Thời gian gần đây, trên địa bàn Đồng Nai thời tiết chuyển lạnh, thỉnh thoảng lại xuất hiện những trận mưa trái vụ. Thời tiết này không chỉ gây hồi hộp cho các chủ vườn mai, lan mà những người trồng điều, xoài cũng thấp thỏm lo âu.
Anh Trần Đình Hiếu ở xã Phú Ngọc, Định Quán xịt thuốc cho vườn xoài đang trổ bông.
Nhiều vườn điều, vườn xoài trong tỉnh đã bị tác hại của những cơn mưa trái vừa qua thấy rõ. Xoài rụng bông, đen trái; điều ra hoa lỏm chỏm không đều. Những trận mưa trái vụ do áp thấp, bão gây ra đã tạo áp lực cho nhiều nông dân.
Điều kém hoa
Như mọi năm, thời điểm này các vườn điều đều trĩu quả non, một số nơi đã có điều chín. Nhưng năm nay điều ra bông khá muộn và tỷ lệ bông không cao. Bà Nguyễn Thị Ngà, người trồng 3 hécta điều ở xã Gia Canh, huyện Định Quán cho biết, mặc dù bà đã sử dụng cả chế phẩm kích thích bông nhưng đến nay lượng bông trổ rất thấp, chỉ khoảng 60%. “Đầu tháng 11 thấy cây điều trút lá khá đều, tôi cũng mừng. Song, thay vì trổ bông thì cây lại đâm chồi ra lá khác. Tôi đang trông cho có thêm một hai đợt bông nữa, nếu không thì nguy cơ vụ này giảm năng suất” – bà Ngà nói.
Không chỉ riêng vườn điều nhà bà Ngà mà nhiều vườn điều ở Định Quán cũng trong tình trạng tương tự. Các huyện khác, như: Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, tình trạng điều ra lộc thay bông cũng phổ biến. Ông Nguyễn Đức Mầu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, nơi có diện tích điều hơn 2.000 hécta, cho hay năm nay điều trổ bông trễ. Những trận mưa trái vụ vừa qua khiến bông điều ra không tập trung, lượng bông chỉ đạt khoảng 70%. Theo ông, nếu từ nay đến Tết Nguyên đán không gặp mưa trái vụ có thể có những đợt bông tập trung hơn. Kỹ sư Vương Lan, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông lý giải, sở dĩ điều ra lá non mà không trổ được bông là do trong nước mưa có một lượng đạm, khi điều ra mầm để làm bông bị dư đạm sẽ chuyển hóa thành mầm lá.
Không chỉ vậy, tình trạng thời tiết khô hanh và sương mù ở đầu tháng 12 này cũng làm gia tăng các sinh vật hại. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật, đến thời điểm giữa tháng 12 đã có trên 490 hécta điều bị nhiễm bọ xít muỗi đỏ, tăng 379 hécta so với giữa tháng trước. Ngoài ra, các sâu bệnh khác như bọ vòi voi cũng có khoảng 130 hécta, tăng 100 hécta; bệnh thán thư trên 720 hécta, tăng gần 50 hécta.
Xoài tăng chi phí vì mưa
Anh Nguyễn Thế Bảo ở xã Xuân Hưng, Xuân Lộc, theo dõi diễn biến sâu bệnh trên cây xoài.
Mỗi một trận mưa là chủ các vườn xoài lại tốn thêm phần chi phí. Ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, anh Nguyễn Thế Bảo chủ của 6 hécta xoài cũng vật lộn với thời tiết để bảo vệ vườn xoài của mình. Do sản xuất xoài rải vụ nên trong vườn của anh có nhiều loại xoài: đang trổ bông, đã đậu trái và trái lớn sắp thu hoạch. Anh Bảo cho hay, không riêng gì xoài đang trổ bông mà tất cả các loại xoài đều phải xịt thuốc sau mỗi trận mưa, nếu không trái sẽ bị thâm đen khi thu họach bán mất giá. Sau mỗi trận mưa, anh tốn 6 triệu đồng tiền thuốc để xịt.
Thời tiết âm u là môi trường tốt cho các loại nấm bệnh phát triển, đặc biệt là 3 loại bệnh thán thư, phấn trắng và sương mai gây hại. Nếu không xử lý kịp thời, những loại bệnh này sẽ gây rụng hoa, đen trái và hư cả đọt non của xoài, làm thiệt hại không nhỏ. Điều này cũng đã thấy rõ trên vườn xoài 20 hécta của ông Trần Cầu ở xã hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu. Ông Cầu cho hay, những trận mưa vừa qua rơi vào ngay thời điểm vườn xoài của ông đang bung bông mạnh, do không chủ động được lao động để xịt thuốc nên hoa bị rụng rất nhiều. Theo ông Cầu đánh giá, có thể năng suất vườn xoài của ông năm nay giảm tới 50%. Hiện đang là thời điểm xoài trổ bông và có trái non nên hầu hết các chủ vườn đều nơm nớp sợ mưa.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 8.000 hécta xoài và gần 50 ngàn hécta điều được trồng nhiều ở các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc và Thống Nhất. Phần lớn diện tích hai loại cây này đang ra hoa và trái non. Xoài sẽ cho thu hoạch vào cuối tháng giêng năm 2012 (xoài chính vụ) và điều cho thu hoạch vào khoảng tháng 4.