Giá cà phê robusta trên thị trường kỳ hạn (TTKH) Liffe London tiếp tục giảm. Giá robusta nhân xô nội địa mất thêm một ít. Đầu cơ và cách thức mua bán cà phê trên thị trường nội địa đang có vấn đề: hãm đà bình thường trong xuất khẩu.
Từ hai tuần nay, càng găm hàng, giá càng giảm. Nông dân đang chờ giá cao, rất đáng hỗ trợ và trân trọng. Nhưng coi chừng … “cóc mò cò xơi”.
Đồng đô la tăng kéo giá hàng hóa xuống
Tuần qua, giá cà phê robusta trên thị trường kỳ hạn Liffe (TTKH) mỗi ngày rớt thêm một ít. Tình hình khủng hoảng nợ châu Âu càng lúc càng lộ rõ tính phức tạp của bài toán khó giải quyết của nó. Rất nhiều ngân hàng trong các nước sử dụng đồng euro (eurozone) đang khát vốn trầm trọng.
Chỉ một cái vèo, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã đảo nợ cho 523 ngân hàng thuộc eurozone với lượng tiền trên dưới 500 tỉ euro. Hành động của ECB đã giúp nhiều ngân hàng trong vùng tạm thời thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Nhưng mặt khác, đã phô bày cho giới kinh doanh và đầu tư thấy rằng cơn khát vốn của các ngân hàng ấy sẽ là khó khăn của nhiều nước châu Âu đang trong cảnh nợ nần chồng chất.
Ngay lập tức, đồng euro rớt, đưa đồng đô la Mỹ và chỉ số đô la Mỹ tăng (xin xem biểu đồ 2) tăng, các nhà kinh doanh buộc phải bán tháo hàng hóa để cân đối lượng tiền của họ. Giá vàng, cà phê và nhiều thứ trên các TTKH đua nhau giảm.
Giá đóng cửa cà phê robusta đến hết phiên giao dịch cuối tuần ngày 23-12 trên TTKH Liffe cơ sở giao dịch tháng 3-2012 chỉ còn 1.831 đô la/tấn, giảm so với cuối tuần trước 66 đô la và so với ngày đầu vụ mất 183 đô la/tấn.
Chỉ còn vài ba phiên nữa là hết năm. Sức ép chốt giá cho tháng giao dịch gần nhất (hiện tại là tháng 1-2012) đã làm cho giá TTKH càng giảm. Hơn nữa, thế giới đang vào dịp mừng lễ Giáng sinh và mừng năm mới 2012, nên giao dịch càng yếu và rời rạc.
Thị trường nội địa: ứng xử lạ thường
Do các nhà xuất khẩu hạn chế bán ra vì thiếu vốn, hạt cà phê năm nay mới được hái khá đúng lịch. Hiện nay, còn chừng 15-20% diện tích đang được thu hái để kết thúc vụ thu hoạch niên vụ 2011-12 này. Nhiều nơi, cà phê được hái có tỉ lệ chín nhiều hơn, được phơi phóng tự nhiên, nên mất mát sau thu hoạch sẽ giảm đi và chất lượng cà phê tốt hơn nhiều so với các vụ trước.
Chỉ có điều, so với những năm trước, năm nay lượng bán ra ít vì một mặt hàng hóa chưa sẵn sàng (hái chậm), mặt khác các nhà xuất khẩu khó chạm được tín dụng, nên ngành cà phê vuột mất cơ hội bán đại trà với mức giá cao ngay từ đầu vụ.
Tính đến nay, ước có chừng 210.000 tấn đã được xuất khẩu. Như thế, bình quân mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu chừng 70.000 tấn, một con số có thể tạo đủ độ căng cho giá TTKH khỏi rớt. Nhưng giá vẫn tiếp tục rớt cả trên TTKH lẫn thị trường nội địa.
Sáng hôm nay 24-12, giá cà phê nhân xô được các nhà chế biến xuất khẩu chào mua các tỉnh Tây Nguyên ở mức quanh 38.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng so với cuối tuần trước. Song, một số nhà đầu cơ nhỏ lẻ tại địa phương có thể phóng giá cao hơn 200-300 đồng để tranh mua hàng. Rõ ràng, các nhà xuất khẩu không thể tranh mua giá cao bất thường vì sẽ thua lỗ, đặc biệt trong giai đoạn giá rớt liên hồi trên thị trường. Vả lại, với đầu cơ, giá nào họ cũng mua được tuy số lượng sẽ rất hạn chế.
Chính vì vậy, nông dân nhiều địa phương đang ngập ngừng chưa vội bán vì giá cà phê nhân xô đang hết sức hỗn loạn. Mặt khác, một số nhà xuất khẩu chân chính đang tạm thời ngưng mua xuất khẩu vì nhiều người, đại lý bán hàng không chịu xuất hóa đơn bán hàng có thuế trị giá gia tăng. Đây cũng là một yếu tố làm cho lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 12 yên ắng hơn bình thường.
Giá xuống do tồn kho phát huy tác dụng
Khỏi phải bàn cãi, giá từ đầu niên vụ đến nay không ngừng xuống. Nếu như giá ngày đầu vụ ở mức chừng 42.500 đồng/kg thì hôm nay chỉ còn 38.000 đồng. Trong khi đó, nhiều người vẫn dựa vào các nguồn thông tin cho rằng thị trường đang thiếu hàng trầm trọng mà quên phân tích toàn cục để làm rõ thêm cho thị trường giúp tránh những rủi ro bán giá thấp đáng tiếc.
Nếu nhìn từ con số xuất khẩu từ Việt Nam đi, điều đó có thể đúng. Nhưng, chính những lúc này mới thấy rằng lượng hàng trước đây do một vài tay đầu cơ mua và “nhốt” tại các kho châu Âu, trong đó có hàng tồn kho được Liffe xác nhận chất lượng (certifieds) đến những ngày này mới phát huy tác dụng: tích cực cho các nước tiêu thụ, tiêu cực cho các nước xuất khẩu.
Giả sử bình quân thế giới cần 100.000 tấn cà phê robusta/tháng. Nếu Việt Nam chỉ xuất khẩu chừng 70.000 tấn/tháng, họ sẽ trích dần lượng hàng tồn kho tại châu Âu để bù đắp cho lượng hàng thiếu nếu như Brazil và Indonesia không xuất khẩu hạt robusta nào. Trong trường hợp ta bán giá cao, họ sẽ mua cầm chừng và chỉ những lúc rất cần. Số còn lại, sẽ lấy từ các kho ở châu Âu. Và…ngồi chờ giá rẻ. Đến một lúc nào đó, khi giá được họ xem là có thể chấp nhận, họ sẽ ngưng lấy hàng từ các kho châu Âu để mua trực tiếp từ Việt Nam.
Như vậy, chính các tay đầu cơ là người hưởng lợi hoàn toàn trong bài toán cung – cầu hiện nay. Chính họ là người gom hàng và tạo các cơn sốc thiếu hàng giả tạo trên thị trường. Cũng nên nhớ lại rằng các nhà đầu cơ cỡ những ngày này năm ngoái, giá loại R2, 5% đen bể mức trừ lùi 100-120 đô la/tấn dưới giá TTKH Liffe. Thì đến nay, nếu không ép các nước xuất khẩu bán giá rẻ được, họ sẽ bán ra tại châu Âu mức bằng giá niêm yết TTKH Liffe chẳng hạn, lời 100-120 đô la/tấn. Ngược lại, một khi các nước xuất khẩu chấp nhận bán giá rẻ, họ lại tiếp tục gom hàng về để tại các kho Liffe để tìm cách tạo cơn sốc giá mới.
Tính đến 12-12-2011, tồn kho robusta được Liffe xác nhận chất lượng còn 275.350 tấn. Nếu giá bán của các nước xuất khẩu cao và Việt Nam xuất cầm chừng 70.000 tấn/tháng, chỉ riêng lượng tồn kho Liffe này sẽ còn cầm cự được 9 tháng (30.000 tấn/tháng theo phép tính thử của bài báo).
Liệu trong vòng chừng ấy thời gian, giữa những lúc “đụng hàng” vụ mới với Indonesia và Brazil, nông dân ta có còn tâm và lực để giữ hàng lại hay rồi cũng phải bán ra trong thế “cóc mò cò xơi”?
Cảm ơn bài viết phân tích khá kỹ về rủi ro găm hàng.
Nhà tôi trồng cà phê khi thu hoạch xong giá thấp quá làm sao tôi bán được ?
Đấy là còn có yếu tố khan cà còn hỗ trợ. Chứ nếu năm nay bán đều đều ko biết giá cà còn lao dốc đến mức nào…
Bà con hãy chọn thời điểm thích hợp mà bán. Chúc bà con luôn có quyết định đúng trước tết !
Vì sao đồng usd tăng luôn kéo theo giá hàng hóa giảm vậy ạ?
Các loại hàng hóa đều mua bán bằng usd khi usd tăng lên thì nó sẽ trở nên mắc hơn khi mua bằng những loại tiền khác như euro hay yen nhật . Vì cần nhiều tiền khác hơn để đổi được lượng usd để mua cafe nên giá cafe sẽ hạ. Hiện nay usd đang là vịnh trú bão của nhà đầu tư nên nó còn tăng nhiều. Chắc chắn cà phê sẽ giảm sâu đến hết quý 1 sang năm.
Giả sử bình quân thế giới cần 100.000 tấn cà phê robusta/tháng! Sao bài báo không giả sử cần 500.000 tấn/tháng, như vậy chỉ cần 2 tháng thôi sẽ hết sạch hàng tồn kho.
Cần đâu bán đấy- Việc đọc nghe nhìn chúng ta cứ vui vẻ. Cà càng xuống thì càng ít giao dịch thật mà chỉ có giao dịch ảo thôi. Tôi khi cần thì bán dù giá có hạ rất nhiều. Giờ bán ra thì e… cò xơi thật.
Sáng nay, ở Đồng Nai mua 39.300đ/kg, bán 40.300đ/kg.
Ui zà ! 1 phiên giao dịch của London thường là 12-15 ngàn lot, là khoảng 120 -150 ngàn tấn.
Vậy chỉ cần 1 tuần là xong thôi. Nhưng ai biết được là bao nhiêu hàng thật, bao nhiêu hàng ảo?
“Cốc mò cò xơi” là cảnh báo, theo tui hiểu bà con găm hàng thì coi như mình dự trữ thay cho nhà kinh doanh, họ khỏi vay vốn và lãi ngân hàng. Khi cần hàng đi thì họ mua, khi không cần họ cứ để cho nông dân giữ. Quan trọng là bà con mình bán giá nào? bán giá mình cần bán hay nhà kinh doanh cần mua?
Gì đây? nhắc nhở hay hù dọa bà con vậy!
Chứ sao lại nói nhà nông nay đã nắm giữ hàng và quyết định giá?
Nghe bài phân tích thì cũng có lý, nhưng cứ để qua Tết dương lịch xem sao rồi tính tiếp… Cùng lắm Tết năm nay mua mấy thùng mì tôm về nhậu với rượu đế thay vì uống bia như mọi năm là cùng chứ gì?
Ý kiến rất là hay.
Chắc cùng cảnh ngộ! Cà đang chất ngay sau máy tính. Nông dân mình làm ra được hạt cà phê biết bao nhiêu sức lực. Giờ đem bán giá rẻ quá thà để cho mọt ăn. Nói thật đi hầu công, đi hầu mấy nhà bán phân, bán thuốc… trăm dâu đổ đầu! Ngẫm cái sự đời thật nản làm sao.
Nguồn hàng cà phê đến nay phần lớn vẫn nằm trong nhà bà con nông dân, hãy bình tĩnh trước mọi mưu mẹo của cánh nhà buôn trong và ngoài nước luôn hù bà con để mua rẻ.
Cân đối cung cầu cà phê toàn cầu và các yếu tố tác động khác, trong tương lai thị trường giá cả cà phê vẫn có lợi cho người sản xuất. Mọi nhà hãy cất trữ cà phê chỉ bán khi thật cần thiết cho sản xuất và chi dùng trong gia đình. Bài học kinh nghiệm của năm 2011, ai giữ cà, giữ tiêu cuối vụ bán trúng to.
Nhà tôi trồng cả tiêu và cà phê, hàng ngày luôn theo dõi thông tin để phân tích. Thí dụ Giá tiêu sọ tại thị trường Châu Âu hiện vẫn trên 10.300 đô la/tấn quy ra trên 216.000 đ/kg, tiêu đen trên 7.300 đôla/kg, tính ra trên 153.000 đ/kg loại 550 gr/lít. Thế mà các nhà đầu cơ làm xiếc giả bộ đóng quân xanh quân đỏ ở sàn giao dịch KoChi Ấn Độ ra giá rẻ, quy tiền đồng chỉ 138.000 đ/kg. Và tệ hơn nữa cánh nhà buôn cúa ta chỉ ra giá 128.000 -130.000 đ/kg tiêu đen đầu giá! Giá này còn khuya tôi mới bán thậm chí vay tiền mua thêm để giáp hạt kiếm lời. Đối với cà phê cũng vậy bà con ta cùng với doanh nghiệp ta đồng lòng chi phối tiến độ xuất khẩu thì đố cánh buôn thế giới mần chi được Việt Nam.
Ý kiến của Tieucay@ rất xác đáng. Đừng nghe lời cánh nhà buôn trong và ngoài nước luôn hù bà con để mua rẻ.
Nếu nông dân chờ giá lên mới bán ra thì tại sao không bán ra giá hiện tại (giả sử 38.000 đồng/kg) rồi dùng 10% tiền ký quỹ để mua lại hợp đồng trên thị trường kỳ hạn (cũng là 38.000 đồng /kg), mà không phải trữ hàng. Nếu theo bài báo phân tích, tất cá nông dân bán hết thì lúc đó giới đầu cơ đẫy giá lên, lúc đó nông dân vẫn có lãi nhỉ! Bài toán chắc không đơn giản như vậy.
Bà con trồng cà phê cần cẩn thận với chính bài viết này. Đây có khi là chiêu bài hù dọa công thêm với tập tục tết cổ truyền của người Việt Nam là rất quan trọng, cần tiền để trang trải… Để tạo làn sóng bán ra của bà con đấy và thế là chúng nó vơ. Chịu khó ăn tết tiết kiệm, qua tết giá sẽ lên.
Tôi đồng ý với bạn thanh thanh, thương trường là chiến trường, vàng thau lẫn lộn. Bà con mình hãy bình tĩnh, cần đến đâu bán đến đó,
Mình thấy bài viết này thực ra không biết có mục đích gì. Lâu nay, mình tin tưởng dự báo của Y5Cafe lắm. Nhưng sao dạo này, thấy Y5Cafe không đứng về phía nông dân. Đang lúc này, đọc bài này chỉ làm bà con lúng túng, hoang mang hơn thôi.
Bà con cần cẩn thận với mánh khóe của các nhà đầu cơ , thấy bà con mình đồng lòng chưa muốn bán cà phê ngay họ nhân lúc giá đang xuống thuê một tay phóng viên nào đó viết một bài rồi đăng lên một trang báo nào đó nhằm làm cho bà con hoang mang phải bán cà phê. Lúc này trên thị trường thế giới cũng dựa vào thông tin bài báo đã đăng để ép giá, thật lợi hại chỉ một bài đăng vừa làm bà con phải sợ bán hàng ra vừa có cơ hội ép giá xuống
Thông tin là 1 chuyện, việc sử dụng thông tin, thẩm định tính đúng sai và quyết định mua bán thế nào lại là chuyện của mỗi người. Dù sao vẫn xin cảm ơn người viết bài báo này, đã cung cấp 1 số thông tin để tham khảo
Trăm người trăm ý, thế mới là thị trường, mới có người bán người mua.
Viết thế nào là quyền của nhà báo còn hiểu thế nào là quyền của ta. Có thông tin để mình đọc là quý rồi.
Tự mình cũng phải suy nghĩ và quyết định cho mình bà con à.
Bạn cà pháo nói đúng, sức mạnh của thông tin là để phân tích, dựa trên bản tin đọc được rồi đánh giá chứ có phải là đọc là tin ngay đâu.
Thông tin thì rất nhiều, thông tin tốt thông tin xấu, nên bà con khi lên diễn đàn đọc nên chịu khó ngẫm nghĩ. Giống như chịu khó không ngại nắng làm ra hạt cà phê đắng đó.
Cho nên hãy nghĩ cảm ơn ban biên tập thật nhiều, ủng hộ thêm nữa vì đã đưa đến cho bà con những thông tin về cà phê cho cộng đồng cà phê. Không nên đánh đồng giữa thông tin có lợi và bất lợi, như vậy đánh giá về cà phê sẽ không còn khách quan nữa rồi.
Chúc bà con vụ mùa may mắn.
Mua may bán đắt.
Dân cà phơ
Nói thì nói vậy chứ bà con mình còn nghèo lắm mấy anh chị ơi. Khi thu hoạch cafe phải tốn biết bao nhiêu là chi phí, không bán cafe thì tiền đâu mà lo, chưa nói tới việc nợ nần nữa chứ. Bà con mình có cố gắng bao nhiêu thì cũng vậy thôi, trình độ dân trí còn thấp, chỉ sợ nghe người ta hù vài câu là bán hết cafe. Nãn quá, người thì giầu vô đối, người thì không có miếng ăn.
Đừng hù dọa như thế chứ. Sao cùng là người Việt với nhau mà lại chơi trò láo cá vậy ta!
Đúng là thời đại bây giờ không như ngày xưa nữa.
Buồn quá mấy anh chị ơi. Lúc cà phê lên giá thì phơi cà phê chưa khô nên không bán được, giờ muốn bán thì lại giảm. Nếu bán giá thấp thì không đủ trang trải nợ nần, mà bán thì cũng tiếc, biết bao nhiêu công sức mồ hôi nước mắt mới có hạt cà phê, mà giá thấp quá trời. Ước gì cà phê chỉ cần lên 41.000 đ/kg là em bán 1 tấn cà phê liền để trang trải trong những ngày tết…!
Tất cả những thông tin ta đọc, ta biết, ta nghe thì cũng chỉ là để phục vụ cho việc ta dự báo, dự đoán. Còn quyền quyết vẫn nằm trong tay ta mà. Lo lắng, hoang mang cũng vậy thôi. Không thể quá phụ thuộc vào những thông tin ta nắm bắt được.
Mỗi người một ý. Ko biết ai dúng ai sai, ai cũng có cái lý của người đó, nên dù như thế nào thì chúng ta cũng phải đợi xem sao. Võ miệng cũng ko làm được gì, tới đâu hay tới đó, người nông dân chúng ta luôn chịu thiệt mà.
Theo mình cà phê sẽ xuống để ép bà con bán hàng. Vì nếu thiếu hàng mua giá lên chẳng ai dại gì mà bán hàng. Chỉ khi cà phê xuống bà con lo xuống tiếp thì mục đích của họ sẽ đạt được. Chúc bà con bán được giá tốt? Cà phê sẽ lên tôi tin là vậy.
Như bạn nói thì nhà đầu cơ cũng như nông dân chúng tôi găm hàng chờ giá cao mới bạn chứ giá thấp thì họ cũng lỗ thôi bà con chúng ta cứ yên tâm đồng lòng giữ hàng thì theo qui luật cung cầu giá thế nào mà chả lến!
Vui lòng sử dụng tiếng Việt có đủ dấu!
Tôi thấy Nông dân chúng ta nhẹ dạ cả tin quá… chẳng qua đây là ý cảnh báo của nhà chuyên môn, mình cũng nên đọc và tranh luận mà làm sáng vấn đề ra để có quyết định tốt. Nếu người mua cứ chờ Tết bà con bán ra nhiều thì giá hạ để mua. Nhưng các bác thấy có năm Tết đến và dân mình thấy giá tốt càng bán thì giá càng tăng đó sao ? năm đấy tui bán vội cũng lỗ to đấy.
Bây giờ tui cũng hay đọc thông tin thị trường nhưng cần đâu bán đó… thế cho khỏe các bác ạ.
Mình có cà phê đang ký gửi ở đại lý, nhưng gía cà lên xuống khó nhận định. Nghe phân tích cũng có lý, mà theo tôi nghĩ, có DNNN mua gía cao, và các đại lý lớn thi nhau vỡ nợ vì sao nhỉ, mà gía càphê lúc lên đến 50.000đ/kg nhân, nên tôi nghĩ họ cũng như mình, đoán mò thôi nên mình thấy được là bán thôi.
Theo em giá cà phê như những ngày qua đang giảm nhẹ nhằm thúc đẩy mình bán cà phê ra vì sợ xuống giá. Vì họ biết sáp tết rồi ai cũng cân tiền để tiêu pha, cần tiền để trả nợ nên họ ép giá mình. Chỉ khổ cho những người nông dân nghèo như tụi em thôi. Nếu như em có điều kiện em sẽ làm quả liều để qua tết thể nào giá cà cũng tăng mạnh.
Đọc bài viết này thấy khá hay và sâu sắc. Các bác bình luận thấy cũng rôm rả, em cũng có ý kiến.
Bài viết có 2 phần chính. 1 là đồng đô la lên giá, phần này tôi đồng quan điểm, theo quan điểm của tôi việc giải quyết nợ công ở Châu Âu chính là lời giải cho bài toán đẩy giá cà phê lên cao. Còn vấn đề 2 là do tồn kho, cái này không đồng ý.
Thứ nhất bài viết đưa ra con số tồn kho chung chung, không trích nguồn cụ thể, thử hỏi giờ trong kho liệu có còn số hàng như bài viết đề cập không? và cứ cho là các nhà đầu tư đã dùng hàng tồn kho như 1 công cụ ghìm giá đi, lượng xuất khẩu của Việt Nam cũng như 1 số nước trong năm qua không thay đổi bao nhiêu, giá trị xuất khẩu tăng chủ yếu do giá tăng. Vậy lượng tồn ở đâu ra? mua từ năm ngoái với giá ngàn 45 ngàn đồng/1kg để dùng khi thị trường năm nay giá khoảng 38 ngàn đồng/1kg à? Đến đây lại nãy sinh có thể hàng tồn kho mua từ các năm trước nữa. Vậy nếu đã có từ các năm trước nữa sao năm ngoái ko bung hàng ra mà ghìm giá khi giá cao mà phải đợi đến năm nay mới bung. Tôi nghĩ các nhà đâu tư không ngu ngốc như vậy. Nên bà con hãy suy xét cận thận trước khi quyết đinh bán ra. Chúc mọi người có quyết định hợp lí!
Tôi thấy hiện nay người Việt Nam ta còn thiếu quá nhiều thông tin về thị trường. Điều này chỉ có lợi cho nhà buôn mà người dân là người thua thiệt vì không biết nhận định thị trường rõ ràng, tâm lý, thiếu vốn lúc giáp hạt nên phải bán. Chúng ta cần phải nhắm tới lợi ích cho người làm cà phê.