Bình Phước: Dịch bệnh hoành hành trên cây điều

Thời điểm này, cây điều đã vào mùa thay lá, đâm chồi và chuẩn bị ra bông, thế nhưng ở xã Phú Nghĩa, Đắk Ơ và một số xã khác của huyện Bù Gia Mập, nông dân lại đang loay hoay, khốn đốn trước bệnh khô ngọn, cành và sâu róm đỏ hoành hành trên diện rộng.

 

Vườn điều nhiễm bệnh chỉ còn trơ lại cành

Nhiều hộ trồng điều điêu đứng vì sâu bệnh

Khảo sát vườn điều của nông dân ở xã Phú Nghĩa, chúng tôi thấy bệnh trên cây điều phát triển rất nhanh. Vùng bị nặng nhất là hai thôn Bù Gia Phúc I và II, với trên 80% cây điều nhiễm bệnh. Bệnh mới xuất hiện vào cuối tháng 10 nhưng đã làm cho vườn điều của các hộ nông dân ở đây chết dần.

Ông Lê Đình Vạn ở thôn Bù Gia Phúc I có 2,5 ha điều đều bị bệnh khô ngọn, khô cành và bị sâu róm đỏ ăn trụi lá. Ông Vạn cho biết: Cây điều bị khô cành từ khoảng tháng 10 nhưng do trời mưa nhiều nên không phun được thuốc. Vài tuần gần đây, vườn điều xuất hiện sâu róm đỏ nên cây điều xơ xác, không còn chiếc lá nào. Với tình trạng sâu bệnh trên cây điều như hiện nay, nếu cán bộ nông nghiệp không kịp thời hướng dẫn chữa trị thì thất thu vụ mùa này là khó tránh khỏi.

Cho đến nay, đối với bệnh khô ngọn, khô cành, nông dân các xã của huyện Bù Gia Mập đã được hướng dẫn, tập huấn chăm sóc, chữa trị, nhưng bệnh sâu róm đỏ thì chưa biết cách xử lý. Chị Thị Nương một nông dân người Xêtiêng nói: “Trạm bảo vệ thực vật xem sâu gì mà lạ thế, tìm thuốc diệt cho nó chết đi. Mình không biết làm thế nào hết”.

Già làng Điểu Mố năm nay tròn 90 tuổi, có nhiều năm trồng điều nhưng chưa bao giờ ông thấy loại sâu róm đỏ. Ông cho biết: Năm ngoái cũng xuất hiện rải rác sâu róm đỏ nhưng không nhiều như năm nay. Sâu róm có nhiều màu, từ đỏ, đen, trắng cho tới xanh, có loại lông xù lên như lông nhím và mỗi cây cũng có tới vài ký sâu. Sâu ăn lá vào buổi tối, còn ban ngày bám trên thân hoặc dưới gốc cây điều.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi được nông dân báo, Trạm Bảo vệ thực vật huyện và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã về khảo sát tình hình. Dự đoán sâu bệnh trên các vườn điều ở các xã: Phú Nghĩa, Bù Gia Mập, Đắk Ơ là do bệnh khô ngọn, khô cành và sâu róm đỏ, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã kết hợp với Trung tâm Kiểm dịch sau nhập khẩu II Thành phố Hồ Chí Minh lấy mẫu phân tích, giám định bệnh lý cho cây.

Phòng trị để hạn chế sự lây lan

Theo số liệu khảo sát ngày 9-11 của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bù Gia Mập, toàn huyện có hơn 600 ha điều bị nhiễm bệnh khô ngọn, khô cành và sâu róm đỏ. Bệnh nặng nhất ở các xã Phú Nghĩa với hơn 250 ha, xã Đắk Ơ 150 ha, xã Bù Gia Mập 100 ha và rải rác ở xã Đức Hạnh.

Khô ngọn, khô cành là bệnh mới xuất hiện, nhưng bệnh phát triển mạnh, gây thiệt hại nặng và độ lây lan nhanh. Kết quả phân tích, giám định các mẫu điều bị bệnh cho thấy, trên lá có sự hiện diện của nấm Pestalotia sp và trên thân, cành có nấm Botryodiplodia theobromae. Đối với 2 loại nấm trên, nhiệt độ thích hợp để sinh trưởng phát triển và gây hại từ 270C-280C, xâm nhập qua vết thương cơ giới do côn trùng cắn phá và qua không khí. Bệnh gây hại nặng vào các tháng trong mùa mưa có xen nắng cục bộ, trên những vườn chăm sóc kém, nhiều cỏ dại, bón phân không hợp lý.

Để phòng trừ 2 loại nấm bệnh gây hại trên, ông Đỗ Thành Trung, Trưởng trạm bảo vệ thực vật huyện Bù Gia Mập, cho rằng: Nông dân cần áp dụng các biện pháp chăm sóc, phòng trừ bệnh theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh về các biện pháp phòng trừ bệnh cháy lá, khô cành điều. Người dân cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện bệnh kịp thời; vệ sinh vườn, loại bỏ lá, cành bị bệnh và những cành kém hiệu quả. Vườn cây phải thông thoáng, bón phân cân đối, hợp lý, phòng trừ tốt các loại côn trùng gây vết thương cơ giới như bọ xít muỗi, bọ đục nõn, sâu đục cành, đục thân, nhằm hạn chế nấm bệnh xâm nhập và gây hại. Khi phát hiện bệnh trên vườn điều, nông dân cần phải báo ngay cho cơ quan chức năng để phòng chống những thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Bệnh khô ngọn, khô cành có chiều hướng diễn biến phức tạp, nông dân trồng điều có thể sử dụng một số loại thuốc như: Hexado 300SC (Carbendazim 125g/l (250g/l)) + Hexaconazole 30g/l(50g/l)) phun 2 đến 3 lần cách nhau 7 đến 10 ngày/lần, hoặc sử dụng một số thuốc sau cũng có hiệu quả: Anvil, Camilo, Vixazol, Arivit. Đối với bệnh sâu róm đỏ, nông dân nên sử dụng thuốc đặc trị như: Tasodan, Midan, Catex, Sehzol, Sagomycin.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng