Theo thông tin được công bố, công ty mẹ Tập đoàn Thái Hòa đã bị lỗ 120 tỷ trong năm 2011. Đây có thể coi là kết quả bất ngờ đối với các nhà đầu tư. Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Thái Hòa (THV) về số lỗ của công ty.
Thưa ông, THV đã có báo cáo KQKD năm 2011 với khoản lỗ lên tới 120 tỷ đồng. Xin ông cho biết nguyên nhân gây ra khoản lỗ lớn như vậy?
Công ty mẹ lỗ 120 tỷ cho năm 2011 mà nguyên nhân có liên quan tới một số khoản lỗ của công ty thành viên.
Phần lớn các cty hoạt động trong thời gian qua lỗ nhiều hơn lãi do chi phí tài chính cao bất thường (bình quân lãi suất hiện tại tăng 1,5 – 1,7 lần so với năm 2010). Chính chi phí tài chính quá cao nên tạo ra số lỗ lớn như vậy
Ngoài ra, do cơ cấu nguồn vốn của công ty có vấn đề, bị lệch nguồn. Năm qua công ty đã sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư sang dài hạn, trong khi khoản đầu tư dài hạn chưa cho ra tiền nên bị lỗ.
Để giải quyết cơ cấu lại trong lúc thắt chặt tài chính, và liệu doanh nghiệp có làm được không là câu hỏi khó. Tuy nhiên, THVvới vị thế một hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ lâu, từ hoạt động trồng trọt đến chế biến. Hiện chúng tôi đã có các nhà máy chế biến ở nhiều tỉnh, để đón đầu yêu cầu kinh doanh ngành hàng có điều kiện sắp được ban hành trong thời gian tới.
Nếu không có gì thay đổi thì nhiều khả năng từ tháng 10/2012, kinh doanh xuất khẩu cà phê sẽ là kinh doanh có điều kiện. Từ 158 doanh nghiệp hiện tại có thể chỉ còn dưới 30 doanh nghiệp đủ điều kiện. THV chắc chắn sẽ là 1 trong 30 doanh nghiệp đó.
Ông có chia sẻ kế hoạch phát triển trong thời gian tới, tuy nhiên trước mắt THV chắc chắn phải có những biện pháp để tái cấu trúc lại vấn đề tài chính của mình, đặc biệt là giải quyết cơ cấu nguồn vốn. Ông có thể chia sẻ gì về kế hoạch này?
Từ 2008 tới nay, Thái Hòa đầu tư vào trồng cà phê rất mạnh và chưa đem lại được dòng tiền dương. Các ngân hàng cho vay tiền đều nhìn thấy rằng, Thái Hòa đang sử dụng lệch nguồn, nên họ đã cùng chúng tôi đưa ra biện pháp cấu trúc lại vốn cho Thái Hòa. Chúng tôi đang có 3 hướng giải quyết
Thứ nhất thay vì THV vay vốn ngắn hạn đầu tư cho dài hạn, các ngân hàng đồng ý chuyển vốn vay ngắn hạn sang dài hạn cho Thái Hòa, để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Thái Hòa sẽ không cần bổ sung thêm tài sản thế chấp, vì khi cho vay là các ngân hàng đã kiểm soát tài sản này rồi.
Biện pháp thứ hai là một số ngân hàng sẽ mua trái phiếu chuyển đổi của THái Hòa, với điều kiện Thái Hòa có tài sản đảm bảo để Ngân hàng cầm cố tài sản đó. Lúc đó trái phiếu doanh nghiệp sẽ là khoản vay dài hạn. Chúng tôi dự định sẽ làm việc với Vietcombank, để chuyển đổi vay ngắn hạn sang trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo tài sản. Thái Hòa dự kiến sử dụng nhà máy tại Buôn Mê Thuột làm tài sản đảm bảo. Giá trị đầu tư vào nhà máy này là 135 tỷ đồng, có thể chuyển đổi sang tài sản trái phiếu doanh nghiệp tài sản đảm bảo khoảng 100 tỷ.
Thứ ba là bán dự án đã triển khai nhưng không phải là ưu tiên. Đây là biện pháp cuối cùng nhưng đem lại hiệu quả tức thì.
Vừa qua Thái Hoà đã bán thành công dự án tại Điện Biên, cho công ty thực thuộc quản lý của của ngân hàng Maritime bank, giúp giảm được nợ và tạo ra lợi nhuận tài chính rõ rệt. Dự án được Thái Hòa đầu tư 16 tỷ nhưng đã được bán với giá 47 tỷ đồng.
Dự án Điện Biên Thái Hòa đã trồng được 800 ha và được đánh giá là không có khả năng phát triển được nhiều do người dân đã hạn chế góp đất với công ty do nhận thấy trồng cà phê có lợi nhuận cao. Sau khi bán xong Điện Biên, THV chỉ còn 10% cổ phần dự án.Nếu có điều kiện, Thái Hòa sẽ tiếp tục bán dự án cho ngân hàng, để cơ cấu lại tài sản.
Dự kiến tới đây THV sẽ bán 1 dự án trong 3 dự án tại Lào. Cả 3 dự án bên Lào đã có 2 dự án có doanh thu, dự án cao su chưa có doanh thu. Trong 3 dự án, có dự án đã có nhà máy chế biến, có dự án trồng nhưng chưa có nhà máy. Tuy nhiên lần này THV chỉ bán 49%, và THV vẫn là cổ đông chi phối của dự án.
Sau bao lâu việc cơ cấu nợ của THV sẽ hoàn thành?
Chúng tôi đã bàn bạc từ giữa quý IV/2011 và hiện đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng. Hy vọng kết thúc quý I/2012 sẽ xong và THV có nguồn tiền để tiếp tục hoạt động và kinh doanh tạo ra lợi nhuận.
“Cơ cấu nguồn vốn của công ty bị lệch nguồn, sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn nên bị lỗ…”
Bộ máy tham mưu kinh doanh của quý vị ở đâu mà quý vị ra nông nổi này?
Cho đến khi: “Các ngân hàng cho vay tiền đều nhìn thấy rằng Thái Hòa đang sử dụng lệch nguồn, nên họ đã cùng chúng tôi đưa ra biện pháp cấu trúc lại vốn cho Thái Hòa.”
Bộ máy giúp việc kinh doanh cho tập đoàn của quý ngài không đủ khả năng để giúp việc rồi ! Liệu họ còn đủ năng lực để tham mưu tiếp tục cho tập đoàn nữa không?
Nên cẩn trọng trong việc lựa chọn bộ máy tham mưu kinh doanh cho mình, họ phải có đầy đủ năng lực thật sự, trước khi quá muộn!
“Nếu không có gì thay đổi thì nhiều khả năng từ tháng 10/2012, kinh doanh xuất khẩu cà phê sẽ là kinh doanh có điều kiện. Từ 158 doanh nghiệp hiện tại có thể chỉ còn dưới 30 doanh nghiệp đủ điều kiện. THV chắc chắn sẽ là 1 trong 30 doanh nghiệp đó.”
Xin hỏi căn cứ vào đâu mà chủ tịch THV phát biểu như thế? chẳng lẽ ông biết trước chính sách quản lý vĩ mô của nhà nước à? hay các nhà hoạch định vĩ mô chỉ là con rối của các ông ” kẹ”, thật đáng buồn và suy ngẫm!
Quá buồn cho THV. NH Hàng Hải thu nợ bằng cách chuyển nợ thành cổ phần sở hữu tại THV. THV thực tế không thu được 1 đồng nào. Vậy mà ông An dám tuyên bố lãi 30 tỷ.
Nhà máy THV Buôn Mê Thuột toàn bộ sử dụng vốn vay của Vietcombank để lắp máy, giờ Vietcombank không thu hồi được chuẩn bị phải gán nợ tiếp chứ có mỗi cái nhà máy trống không, 2 năm không hoạt động tí nào lấy đâu ra mà đầu tư 100 tỷ.
THV hiện trung bình phải trả lãi 1 tỷ/ngày cho các khoản nợ quá hạn, các nhà máy của THV đã 2 năm nay không còn hoạt động. Cán bộ CNV từ hàng trăm người giờ chỉ còn vài chục người. Nợ lương kéo dài.
Khi nào còn tồn tại những công ty như THV thì thị trường chứng khoán vẫn còn là cái chợ cóc.
Theo như ông An nói ở trên thì việc thu gom đầu mối xuất khẩu bằng cách đưa cà phê vào mặt hàng kinh doanh xuất khẩu có điều kiện sẽ được quyết vào khoảng tháng 10. Phen này không chóng thì chầy nông dân cà phê sẽ ra bả
Bây giờ cư dân YK5 mới biết THV của chủ tịch An (thường gọi An Thái Hòa) đang lâm vào thế bí thì đã là lúc sắp sửa đổ đến nơi rồi. Nhìn vào cơ cấu đầu tư và mục đích đầu tư của THV trải rộng và cung cách quản lý của THV thì chỉ trả lãi cho Ngân hàng đã đủ gục rồi. Nhưng các Ngân hàng cho THV vay sẽ phải đầu tư tiền chẵn, thu lại tiền lẻ; đầu tư cho vay ít và phải mua lại giá cao trong khi Tài sản không phát huy hiệu quả; rồi phải bán đi giá thấp (bài toán của THV cả mà) không ai bị sao cả vẫn thu hồi vốn vay nhưng ngân hàng lỗ, An THV giải quyết trả nợ…
Tôi có một vụ việc thật 100% bà con tham khảo: Một DN, cơ sở thu mua cà phê sau khi vay vốn, ứng tiền chốt hàng (những năm 1996 -98) ở Hòa Đông – BMT, cơ sở chỉ có 01 nhà, thế chấp sổ đỏ đàng hoàng, sau một thời gian tuyên bố lỗ, thế là DN cho vay phải nhanh chóng mua lại tài sản với giá cao bàng đúng số tiền cho ứng (đắt gấp 3 lần); Hiện giờ nhiều DN Kinh doanh cà phê đang tìm cách này… chưa kể việc nâng giá trị Tài sản công ty cà phê An Giang để CPH đến giờ giá trị CP <10.000 đồng;
Các Ngân hàng sẽ bị cuốn vào vòng xoáy lỗ của các DN kinh doanh cà phê thôi: Như Vinacaphe BMT hiện mất cân đối nợ Ngân hàng; An THV và nhiều DN khác sẽ phải ra đi…
Chào bà con YK5 nhé;
Cái bong bóng này sắp nỗ tung rồi. Tưởng đưa lên sàn sẽ kiếm được một mớ tiền của khách ngoại lẫn khách nội đầu tư nhưng lại quên rằng bộc lộ lối làm ăn kém cỏi thì sớm muộn sẽ bị mất cả chì lẫn chài vào túi thiên hạ cho mà coi các bác ạ.
Đó bài toán là gán nợ chứ bán gì. Mà đôi khi là siết nợ cũng nên.
Giữ nguyên chủ sử dụng hoặc chuyển sang chủ sở hữu khác, hoặc xé nhỏ chia thành nhiều chủ sở hữu để dễ thu nợ hơn là để cho ông TH
Đầu tư trồng cà phê arabica bên Lào bỏ của chạy lấy người rồi.
Quản lý thì yếu kém, tham mưu thì CÔCC chẳng biết gì, công nhân thì phá và làm ẩu, không thua lỗ mới lạ đó ông An ạ.
Nói thật, các Ngân hàng mà không nhanh tay ép ông An gán nợ đi để thay chủ mới, cứ để các nhà máy im lìm không hoạt động gì thì sau này chỉ thu được đống sắt vụn thôi.
Hiện nay tại Lâm Hà Lâm Đồng hầu như các công ty nội địa đều đang “thoi thóp” như Hoàng Đạo, Thái Hoà, Hưng Yên… việc thu mua cà phê chỉ còn các cty ngoại như Armajaro, Louis, Olam, các khu vực khác chắc cũng vậy? Các công ty nội địa “thoi thóp” thì các cty ngoại tha hồ mà ép giá. Như giá cà phê ngày hôm 10/02/12 là 1.950 USD/tấn, trừ lùi 30, tỷ giá 20.860 thì đúng ra giá phải 40.000 đ/kg rồi chứ, tại sao mà họ vẫn mua thấp vậy?
Khi mà thị trường chỉ còn vài ông Tây mua hàng thì nông dân mình ra bã thật. Nhưng trong trường hợp này bác nói ép thì có vẻ hơi quá. Vì giá 1920 (1950 trừ lùi 30) tương đương 40.051.200 đ/tấn là giá FOB HCM mà bác. Nếu mấy ông đó mua giá như bác nói thì chi phí xuất khẩu, vận chuyển, rồi phí hiệp hội v.v… họ lấy đâu ra trong khi kinh doanh là phải có lãi.
Bác cứ xem bản tin thị trường ngày 10/02/12 thì rõ, “Cà phê R2, 5% đen vỡ đang được các nhà đầu tư quốc tế thu mua với giá cộng 70 USD/tấn so với giá LD tháng 3”, mà cà phê năm nay tỷ lệ thu hồi rất cao, >47% là cà đạt trên sàng 16, với số lượng này thì dư sức bù đắp chi phí vận chuyển, chế biến, xuất khẩu …
Đối với THV của bác An, thấy có mấy vấn đề sau :
Bác An là người tâm huyết, có vẻ ngoài phúc hậu, có tầm nhìn. Tuy nhiên có mấy điểm sau :
– Đối với sử dụng con người : Có rất nhiều bất cập về việc dùng người, bác mạnh dạn tuyển người chấp nhận lương cao nhưng ít khi hiểu rằng những người hiện tại nếu biết cân nhắc, giao nhiệm vụ thì họ vẫn hoàn thành được, vì họ đã nắm và hiểu được rõ tình hình, bác có xu hướng chuộng người mới, và kết quả là một loạt vị trí tuyển vào lương cao nhưng chẳng giải quyết gì, đến rồi đi lần lượt, mất công tuyển, mất nhiều tiền, tạo dị nghị ko tốt trong CBCNV khác (các vị trí gđ ở Lâm Đồng, gđ Tài chính… Một Cty có hơn 10 Cty thành viên, nhưng Ban TGĐ chỉ có 1 mình bác An, Phó Tổng là vợ lại là phụ nữ, như vậy là ko được. Khi cần tư vấn, cần giao trách nhiệm bao quát toàn bộ hệ thống thì ko có người, nên cả hệ thống chỉ có 1 mình bác quán xuyến, việc nhỏ li ti cũng đến tay, nên chỉ đạo chiến lược, quản lý cấp cao ko có…, các Giám đốc Cty thành viên, ko có ai đồng thời là Phó Tổng cả, nên các Cty thiếu liên kết, mạnh ai nấy chạy, ai cũng chỉ lo cho túi tiền lương của mình, và hậu quả thì một mình bác An chịu. Bộ máy nhân sự cũng chỉ làm mấy việc vặt vãnh như quản lý phô tô, công việc xe cộ đi lại mà chưa có tiếng nói độc lập tư vấn nhân sự phục vụ cho chiến lược lâu dài, nhân sự chắp vá, lấy chỗ này đập chỗ kia…
– Đối với kinh doanh : Hoạt động KD lâm vào như hiện tại là do mấy lý do sau :
Mở rộng quá nhanh các hoạt động, các Cty thành viên thành lập quá nhiều mà ko có độc lập về tài chính, về thị trường. Tiềm lực tài chính của tập đoàn rất yếu, vốn thực tế góp vào rất ít (cái này bác An biết rõ), lợi nhuận có được từ trước 2008 cũng rất ít, trong khi từ 2008, 2009, 2010 thực tế hoạt động lỗ, thậm chí hết vốn chủ sở hữu , có khoản lợi nhuận từ phát hành nhưng vẫn mất cân đối nặng. Đặc biệt lỗ tại Cty thành viên, các dự án đầu tư dài hạn nhưng ko có nguồn vốn dài hạn mà chỉ lấy vốn ngắn hạn đập vào, nên mất cân đối lớn giữa các nguồn, áp lực tài chính rất nặng nề, và thường xuyên gần như ko có 1 ngày nào trong mấy năm qua ko có bị áp lực về tài chính. Bác chỉ ký các báo cáo tài chính kiểm toán nhưng ko có báo cáo quản trị, ko có báo cáo hợp nhất quản trị tình hình hoạt động toàn hệ thống nên ko biết thực chất hoạt dộng đang như thế nào, khó khăn đến đâu để điều chỉnh và quản trị.
– Hướng giải quyết : áp lực trên cuối cùng được chuyển sang các nhà tài trợ, các ngân hàng, và ngân hàng đã nhận chuyển dự án, tài sản để cơ cấu là bước đi không thể nào khác, lẽ ra phải xẩy ra các tình huống xấu hơn, nhưng thực tế Cty như vậy là do quản trị, do chiến lược, do thị trường chung… và lãnh đạo cũng có trách nhiệm và cùng tâm huyết giải quyết nên tình hình chưa xấu. Cty vẫn còn thương hiệu và các đối tác xuất khẩu uy tín. Tuy nhiên để vực dậy và phát triển lại cả một hệ thống thì cần nhóm họp hệ thống các ngân hàng, các nhà tài trợ và lãnh đạo, để tìm hướng giải quyết.
Sức đến dâu làm đến đấy (mộng ở trên trời mà, trên đó là tâm của lò phản ứng hật nhân đó), chỉ dựa vào ngân hàng như các ông lỗ là phải rồi, tham thì thâm đó. Làm lãnh đạo mà đề làm ăn thua lỗ, để tập đoàn của mình khó khăn kiểu này thì nên nghỉ thôi
Bạn Hòa nói lãnh đạo nên nghỉ, nhưng nghỉ rồi thì ai thay? Có thánh đứng vào đó cũng khó giải quyết, nên chỉ có bác An là người khả dĩ nhất phải ngồi lại đó xem có gỡ rối được tinh hình hay ko thôi. Cái khó là lực bất tòng tâm, Cty mẹ còn bê bết, còn thiếu hụt tài chính, l việc ko bằng các đơn vị thành viên thì thành ra không nói được, ko quyết định được vấn đề gì cả.
Nghĩ là nghĩ làm sao bác? Công ty của anh ấy lập ra, tiền anh ấy kí giấy vay. Ai cho người khác thay chứ? Có ai dám vào đó thay và liệu có ai cho thay không?
Nhưng nông dân mình cũng chẳng phải lo, “trăm người bán, vạn người mua”, các ông bà nói từ lâu rồi, mình cứ thấy chỗ nào còn mạnh khỏe thì mình hợp tác, có hiện tượng thì tránh ra xa, đâu ảnh hưởng gì đến mình.
Ông An nói toát lên ý tập đoàn ông lấy dự án vay dự án. Nên mở nhiều cơ sở, công ty để vay mới đắp cũ. Ông là TGD tốt vì dám nói sự thật đó.
Cấp tham mưu và lãnh đạo, ai dám vào thay cho người trong dòng họ TGD được. Mà tiền là của ông đi vay, ông chịu trách nhiệm cơ mà. Vấn đề là nếu người trong dòng họ ông rút ruột tiền dự án, thì thật là đau lòng.
Vì không chỉ chính ông lỗ, mà nếu sập tiệm, thì ngân hàng gánh chịu. Ngân hàng chịu, thì trời chịu. Trời là dân. Vậy dân nộp thuế chịu. Nước mình làm ăn theo kiểu này dễ quá ha?
Mọi người sao cứ xúm lại chỉ trích, khi một người nào đó khi họ gặp khó khăn như vậy? Mình đồng ý là THV có một số điều sai trong chiến lược kinh doanh. Nhưng thử hỏi các bạn, ai dám đứng ra vỗ ngực xưng tên: “tôi là người kinh doanh giỏi, mọi điều tôi làm sẽ thành công”. Tại sao khi một công ty gặp khó khăn các bạn không đưa được ra lời động viên, góp ý giúp họ có được niềm tin vượt qua khó khăn thử thách, đằng này các bạn lại nói họ thế này, thế kia. Đúng! doanh nghiệp Việt Nam mình còn thiếu vốn, kinh nghiệm quản lý, nhưng là điều dễ hiểu, bởi vì đất nước chúng ta phát triển được bao nhiêu năm. THV là một trong những công ty Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu và chế biến cafe của nước ta, nhờ có họ nên ngành cafe của Việt Nam mới có tiếng nói. Thử hỏi nếu nước ta chỉ còn các doanh nghiệp cafe của ngoài, thì giá trị hạt cafe của VN có được mọi người biết đến không? Rồi ngành cafe VN sẽ đi về đâu?