Giá cà phê thế giới có thêm một tuần lễ tăng trưởng khá ấn tượng, trái chiều với tuần trước, trong đó phần tăng mạnh mẽ thuộc về giá cà phê Robusta tại thị trường London.
Đầu tuần, giá cà phê thế giới tăng trưởng trên cả 2 thị trường, nhất là London đã rơi xuống vùng giá thấp kể từ tuần 3 tháng 9/2010 sau khi chốt tuần trước.
Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3 tăng 43 USD, chiếm 2,44 %, lên mức 1.763 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 5 tăng 38 USD, chiếm 2,12 %, lên mức 1.790 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1 tăng 37 USD, chiếm 2,13%, lên mức 1.763 USD/tấn, mức tăng khá mạnh. Trong khi giá cà phê Arabica các kỳ hạn đều tăng xấp xỉ 0,1 cent. Kỳ hạn giao tháng 3 lên đứng ở 221,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 lên đứng ở 224,65 cent/lb, mức tăng rất nhẹ.
Bên cạnh hoạt động gom hàng của các quỹ hàng hóa ở vùng giá thấp nhất 14 tháng còn có những thông tin cơ bản hỗ trợ như: Đồng Euro mạnh lên sau cuộc họp đẩy nhanh biện pháp ngăn chặn khủng hoảng nợ lây lan của các nhà lãnh đạo châu Âu ; Dow Jones bình luận về thị trường đang đối mặt với tương lai khá u ám ; Bloomberg đưa tin Colombia đang hứa hẹn một vụ mùa bội thu nhờ thời tiết thuận lợi sau ba năm sụt giảm năng suất ; Reuters cho rằng các thương nhân châu Âu rất khó mua hàng thực vì nông dân các nước sản xuất tiếp tục giữ hàng khi giá rơi xuống thấp…
Giá cà phê nhân xô trong nước tăng 600 đồng lên mức 36.500-36.700 đồng/kg, thoát khỏi mức giá thấp kể từ ngày 6/8 đến nay. Giá tăng cũng giúp nhà nông trút bỏ được gánh nặng đeo bám trong mấy ngày nghỉ cuối tuần vừa qua, còn giúp họ củng cố niềm tin cầm giữ hàng.
Tin từ một số Chi cục Hải Quan cho biết, có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê khai báo giá xuất khẩu không chỉ có giá London trừ mà còn có giá London cộng từ 10-50 USD/tấn.
Giữa tuần, thị trường cà phê thế giới có chuỗi tăng trưởng rất ấn tượng. Tổng cộng với 4 phiên tăng điểm, giá cà phê Robusta tại thị trường London, kỳ hạn giao tháng 3 tăng 165 USD, chiếm 9,59 %, lên mức 1.885 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 5 tăng 156 USD, chiếm 8,9 %, lên mức 1.908 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1 cũng tăng 161 USD, chiếm 9,45 %, lên mức 1.865 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica tại thị trường New York cũng có 4 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó có phiên ngày 12/1 tăng rất mạnh. Tổng cộng, kỳ hạn giao tháng 3 tăng 12,25 cent, tức tăng 5,52 %, lên ở 234 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 12,05 cent, tức tăng 5,37 %, lên ở 236,6 cent/lb.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên cũng tăng lên đứng ở mức 37.500-37.700 đồng/kg. Đã có một lượng hàng nhất định được tung ra thị trường trong nhu cầu chi tiêu của ngày Tết Nguyên Đán càng cận kề.
Cuối tuần, giá cà phê thế giới có phiên điều chỉnh giảm thường thấy sau đợt tăng trưởng nóng. Tại London, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3 giảm 53 USD, chiếm 2,89 %, xuống ở 1.832 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 47 USD, chiếm 2,53 %, xuống còn 1.861 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 1 tuy chỉ còn giao dịch trực tiếp tại sàn nhưng cũng giảm 48 USD, chiếm 2,64 %, xuống còn 1.817 USD/tấn.
Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 3 giảm 9,25 cent, tức giảm 4,12 %, xuống ở 224,75 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 9 cent, tức giảm 3,95 %, xuống còn 227,6 cent/lb, mức giảm rất mạnh, hiếm thấy.
Giá cà phê nhân xô trong nước giảm về mức 36.700-37.100 đồng/kg. Giá xuống khiến nhà nông lại đắn đo hơn khi bán hàng ra.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ 1.805 USD/tấn, FOB, với trừ lùi 30 USD theo giá tháng 3 của London.
Giá Robusta – London giao tháng 3 (Data giacaphe.com)
Tính chung cho cả tuần, giá cà phê Robusta tăng 109-113 USD/tấn, tương đương tăng 6,5 %, cho tất cả các kỳ hạn. Giá cà phê Arabica các kỳ hạn cũng tăng xấp xỉ 3 cent, tương đương tăng 1,4%, mức tăng nhẹ hơn.
Giá cà phê nhân xô trong nước tại Tây nguyên tăng 1.000 đồng/kg, lấy lại hy vọng giá còn tăng cao cho nhà nông trong bối cảnh vật giá ngày càng đắt đỏ.
Theo Financial Times (Thời báo Tài chính của Anh), với tốc độ lạm phát 18% trong năm 2011, Việt Nam là nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất tại châu Á. Tuy nhiên, theo báo này, Chính phủ Việt Nam dường như lại đang chuyển sang ưu tiên tăng trưởng thay vì chống lạm phát. “Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu giữ lạm phát dưới 9% trong năm nay”, bài báo còn cho biết.
Hãng Reuters vừa đưa tin, giá cà phê Robusta của Việt Nam, loại 2, 5% đen vỡ bán cho các hợp đồng giao tháng 2 còn cộng 70 USD/tấn so với kỳ hạn tháng 3 tại London, từ mức cộng 90 USD/tấn trong tuần trước. Tuy nhiên, mức giá này vẫn còn gây khó khăn cho các thương nhân châu Âu cần gom hàng thực cho nhu cầu của các nhà rang xay.
Anh Văn (giacaphe.com)
Tỷ lệ lạm phát cao như vậy thì giá cả vật tư tăng theo lên cao, làm sao mà bà con nông dân đầu tư chăm bón được. Giá cà phê phải lên bao nhiêu mới bù đắp đủ?
Cách nào nông dân mình cũng gánh chịu thiệt thòi nhất.
Hôm trước thì phê phán nông dân găm hàng là trái qui luật thị trường, là nguy cơ đổ vỡ giá càng cao, là tâm lí đám đông chi phối, là nghe lời mấy trang mạng xúi bậy….
Nay thì khen nông dân biết điều tiết thị trường, biết chi phối và quyết định giá cả hàng hóa, biết ngăn chặn được sự thao túng của đầu cơ tài chính, thậm chí còn biết trữ hàng ở nhà để góp phần ngăn ngừa sự phá sản hàng loạt của những nhà kinh doanh phiêu lưu kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”.
Nông dân cà phê muôn năm.
Than ôi, cái lưỡi…!
Nông dân thời bây giờ đâu dễ để cho ăn bánh vẽ hả bạn Bo.
Nông dân tài giỏi gì, giá tăng tự nhiên thôi, mỗi tuần tăng hơn 100$ là hợp lẽ rồi.
Nhưng giá nội địa tăng 1.000 đồng là không hợp lẽ rồi đó.
Trong 1 tuần giá London tăng 109-113 USD mà giá nội địa tăng 1.000 đồng, vậy là sao?
Là do nông dân ko muốn tăng chứ sao. Nông dân quyết định giá mà !
Nông dân ai cũng muốn giá cao bạn ah. Nhưng mà cái khó nó bó cái khôn.
chúng ta có thế quyết định được giá trong tuơng lai. Nếu số cà tập trung về các hộ khá giả
Các bài viết của họ về thỏa sức đọc không cần chọn lọc bà con nhé. Vì lúc thì tung lúc thì đạp giống như bạn Bo vừa nhận xét thật thấy rất chính xác. Suy cho cùng nếu một ông nhà báo vừa viết bài chê nông dân hôm qua hôm nay lại viết bài khen cũng giống hệt các hãng vừa đưa tin được mùa rồi lại quay ngoắt 180 độ bảo sản lượng không đạt như dự kiến, cung không đủ cầu rồi đưa giá lên… Lưỡi của họ giống hệt tờ giấy chùi bẩn bên này lại lật tiếp mặt sau để chùi tiếp… ghê tởm.
Thật là đáng lo sợ. Thị trường càng ngày càng có nhiều diễn biến, nhưng giá cà phê sẽ lên lại thôi…
Những ngày sắp tới, nếu giá London tăng thì các đại lý và Cty lấy cớ nghỉ Tết không thu mua. Ngược lại, nếu giá xuống thì sẳn sàng thu mua phục vụ bà con nông dân tới chiều 30 tết.
Tình hình ra Tết sẽ tùy thuộc thực tế nhưng cơ bản là vậy. Cấm có sai nhé!
Thanh Sơn nói rất chinh xác!
Hãy đọc lại câu thơ của phuhoanglove, cố giữ hàng ra Tết bán bà con nhé .
Bạn Lê Trang nói thế thì tết nay bà con nghèo lấy tiền đâu ăn tết bây giờ?
Dân cà phê ta nhà nghèo cũng còn hạnh phúc chán. Cà rớt ta chỉ bán vài bao ăn tết chưa đến nỗi nghèo khó như dân cửu vạn mà bài báo nọ nêu lên. Tại sao cũng là người mà nhiều gia đình khốn khó đến thế. Nếu cho họ một điều ước họ chỉ ước rằng “có công ăn việc làm thường xuyên và mong sao tết đừng đến vào lúc này”. Họ ko việc mà làm còn ta chạy ríu cả chân mà ko ngơi việc.
Năm ngoái mình ăn tết tại rẫy, chiều 30 vẫn còn tưới. Năm nay có lẽ cũng ko khá hơn. Tảng sáng trời đổ mưa làm dân vùng tui chạy đôn chạy đáo bơm nước lên cây kẻo ko kịp vài ngày nữa cà phê ra hoa chanh thì toi. Thế là nhà nhà bán cà, người người bán cà tấp nập. Đầu tư bây giờ là đầu tư khôn ngoan, một vốn bốn lời ai dại gì mà găm cà chờ giá quên đầu tư. Bận thế này thì một cái tết chẳng ra trò nữa rồi.