Niên vụ cà phê 2012 tại Gia Lai: Nỗi lo thiếu kinh phí tái đầu tư

Mùa tưới cà phê năm nay nông dân không lo chống hạn như năm trước vì đảm bảo lượng nước tại các sông, suối, ao, hồ, lượng xăng, dầu cung ứng nhu cầu bơm tưới không khan hiếm. Nhưng giá cà phê xuống thấp, nông dân trữ hàng chờ giá lên nên gặp nhiều khó khăn khi tái đầu tư cho vườn cây.

Tưới cà phê ở Gia Lai
Các vùng trồng cà phê đang vào đợt tưới cao điểm

Hiện tại đang là cao điểm tưới cà phê đợt I. Dọc đường đến xã Ia Sao (huyện Ia Grai) những ngày sau Tết, một màu trắng tinh khôi của hoa cà phê. Nhiều nông dân tất bật kéo ống tưới cà phê với những cảm xúc khác nhau: Mừng do được mùa, không lo thiếu nước, người lại chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền để có kinh phí tái đầu tư cho vườn cây.

Cà phê rớt giá nên hầu hết nông dân đều trữ hàng chờ giá lên. Chỉ số ít kinh tế khá giả tích góp từ những năm trước thì sử dụng đồng vốn này để tái đầu tư cho niên vụ sau.

Giá cà phê sụt giảm làm cho những hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ gặp rất nhiều khó khăn trong vụ tưới năm nay. Một nông dân cho hay: Không bán được cà phê nên tôi đành phải đi “vay nóng” để mua phân bón, xăng dầu tưới cà phê được ngày nào hay ngày đó, đợi giá lên bán trả sau.

Cà phê sau khi kết thúc vụ thu hoạch cần phải bón phân kết hợp tỉa cành tạo tán và sửa bồn. Do đầu tư lớn, mà không có tiền, một số hộ đành đợi đến mùa mưa mới bón phân. Ông Rơ Châm Lor, ở làng Neng, xã Ia Sao cho biết: “Với 1,6 ha cà phê, vụ vừa qua tôi thu hoạch gần 5 tấn cà phê khô, nhưng đến nay vẫn không bán được do giá cà phê quá thấp. Cứ mỗi đợt tưới tốn trên 2 triệu đồng tiền dầu. Để có tiền mua dầu, tôi đành cắt giá với đại lý là 21.000 đồng/kg để lấy 2 triệu đồng tưới nước đợt này”. Dẫu biết, sau này giá cà phê tăng trở lại thiệt thòi vẫn thuộc về mình nhưng thiếu tiền nên nông dân đành chấp nhận. Trước mắt chỉ lo tiền tưới nước vườn cây còn việc bón phân, phun thuốc phải đợi đến mùa mưa. Việc không tái đầu tư đồng nghĩa năng suất cà phê niên vụ tiếp theo sẽ giảm và vườn cây mau bị già cỗi.

Qua tìm hiểu được biết, hầu hết các nông hộ trồng cà phê phải nhờ vào sự “tiếp sức” bằng hình thức ứng trước của các đại lý cà phê để có tiền tái đầu tư. Đến vụ thu hoạch, thanh toán các khoản nợ nần họ lại ứng tiếp để đầu tư mới, nhất là các hộ có quy mô sản xuất nhỏ lẻ thì “vòng quay” này không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Trong khi đó, hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ với quy mô dưới 1 ha chiếm tỷ lệ lớn. Do đó, tích lũy vốn để tái đầu tư cây cà phê là một vấn đề không đơn giản.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nam cu te

    găm làm chi khi tiền không dính túi? Tôi thì cần đến đâu bán đến đó. vay ngân hàng mà chờ giá thêm lo à?Tính được đã chẳng ngồi đây.

  2. HUYNH Y

    Hiện nay găm hàng là tốt nhưng găm hàng sao cho đúng chứ vay ngân hàng để găm hàng thì ti lệ rủi ro cao đấy các bạn à.

Tin đã đăng