Có thể đòi được nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột

Theo Cục Sở hữu Trí tuệ, nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột” dù được xác lập quyền ở Trung Quốc vẫn có khả năng lấy lại được. Điều này không dễ và không thể chỉ căn cứ vào cơ sở: “Ở Việt Nam, ai cũng biết”.

 

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Các nhà khoa học với việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam diễn ra sáng nay, ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, khi nhãn hiệu đã được xác lập quyền cho người khác thì vẫn có khả năng lấy lại được. Về nguyên tắc, điều đó có thể thực hiện trên 3 cách: thỏa thuận mua lại, ngoại giao hoặc tiến hành thủ tục để đình chỉ, hủy bỏ đăng ký của người khác.

Cục trưởng cung cấp, theo điều 10 và 15 của Luật Nhãn hiệu Trung Quốc, tên địa danh đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố, tên địa danh nước ngoài được biết đến rộng rãi và nhãn hiệu chứa chỉ dẫn địa lý mà hàng hóa không xuất xứ từ vùng đất đó, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng thì sẽ bị từ chối đăng ký và cấm sử dụng. Đây là một trong những lợi thế để Việt Nam có thể dành lại nhãn hiệu Buôn Ma Thuột.

Ông Nguyễn Văn Bảy, thành viên của Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định những nhãn hiệu đã được cấp quyền sở hữu vẫn có thể bị tước nếu phát hiện thấy sai phạm. Do vậy, việc đòi lại nhãn hiệu Buôn Ma Thuột là có khả năng nhưng không thể chỉ dựa trên cơ sở “Ở Việt Nam, ai cũng biết” mà cần các bằng chứng cụ thể.

Cục trưởng Tạ Quang Minh cũng nhấn mạnh việc doanh nghiệp nước ngoài lấy chỉ dẫn địa lý của Việt Nam để đăng ký thì có thể nói là nhãn hiệu bị mất, không thể nói thương hiệu bị mất. “Thương hiệu của một sản phẩm không đơn giản là nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý. Thương hiệu còn là uy tín, danh tiếng, thị trường… trong cả quá trình lâu dài”, ông Quang Minh cho hay.

Về các nông sản nổi tiếng nói chung của trong nước, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thừa nhận việc xây dựng và phát triển thương hiệu chưa làm được nhiều. Thực tế, việc này mới chỉ dừng ở đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể.

Đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Đỗ Gia Phan cho rằng hiện nay, người tiêu dùng thường chọn sản phẩm theo tên thương hiệu. Do vậy, sự việc gần đây xảy ra với nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột có thể làm giảm một phần niềm tin của khách hàng. Nhưng theo ông, với hàng nông sản, nông dân thường sản xuất riêng lẻ nên việc tự đăng ký, bảo hộ là rất khó nên cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Song trên thực tế, ngay cả sản phẩm đã được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý như vải Thanh Hà cũng đang có nguy cơ bị đánh cắp thương hiệu. Ông Nguyễn Ngọc Loãn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Hải Dương cho rằng, thời gian qua, bất cứ ở đâu, vải cũng được giới thiệu là đặc sản Thanh Hà. Điều này khiến thương lái được dịp ép giá và thương hiệu có khả năng bị mất nếu nhiều loại vải khác, kém chất lượng trà trộn mạo danh.

Bản thân vải Lục Ngạn, Bắc Giang còn bị đánh cắp nhãn hiệu ngay ở đất bản địa. Khi mà thời gian vừa qua, nhiều thương lái Trung Quốc đã về tận vườn thu mua sản phẩm của người nông dân, rồi đóng thành từng thùng, dán mác Trung Quốc ngay tại chỗ.

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng ở hầu hết các địa phương. Đến nay đã có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ. Trong đó, 53 sản phẩm nông sản được xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng