Dak Lak: Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2010-2011

Ngày 04/11, UBND tỉnh Đak Lak tổ chức hội nghị tổng kết niên vụ cà phê năm 2010-2011 dưới sự chủ trì của đồng chí Y Đhăm Ênuôl Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh.

 Hiện nay, cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đak Lak và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh, có ảnh hưởng trực tiếp của đại đa số nhân dân trên địa bàn; sự phát triển bền vững của ngành cà phê gắn liền với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, niên vụ 2010-2011, diện tích cà phê của tỉnh Dak Lak là 190.765ha, trong đó diện tích kinh doanh 177.890 ha, năng suất ổn định khoảng 22-23 tạ/ha, sản lượng đạt 399.098 tấn cà phê nhân. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng trên 100 doanh nghiệp tham gia chế biến cà phê nhân, trong đó 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sản lượng cà phê nhân chế biến của tỉnh khoảng 400.000 tấn, trong đó có khoảng 20% được chế biến theo đúng quy trình công nghệ tại các công ty có đầu tư công nghệ bài bản, có vườn cây hoặc liên kết đầu tư vườn cây với nông dân, số lượng cà phê còn lại do người dân tự chế biến. Riêng về chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan, trên địa bàn có khoảng trên 10 doanh nghiệp chế biến có quy mô và thương hiệu trên thị trường như: Trung Nguyên, An Thái, Mêhyco, Nam Nguyên… sản lượng đã tăng khá so với những năm trước đây, tuy nhiên vẫn còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng sản lượng, khoảng 7-8%. Về tình hình xuất khẩu cà phê, trong niên vụ 2010-2011 Dak Lak xuất khẩu đạt 311.96 tấn, giảm 12,8% so với niên vụ 2009-2010 và chiếm 26,58% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước, đạt kim ngạch 650,098 triệu USD, tăng 29,4% về kim ngạch so với niên vụ trước và chiếm 26,32% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Tuy nhiên, trong niên vụ qua do thời tiết diễn biến phức tạp (hạn hán, mưa kéo dài và đầu vụ…) đã làm giảm sản lượng cà phê, giá vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá xăng…) liên tục tăng đã hạn chế sự đầu tư vào sản xuất và đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Hiện 80% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý với đa số diện tích nhỏ dưới 2ha, nhiều vườn cà phê già cỗi, diện tích trồng bằng hạt chiếm tỷ lệ lớn và cho năng suất thấp, kích thước quả nhỏ và không đều, quá trình chín không tập trung gây khó khăn cho việc thu hái, chế biến, ngoài ra do áp lực mất cắp và tiết kiệm nhân công trong thu hái, nên tình trạng hái cà phê có tỷ lệ quả xanh vẫn xảy ra. Năm 2010, diện tích cà phê tiếp tục tăng khoảng 8.000 ha so với năm 2009, một số diện tích cà phê phát triển tự phát không theo quy hoạch cả ở những vùng có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng không thích hợp, thiếu nguồn nước tưới, đất đai chưa được xử lý, cải tạo tốt… làm cho chất lượng sản phẩm cà phê chưa cao, năng suất thấp và thiếu ổn định.

Được biết, hiện tỉnh Dak Lak đã và đang triển khai thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, nhằm cải thiện những điểm yếu trong sản xuất cà phê, đồng thời nhiều công ty cà phê trong tỉnh như Phước An, Thắng Lợi, Ea Pôk, 2/9, Đ’rao, Trung Nguyên, Dak Man… cũng đã triển khai thực hiện chương trình cà phê bền vững, cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified, 4C,…, ký kết xây dựng vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất cà phê bền vững với bà con nông dân, bước đầu mang lại hiệu quả cho người sản xuất cà phê.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. vothithaophuong2808

    Có ai có thể nói cho người dân chúng tôi biết giá cà phê rồi sẽ ntn được ko?
    Phân bón, điện nước … tất cả mọi thứ giá cả đều tăng nhưng giá cà phê cứ giảm vậy thì mọi người sẽ sống, nuôi con cái ntn được đây?

  2. Hai Lúa

    Bốn mùa hội họp, rút cục giải quyết được vấn đề gì giúp người trồng Cafe ?
    Tổng kết thiết thực và hiệu quả nhất là hàng năm sản phẩm Cafe của ta xuất khẩu bao nhiêu? giá trị Kim ngạch thu về, đóng góp nguồn ngoại tệ dự trữ của Quốc gia bao nhiêu?…
    Từ đó có chính sách thiết thực hỗ trợ trước hết là cho những người làm ra sản phẩm Cafe để họ yên tâm với loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này như hỗ trợ giá phân bón căn cứ vào đất đai trồng cafe trên giấy CNQSDD, hỗ trợ giá thu mua khi giá xuống vượt khỏi ngưỡng thấp nào đó chẳng hạn, rồi nhà nước cho vay đầu tư Cafe với lãi suất = 0%, tiếp đến là đầu tư vào giao thông nông thôn ở khu vực có vùng nguyên liệu lớn… đó là những biện pháp hỗ trợ thiết thực nhất mà chưa thể liệt kê ra hết.
    Vấn đề là nhà nước có thực sự quan tâm đến lĩnh vực này, các ngành chức năng có thực sự vào cuộc giúp người SX cafe hay không rồi lập lại trật tự trong khâu phân phối lưu thông hay nói cách khác là cần phải tái cấu trúc lại ngành cafe VN để tránh lũng loạn thị trường.

Tin đã đăng