Tài trợ xuất khẩu theo ngành cho doanh nghiệp

Bên lề Hội nghị tổng kết niên vụ 2010-2011 và bàn phương hướng hoạt động niên vụ 2011-2012 của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã cho thấy khó khăn mà các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang đối mặt.

Đây cũng chính là những khó khăn chung của các lĩnh xuất khẩu khác khi luôn phải lo đảm bảo nguyên liệu đầu vào. Theo ông Nguyễn Nam Hải – Phó chủ tịch thường trực Vicofa, niên vụ 2010-2011 là năm thuận lợi cho ngành nông sản nói chung và cà phê nói riêng khi giá cà phê Robusta có thời điểm đạt trên 2.600 USD một tấn, mức giá cao nhất trong vòng 13 năm qua.

Niên vụ này cũng đánh dấu sự nỗ lực của người trồng cà phê và các Bộ ngành, doanh nghiệp khi duy trì được diện tích cà phê ổn định với 530.000 ha, sản lượng gần 1,3 triệu tấn, xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn (tương đương 2,7 tỷ USD), vượt cả lượng lẫn giá trị so với niên vụ trước. Và trong niên vụ tới 2011-2012 dự báo tăng trưởng sản lượng cà phê lên tới 10%, hứa hẹn một vụ mùa “bội thu”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thái – Giám đốc Công ty Cà phê Thắng Lợi lại có cảm giác bất an: “Hiện nay, thị trường xuất khẩu của cà phê Việt Nam đã mở rộng tới gần 80 quốc gia trên thế giới, trong đó những nước nhập khẩu cà phê từ Việt Nam số lượng lớn có Mỹ (141 nghìn tấn), Bỉ (108 nghìn tấn), Trung Quốc (28 nghìn tấn)… Năng lực thì chúng ta có nhưng cái đáng lo ngại đó chính là vốn”.

Vicofa dự kiến 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam sẽ thu mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn cà phê trong niên vụ này. Như vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay chính là nguồn vốn dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê khi mùa thu mua đang đến gần, và tìm cách để thu mua, tạm trữ cà phê ngay từ đầu vụ.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang có cùng nhận định, các thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay là làm sao tìm kiếm, ổn định thị trường đầu ra trong khi áp lực về phụ phí liên quan đến hoạt động xuất khẩu liên tục gia tăng như: tác động từ việc lãi suất tăng cao, tăng lương cơ bản và các yếu tố đầu vào khác… dẫn đến đội giá thành, chi phí sản xuất. Không ít doanh nghiệp đã nắm bắt được thị trường, nhưng việc tích trữ đủ hàng hóa chuẩn bị cho các hợp đồng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn.

Chính trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nói chung vui mừng chào đón chương trình tài trợ xuất khẩu theo ngành nghề, được BIDV triển khai từ ngày 29/11/2011 với trị giá 5.000 tỷ đồng, gồm 4 chương trình nhỏ chia theo các ngành nghề: “Cùng BIDV tiếp sức ngành thủy sản Việt Nam”, “Cùng BIDV vào niên vụ xuất khẩu cà phê”, “Cùng BIDV đồng hành với doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam”, “BIDV cùng vượt thách thức với ngành gỗ Việt Nam”.

Đây chính là cam kết chung sức cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và là một trong các hành động cụ thể của BIDV thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cũng như thực hiện các cam kết sau “Tọa đàm về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, do BIDV phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hồi tháng 9/2011.

“Với chương trình này, doanh nghiệp kinh doanh thương mại hay sản xuất chế biến xuất khẩu trong lĩnh vực thủy sản, dệt may, da giầy, gỗ, cà phê và các nông sản khác được BIDV tài trợ vốn ngay từ khâu thu mua, dự trữ nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, đến khâu thực hiện hợp đồng/đơn hàng xuất khẩu và chiết khấu hối phiếu đòi nợ sau khi giao hàng, dưới nhiều hình thức thanh toán đa dạng TTR, CAD, L/C, D/P, D/A… kèm các điều kiện linh hoạt về tài sản đảm bảo.

Đặc biệt, các khoản giải ngân đến hết tháng 3/2012 trong phạm vi chương trình này, được hưởng lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5% một năm so với lãi suất ưu đãi cho vay xuất khẩu hiện hành cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng khác, tức là thấp hơn khoảng 2% một năm so với lãi suất cho vay thông thường. Kèm theo đó là việc miễn, giảm phí các dịch vụ tài chính ngân hàng mà doanh nghiệp sử dụng xuyên suốt chu trình sản xuất, kinh doanh. Hy vọng đây sẽ là một ‘công cụ đắc lực’ góp sức giúp doanh nghiệp xuất khẩu vơi bớt phần nào khó khăn và biến cơ hội kinh doanh của mình thành hiện thực”, ông Đậu Trí Dũng – Phó giám đốc phụ trách sản phẩm khối khách hàng tổ chức của BIDV cho biết.

Trước việc vào cuộc mạnh mẽ của ngân hàng, ông Thái nhận định: “Với dự báo tăng trưởng sản lượng cà phê 10%, việc cho ra đời các sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu như vậy, các ngân hàng đã góp phần trao cho chúng tôi một cơ hội để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Tuy rằng, số vốn ngân hàng tài trợ chưa đáp ứng hết được nhu cầu của tất cả các doanh nghiệp, nhưng cũng là một trong những nguồn rất quan trọng để doanh nghiệp phát triển. Ông Thái cho biết thêm: “Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ tài chính kịp thời của BIDV. Nhất là sự hỗ trợ rất phù hợp với từng chu kỳ sản xuất kinh doanh của chúng tôi”.

Các ưu đãi khi tham gia sử dụng dịch vụ tài trợ xuất khẩu theo ngành của BIDV: Miễn phí dịch vụ thanh toán lương tự động; miễn phí kiểm tra bộ chứng từ xuất khẩu; miễn phí hỗ trợ và tư vấn nghiệp vụ thanh toán quốc tế; giảm 20 – 30% phí toàn bộ các dịch vụ liên quan đến hoạt động thanh toán quốc tế; được áp dụng tỷ giá mua ngoại tệ của nguồn ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu, theo tỷ giá cạnh tranh trên thị trường; được tư vấn và sử dụng các sản phẩm phái sinh tiền tệ, phái sinh hàng hóa để bảo hiểm rủi ro về tỷ giá, lãi suất, giá cả hàng hóa với mức giá ưu đãi nhất của BIDV từng thời kỳ; được tư vấn, hỗ trợ thông tin về thị trường hàng hóa, giá cả các mặt hàng xuất khẩu và nhiều ưu đãi khác.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng