Doanh nghiệp sản xuất được trợ giá với mong muốn “hỗ trợ nông dân”. Thế nhưng, điều đáng nói là giá bán sản phẩm đến tay nông dân lại luôn ngang bằng với giá nhập khẩu (NK). Việc được trợ giá, nhưng lại “ăn hết” khoản trợ giá chính là lợi ích cục bộ mà DN sản xuất và khâu trung gian hưởng lợi.
Trục lợi từ chính sách
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón VN Nguyễn Đình Hạc Thúy cảnh báo, những cơn sốt nóng lạnh của thị trường thời gian qua có nguyên nhân không nhỏ từ chính sách bất ổn. Ông nói: “Việc bao cấp giá nguyên liệu (giá khí, giá than) cho các Doanh nghiệp kinh doanh phân bón trong nước, trong khi một số thời điểm chính sách thuế suất cũng ưu đãi ở mức cao cho các DN này đã làm méo mó hệ thống giá cả, từ nguyên liệu đầu vào đến giá bán đầu ra của sản phẩm phân bón, dẫn đến thị trường có lúc khan hiếm cục bộ.
Ví như, có thời điểm, DN trong nước bán thấp hơn giá thị trường từ 10-15%, nhưng lại chỉ đáp ứng tối đa 40% nhu cầu, khiến các DN NK không thể nhập phân bón về đáp ứng nhu cầu còn lại, vì càng nhập càng lỗ”.
Nhưng bất cập hơn thế là theo ông Thúy, mặc dù được bao cấp giá khí chỉ bằng 50% giá thị trường, nhưng giá phân bón đến tay nông dân vẫn ở mức khá cao do phân bón bị đội lên qua nhiều tầng nấc trung gian. Rút cục, chính sách trợ giá cho nông dân lại không đến được với người nông dân, thay vào đó DN và khâu trung gian hưởng lợi, người nông dân không được gì.
Từ 1.1.2012, theo lộ trình tăng giá nguyên liệu khí bán cho đạm, giá khí Nam Côn Sơn cung cấp cho Nhà máy đạm Phú Mỹ đã tăng từ 4,59USD/triệu BTU lên 6,43USD/triệu BTU, giá khí lô B – Tây Nam khoảng 7,5USD/triệu BTU. Tuy nhiên, giá bán này vẫn chưa đạt bằng giá thành. Tương tự, giá than làm nguyên liệu cho sản xuất phân lân, phân đạm cũng vẫn tiếp tục được trợ giá. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nếu tính đủ giá than bán cho sản xuất phân bón theo nguyên tắc thấp hơn giá XK tối đa 10%, thì giá than cục bán cho sản xuất phân lân phải tăng tới 82% và than cục cho sản xuất phân đạm phải tăng 54% so với giá hiện hành.
Với giá được bao cấp này, chênh lệch giữa giá vốn phân đạm NK và giá vốn phân đạm sản xuất trong nước từ nguồn nguyên liệu khí (chưa có thuế VAT) lên tới gần 4.000đ/kg (trước thời điểm 1.1.2012 chênh lệch tới 6.000đ/kg – thấp hơn giá vốn NK là 57,7%). Trong khi đó, mức trợ giá cho sản xuất đạm dùng than là 7.860đ/kg, thấp hơn giá NK là 23,5%. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về mức điều tiết phân chênh lệch này, nên lợi nhuận vẫn do DN hưởng.
Cần tạo cơ chế cạnh tranh
Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy cho biết: Trong tháng 2, thị trường phân bón sẽ có thêm Nhà máy đạm Cà Mau mới đi vào vận hành, công suất sẽ tăng tối đa lên 800.000 tấn/năm; tháng 3, Nhà máy đạm Ninh Bình dùng nguyên liệu từ than cũng đi vào hoạt động, nâng tổng công suất thiết kế toàn thị trường lên khoảng 2,36 triệu tấn phân urê.
Lần đầu tiên kể từ năm nay, VN sẽ chủ động được hoàn toàn nhu cầu phân đạm (tổng lượng cầu chỉ khoảng 2 triệu tấn/năm).
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng, theo ông vẫn là chính sách giá đối với nguyên liệu là khí, than cho sản xuất đạm, từ đó, quyết định giá phân đạm đến tay nông dân. Mới đây, chính Hiệp hội Phân bón đã có văn bản gửi đến các bộ Tài chính, Công Thương để kiến nghị Chính phủ về việc điều chỉnh giá nguyên liệu cho sản xuất đạm trong nước, đồng thời có chính sách thuế NK hợp lý để sản xuất phân đạm không bị “chảy máu”.
Lý do là nếu DN sản xuất cứ hưởng lợi từ trợ giá, họ có thể XK ra bên ngoài, dẫn đến thiếu hụt cục bộ nhu cầu trong nước. Ông Thúy cho biết: Nếu nghĩ rằng sản xuất trong nước đã làm chủ được thị trường thì có thể độc quyền về giá là hoàn toàn sai lầm. Vấn đề đặt ra là phải tạo được sự cạnh tranh bình đẳng để các DN không tranh nhau XK, hoặc đẩy giá lên. Muốn vậy, bên cạnh việc các DN sản xuất trong nước phải cạnh tranh với nhau thì khâu phân phối cũng phải tạo ra thị trường bằng cách xã hội hóa, chứ không chỉ anh sản xuất bao tiêu từ khâu đầu đến khâu cuối.