Giá cà phê nhân xô nội địa sáng nay ở quanh mức 37.000 đồng/kg sau khi xuống mức thấp 35.000 đồng hoàn toàn nhờ vào may rủi của giá đóng cửa thị trường kỳ hạn robusta Liffe. Từ đầu mùa đến nay (mới hơn 1 tháng), giá cà phê điêu đứng dù lượng hàng robusta xuất khẩu của nước ta áp đảo “toàn thiên hạ”.
Hôm qua, ngày đầu tuần 7-11-2011, tức rạng sáng 8-11 theo giờ Việt Nam, giá đóng cửa kỳ hạn robusta ăn may tăng 30 đô la/tấn, đạt mức 1.836 đô la/tấn.
Giá đóng cửa robusta Liffe từ đầu tháng 11 đến nay
Dự báo luôn trật chìa
Cuối tuần trước, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt nam (Vicofa) đã có cuộc họp tổng kết niên vụ 2010/11 và bàn phương hướng cho niên vụ mới 2011/12 tại TPHCM.
Theo báo cáo tổng kết niên vụ cũ, Vicofa cho rằng sản lượng cà phê của nước ta đạt 1,3 triệu tấn (tương đương với 21,6 triệu bao 60 kg) lấy theo con số của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNN) với năng suất bình quân 2,3 tấn/héc ta.
Về thương mại, theo Tổng cục Hải quan (TCHQ), Việt nam xuất khẩu chừng 1,28 triệu tấn (21,3 triệu bao), đạt kim ngạch 2,7 tỉ đô la, tăng 56% so với niên vụ trước. Như vậy, con số sản lượng chừng 18 triệu bao mà Vicofa thường công bố trong nhiều lần họp trước đã bị Vicofa bỏ quên và chính thức xác nhận các con số của Bộ NN&PTNT và TCHQ là đúng.
Vicofa cũng dự báo sản lượng cho niên vụ mới, ước đạt 18,33 triệu bao. Song, con số này xem ra khó thuyết phục và như một ý kiến bên lề của cuộc họp cho rằng “công bố ấy chỉ để chơi cho vui”.
Thu hoạch chưa rộ, giá vẫn đì đạch
Với 1,28 triệu tấn cà phê xuất khẩu, Việt Nam một lần nữa khẳng định sức mạnh về nguồn hàng cà phê của mình trên thương trường. Đến nay, có thể nói rằng chưa có nước nào thay thế được nguồn hàng cà phê robusta bao la từ nước ta.
Nếu như Brazil và Indonesia xuất khẩu robusta đang ít dần do họ để dành cho tiêu thụ nội địa vì giá arabica quá mắc, Bờ biển Ngà (Ivory Coast) vừa qua gặp nhiều bất ổn về chính trị nên hạn chế xuất khẩu, thì thị trường robusta trong thời gian qua hầu như nằm trong tay Việt Nam về mặt sản lượng. Được mùa, giá không vì thế mà mất.
Trong suốt cả niên vụ cũ, giá tăng đều, có lúc đạt đến các mức kỷ lục lịch sử như giá nội địa tăng đến 52.000 đồng và giá xuất khẩu loại 2, 5% đen bể có lúc công hơn mức 200 đô la Mỹ/tấn trên mức chuẩn thị trường kỳ hạn robusta Liffe.
Rất tiếc, cơ hội ấy hình như đã không còn vì giá cả từ đầu vụ bắt đầu từ ngày 1-10-2011 đến nay nói lên chuyện ấy. Thực vậy, giá trên thị trường kỳ hạn (TTKH) robusta Liffe, giá xuất khẩu và cả nội địa đều phải điêu đứng từ bấy đến nay dù các nước xuất khẩu với nhiều lý do khác nhau đã hạn chế bán ra rất nhiều.
Có thể nói rằng khả năng làm giá của Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu robusta hàng đầu thế giới, hoàn toàn bị động theo các yếu tố bên ngoài chứ không do nội lực của bản thân sức mạnh nguồn hàng của mình.
Nếu như giá TTKH ngày đầu vụ đóng cửa trên mức 2.000 đô la/tấn thì mấy ngày gần đây chỉ quanh mức 1.800-1.850 đô la/tấn (biểu đồ 1). Trong thời gian vừa qua, giá cà phê robusta hoàn toàn bị treo trên “đầu môi chót lưỡi” của nhiều vị lãnh đạo các nước châu Âu và Mỹ về giải quyết khủng hoảng nợ tại châu Âu hay chòng chành theo số mệnh của đồng đô la trên thị trường hối đoái quốc tế.
Như có hôm giá đồng đô la Mỹ tăng do ngân hàng Nhật can thiệp mua vào, giá cà phê khắp nơi đều rớt. Hầu như, bên trời Tây có chuyện chẳng lành, giá cà phê Việt Nam đều phải chịu trận.
Cả hơn nửa tuần nay tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, mưa lại về, hàng lại chậm ra. Song, không vì thế mà giá hết lao đao. Đến cuối tuần qua, giá kỳ hạn robusta Liffe cơ sở tháng 1-2011 chỉ còn 1.806 đô la/tấn, đưa giá nội địa xuống mức chừng 35.000-36.000 đồng/kg, mất hết 16.000 đồng/kg so với đỉnh điểm thiết lập trước đây trong năm nay.
Một điều kỳ lạ làm cho giới kinh doanh cà phê phải suy nghĩ là báo cáo tồn kho có giấy xác nhận giảm mạnh thêm một lần nữa, giá vẫn không thoát khỏi cảnh khó. Tính đến ngày 31-10, tồn kho được xác nhận chất lượng Liffe chỉ còn 332.280 tấn, giảm 18.240 tấn (biểu đồ 2). Đây là lần giảm thứ 8 liên tiếp tính từ đỉnh đạt được mức 417.420 tấn vào ngày 10-7 vừa qua.
Lượng tồn kho có xác nhận chất lượng Liffe giảm lần thứ 8 liên tiếp
Thị trường vẫn còn đầy gian truân
Bất đồng giữa các thế lực kinh tế, đặc biệt giữa liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã làm nhiều thị trường khốn đốn, vẫn chỉ tạo điều kiện cho một nhóm đầu cơ tài chính trên thế giới lợi dụng thời cơ để kiếm lời. Sau khi đẩy giá kỳ hạn tăng mạnh vào tháng 3-2011, có khi lên gần mức “bong bóng” 2.700 đô la/tấn cà phê nhân robusta, đầu cơ tài chính đã quyết định “xì hơi” dần giá cà phê xuống chỉ còn quanh mức 1.800-1.850 đô la/tấn. Nhưng, cũng chưa ai dám nói rằng đây đã là điểm dừng hay chưa.
Đầu cơ tài chính thế giới, với vụ mùa “bội thu” tài chính vừa qua trong kinh doanh cà phê, họ đã triệt hạ thành công nhiều đối thủ, trong đó có nhiều nhà xuất khẩu lớn của Việt Nam dính đòn vì thiếu thận trọng và mất cảnh giác, có thể đang đi dần vào khúc quanh “thân bại danh liệt”, lắm công ty xù hàng.
Song, nhiều người trong ngành cà phê vẫn còn rất mơ hồ đối với hiểm họa “đầu cơ” ấy, vẫn chưa tìm được các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu và triệt để đối với các thế lực đầu cơ quốc tế đang dùng hạt cà phê Việt Nam để kiếm lợi trên nỗi lo của người nông dân cà phê Việt Nam.
Tuy đã có cố gắng tìm một số biện pháp để giảm thiểu rủi ro, ngành xuất khẩu cà phê vẫn đang còn lúng túng tìm đường dù đã có trên 20 năm kinh nghiệm xuất khẩu trực tiếp mặt hàng này.
Bài viết này cũng lạ thật.
Dự báo thì làm sao đúng được mà lại chê ngta nói luôn trật chìa.
Có ngày nào mà cà phê xuống 35k đâu các bác nhỉ ?
Bài viết chẳng giúp được gì mà còn ra vẻ mỉa mai các nhà xuất khẩu cafe, tinh vi…
Cờ trong tay mình mà mình không thể phất lên được, hoàn toàn phụ thuộc vào gió mạnh hay yếu (tình hình tài chính châu Âu, đồng đô la), dựa vào đó mà bọn đầu cơ tài chính nước ngoài lắm tiền nhiều của luôn thắng thế. Từ đầu năm 2010 giá cà phê bắt đầu tăng, khi đó người dân, DNTN thi nhau bán hết cà phê, chốt giá trước, khi giá tăng cao cực đại thì đa số cà phê lằm trong kho các DNNN, đến hạn giao hàng các DNTN chấp nhận mua giá cao của DNNN để giao ngay cho chính DNNN đó, chấp nhận thua lỗ.
Đến nay bắt đầu vào vụ thu hoạch thì giá lại rớt thê thảm, bao nhiêu người nông dân nghèo lại phải bán giá thấp để trang trải nợ nần cuối năm.
Đây là vòng luẩn quẩn của nước nghèo, không hỗ trợ gì được cho người dân.
Gởi Diễn Đàn. 1 câu chuyện cười : (cười ra nước mắt)
Có 1 lãnh đạo xuống thăm đài khí tượng thủy văn (trung tâm dự báo thời tiết) và lãnh đạo hỏi thăm: “Thế các đồng chí dự báo đúng được bao nhiêu %” ?
Các đồng chí đồng thanh hô : “Dạ cũng được khoảng 45 %”
Vị lãnh đạo này liền cười khành khạch và nói : ” Tại sao các đồng chí không dự báo ngược lại. Như thế sẽ đúng được 65 %” !
Người ta cười bạn 2680 vì làm tính… trật!
Tôi đồng ý với bác NÔNG DÂN. Tôi cũng là một tri điền quanh năm làm bạn với cây cafe. Bao nhiêu công sức để có được sản phẩm vậy mà đến khi thu hoạch thì giá cafe rớt giá một cách “thê thảm”. Trong khi nước ta đang nắm giữ nguồn cung cho thị trường các nuớc phương tây, ấy vậy mà chúng ta lại để cho họ làm mưa làm gió trong thi trường của mình. Tôi cảm thấy các DN nước ta phụ thuộc quá nhiều vào họ, phải chăng các DN nước ta còn quá yếu kém, hay là do cơ chế quản lí của nhà nước vẫn còn nhiều bất cập chưa phù hợp với thị trường hiện nay?
Tôi mong rằng nhà nước, các DN xuất khẩu cafe và nông dân chúng tôi sẽ có nhưng biện pháp tốt nhất để cà phê Việt Nam lấy lại được thuơng hiệu của mình.