9 tháng đầu năm giá bật tăng mạnh, cao hơn cùng kỳ năm trước 40%. 3 tháng còn lại, thị trường đánh mất toàn bộ nỗ lực trước đó rồi giảm thêm 10% nữa so với đầu năm.
Thị trường cà phê năm 2011 diễn ra với nhiều biến động mạnh, nhưng có thể kết luận một câu ngắn gọn là “phú quý giật lùi”.
Đầu năm, hay chính xác hơn là trong 9 tháng đầu năm, giá cà phê biến động chủ yếu ở xu hướng tăng, đạt mức cao hơn so với cùng thời điểm cách đó một năm tới 40 %. Nguyên nhân là do nỗi lo nguồn cung eo hẹp trong khi nhu cầu không ngừng tăng. Nhưng kể từ tháng 10, sức ép nợ công châu Âu cùng với hoạt động bán tháo nhiều tài sản và nguồn cung không nghiêm trọng như dự báo đã khiến cho giá rơi vào tình trạng u ám và lao dốc liên tục. Chốt năm, giá cà phê Robusta mất hơn 250USD/tấn tương đương khoảng 12%.
Trên thị trường London, giá cà phê robusta trong năm 2011 thiết lập mức đỉnh tại 2.670 USD/tấn trong tháng 3, cũng là mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, theo đà tăng của thị trường New York và nguồn cung thắt chặt. Giá duy trì trên 2.000 USD trong suốt 10 tháng đầu năm. Đến cuối năm tuy nhiên chỉ còn 1.800 USD/tấn, mất 265 USD hay 12,8% so với năm 2010 và đứng ở mức thấp nhất trong 13 tháng những ngày cuối năm.
Tại New York, giá cà phê arabica lập đỉnh cao của 34 năm trở lại đây là 3,14 USD/lb vào tháng 3 vì nghi ngờ rằng sương giá sẽ gây thiệt hại cây cà phê ở Braxin, cộng với triển vọng nhu cầu mạnh khi kinh tế toàn cầu sáng sủa hơn. Nhưng sau đó, hoạt động đầu cơ đánh giá xuống liên tục, thị trường chỉ hồi phục vào đầu tháng 9 nhờ nỗi lo cung ở Braxin cộng với Colombia. Sau khi không thể quay về mức cao của tháng 3, cộng với một loạt các tin tức xấu về nợ công châu Âu, đồng USD tăng giá và bóng ma suy thoái toàn cầu, giá cà phê đã không thoát khỏi xu hướng giảm chung của thị trường hàng hóa. Chốt năm, giá cà phê arabica đứng tại 2,26 USD/lb, kém xa so với đỉnh của năm và chịu mất 8% so với năm 2010.
Thực tế năm qua, nguồn cung vẫn là nỗi lo thường trực còn nhu cầu duy trì ổn định, với cung chỉ 133 triệu bao và cầu là 135 triệu bao. Nhưng giới phân tích cho rằng, yếu tố cơ bản là cung cầu không giữ vai trò chi phối giá cả, mà yếu tố kinh tế vĩ mô và đồng USD có sức mạnh hơn.
Ở trong nước, giá cà phê năm qua biến động ngoài dự báo của nông dân lẫn nhà phân tích. Cuối tháng 5, đầu tháng 6, không phải thời điểm giá thế giới đạt đỉnh, nhưng giá cà phê trong nước lại đạt tới 52 triệu đồng/tấn, mức chưa thấy bao giờ. Giá cà phê xuất khẩu cũng có giá cộng tới 150 USD/tấn so với giá giao sau tại London. Lúc đó, giá cà phê cao hơn cùng kỳ năm trước tới gần 20 triệu đồng/tấn.
Nhưng niềm vui “chẳng tày gang” vì giá đạt đỉnh đúng lúc bà con không còn hàng, chỉ những hộ khá giả và nhà đầu cơ hoặc đại lý là có. Đến khi vụ thu hoạch mới bắt đầu, giá liên tục rớt và cuối năm chỉ còn 38 triệu đồng/tấn.
Ở thời điểm hiện tại, bà con đã thu hoạch gần như xong vụ 2011/12, nhưng hàng ra thị trường không nhiều, bất chấp Tết Nguyên đán tới gần. Tất cả đều có tâm lý chung là găm hàng chờ giá, sau khi đạt kết quả bội thu trong năm ngoái.
Mới lên được tí chưa đâu vào đâu lại lao dốc rồi. Hy vọng đây chỉ là phiên điều chỉnh giảm và chốt lời sau liên tiếp mấy phiên tăng mạnh.
Đúng là chiêu “lùi một bước tiến ba bước” xưa đây.
Xuống là chuyện bình thường thôi ! Tôi nghĩ dân nghèo bán hết cà rồi. Giờ chỉ tập trung trong tay các bác khá giả thôi. Nên vậy chả phải lo. Cứ được giá thì các bác bán. Xem ra muốn mua được hạt cà mấy doanh nghiệp có mà chảy máu mắt. Tôi nghĩ các hộ giàu có sẽ bán được giá cà mình mong muốn thôi.