anh Phong thu được khoảng 4 tạ ca cao tươi. Nói về ca cao rớt giá, anh Phong cho biết, vụ thu hoạch này mỗi tháng gia đình anh thất thu trên dưới 2 triệu đồng. Giá ca cao hiện được các công ty mua từ 3.800 đồng – 4 ngàn đồng/kg trái tươi (40 ngàn đồng/kg hạt; 11kg trái tươi sẽ lấy được 1kg hạt khô), so với đầu năm 2011 thì thấp hơn khoảng 1 ngàn đồng/kg, còn tại thời kỳ đỉnh điểm năm 2010 thấp hơn gần 3 ngàn đồng/kg. Tương tự như anh Phong, chị Nguyễn Thị Thảo ở xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) cũng tỏ ra tiếc hùi hụi khi ca cao bị rớt giá liên tục. Vào vụ mùa, hơn một hécta ca cao trồng xen sầu riêng của chị mỗi tháng cho thu hoạch gần 1 tấn trái. Vụ ca cao 2010 – 2011, gia đình chị thu hoạch được 6 tấn trái, thu vào 30 triệu đồng. Đợt này, theo nhận định của chị Thảo thì năng suất đạt trên 6 tấn nhưng thu nhập lại thấp hơn vụ trước. Không chỉ vậy, việc đầu tư chăm sóc cho vườn ca cao cũng tốn kém hơn bởi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công đều tăng. Chẳng hạn năm 2010, vườn ca cao của chị Thảo chỉ phải bón cho mỗi gốc 1kg phân NPK. Đến năm 2011, vì cây lớn hơn nên lượng phân tăng lên 1,5 kg/gốc.

Theo những chủ vườn ca cao ở Long Khánh, Thống Nhất, loại cây trồng này được xem là khá dễ tính, việc chăm sóc không quá phức tạp. Đáng kể là ca cao chủ yếu được trồng xen trong các vườn cây lâu năm nên chi phí đầu tư thường thấp hơn nhiều so với một số cây trồng khác như cà phê, tiêu. Cũng chính nhờ vào lợi thế đó nên dù giá ca cao thấp như hiện nay, song nhà vườn chưa đến mức lỗ. Anh Nguyễn Văn Thức, chủ vườn ca cao ở xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) cho hay, nếu ca cao được chăm sóc tốt, thì sẽ cho năng suất từ 800kg – 1 tấn/hécta. Nếu bán với giá 4 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, người trồng vẫn còn lãi được 2/3.

Các nhà kinh doanh ca cao cho biết, có hai nguyên nhân khiến giá ca cao trong nước gần đây bị sụt giảm. Đó là ca cao ở châu Phi trúng mùa lớn. Cụ thể, Bờ Biển Ngà, nước đứng đầu thế giới về sản xuất ca cao vụ này năng suất vượt trội so với nhiều năm trước. Còn tại các quốc gia Tây Phi khác, sản lượng ca cao cũng tăng vọt. Một nguyên nhân nữa gây tác động đến giá ca cao là do tình hình nợ công ở châu Âu, làm ảnh hưởng đến việc chế biến và tiêu thụ sô-cô-la tại các quốc gia châu lục này. “Tính ra, trong năm 2011, giá ca cao đã giảm trên 30% so với thời điểm cuối năm 2010. Trong thời gian gần đây, giá ca cao biến động liên tục, có thời điểm mỗi ngày mỗi giá. Thực tế, giá ca cao trong nước phụ thuộc toàn bộ vào thị trường thế giới. Do đó, chúng tôi mua ca cao ở Đồng Nai, cũng trên cơ sở giá lên – xuống của thế giới…” – ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc (Long Khánh) nói.

Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 1,2 ngàn hécta cây ca cao được trồng xen trong các vườn cây lâu năm, trong đó có khoảng 400 hécta đã cho trái. Diện tích ca cao được tập trung trồng nhiều ở TX. Long Khánh và các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán. Vào mùa thu hoạch, ca cao ở Đồng Nai được Công ty TNHH Nguyên Lộc và Công ty Trọng Đức (Định Quán) thu mua sơ chế. Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh, cây ca cao thích hợp phát triển khi trồng xen trong các vườn điều, tán rừng gỗ lớn và cây công nghiệp. Đồng Nai có khoảng hơn 51 ngàn hécta điều và hàng chục ngàn hécta cây ăn trái và cây lâm nghiệp có thể trồng xen ca cao. Trên cơ sở quy hoạch cây nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đến năm 2015, diện tích ca cao toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 4,2 ngàn hécta, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 2,5 ngàn hécta…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng