Tái canh cà phê và bài toán bảo đảm sản lượng

Theo thống kê, có khoảng 100.000 ha cây cà phê hiện nay tại Việt Nam sẽ phải trồng lại và tới năm 2020, khoảng hơn một nửa diện tích cây cà phê, tức 250.000 hec ta phải trồng lại trong tổng diện tích cà phê cả nước hiện khoảng 500.000 hec ta.

Điều này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến sản lượng cà phê trong những năm tiếp theo của Việt Nam? Và liệu nó có ảnh hưởng như thế nào đến vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới?

Ghép cà phê

Tầm quan trọng của việc tái canh cà phê

Các kỹ sư của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đang tiến hành trồng lại 180 ha cà phê, cho đến nay đã tái canh được 100 ha. Theo Viện này thì việc tái canh cà phê, cải tạo các vườn cà phê già cỗi là cần thiết.

Hiện nay, cả nước có trên 500 ngàn ha trồng cà phê, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong đó có 100 ngàn ha cà phê trên 20 năm tuổi cần phải trồng lại và 150 ngàn ha từ 15 – 20 năm tuổi đã có biểu hiện gìa cỗi. Thêm vào đó, việc phát triển diện tích cà phê ồ ạt mà không quan tâm tới chất lượng giống, quy hoạch vùng chuyên canh, bên cạnh đó là thiếu kỹ thuật canh tác của người nông dân đã khiến giá trị cây cà phê ngày càng giảm

Vì vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tái canh diện tích cà phê già cỗi là vấn đề tất yếu và cần phải có sự hy sinh vì lợi ích lâu dài, để bảo đảm năng suất và chất lượng của cà phê.

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn từ năm 2000 – 2010, diện tích trồng cà phê tăng khoảng 2%/năm. Với mức tăng này có thể giúp Việt Nam giữ vững sản lượng trên 1 triệu tấn/năm đến năm 2018. Tuy nhiên, nếu việc tái canh không được thực hiện ngay từ lúc này thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng, kim ngạch xuất khẩu cũng như vị thế của cà phê Việt Nam trên thế giới.

Tái canh cà phê và bài toán về chi phí, đảm bảo sản lượng xuất khẩu

Quá trình tái canh dẫn đến thực tế là sản lượng cà phê sẽ bị sụt giảm đáng kể do một phần lớn diện tích cây cà phê già cỗi bị chặt bỏ để trồng mới. Bài toán đặt ra là làm thế nào để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, giữ được thị phần trên thị trường thế giới và bên cạnh đó là đời sống của người trồng cà phê sẽ ra sao khi mà trong vòng 3 đến 5 năm, cây cà phê mới cho thu nhập.

Ông Lương Văn Tự, chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam cho biết: “Khi tái canh, nếu tái canh trên diện rộng thì sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cà phê nói chung và xuất khẩu nói riêng. Kinh nghiệm của Colombia khi họ tái canh trên diện rộng thì từ 12.3 triệu tấn/ 1 năm xuống còn mức thấp nhất là 7.3 triệu tấn/năm.”

Theo tính toán của Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, nếu như muốn tái canh, mỗi ha cà phê cần ít nhất 100 triệu đồng. Trong khi đó ở Việt Nam, có tới 90% diện tích cà phê được trồng nhỏ lẻ ở quy mô nông hộ. Việc tái canh cà phê cần sự đầu tư lớn về vốn là vấn đề thực sự khó khăn đối với người nông dân khi mà bản thân các doanh nghiệp kinh doanh cà phê hiện nay còn khó huy động vốn từ ngân hàng.

Đến thời điểm này, đã có nhiều giải pháp đưa ra nhằm giải quyết hữu hiệu bài toán tái canh diện tích cà phê già cỗi. Những giải pháp đó tập trung vào việc hạ thấp vốn đầu tư, ứng dụng giống mới cho năng suất cao cùng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân…Tuy nhiên, nó cần có kế hoạch tổng thể, lộ trình rõ ràng chứ không thể giải quyết trong một sớm, một chiều.

Ông Nguyễn anh Phong, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng để tái canh cây cà phê, cần phải rà soát lại diện tích cà phê Việt Nam.: “Trên cơ sở rà soát chi tiết đó thì chúng ta mới có thể xây dựng cái kế hoạch tái canh cho từng vùng. Và nếu có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hỗ trợ thì sẽ phải tập trung vào từng cái vùng một, xác định cho từng ưu tiên một.”

Với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD/năm, cà phê là mặt hàng có giá trị xuất khẩu đứng thứ 2 trong các mặt hàng nông sản của Việt Nam.Việc tái canh sẽ khiến sản lượng cà phê giảm, ít nhất là trong vài niên vụ. Thị phần của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới có thể sẽ bị ảnh hưởng khi mà chúng ta đang là quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, để phát triển bền vững lại cây trồng nhiều tiềm năng này, đây cũng là vấn đề tất yếu mà ngành cà phê Việt Nam phải chấp nhận.

Theo ông Nguyễn Đình Bích, Chuyên gia nghiên cứu chiến lược thương mại, hiện nay, một phần diện tích cà phê của nước ta trồng trên đất không thích hợp, cho năng suất thấp. Vì vậy, việc tái canh cà phê sẽ là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu trồng cây cà phê. Cũng theo ông, mở rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là hướng đi có thể thực hiện tái canh cà phê hiệu quả.

Kinh nghiệm tái canh cà phê của các nước

Kinh nghiệm của các nước tiến hành tái canh cà phê trên quy mô lớn như Cô-lôm-bi-a, Ấn Độ cho thấy, cần xây dựng chương trình tái canh chủ động, có các giải pháp đồng bộ về kỹ thuật, chính sách, nguồn lực đầu tư và tiến hành từng bước theo hướng mỗi ha trồng lại không quá 20% diện tích vườn cây cần thay thế.

-Colombia: Với hai chương trình: nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo sự bền vững lâu dài cho ngành cà phê, Colombia mỗi năm hạn chế đổi mới 20% diện tích cà phê cho mỗi chủ vườn và thiết kế đổi mới 300.000 ha cà phê đến tuổi già cỗi, hàng năm đổi mới 70.000 ha cho tới năm 2020.

Nhà nước thông qua quỹ cà phê hỗ trợ tiền phân bón cho cà phê với mức 7 USD/ cây. Nhà nước chi trả 40% các khoản nợ cho nông dân vay cho chương trình tái canh. Tiền lãi do quỹ cà phê trả.

-Ấn Độ: Để giúp nông dân trồng lại các vườn cà phê thay thế các vườn cà phê già cỗi, chính phủ Ấn Độ đã tài trợ cho ngành cà phê một khoản ngân sách lớn, tới 1 tỷ rupi Ấn Độ(1USD= 48,96 rupi) trong kế hoạch năm năm từ 2007 đến 2012 với diện tích là 40.000 ha. Một nông dân có đến 2 ha trồng cà phê tái canh được trợ cấp bằng 40% giá thành trồng lại.

Giá thành trồng lại 1 ha cà phê Arabica dự tính hết 100.000 rupi Ấn Độ, tương đương 2.000USD và 1ha cà phê Robusta dự tính hết 70.000 rupi Ấn Độ, tương đương 1.400 USD.)

Với sản lượng xuất khẩu hơn một triệu tấn/năm và kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD/năm, cà-phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Tuy nhiên, với thực trạng diện tích càphê già cỗi đang tăng nhanh như hiện nay thì thành quả xuất khẩu trên rất có thể sẽ bị ảnh hưởng. Việc trồng lại cà phê, cải tạo các vườn cà phê già cỗi là một việc tất yếu để phát triển ngành cà phê, thế nhưng để không tạo ra sự sụt giảm lớn về sản lượng từ đó có thể khiến Việt Nam mất vị thế xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới, việc trồng lại chắc chắn sẽ phải được tiến hành một cách thận trọng.

>> Tái canh cà phê bằng cách nào?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. NÔNG CÀ

    Tái canh cà phê bằng biện pháp cưa đốn, ghép chồi là biện pháp tích cực, cho hiệu quả cao! Thực tế đã chứng minh.
    Với điều kiện gốc cây chủ trong tình trạng sinh trưởng bình thường, ta chủ động được mắt ghép giống tốt , trái nhiều, ít sâu bệnh; thời gian phát triển để cho trái nhanh, sức sống mãnh liệt!
    Vườn cây nhà tôi 20% đã được cưa đốn và ghép chồi đã được nhiều năm, và diện tích ghép tăng dần từng năm.
    Rất tuyệt vời!

  2. NÔNG CÀ

    Muốn lấy chồi giống, có 2 cách:
    – Cách 1: chủ động chọn một số cây giống tốt trong vườn nhà mình là bảo đảm nhất, vì những cây này đã được theo dõi qua nhiều năm đạt theo yêu cầu do mình đặt ra, như: tỉ lệ đậu trái cao, trái nhiều, trái lớn, ít sâu bệnh… từ đó ta nhân rộng ra theo từng năm.
    – Cách 2: liên hệ với Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh Đác Lắc để mua chồi hai dòng cà phê được công nhận là VCĐD.CAPHE TR4.41.07 và VCĐD.CAPHE TR5.41.07.
    (tuyệt đối không mua chồi không rõ nguồn gốc, không có sự bảo đảm uy tín, ảnh hưởng lâu dài trong canh tác.)

  3. Cafe Vối

    Số liệu trong bài viết là rất lộn xộn, do người không có chuyên môn và kiểm toán viết, nên chỉ để tham khảo. Ví dụ:
    * Nhà nước thông qua quỹ cà phê hỗ trợ tiền phân bón cho cà phê với mức 7 USD/ cây.
    Nếu tôi trồng cà R, mật độ 1.100 cây/ha thì hỗ trợ = ?
    Nếy tôi trồng cà A, mật độ 6.666 cây/ha thì hỗ trợ = ?
    * Chi phí trồng lại 1 ha cà A là 2.000 USD và 1 ha cà R là 1.400 USD, căn cứ ?
    Có thể tìm thấy nhiều chi tiết mơ hồ trong bài viết. Tham khảo cho vui thì được.

    1. Đại ca chùa bộc

      Bác Cafe Vối thông cảm.
      Mình cũng đã đọc những thông tin trên từ bản gốc, mấy anh nước ngoài chỉ đưa tin như vậy thui. Chứ cụ thể như thế nào thì họ không đời nào nói đâu. Đó mới là giải pháp về tài chính, hỗ trợ; còn về giải pháp kỹ thuật họ không hề. Bí mật quốc gia mà.

Tin đã đăng