Trong khi thị trường cà phê Arabica diễn ra trong sự yên ả thì thị trường Robusta có những biến động mạnh mẽ, phức tạp hiếm thấy.
Đầu tuần, thị trường cà phê thế giới biến động trái chiều do các yếu tố nền tảng chủ đạo chi phối. Giá cà phê Robusta tại thị trường London quay đầu giảm nhẹ sau phiên hồi phục rất mạnh cuối tuần trước. Kỳ hạn tháng 3 giảm 6 USD, xuống ở 1.831 USD/tấn và kỳ hạn tháng 5 cũng giảm 7 USD, xuống ở 1.857 USD/tấn. Nguyên nhân suy giảm là do nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường để nghe ngóng và chờ đợi xu hướng rõ ràng hơn.
Trái lại, giá cà phê Arabica tại thị trường New York quay đầu tăng vọt bởi lực mua rất mạnh sau thời gian suy giảm kéo dài. Kỳ hạn tháng 3 tăng 3,8 cent, tức tăng 1,77 %, lên 218,8 cent/lb và kỳ hạn tháng 5 tăng 3,95 cent, tức tăng 1,81%, lên 221,7 cent/lb.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên vẫn đứng ở mức 36.500-36.800 đồng/kg.
Giữa tuần, giá cà phê thế giới tiếp tục tăng trưởng theo hai xu hướng khác nhau rõ rệt.
Tại London, giá cà phê Robusta có chuỗi tăng trưởng liên tục, mạnh mẽ. Kỳ hạn tháng 3 tăng thêm 119 USD, tương đương 6,5 %, lên ở 1.950 USD/tấn và kỳ hạn tháng 5 cũng tăng thêm 73 USD, tương đương 3,93 %, lên ở 1.930 USD/tấn. Nguyên nhân tăng bởi nỗi lo khan hiếm nguồn cung khi nông dân của nước sản xuất Robusta số 1 vẫn tiếp tục cầm hàng để chờ mức giá thỏa đáng. Bên cạnh đó còn là những cảnh báo về nguồn hàng xuống tàu của các nước sản xuất chính có thể co hẹp cho đến khi Brazil thu hoạch vụ mới.
Tại New York, giá cà phê Arabica có thêm 2 phiên tăng nhẹ trước khi quay đầu giảm mạnh để xuống đứng ở mức thấp nhất tuần. Tổng cộng kỳ hạn giao tháng 3 mất 3,6 cent, tương đương mất 1,65%, xuống ở 215,2 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 cũng mất 4,15 cent, tương đương mất 1,87%, xuống ở 217,55 cent/lb. Nguyên nhân giá cà phê Arabica lún sâu được cho vì đồng USD tăng giá trước những nỗi lo về tình hình nợ công và sự bất ổn của các nền kinh tế lớn trong khu vực EU vẫn còn đó.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm 9/2, đóng cửa rạng sáng ngày thứ Sáu 10/2, thị trường London đã xảy ra hiện tượng đảo giá (giá tháng giao gần cao hơn giá tháng giao xa). Nguyên nhân chính là để tăng lực hút hàng ra thị trường nhưng nguyên nhân sâu xa được cho là để đầu cơ bán giao ngay, kiếm lời trên số hàng đã mua được với giá cao và mua lại hàng với giá thấp, và từ đó đầu cơ cũng dễ lèo lái thị trường hơn. Tuy nhiên, nông dân sản xuất không được lợi và các nhà xuất khẩu Việt Nam không còn bán theo giá tháng 3 mà tính theo giá tháng 5.
Cuối tuần, giá cà phê Robusta tại London tiếp tục tăng lực hút khi kỳ hạn giao tháng 3 tăng mạnh thêm 44 USD, chiếm 2,21%, lên 1.994 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao tháng 5 chỉ tăng nhẹ 4 USD, xấp xỉ tăng 0,21%, lên ở 1.934 USD/tấn. Đây cũng là mức giá cà phê Robusta cao nhất tuần này.
Giá cà phê Arabica tại New York chốt tuần bằng phiên biến động nhẹ. Kỳ hạn giao tháng 3 chỉ tăng 0,1 cent, lên 215,3 cent/lb, trong khi kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 0,15 cent để xuống còn 217,4 cent/lb.
Giá cà phê nhân xô trong nước tăng thêm 300 đồng, lên đứng ở 38.300-38.600 đồng/kg.
Giá cà phê xuất khẩu loại R2, 5% đen vỡ, có giá 1.900-1.910 USD/tấn, với trừ lùi 20-30 USD theo giá tháng 5 tại London. Tuy nhiên, tại một số cửa khẩu có giá kê khai cộng 15-30 USD.
Giá cà phê Robusta – London giao tháng 5 (Data giacaphe.com)
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta London giao tháng 3 tăng 163 USD, tương đương tăng 8,9%, mức tăng rất mạnh, trong khi giá giao tháng 5 chỉ tăng 77 USD, tức tăng 4,15%, mức tăng nhẹ hơn. Đây cũng là mức giá của London cách đây 2 tháng. Trái lại, giá cà phê Arabica New York tuần này dao động không đáng kể.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng được 1.800 đồng/kg. Mức tăng khiến nhiều nhà nông thở phào nhẹ nhõm và nghĩ ngay đến việc xuất một lượng hàng cần thiết để mua vật tư, phân bón cho mùa tưới bắt đầu.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tổ chức này đã hạ dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2011/12 (tháng 10/2011 – tháng 9/2012) xuống 130,9 triệu bao, từ mức 132,4 triệu bao đưa ra cách đây 1 tháng. ICO còn ước tính năm 2011 thế giới đã tiêu thụ 136,5 triệu bao, cao hơn 1,5 triệu bao so với năm 2010 và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2012 bởi nhu cầu mạnh từ các thị trường đang nổi và ở ngay các nước sản xuất, bất chấp kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Một số ý kiến còn tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng, các hãng kinh doanh, các nhà rang xay thế giới, nhất là khu vực châu Âu đang khẩn trương chuẩn bị loại “thức uống không thể thiếu được của tín đồ túc cầu giáo” khi mùa giải Euro 2012 sắp đến gần. Vì thế, chắc chắn trong ngắn hạn, giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng trưởng.
Theo báo cáo thống kê của ngành Hải Quan, xuất khẩu cà phê tháng 1/2012 đạt 112.182 tấn với giá trị kim ngạch 226,94 triệu USD, tuy giảm 27,9% về lượng và 30,2% về giá so với tháng liền kề nhưng giảm mạnh đến 47,8% về lượng và 45,1% về giá so với cùng kỳ năm 2011.
Anh Văn (giacaphe.com)
Không biết ở nơi khác như thế nào ? Riêng ở chổ tôi người dân mua trử với giá 39 đến 40 ngàn, hiện giờ giá thị trường 38 ngàn 1kg họ đòi mua của tôi 2 tấn với giá 39, theo các bác tôi nên bán ko nhờ tư vấn cho mình tý. Mình muốn bán để lấy tiền đầu tư…
Chỗ bác mua 39 là ở đâu vậy?
Giá này quá thấp so với giá thế giới, bạn kẹt tiền thì mới bán, còn không thì cứ nên để giá lên cao khoảng 47000 rồi bán. Nông dân trong nước đang bị các công ty thu mua ép giá quá dã man, thấp hơn giá thế giới đến gần 3 triệu đồng 1 tấn. Sớm muộn thì nhà nước sẽ can thiệp để bảo vệ nông dân thôi, giá sẽ bằng giá thế giới.
Có 2 cách để chào bán XK:
1. Dựa vào giá nông dân muốn bán, các DNXK cộng thêm các chi phí để chào giá XK
2. Dựa vào mức giá chào mua của khách ngoại, các DNXK trừ đi các chi phí để chào mua lại của bà con nông dân.
Trước tới nay, các DNXK thường làm theo cách 2 – là cách truyền thông bởi mua bán đều xuất phát từ nhu cầu của người mua (bán cái thị trường cần). Nay đã có nhiều thay đổi, do cà phê trở thành mặt hàng HOT, nông dân đã khá lên, các DNXK phối hợp cả 2 cách trên để chào giá XK.
Giá chào mua bán hàng ngày khá công khai, bởi được chào mua bán rộng rãi với hàng chục hàng trăm người tham gia, nội có ngoại có. Vậy làm sao có chuyện các DNXK đang ép giá, mua rẻ của bà con tới 3tr đồng/tấn? Giá mua bán căn theo giá London hàng ngày, không thể biết và tính đến các hợp đồng đã lấy trước đó (chưa chốt hoặc đã chốt giá) bởi các hợp đồng này có thể có lãi hoặc có thể cũng lỗ to so với giá của ngày hiện tại!
Nếu cho rằng các DNXK đang ép giá, sao bà con nông dân không lập Cty mà bán thẳng cho khách ngoại – bọn họ có mặt tại TP.HCM đó và rất nổi tiếng, không lẽ mọi người không biết?
Hoặc nông dân có thể bán thẳng cho các DN nước ngoài đã lập điểm thu mua tại Tây Nguyên như Amajaro, Louis, Neumann …..
Tôi nghĩ đây là sự hiểu lầm giữa nông dân và DNXK – cần phải làm rõ để cùng nhau đoàn kết thì mới có thêm sức mạnh đối trọng với lực lượng khách ngoại hùng hậu.
Tôi nghĩ, cách 2 như bạn nói là tiềm ẩn việc ép giá.
Nếu lệ thuộc vào giá chào mua của khách ngoại, hóa ra DNXK chỉ là công cụ cho họ giật dây hay sao?
Theo tôi, trước đây DN Việt thường bị thua thiệt trong thương thảo giá cả với khách ngoại. Nay DN cũng đã lớn mạnh hơn, nông dân cũng giàu có hơn, nên tương quan có khác đi. DN vừa tham khảo giá dân, vừa đàm phán khách ngoại để có được giá hợp lý hơn. Do vậy giá cà phê mới vững hơn các năm trước nhiều. Nếu bạn còn nhớ, năm 2009, khi giá sàn chỉ khoảng 1500$, trừ lùi lúc đó là -100, -105, hoặc -110 tùy hợp đồng. Bây giờ khi giá sàn 1900, mức trừ lùi cũng chỉ khoảng 30$. Giá trị cà phê Việt rõ ràng đã được nâng cao lên rất nhiều!
Điều này, ít nhiều cũng có sức của các DNXK – họ đã tìm mọi cách (trong giao dịch) để dần dần có thể chủ động hơn.
Vui lòng sử dụng tiếng Việt có đủ dấu !
Tôi được biết cà phê là một trong những mặt hàng mà các giới kinh doanh trên thế giới rất quan tâm chỉ sau dầu thô, vàng và tền tệ. Nhưng ở nước ta là nước xuất khẩu lớn nhất về cà phê Robusta thì chẳng ai quan tâm đến cả, kể cả chính phủ cũng chỉ quan tâm đến năm nay ngành cà phê mang về cho đất nước được bao nhiêu đôla mà thôi. Các doanh nghiệp được giao cho thu mua xuất khẩu ở dưới họ làm gì thì bộ Công Thương và chính phủ mình không biết. Thế mới chết người dân làm cà phê một nắng hai sương. Mục tiêu của giới đầu cơ là họ làm cho người trồng cà phê và các doanh nghiệp nước sở tại nghèo đi để họ dễ bề thao túng. Vì không có tiền thì hễ thu hoạch lên là phải bán đi như thế họ sẽ có hàng trong tay và dễ làm giá. Nhưng ở trong nước các công ty lại không nâng đỡ cho bà con, nếu nông dân họ bán ra đồng loạt liệu có được giá như hôm nay không? Vì vậy các doanh nghiệp thu mua cần phải suy nghĩ lại đi.
Tôi đề nghị nhà nước nên mở cửa cho các công ty và các tổ chức nước ngoài vào thị trường Việt Nam thu mua cà phê. Bởi vì thị trường có mở thì mới có sự cạnh tranh mua bán sòng phẳng. Từ đó nông dân được nhờ vì bán được giá tốt, nhà nước thu được nhiều thuế lên dân giầu nước mạnh. Hệ quả là các công ty trong nước buộc phải năng động theo vì vậy họ cũng mạnh lên.
Bạn nhầm rồi, nhà nước có cấm đâu. Còn khuyến khích nữa là khác.
Tất nhiên, bạn là nông dân nên nhà nước không thu thuế khi bạn mua bán. Nhưng với nhà kinh doanh thì phải kê khai nộp thuế. Để tránh thất thu thuế, nhà nước chỉ cho DNNN bán buôn chứ không được bán lẽ, nghĩa là phải mua qua các DNVN, có hóa đơn đỏ, nghĩa là có thuế. Còn như DNNN mở điểm thu mua, tự kê khai thuế, thì ai mà không khai ít lại. Hàng vạn tấn cà, ai mà kiểm tra được, nhất là mua bán lòng vòng, kê khai thua lỗ… thì bó tay! Từ đó mới có hiện tượng “chuyển giá”. Nhà nước không cho trực tiếp mua lẽ là vì vậy. Bạn thử đề xuất, có cách nào không?
Em thấy ý kiến mở cửa thị trường là hợp lí quá, ích nước lợi nhà và tăng thu ngân sách nhà nước. Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh công bằng. Tránh đầu cơ và rủi ro về giá. Dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh.
Các bác tưởng giá cà phê London là giá mua bán thật hả? Không có đâu, khoảng 5% thôi. Còn lại là hàng ảo, hàng giấy. Có mấy đêm liền ngồi nhìn màn hình nhấp nháy, em cũng đã phát hiện cách mà nhà đầu cơ khớp giá ở khoảng nào nếu họ muốn. Chỉ tiếc là giá nội địa mình không phải là tham khảo mà gần như 100% là phiên ra, bà con mình cũng mặc nhiên như thế nên thấy khác là la ó phản đối mà không coi giá London là giá ảo. Bây giờ họ làm xiếc sờ sờ ra đó, muốn lên muốn xuống, muốn vắt muốn đảo đều trong tay họ mà ta cứ muốn là giá thật mới chết. Có lần em nói hay mình dẹp quách, không chơi sàn này nữa, coi như nó không có trên đời, được không?
Giống như lúa gạo, mọi người công khai chi phí SX – cùng nhau lấy mức chi phí SX bình quân. Cộng thêm khoảng 40% là lợi nhuận. Dưới giá đó thì DNXK sẽ mua của dân với mức giá để nông dân có lãi 40%. Nếu có lãi trên 40% thì nông dân tự do mà bán hàng.
Nông dân và DNXK cùng VICOFA và các cơ quan quản lý khác, nên ngồi lại với nhau và cùng suy tính. Có như vậy, cà phê mới phát triển bền vững được.
Lúa gạo cũng có sàn đó chứ, nhưng người ta buôn bán đâu theo giá sàn?
Riêng cà phê làm theo trừ lùi nên sàn luôn gắn với cà phê. Tuy rằng mục đích chính của sàn là bảo hiểm giá, nhưng tại Việt Nam thì trở thành kênh đầu tư kiếm lời (như sàn vàng). Sàn vẫn là sàn, chỉ khác là cách sử dụng của mỗi người mà thôi!
Kênh đầu tư kiếm lời? Ý bạn là đánh bạc với sàn chứ gì.
Có lẽ do không mua được hàng theo nhu cầu nên hôm nay các công ty cho giá thêm 100 đồng/kg để tăng lực kéo hàng ra. Phải vậy không Y5 ?
Nhưng không kéo được đâu, thêm từng đó thì lực vẫn còn yếu lắm.
Gửi cafe con
Bạn nói thế hóa ra nhả nước ta kém quá. Thời toàn cầu hóa mà nói kiểu quản lí thời trung cổ!
Bạn thấy có nhà nước nào tồn tại mà không thu thuế không? Bạn có biết thời trung cổ người ta quản lý đất nước bằng gì không?
“Trái lại, giá cà phê Arabica tại thị trường New York quay đầu tăng vọt bởi lực mua rất mạnh sau thời gian suy giảm kéo dài. Kỳ hạn tháng 3 tăng 3,8 cent, tức tăng 1,77 %, lên 218,8 USD/lb và kỳ hạn tháng 5 tăng 3,95 cent, tức tăng 1,81%, lên 221,7 cent/lb.”
Em góp ý một chút về đoạn này, chắc Anh Văn không để ý nên viết nhầm. Mức giá kỳ hạn T3 tăng 3,8 Cent lên 218,8 Cent/lb chứ không phải 218,8 USD/lb
Cám ơn bạn đã góp ý. Chi tiết này chắc chắn là viết nhầm. Ban biên tập đã chỉnh sửa.
Các bạn biết ko nhà mình phải bán với tổn thất nặng nề.