Nằm ở trung tâm châu Phi, 90% dân số Rwanda (Ru-an-đa) sống phụ thuộc nông nghiệp. Sau khi thoát khỏi cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu năm 1994, quốc gia này đã vượt qua nhiều thách thức để vươn lên trở thành mô hình phát triển nông nghiệp trong khu vực.
Tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, giá dầu mỏ và dân số tăng cao đẩy nền nông nghiệp thế giới lâm vào khó khăn. Do đó, duy trì an ninh lương thực là một trong những nhân tố quan trọng để đối phó những thách thức hiện nay và ổn định nền kinh tế từng quốc gia và toàn thế giới.
Chính phủ Rwanda đã triển khai chương trình phát triển nông nghiệp bền vững bằng việc mở rộng khu sản xuất quy mô lớn để trồng các loại nông sản có giá trị dinh dưỡng cao. Sau khi chương trình này được thực hiện vào năm 2007, sản lượng ngũ cốc của nước này tăng gần năm lần lên đến hơn 520 nghìn tấn vào năm 2010.
Ngoài ra, do địa hình không thuận lợi, Chính phủ Ru-an-đa chú trọng quản lý chặt chẽ đất gieo trồng, xây dựng các khu vực chứa nước nhằm bảo đảm nguồn nước tưới tiêu. Nhờ đó, có thể hạn chế những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.
Việc kết hợp chăn nuôi gia súc trong chương trình phát triển nông nghiệp cũng mang lại hiệu quả cao giúp tăng thêm nguồn cung lương thực và cải thiện kinh tế của nông dân. Ru-an-đa đã áp dụng chương trình giao 125 nghìn con bò sữa tới tay một số hộ nông dân từ giữa tháng 8 vừa qua.
Kết quả cho thấy, sản lượng sữa thu được đã mang lại nguồn thu đáng kể cho nông dân nước này. Hơn nữa, việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp thông qua chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ, nâng cao chất lượng khâu chế biến và phân phối sản phẩm giữ vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp. Ðiều này giúp đưa nông nghiệp Ru-an-đa chiếm 45% doanh thu xuất khẩu của nước này.
Bên cạnh đó, các dự án của Chính phủ nhằm tăng thêm các chuyến bay quốc tế và nội địa, cải thiện hệ thống đường sá đã giúp đẩy mạnh trao đổi thương mại trong khu vực và quốc tế.
Chè, sản phẩm xuất khẩu truyền thống hàng đầu của Ru-an-đa, đã tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế từ nhiều năm nay.
Chính phủ nước này chú trọng đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp và công ty tư nhân trong chế biến và xuất khẩu sản phẩm. Cùng với việc nâng cao chất lượng và sản lượng chè, Ru-an-đa đã đa dạng hóa sản phẩm, ngoài các loại chè truyền thống, chè xanh, nước này đã sản xuất một số loại chè cao cấp đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Trong bảy năm qua, doanh thu xuất khẩu chè đã tăng 163%. Cà-phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn thứ hai ở Ru-an-đa. Bên cạnh việc duy trì mối quan hệ với các đối tác truyền thống như Starbuck và các công ty cà-phê lớn của Mỹ, cà-phê Ru-an-đa chiếm lĩnh nhiều thị trường “khó tính” khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a. Chất lượng cà-phê của Ru-an-đa đã được nâng lên đáng kể, đẩy giá thành cà-phê tăng 51% từ năm 2006 đến 2010.
Hiện nay, nước này chủ yếu xuất khẩu các loại mặt hàng cà-phê đã qua chế biến. Bên cạnh đó, khí hậu nhiệt đới, ôn hòa, lượng mưa trung bình dồi dào ở Ru-an-đa là điều kiện lý tưởng trong việc phát triển trồng trọt nhiều loại rau và cây ăn quả. Nhờ vào việc đẩy mạnh công tác giao đất tới tay các doanh nghiệp tư nhân, những người có tiềm năng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, đã đưa ngành xuất khẩu rau quả nhanh chóng phát triển. Các mặt hàng hoa quả xuất khẩu chủ yếu gồm chuối, bơ, mận… Ðể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh hệ thống trao đổi thương mại trong khu vực, Ru-an-đa đang xây dựng một thị trường bán buôn với quy mô lớn tại Thủ đô Ki-ga-li.
Nhằm hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững và bảo đảm an ninh lương thực, Chính phủ Ru-an-đa xây dựng chiến lược quốc gia dựa vào phát triển nông nghiệp và hạn chế việc thải khí các-bon. Với những thành công đã đạt được, Ru-an-đa có thể được coi là mô hình phát triển nông nghiệp hiệu quả trong khu vực.