Đắk G’long là một trong những huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số người Mạ. Đời sống bà con nơi đây thời gian qua đã không ngừng được cải thiện. Chính việc mạnh dạn thâm canh trồng cây cà phê thay cho cây sắn, ngô, lúa… đã giúp bà con từng bước làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Ông K’Sớ ở buôn B’Dơng, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long, là một trong những hộ rất thành công với mô hình thâm canh cây cà phê, kết hợp với chăn nuôi để vươn lên làm giàu. Sau khi học hỏi, đúc kết kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cà phê từ Hội Nông dân, lớp tập huấn về nông nghiệp, người dân trồng cà phê ở Di Linh… ông đã tiến hành thâm canh, đầu tư 2,4ha cà phê trồng từ năm 1997. Đến năm 2011, ông đã thu trên 12 tấn cà phê nhân, doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Ông K’Sớ tâm sự: “Sau 14 năm trồng cà phê, tôi nhận thấy làm trên diện tích nhỏ, thâm canh thì ít tốn chi phí, lại đạt năng suất cao. Kinh nghiệm đó tôi đã học hỏi từ anh em trồng cà phê huyện Di Linh (Lâm Đồng), với những phương pháp thâm canh trên diện tích nhỏ, cách chăm sóc, tỉa cành, bón phân, tưới nước… đúng cách. Sau 3 năm gia đình tôi đầu tư cho cà phê, đã đạt năng suất cao so với các hộ khác trong vùng này”. Ngoài những kinh nghiệm học hỏi được từ thực tiễn bạn bè những người đã làm cà phê, ông còn tham gia các khóa tập huấn từ cán bộ hội nông dân xã, thôn, tiếp thu những kiến thức đó rồi áp dụng thực tế trong trồng cây cà phê.
Chia sẻ về thành quả đạt được, ông K’Sớ cho biết thêm: “Ngoài thâm canh cà phê, gia đình tôi đã tự nuôi thêm bò để cung cấp nguồn phân xanh. Trong 2 năm nay, lượng phân chuồng đã góp rất lớn vào năng suất cà phê, giúp cà phê xanh tốt, quả to, chống hạn tốt… Trong năm nay, gia đình tôi cũng sẽ tiến hành loại bỏ diện tích cà phê xấu, già cỗi, năng suất kém… áp dụng kỹ thuật mới, trồng cà phê hiện tại ghép với gốc cà phê mít để tăng năng suất, chất lượng hơn giống cà phê đang trồng hiện nay”.
Ông K’Siêng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê cho biết: “Gia đình ông K’Sớ là một điển hình làm kinh tế giỏi, chỉ trên diện tích 2,4 ha, trong 2 năm từ 2010 đến 2011, sản lượng tăng từ 10 tấn lên 12 tấn. Hiện nay ông đã được bà con biết đến như một hộ đi đầu làm kinh tế tiến bộ để học hỏi cách thâm canh chăm sóc cây cà phê, tỉa cành, bón phân, tưới nước… cải thiện năng suất cây trồng. Tại xã Quảng Khê, ngoài hộ gia đình ông K’Sớ còn có hộ ông K’Đê Lô thu 7 tấn cà phê nhân/2,7 ha, gia đình ông K’Bô thu 7 tấn cà phê/3ha… Nhiều gia đình từng bước thoát nghèo từ mô hình thâm canh cây cà phê, không còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy tràn lan nữa”.
Có không đây? Ở Bình Phước cà phê đang điêu đứng. Rất nhiều vườn cà phê đang bị chuyển dần sang cao su. Cà phê đang trong thời kì đấu tranh sống còn.