Đăk Nông: Xây trường rồi… bỏ

Hơn bốn năm nay, phân hiệu của Trường tiểu học Tô Hiệu ở thôn Đác Tân, xã Đác Nia (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông) được xây dựng kiên cố, khang trang trên khuôn viên rộng gần 1,4 ha, với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng bị bỏ hoang do không có học sinh, gây lãng phí lớn.

Cô giáo Phạm Thị Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiệu cho biết, phân hiệu này được xây dựng từ nguồn kinh phí của Dự án xây dựng trường học cho trẻ vùng khó khăn của Bộ Giáo dục – Đào tạo, do Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đăk Nông làm chủ đầu tư.

Lúc mới xây dựng, phân hiệu này thuộc Trường tiểu học Trần Văn Ơn, sau khi chia tách trường vào năm 2007, phân hiệu này được giao cho Trường tiểu học Tô Hiệu quản lý cho đến nay. Tuy nhiên, việc bàn giao chỉ bằng “miệng” chứ không có hồ sơ, giấy tờ thiết kế, xây dựng gì cả.

Theo cô Ngọc, từ năm 2007 trở về trước khu dân cư Sình Môn và Trảng Ba thuộc địa giới hành chính của xã Đác Nia. Hai khu dân cư này tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc như Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ… di cư tự do vào sinh sống được hơn 10 năm nay, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để con em đồng bào có chỗ học hành, Sở Giáo dục-Đào tạo đã đầu tư xây dựng phân hiệu tại thôn Đác Tân, xã Đác Nia từ kinh phí Dự án xây dựng trường học cho trẻ vùng khó khăn.

Khi phân hiệu này vừa xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2006, đầu năm 2007 thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa thị xã Gia Nghĩa và huyện Đác Glong, hai khu dân cư Trảng Ba và Sình Môn thuộc về xã Đác Ha, huyện Đác Glong. Ngay sau đó, học sinh của hai khu dân cư này chuyển về học tại xã Đác Ha, số học sinh còn lại ở thôn Đác Tân quá ít nên tập trung học ở trường chính còn phân hiệu này bỏ hoang cho đến nay.

Ngày 2-11, chúng tôi có mặt tại phân hiệu của Trường tiểu học Tô Hiệu ở thôn Đác Tân, xã Đác Nia chứng kiến cảnh ngôi trường bị cây cỏ bao phủ, bít cả lối đi vào. Ngôi trường gồm ba phòng học và một phòng hiệu bộ được xây dựng kiên cố nhưng do bị bỏ hoang lâu ngày, không ai quản lý nên nhiều hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều cửa kính bị đập vỡ; trước hiên trường toàn phân bò bốc mùi hôi thối khó chịu.

Khu vực vệ sinh được xây dựng khá khang trang nhưng bị cây cỏ bao trùm cả bên ngoài lẫn bên trong. Nằm bên cạnh là một bể đựng nước lớn được đúc bằng xi măng bị bỏ hoang lâu ngày, cây cỏ leo chằng chịt, rong rêu bám đen sì.

Nhìn ngôi trường bị bỏ hoang phí, trong khi nhiều vùng khó khăn khác trong tỉnh học sinh vẫn học trong những ngôi nhà tạm bợ, cô giáo Phạm Thị Ngọc giãi bày: “Sự lãng phí này chính là hậu quả của sự thiếu phối hợp giữa chính quyền huyện Đác Glong, thị xã Gia Nghĩa và Sở Giáo dục – Đào tạo. Nếu như trước khi chia tách địa giới hành chính, lãnh đạo ba đơn vị ngồi lại với nhau xác định khu vực dân cư thì sẽ không xảy ra tình trạng này”.

Phó Chủ tịch UBND xã Đác Nia Lê Công Thụ cho rằng, việc phân hiệu của Trường tiểu học Tô Hiệu ở thôn Đác Tân bị bỏ hoang nhiều năm nay, gây lãng phí lớn xã cũng đã biết. Nhưng kinh phí xây dựng và trách nhiệm quản lý, sử dụng phân hiệu này là của ngành giáo dục chứ không phải chính quyền địa phương.

Trước những bức xúc của nhân dân về việc ngôi trường bị bỏ hoang, trong khi hội trường của thôn đang ngày càng xuống cấp, hư hỏng; thanh thiếu niên trong thôn không có nơi tổ chức sinh hoạt, vui chơi giải trí… ông Thụ cho biết: “UBND xã sẽ thương lượng với Trường tiểu học Tô Hiệu cho xã mượn lại phân hiệu này để làm hội trường thôn cho nhân dân hội họp và thanh thiếu niên trong thôn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, vừa không lãng phí, vừa có người quản lý, trông coi. Về lâu dài, khi số lượng học sinh trong thôn tăng lên xã sẽ trả lại phân hiệu này cho nhà trường để làm nơi học tập cho con em”.

Mặc dù vậy, sự lãng phí của công trình này thêm một bài học về sự thiếu phối hợp giữa chính quyền với các ngành chức năng ở địa phương trong công tác khảo sát, quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng trường học hiện nay.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng