Lợi ích thiết thực của mỗi người dân trong xây dựng nông thôn mới

Phải làm cho nông dân hiểu lợi ích thiết thực của mỗi người dân trong xây dựng nông thôn mới là một trong những kinh nghiệm đắt giá được Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng quán triệt tại Hội nghị tổng kết xây dựng mô hình nông thôn mới ở xã Tân Hội, 1 trong 11 xã điểm của cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Sau 3 năm triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới ở xã điểm Tân Hội, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm, có giá trị thực tiễn lớn về công tác lãnh – chỉ đạo, tổ chức thực hiện… Đó là phải đặt công tác tuyên truyền lên vị trí “tiền phong” để người dân cùng đồng thuận vào cuộc với Nhà nước. Kinh nghiệm thứ hai là luôn phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch… trên tinh thần dân chủ trong mọi hoạt động của chương trình để người dân khẳng định và thể hiện quyền làm chủ của mình trong suốt tiến trình xây dựng nông thôn mới. Khi làm được điều này thì không những khẳng định rõ vai trò chủ thể của người dân mà còn làm tốt được việc huy động mọi nguồn lực của người dân cho chương trình. Thực tiễn cho thấy nơi nào không khơi dậy, huy động và phát huy tốt mọi ngưồn lực trong dân, thì không thể đạt được những tiêu chí đã đưa ra, nhất là về xây dựng hạ tầng nông thôn. Đặc biệt, với những “cái mới” và tầm bao quát rất lớn theo bộ tiêu chí nông thôn mới của trung ương, cần có những “con người mới, tư duy mới” để có những cách làm mới năng động.

Theo Ông Trần Trọng Tuyên – Phó chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã Tân Hội, bài học kinh nghiệm ở đây còn là việc phải gắn chặt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, phong trào xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa. Do đặc thù “chất nông dân” ở nông thôn nên chương trình phải làm theo trình tự từ việc nhỏ đến việc lớn, việc đơn giản đến việc phức tạp và kết hợp hài hòa giữa đầu tư xây dựng kinh tế với văn hóa, giữa cái mới với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư, kết hợp và vận dụng hài hòa các nguồn vốn… Và một bài học lớn là phải có sự thống nhất, đoàn kết và tinh thần trách nhiệm cao trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Ông Huỳnh Đức Hòa – Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Đây là những bài học rút ra từ thực tiễn nên có giá trị lớn cho việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương khác trong thời gian tới, giúp các địa phương có những cách làm phù hợp nhất và rút ngắn được thời gian, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. NÔNG CÀ

    Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có lẽ khó nhất là tiêu chí cơ cấu lao động, trong đó giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
    Vì bản chất là nông thôn, nên tỷ trọng nông nghiệp bao giờ cũng cao, nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ là điều khó khăn.
    Trái lại nếu đưa tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng đến một tỷ lệ nào đó thì sẽ không còn là nông thôn nữa, sẽ thành đô thị hóa!?

Tin đã đăng