Đồng Nai: 14 sản phẩm cây trồng được hỗ trợ xây dựng thương hiệu

Nhằm thúc đẩy các vùng quy hoạch mở rộng diện tích thâm canh cây trồng, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có những chính sách cụ thể về thực hiện Chương trình phát triển cây trồng chủ lực, cùng với đó là xây dựng thương hiệu sản phẩm cho sản phẩm cây trồng từ nay đến năm 2015.

Xoài đồng nai
Tỉnh Đồng Nai đang trồng nhiều giống xoài đạt chất lượng cao, có khả năng xuất khẩu ra thị trường quốc tế

Theo đó, Chương trình sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi mới đối với việc phát triển cây trồng và xây dựng thương hiệu nông sản. Để mở rộng diện tích vùng chuyên canh, từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng 14 thương hiệu sản phẩm cây trồng, trong đó đã có 3 thương hiệu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, có thương hiệu, qua đó thúc đẩy sản xuất phát triển, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đối với cây trồng, diện tích trồng mới sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống; 30% kinh phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trong vòng 4 năm kể từ khi trồng. Về diện tích thâm canh, nếu thâm canh trước năm 2011 được hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong 3 năm tiếp theo của thời kỳ kinh doanh. Nếu thâm canh từ năm 2011, hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong vòng 4 năm. Dự kiến tổng vốn đầu tư cây trồng chủ lực khoảng gần 970 tỷ đồng.

Các sản phẩm nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng thương hiệu gồm xoài Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc. Xoài La Ngà, huyện Định Quán. Bưởi Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu. Chôm chôm Xuân Định, huyện Xuân Lộc. Rau Trảng Dài, thành phố Biên Hòa. Rau Trường An, huyện Xuân Lộc. Rau Gia Tân, huyện Thống Nhất. Rau Tân Tiến, huyện Xuân Lộc. Sầu riêng thị xã Long Khánh. Mãng cầu xiêm, Huyện Cẩm Mỹ. Chuối Thanh Bình, huyện Trảng Bom. Tiêu, huyện Xuân Lộc, Trảng Bom và điều Donafoods, thành phố Biên Hòa. Mức hỗ trợ để xây dựng và đăng ký thương hiệu khoảng 50% chi phí, nhưng không quá 80 triệu đồng/cơ sở.

Được thực hiện từ năm 2006, Chương trình phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh Đồng Nai đã đạt được kết quả khả quan. Thực tế cho thấy, 5 năm qua, Chương trình phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng thương hiệu của địa phương này đã hình thành nên một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung cây ăn trái nổi tiếng như bưởi Tân Triều ở huyện Vĩnh Cửu. Xoài La Ngà, Phú Ngọc ở huyện Định Quán. Xoài Xuân Hưng, Suối Cao ở huyện Xuân Lộc. Sầu riêng ở thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc. Cà phê ở huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Hạt tiêu Xuân Thọ ở huyện Xuân Lộc…

Một số cây trồng chủ lực đã đạt diện tích thâm canh cao như cây xoài có trên 73 ha. Cây sầu riêng có trên 155 ha…Các loại cây trồng này đã phát triển cả về năng suất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, và đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Ở Đồng Nai, hiện nay đã có nhiều sản phẩm được thị trường quốc tế biết đến như hạt điều Donafoods, sầu riêng Dona, xoài Suối Lớn.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng