Ngày 6-10-2011, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) đã tổ chức Hội nghị công tác giao khoán sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2015. Nhưng nội dung cung cấp tại Hội nghị lại xoay quanh vấn đề liên quan đến những xung đột giữa công nhân và Công ty Cà phê Đak Đoa thời gian qua. Điều đáng nói là tại Hội nghị thành phần tham dự tuyệt nhiên không có đại diện công nhân.
Điều khó hiểu trong Hội nghị là tài liệu cung cấp cho đại biểu chỉ có 1 văn bản liên quan đến công tác khoán sản xuất nông nghiệp của Vinacafe (ký ngày 5-10-2011) và tới 5 văn bản (được ký từ ngày 5-10-2011 và trước đó) liên quan đến vấn đề của Công ty Cà phê Đak Đoa.
Cụ thể, Báo cáo số 134 Cty-TCHC/BC ngày 29-8-2011 của Công ty Cà phê Đak Đoa về việc: Giải trình nội dung liên quan đến thông tin đăng trên báo Gia Lai. Về nội dung “Phương án khoán cũ 11.300 kg quả tươi/ha là phương án theo kiểu “bóp nghẹt” sức lao động”, Công ty cho rằng: “Với mức giao khoán 11.300 kg/ha thì người lao động ngoài nhận tiền lương hàng tháng còn có mức vượt khoán hàng năm gần 3.000 kg/ha. Trong 2 năm (2009-2010), số tiền vượt khoán người lao động nhận về hơn 9,611 tỷ đồng. Riêng năm 2010, bình quân thu nhập của người lao động từ tiền lương và cà phê vượt xấp xỉ 40 triệu đồng/người. Cá biệt có người chỉ nhận riêng tiền cà phê vượt khoán đến hơn 100 triệu đồng. Theo chúng tôi, đây là mức khoán tương đối phù hợp…”.
Về nội dung “Phương án khoán mới người lao động tự trả lương cho mình và tự nộp chế độ bảo hiểm”, Công ty cho rằng: “Thể theo nguyện vọng của người lao động, Công ty muốn thực hiện phương án khoán cùng tham gia đầu tư. Tổng công ty đồng ý cho người lao động tham gia đầu tư bằng nhân công và dụng cụ lao động, còn lại doanh nghiệp đầu tư toàn bộ chi phí (kể cả các khoản bảo hiểm theo quy định cho người lao động). Với phương án mới, năng suất giao khoán bình quân 11.300 kg quả tươi/ha, người lao động được hưởng lương bằng ăn chia sản phẩm là 4.014 kg (tương ứng với định mức công và dụng cụ lao động), doanh nghiệp thu về 7.286 kg (tương ứng với toàn bộ chi phí liên quan đến quá trình đầu tư cho sản xuất/ha). Như vậy, thực hiện phương án này là hình thức trả lương bằng sản phẩm theo nguyện vọng của người lao động, các khoản bảo hiểm được doanh nghiệp nộp theo luật định. Không có nội dung người lao động tự trả lương và tự nộp các khoản bảo hiểm mà các khoản này đã được cơ cấu vào phương án khoán. Riêng người lao động chỉ đóng bù khoản chênh lệch bảo hiểm theo hệ số lương thực tế đóng bảo hiểm lớn hơn hệ số lương bình quân theo định mức trong phương án khoán…”.
Ngoài ra, về “Khoản nợ 22 tỷ đồng Công ty Cà phê Ia Sao chuyển sang”, Công ty giải thích: “Khoản nợ Công ty bao gồm nợ thanh toán vãng lai 3 tỷ đồng và nợ vay ngân hàng gần 18,5 tỷ đồng… Nay thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền, Công ty Cà phê Ia Sao đã chấm dứt hoạt động và thành lập Công ty Cà phê Đak Đoa trên cơ sở Nông trường Đak Đoa trực thuộc Công ty Cà phê Ia Sao trước đây. Công ty Cà phê Đak Đoa có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài chính, tài sản của Công ty Cà phê Ia Sao. Về trách nhiệm tài chính thì đây không phải là khoản nợ tồn tại của Công ty Cà phê Ia Sao mà là khoản nợ vay có nguồn gốc từ Công ty Cà phê Đak Đoa. Vì vậy, Công ty phải có trách nhiệm hạch toán khoản lãi vay này để có nguồn trả cho ngân hàng…”.
Ngày 30-9-2011, lãnh đạo Vinacafe đã đến làm việc tại Công ty Cà phê Đak Đoa. Sau khi nghe ý kiến của các thành viên tham dự Hội nghị, nội dung kiến nghị của người nhận khoán và giải đáp thắc mắc của Công ty Cà phê Đak Đoa, ông Nguyễn Văn Trương- Phó Tổng Giám đốc Vinacafe đã đi đến kết luận (theo Báo cáo số 845/BC-TCT ngày 30-9-2011): “Tổng Công ty khẳng định Công ty Cà phê Đak Đoa xây dựng phương án khoán đúng chủ trương của Nhà nước và hướng dẫn của Tổng Công ty. Công ty Cà phê Đak Đoa tiếp tục tuyên truyền quán triệt và triển khai phương án khoán sản xuất cà phê tới người lao động để tổ chức ký hợp đồng giao nhận khoán và thời hạn kết thúc vào ngày 30-10-2011. Nếu lao động nào không thực hiện thì viết đơn xin thôi không nhận khoán; lưu ý những trường hợp khó khăn để có biện pháp giúp đỡ xử lý kịp thời…”.
Tuy nhiên, tại Hội nghị những nội dung này vẫn chưa thỏa mãn được thắc mắc của đa số đại biểu. Nhiều ý kiến cho rằng Tổng Công ty và Công ty Cà phê Đak Đoa cần làm rõ hơn phương án khoán, trong đó tính toán phù hợp giữa lợi ích của người lao động và Công ty. Ngoài ra, Báo cáo số 113/BC-SNN của Sở Nông nghiệp và PTNT đề cập: 12 công nhân vẫn còn nợ khoán, Công ty cần xem xét, tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh để có hướng giải quyết trên tinh thần hợp tình, hợp lý giúp họ có điều kiện ổn định sản xuất và đời sống.
Cán bộ làm không được việc thì thay cán bộ, sao lại thay dân!
Đưa ra phương án chỉ biết lợi cho công ty, phần thiệt đẩy về phía công nhân! Vậy thì làm sao thuyết phục được!
Cán bộ nhà nước như thế này thì kém thật!
Giải tán hết các Nông trường, chia đất về cho người lao động thì hết đám ăn bám vô công rỗi nghề này ngay.
-Báo cáo số 113/BC-SNN của Sở Nông nghiệp và PTNT đề cập: 12 công nhân vẫn còn nợ khoán…
Đây là căn cứ xác nhận số lượng công nhân còn nợ khoán của Cty Đak Đoa. Bà con công nhân cố gắng tìm cho kỳ được báo cáo này để làm bằng.
Theo mức khoán mới này ta thấy còn nhiều nhiêu khê lắm. Bà con thử nghĩ xem, liệu với mức đầu tư của Công ty thì 1 ha có thể dễ dàng thu được 11300kg tươi (hơn 2,6 tấn nhân) hay không, mà sao người nhận khoán chỉ hưởng chưa tới 1 tấn nhân? Tôi là người có tham gia trồng và làm cà phê tự do (không thuộc Công ty) thấy rằng: nếu muốn đạt được mức trung bình mà Công ty đưa ra là rất khó khăn (trên 2,6 tấn nhân) chứ chưa nói gì đến có dư thêm. Được biết mức Đầu tư của Công ty hoặc nông trường thì chỉ đủ cho cây cà phê có năng suất ở mức trung bình mà thôi. Ta muốn có lời thì đầu tư thêm về phân bón, công lao động,… cũng gần bằng với mức đầu tư của công ty rồi! hic!
Ví dụ: Gia đình tôi nhận khoán 1 ha nhưng nếu may mắn trời cho thì cuối mùa thu hoạch tôi được gần 1 tấn nhân. x370.000đ=37000.000đ thì quá ư là thấp. Nếu giá công thuê hiện tại là 120.000đ/ngày/người thì nghĩa là công sức ta mất cho 1 ha cà phê là 37000.000/120.000=308 công? Tôi làm cà phê muốn đạt năng suất như trung bình Công ty đưa ra chắc cũng tốn hơi nhiều công đấy kèm theo bản thân phải đầu tư thêm nữa, với lại cà phê mỗi lúc một già cỗi nữa…
Tôi phân tích với góc độ của một nông dân cho vui thôi chứ không có ý đồ gì cả, rất mong diễn đàn thấu hiểu dùm ha! Nông dân muốn có lời thì nên về DakLak tham khảo cách làm của người dân thôi. Ví dụ: Nông trường Cư Kpô, Nông trường Đ’rao thuộc huyện Krông Buk… họ làm rất có dư.
Công ty và Nông trường nên lưu ý một quy luật hiển nhiên đó là: “Công nhân, nông dân sống được thì Công ty, Nông trường mới phốn vinh được”.
Hãy đi sâu sát và chia sẻ cùng Công nhân với.
Công ty đã trả mọi chi phí rồi còn gì? Sao khôg ai nghĩ cho công ty thế! Mọi người không nghĩ công ty trả mọi chi phí thì cũng vay ngân hàng à? Công nhân muốn đòi hỏi gì nữa? Mọi người thấy lợi là sáng mắt lên.tôi đồng ý vs công ty về việc này.đề nghị làm mạnh hơn nữa
Theo mình nghĩ phương án khoán phải thể hiện cái mới cái tích cực ,bổ sung và điều chỉnh những cái đã cũ và chưa hợp lý và phải hài hòa 3 lợi ích : Nhà nước – Nông trường – người lao động , nhưng trước hết muốn người lao động gắn bó với nông trường thì phải xác định người CN làm có ăn đủ sống và đời sống được cải thiện và nâng lên thì người ta mới gắn bó được . Chứ phương án khoán mới đưa ra đại đa số CN chưa đồng tình thì nông trường cũng cần phải xem lại . Người công nhân một sương hai nắng làm cà phê vất vả , nếu cuối năm thu hoạch hòa vốn thì coi như họ đã lỗ rồi , ăn không đủ thì làm sao có điều kiện đầu tư và chăm sóc vườn cây được . Mong sao giữa Nông trường và Công nhân sớm tìm được tiếng nói chung .