Báo cáo của G20 chỉ ra rằng, sự gián đoạn về nguồn cung chủ yếu do thời tiết, bất ổn địa chính trị và chưa chú trọng về đầu tư cho sản xuất trong dài hạn.
Theo báo cáo của G20 tại Hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra tại Pháp, thị trường hàng hoá hiện đang phải đối mặt với ngày càng nhiều các cú sốc về nguồn cung do dự trữ giảm trong khi nhu cầu mạnh phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.
Trợ lý Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Hiroshi Nakaso nhận định: “Thị trường hàng hoá thể hiện đúng bản chất của nó sẽ là chìa khoá cho tăng trưởng bền vững kinh tế toàn cầu. Trong ngắn hạn, điều cần thiết là chúng ta phải đối phó với các vấn đề cân đối cung cầu và một chính sách hợp lý khi giá tăng cao”.
Giá lúa mì, ngô và đậu tương trong năm nay đã lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do e ngại nguồn cung sụt giảm trong khi nhu cầu tăng. Giá đồng, vàng và bông cùng nhau thiết lập các mức cao kỷ lục cũng vì lý do đó.
Báo cáo của G20 chỉ ra rằng, sự gián đoạn nguồn cung hầu hết liên quan đến thời tiết. Tình hình địa chính trị bất ổn cũng gây ra các cú sốc về nguồn cung thực phẩm và hàng hoá nguyên liệu thô. Giá hàng hoá bị đẩy lên cao còn vì đầu tư dài hạn cho sản xuất giảm sút.
G20 kêu gọi sự cải thiện về minh bạch thông tin để giảm tình trạng đầu cơ lũng đoạn cũng như kiểm soát được rủi ro trên thị trường hàng hoá. Các nước cần phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả hơn và tăng cường đầu tư cho sản xuất cũng như có các kế hoạch về tiêu thụ dài hạn, đảm bảo sự ổn định cho giá cả thị trường.