Hiện nay, tại tỉnh Dăk Lăk và các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào mùa hái cà phê niên vụ 2011 – 2012, tuy nhiên, người trồng cà phê đang gặp khó khăn khi tìm thuê nhân công thu hái.
“Đỏ mắt” tìm nhân công
Dăk Lăk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, với gần 200.000ha, trong đó có 180.000ha cà phê kinh doanh đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Tuy nhiên, hầu hết các chủ vườn vẫn chưa tìm được người hái cà phê, mặc dù giá nhân công năm nay đã tăng từ 15 – 20% so với niên vụ trước. Điều này đang tạo nên một “cơn sốt” thiếu nhân công đối với người dân, bởi trên 85% diện tích cà phê trong tỉnh là của hộ tư nhân. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do hầu hết các hộ trồng cà phê đều không có đủ nhân lực tại gia; việc thuê lao động ngoài tỉnh gặp khó do công việc mang tính thời vụ từ 2 – 4 tháng.
Theo một số hộ trồng cà phê tại huyện Krông Năng, để thu hái càphê chính vụ, thì mỗi hecta phải tốn từ 60 – 70 ngày công, vì vậy, mỗi hộ dân phải thuê thêm từ 5 – 10 lao động/ngày để thu hái càphê cho kịp thời vụ và tránh mất trộm cà phê. Ông Trịnh Văn Tình ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng cho biết: “Thời điểm này mọi năm, gia đình tôi đã thuê được bảy nhân công, đủ để thu hái 2 hecta cà phê của nhà mình, nhưng đến nay, tôi vẫn chưa tìm được ai, đây là tình trạng chung của cả xã, cả huyện”.
Trước tình trạng cung không đủ cầu, nhân công thu hái cà phê thuê thường “làm mình, làm mẩy” với chủ vườn, nếu chủ vườn khắt khe về giờ giấc, tiền công, họ sẵn sàng bỏ đi làm cho chủ khác. Chị Triệu Thị Hành, ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar than: “Năm ngoái, gia đình tôi thuê nhân công thu hái càphê khoảng 80.000 – 100.000 đồng/người/ngày, nay tăng lên 150.000 đồng/người/ngày mà chỉ tìm được hai người từ quê Hà Tĩnh vào hái thuê, nhưng tôi phải nuôi ăn ngày ba bữa, họ mới làm”.
“Trăm dâu đổ đầu… nông dân”
Nhân công khan hiếm, giá thuê cao như vậy, thu nhập của người trồng cà phê bị ảnh hưởng ít nhiều do giá cà phê nhân trên thị trường đang trên đà tụt dốc. So với đầu tháng 5.2011, thời điểm giá càphê tăng cao nhất là 52.000 đồng/kg, hiện nay đã giảm 15.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Sinh, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Dăk Lăk cho biết, nếu tình trạng này tiếp diễn, thì không ít hộ dân lại lâm vào cảnh nợ nần các đại lý thu mua cà phê, bởi vì, trong quá trình chăm sóc cà phê, người dân thường phải vay vốn từ các chủ đại lý thu mua quen biết để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công chăm sóc cà phê… Do “ăn trước trả tiền sau”, đến mùa thu hái cà phê, nông dân buộc phải bán sản phẩm thu hoạch cho các đại lý đã vay tiền.
Anh Phúc, chủ đại lý thu mua cà phê Châu Phúc ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pak cho biết: “Do bà con khi bán cà phê nhân thường vẫn còn lẫn nhiều tạp chất như: vỏ, rác, nên các đại lý phải trừ từ 1 – 2 tạ/mỗi tấn càphê nhân của người dân, sau đó chúng tôi sẽ cho làm sạch cà phê nhân để xuất cho tổng đại lý”.
Bên cạnh đó, việc đầu tư chăm sóc cho mỗi hecta cà phê giờ đây cũng là một gánh nặng đối với nông dân, bởi giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp khá cao. Nếu như trước đây (khoảng năm 2007 trở về trước), để đầu tư chăm sóc cho một hecta cà phê chỉ tốn chừng 15 – 20 triệu đồng, nhưng đến nay, phải tốn từ 40 – 60 triệu đồng/ha, chưa kể các chi phí khác như: công đào, khoan giếng, mua các vật dụng tưới nước… Nếu được mùa thì đạt từ 3 – 3,5 tấn nhân/ha, với giá bán hiện nay, người trồng cà phê gần như không có lãi, thậm chí bị lỗ vốn nếu bị hái trộm, hoặc phơi sấy cà phê không bảo đảm, cà phê bị mốc, không bán được, nhiều gia đình sẽ không có tiền để trả lãi suất vốn vay của các đại lý thu mua cà phê.
Tại sao nhiều nông hộ năm nào cũng thiếu nhân công khi vào vụ mà ko rút kinh nghiệm để rồi than ngắn thở dài nhỉ.
Tui chỉ còn hai ông bà già, mỗi năm thu hơn 20 tấn nhưng vẫn thấy khỏe re. Tất cả có anh TIỀN chị BẠC lo hết. Cái quan trọng là mình dừng keo kiệt, nên trả công xứng đáng với mồ hôi họ đổ ra thì chả có khi nào thiếu người.