Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp và các nhà xuất khẩu Cà phê Indonesia (AEKI) phụ trách cà phê đặc sản, ông Pranoto Soenarto cho hay Indonesia, nước sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới, sau Braxin và Việt Nam, mong muốn trở thành nước đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê vào năm 2016 bằng việc nâng gấp đôi sản lượng hiện nay lên 1,4 triệu tấn.
Thu hoạch cà phê ở Indonesia
Để đạt được mục tiêu này, AEKI sẽ hợp tác chặt chẽ với những người trồng cà phê địa phương để thúc đẩy sản lượng cà phê ở những khu vực trồng cà phê hiện nay. Ngoài ra, ông Pranoto còn cho biết AEKI sẽ hợp tác với các đối tác ở Braxin, những người đã cam kết giúp họ tăng gấp đôi sản lượng.
Ông Pranot nhấn mạnh trong giai đoạn đầu, Hiệp hội sẽ cùng với những người trồng cà phê ở địa phương sẽ lên sơ đồ về tính tương hợp giữa các loại cà phê hiện có với các khu vực trồng cà phê hiện nay, nơi họ dự đoán sẽ cho sản lượng cao nhất và sẽ chọn ra những giống cà phê phù hợp.
Về dài hạn, những nhà sản xuất địa phương dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng cà phê trong nỗ lực đưa Indonesia trở thành nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới trong vòng 10 – 15 năm nữa.
Indonesia hiện có 1,3 triệu ha trồng cà phê trên cả nước, dưới sự quản lý của khoảng 2 triệu nông dân, cho năng suất trung bình 700 – 800 kg/ha. Indonesia hiện sản xuất khoảng 690.000 tấn cà phê/năm, 78% trong số đó là cà phê robusta, 22% còn lại là cà phê arabica. Trong tổng sản lượng trên, 68% được xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài, như Nhật Bản, Mỹ và Đức, số còn lại được tiêu thụ trong nước. Mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người hàng năm của Indonesia là 0,8 kg, thấp hơn so với các nước sản xuất khác như Braxin (6 kg) và Côlômbia (1,8 kg).
Ông Pranoto cho biết ngoài tăng sản lượng, ngành công nghiệp địa phương sẽ thúc đẩy việc sản xuất các loại cà phê đặc sản, chủ yếu mang tính địa lý, với mùi vị đặc trưng như cà phê Gayo, cà phê Mandailing, Lampung, Java, Kintamani, Toraja và chiếm 15% tổng sản lượng hàng năm của nước này. Cà phê đã chế biến của Indonesia, chủ yếu dưới dạng cà phê bột và cà phê tan, đã tăng trung bình 3,5%/năm, lên 151.671 tấn năm 2010 từ mức 137.215 tấn năm 2007. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu tăng 38,7%, từ 52,9 triệu USD lên 114,47 triệu USD cùng kỳ.
Indo muốn giành vị trí xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam là điều không khó.
Hiện nay Indo có diện tích trồng cà phê khoảng 1,3 triệu ha trong khi VN mình chỉ có hơn 550 ngàn ha. Nông dân Indo trồng theo lối quảng canh, phó mặt cho trời đất là chính, đầu tư chăm sóc rất sơ sài… Vùng nào năng suất cao cũng chỉ 1 tấn nhân/ha, còn lại 7-8 tạ/ha là phổ biến.
Mong rằng người Indo giành được vị trí thứ hai. Hy vọng với nguồn cafe dồi dào người Indo có thể điều tiết được giá cả thị trường. Để cho Việt Nam đứng hạng nhì mà chẳng làm được gì cả. Chỉ bị bọn nước ngoài đầu cơ làm giá. Lời lãi tụi nó ăn hết lỗ nông dân mình chịu.
Nói rằng người Indo muốn giành vị trí thứ 2 của VN là không đúng và cũng không khách quan. Phải nói đúng là VN giành vị trí xuất khẩu thứ 2 của Indo vì diện tích của VN không bằng nửa của Indo kia mà.
Sản lượng của VN cao thật nhưng là cái cao của lối canh tác không bền vững, thiếu thân thiện với môi trường. Bằng chứng rõ rệt nhất là sự gian nan để tái canh cây cà phê, sẽ phí tổn rất nhiều mà kết quả không cao là do tồn dư độc hại của phân hóa học, thuốc trừ sâu để lại trong đất quá nhiều!
Indonexia trờ thành hiện thực khi họ thỏa mãn điều kiện cần và đủ, xét hiện tại họ có khả năng đấy! Khoa học sẽ chứng tỏ điều đó, tôi tin là như vậy. Còn ở ta quen lối “sống nhờ trời” đành vậy thôi bà con nông dân mình ạ. Tại mình không biết giáo dục con em, ra làm cán bộ cũng vậy mà thôi. VN thực tế rất ưu đãi tại con người quá chủ quan mà đến cơ sự này, vui vẻ để tiến bộ vẫn còn kịp.
Ai cũng cố gắng để đưa sản lượng của mình lên mà không quan tâm đến thị trường, đến chất lượng sản phẩm thì cuối cùng sẽ đột quỵ. Thị trường ngày càng khó tính đâu phải là sân chơi cho những kẻ ganh đua.
Hơn nữa sức tiêu dùng của thị trường là có hạn, đâu phải là vô hạn mà phải tập trung vào việc gia tăng sản lượng để nhất nhì với nhau hỡi mấy ông? Cuối cùng là còn nhiều việc cần làm hơn là đẩy nhanh sản lượng lắm mấy ông à!