Phát triển cà phê bền vững ở Đắk Lắk: đến bao giờ?

Từ khi Cà phê Buôn Ma Thuột được cấp đăng bạ chỉ dẫn địa lý hàng hóa thì vấn đề phát triển cà phê bền vững, cùng việc nâng cao chất lượng cà phê được quan tâm nhiều hơn.

Người trồng cà phê cũng như cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp (DN) đã tìm mọi biện pháp để nâng cao chuỗi giá trị của ngành hàng này trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.

Người dân bên vườn cà phê của mình
Người dân bên vườn cà phê của mình

Những nỗ lực bước đầu

Động thái đầu tiên của chính quyền địa phương và ngành cà phê Việt Nam là khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN liên doanh, liên kết với các hộ, nhóm hộ nông dân trồng cà phê trên địa bàn Đắk Lắk giám sát, quản lý và chia sẻ các công đoạn sản xuất (từ chăm sóc vườn cây đến khâu thu hái, chế biến…) nhằm hạn chế những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng cà phê.

Các công ty sản xuất, kinh doanh cà phê như Thắng Lợi, 10-3, Phước An, Ea Pôk, D’Rao, Buôn Hồ, Việt Đức, Thái Hòa, Trung Nguyên… đã cùng người nông dân làm chủ và từng bước xây dựng được những tiêu chí về chất lượng cà phê đạt chuẩn quốc tế: UTZ Certifild (của Hà Lan) và 4C (Conmon Code fo the Coffee Communitri – Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê thế giới ) với hàng nghìn hộ tham gia trên diện tích khoảng 13.000 ha.

Theo đó, Tổng công ty cà phê Việt Nam cũng đã đầu tư 950 tỷ đồng để tái canh vườn cây cà phê trong cả nước từ nay cho đến năm 2020 (trong đó khu vực Tây Nguyên chiếm gần 80% diện tích) với mục đích tăng năng suất, chất lượng cho mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế này. Mọi nỗ lực đó cho thấy việc quan tâm đến chất lượng cà phê Việt Nam hiện nay là vấn đề “sống còn” khi tham gia chia sẻ thị phần thế giới và khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam với các quốc gia nổi tiếng về cà phê như Braxin, Mexico, Indonesia…

Ban chỉ đạo “Đề án phát triển cà phê bền vững” của tỉnh cũng đã mở nhiều lớp đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững cho hàng trăm nông hộ ở các vùng trọng điểm: Buôn Hồ, Krông Pak, Buôn Ma Thuột, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Buk, Ea H’leo… theo tiêu chuẩn RFA và xác nhận UTZ.

Ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát, quy hoạch lại vùng chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột với diện tích khoảng 80.000 ha (chiếm hơn 2/3 diện tích cà phê toàn tỉnh) để phát triển theo hướng bền vững: cà phê có thương hiệu, có xuất xứ rõ ràng. Vận động nông dân làm cà phê tham gia thành lập các nhóm hộ, câu lạc bộ, hợp tác xã kiểu mới để hướng tới việc chủ động xây dựng vùng chuyên canh, liên kết với các thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho người làm cà phê dễ dàng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Có thể nói, tất cả những bước đi đó bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Đây cũng là tiền đề quan trọng, bảo đảm cho lộ trình thực hiện thành công “Đề án phát triển cà phê bền vững” của Đắk Lắk đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Việc thu hoạch cà phê xanh, non là khâu cần phải được chấn chỉnh và khắc phục đầu tiên…

Vẫn còn khó khăn

Ông Nguyễn Văn Sinh – Phó giám đốc Sở NN-PTNT, thành viên Ban chỉ đạo “Đề án phát triển cà phê bền vững” đánh giá: việc thực hiện đề án này vẫn còn những vấn đề đáng quan tâm. Đó là tình trạng thu hái cà phê non, xanh vẫn xảy ra phổ biến. Nhiều đại lý thu mua cà phê tranh mua, tranh bán không theo quy chuẩn nào khiến chất lượng cà phê giảm sút. Vì thế, năm nào UBND tỉnh cũng có văn bản yêu cầu hạn chế, chấn chỉnh tình trạng này.

Một thực tế nữa là hàng nghìn hộ nông dân không có điều kiện xây dựng sân bãi, kho tàng bảo đảm cho việc thu hoạch, phơi phóng và bảo quản cà phê mỗi khi mùa vụ tới, khiến chất lượng cà phê không đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu còn lớn (theo đánh giá của Phòng trồng trọt – chế biến nông sản (Sở NN-PTNT) thì con số này phải chiếm tới 1/3 sản lượng cà phê hàng năm (khoảng 150.000 tấn/ 450.000 tấn). Lượng cà phê này khi được tung vào thị trường để tiêu thụ, thì việc nỗ lực nâng cao chất lượng cà phê trong chuỗi phát triển cà phê bền vững trên địa bàn Đắk Lắk giảm tác dụng.

Quy trình sản xuất, thu hái cà phê đầy bất cập của nông dân Đắk Lắk có thể lý giải bằng nhiều nguyên nhân như: thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học-kỹ thuật… nhưng ở một số công ty chuyên sản xuất, kinh doanh cà phê, tình trạng này cũng chưa được cải thiện đáng kể.

Đại diện Tổng công ty cà phê Việt Nam tại Đắk Lắk cho biết, hiện các DN trực thuộc đơn vị này chỉ chế biến ra sản phẩm thô, còn chế biến cà phê tinh xuất khẩu chỉ mới bước đầu triển khai, với số lượng không nhiều. Mặt khác, để có năng suất cao, lợi nhuận nhiều, một số nông hộ ở Đắk Lắk sẵn sàng áp dụng nhiều biện pháp canh tác cực đoan mà không tính toán đến hậu quả xấu cho môi trường và cho chính sự phát triển bền vững của vườn cây. Dễ thấy nhất, nhiều hộ đã chặt bỏ cây che bóng mát, hoặc sử dụng quá nhiều phân hóa học, thuốc kích thích để tăng năng suất.

Theo Tiến sĩ Trương Hồng (Viện KH-KT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên), việc sản xuất, kinh doanh cà phê ở đây đang trong tình trạng không kiểm soát được trên tất cả các phương diện: từ qui hoạch, chăm sóc, thu hái… đến bảo quản, chế biến đều theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không theo một qui trình nào cả –  là những yếu tố bất lợi cho lộ trình phát triển cà phê bền vững của Đắk Lắk.

Từ những yếu kém, hạn chế đó mà mỗi khi niên vụ cà phê đến, người nông dân tự đánh mất hàng trăm triệu USD do sản phẩm không đạt phẩm cấp theo yêu cầu của thị trường thế giới. Tiến sĩ Trương Hồng nhấn mạnh: phần thiệt ấy chỉ thuộc về người nông dân trồng cà phê, còn các nhà thu mua, xuất khẩu thì không! Bởi cà phê càng nhiều tạp chất thì giá càng rẻ, sau khi mua về các DN sẽ sàng lọc, đánh bóng lại để bán và hưởng chênh lệnh giá theo thị trường.

Đây là yếu tố thứ ba (cùng với việc thu hái cà phê xanh, chế biến theo phương pháp lạc hậu) dẫn đến hậu quả là cà phê Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung giảm uy tín trong sự lựa chọn của bạn hàng quốc tế. Có thể nói, việc sắp xếp, tổ chức lại qui trình sản xuất, kinh doanh cà phê theo mô hình liên kết “bốn nhà”: nhà nông-nhà khoa học- nhà quản lý và DN là yêu cầu cấp thiết đặt ra; và chỉ một khi có sự liên kết chặt chẽ thì bài toán chất lượng và bền vững của cà phê ở đây mới thật sự  được giải quyết.

>> Nên chọn tiêu chuẩn trồng cà phê bên vững nào?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. cafenghot

    Đừng đổ lỗi cho ND mà tội cho họ. DN hãy mua đúng giá trị thực của cà phê đi, đừng xô bồ để hưởng lợi thì ko một ND nào làm hàng kém đưa ra thị trường cả. ND chúng tôi chỉ yêu cầu các DN mua hàng của chúng tôi làm ra phải đúng chất lượng, đẹp mua giá cao xấu giá thấp, tạp chất nhiều phải trừ, có thế mới khuyến khích người ND làm hàng chất lượng được.

  2. cafenghot

    Đừng đổ lổi cho ND mà tội cho họ. DN hãy mua đúng giá trị thực của cà phê đi ,đừng xô bồ để hưởng lợi thì ko một ND nào làm hàng kém đưa ra thị trường cả. ND chúng tôi chỉ yêu cầu các DN mua hàng của chúng tôi làm ra phải đúng chất lượng đẹp mua giá cao xấu giá thấp,tạp chất nhiều phải trừ có thế mới khuyến khích người ND làm hàng chất lượng được
    Còn đổ lổi cho ND chúng tôi sử dụng thuốc kích thích để tăng năng suất thì xin lổi tôi canh tác cà phê đã 20 năm chưa hề sử dụng, cả xã tôi cũng ko hề sử dụng vì ko cần thiết

  3. Cà Phê Không Đường

    Có bác ở diễn dàn đã tham gia BỘ NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG CÀ PHÊ BỀN VỮNG xin chỉ cho em biết với. Em đang ở Thị Trấn Quảng Khê, Dak Nông, là nông dân làm cà phê hơn 20 năm nay, đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc giá cả và chất lượng cà phê khi bán. Em ước ao được tiếp cận BỘ NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG CÀ PHÊ BỀN VỮNG để áp dụng cho mình. Đồng thời rất muốn đồng hành với những nhà Nông khác xây dựng thương hiệu CÀ PHÊ VIỆT NAM ngang tầm với các nước. Xin cám ơn rất nhiều.

  4. Cà Phê Không Đường

    Xin nhấn mạnh với các nhà quản lỷ rằng: xây dựng BỘ NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG CÀ PHÊ BỀN VỮNG phải bắt đầu từ nông dân (người trồng cà phê) chứ các bác cứ họp bàn TRÊN GIẤY không có kế hoạch thực tế tới nông dân! Lại còn phát biểu lung tung, chê trách nông dân chúng tôi hái cà phê non, dùng chất kích thích… không theo kế hoạch v.v… thì tội nghiệp nông dân chúng tôi.

  5. Cafe BMT

    Cho mình đính chính tác giả bài viết chút nhé!
    4C: Common Code for the Coffee Community (Bộ Nguyên Tắc Chung Cho Cộng Đồng Cà Phê).
    Bạn ghi như vậy người nước ngoài sẽ không hiểu 4C là gì cả.
    Thân ái.

Tin đã đăng