Lâm Đồng là địa phương có nhiều ưu thế để phát triển đàn bò sữa và công nghiệp chế biến sữa bò. Từ năm 2001 UBND tỉnh và Sở NN-PTNT đã có Chương trình Phát triển giống bò sữa nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và nông dân tập trung phát triển đàn bò sữa cả về tổng đàn lẫn chất lượng đàn bò. Song có thể nói, tới nay đàn bò sữa của tỉnh vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng tự nhiên cũng như thế mạnh chăn nuôi.
Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng (Sở NN-PTNT) cho hay, toàn tỉnh hiện có tổng đàn bò sữa gần 4.000 con tập trung tại Đơn Dương, Đức Trọng và Bảo Lộc với giống bò Hà Lan thuần chủng, sản lượng sữa bình quân đạt khoảng 6.000 lít/ con/ chu kỳ. Tuy nhiên, sau khi Chương trình Phát triển giống bò sữa kết thúc (năm 2005) cho đến đầu năm 2009 do dịch bệnh thường xuyên xảy ra, giá sữa tươi quá hạ và khó tiêu thụ, diện tích đồng cỏ bị thu hẹp (nông dân chuyển từ trồng cỏ chăn nuôi sang trồng rau hoa để có thu nhập cao hơn)… đã làm cho người chăn nuôi từ bỏ đàn bò sữa.
Từ đầu năm 2009 tới nay, nhờ một số doanh nghiệp chăn nuôi- thu mua- chế biến sữa đẩy mạnh các hoạt động sản xuất- kinh doanh trên địa bàn, giá sữa tươi ngày càng ổn định và nâng cao… nên nhiều nhà nông có khả năng về tài chính, đất đai, lao động đã đầu tư chăn nuôi bò sữa quy mô trang trại tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi tổng đàn cũng như chất lượng đàn bò sữa của tỉnh. Hiện nay so với cuối năm 2008, tổng đàn bò sữa của các địa phương trong tỉnh đã tăng 20%; ngoài 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt và Công ty Thanh Sơn, toàn tỉnh đã có trên 50 trang trại bò sữa với quy mô đàn trên 10 con, một số hộ chăn nuôi bò sữa đã liên kết lại với nhau hình thành nên Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tu Tra (Đơn Dương) và Tổ hợp tác Chăn nuôi bò sữa Hiệp Thạnh (Đức Trọng); Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (Sở NN-PTNT) cũng đã hỗ trợ cho Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt và Tổ hợp tác Chăn nuôi bò sữa Hiệp Thạnh thực hiện liên minh sản xuất đang góp phần thúc đẩy đàn bò sữa ở Đức Trọng phát triển nhanh và bền vững hơn.
Khó khăn nhất của người chăn nuôi bò sữa lâu nay là khâu tiêu thụ sản phẩm sữa tươi nay cũng cơ bản đã được tháo gỡ khi Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt xây dựng tại Đơn Dương một nhà máy chế biến sữa, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty Dutch Lady (Cô gái Hà Lan) cũng đã tổ chức các điểm thu mua sữa bò tươi nguyên liệu tại Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lộc và bình quân hàng năm các doanh nghiệp này đã tiêu thụ cho người chăn nuôi bò tại địa phương trên 2 triệu lít sữa với giá từ 10,8 đến 11 ngàn đồng/ lít… Cùng Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thú y và các chương trình, dự án của Sở NN-PTNT, những năm qua các doanh nghiệp chăn nuôi bò- chế biến sữa cũng tham gia hỗ trợ nông dân về kỹ thuật chăn nuôi- thú y, giống cỏ mới, cải tạo chất lượng con giống… nên cùng với tăng trưởng tổng đàn bò, sản lượng sữa tươi nguyên liệu cũng tăng từ 2.800 tấn (năm 2005) lên 10.388 tấn (năm 2011).
Tuy đã được phục hồi, nhưng theo ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn thì đàn bò sữa của Lâm Đồng vẫn phát triển chưa xứng với tiềm năng và tăng trưởng chậm so với một số địa phương có chăn nuôi bò sữa ở khu vực miền Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là phần lớn đàn bò sữa của tỉnh đang “được chăn nuôi theo quy mô nhỏ với phương thức chăn nuôi tận dụng”, trình độ ứng dụng đồng bộ kỹ thuật chăn nuôi còn rất hạn chế (30% hộ chăn nuôi còn vắt sữa bằng tay, chuồng trại hầu hết còn tạm bợ, 90% hộ chăn nuôi xả trực tiếp chất thải ra môi trường); Công tác quản lý đàn bò như quản lý đàn, quản lý giống, giám định và tuyển chọn giống chưa được quan tâm thực sự dẫn tới nguy cơ giảm chất lượng đàn bò; Diện tích đồng cỏ chậm được khôi phục và phát triển nên nguồn thức ăn thô xanh cho bò chủ yếu dựa vào việc tận dụng phụ phẩm trồng trọt là chính…
Đây là những vấn đề mà các địa phương thuộc vùng quy hoạch phát triển đàn bò sữa của tỉnh cần quan tâm để khai thác có hiệu quả các tiềm năng về chăn nuôi và thực hiện mục tiêu nâng tổng đàn bò sữa lên 7.000 con (tăng so hiện nay khoảng trên 3.000 con) vào năm 2015.