Gia Lai: Nỗi lo trước vụ thu hoạch cà phê năm 2011-2012

Trăm mối lo toan trong cả một năm trời, giờ sắp đến ngày hái quả thế nhưng trong thâm tâm của những nông dân trồng cà phê vẫn canh cánh nhiều nỗi âu lo…

Giá rớt

Theo lịch thời vụ thì, khoảng trung tuần tháng 10 Dương lịch là thời điểm nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên chính thức bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2011-2012. Tuy nhiên tính từ giữa tháng 10-2011 đến nay, giá cà phê nhân tại các tỉnh Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng cũng liên tục giảm. Cụ thể, ngày 15-10, giá cà phê tại các tỉnh này dao động từ 43.600 – 43.700 đồng/kg, đến ngày 29-10, giá chỉ còn 40.400 – 40.500 đồng/kg, nghĩa là đã giảm hơn 3.000 đồng/kg.

Theo lý giải của những đại lý thu mua thì, giá cà phê giảm mạnh thời gian trước, trong, sau khi nông dân thu hoạch là do nguồn cung dồi dào. Như mọi năm, niên vụ này rất có thể cũng sẽ diễn lại kịch bản: Sau khi nông dân đã bán hết cà phê trong kho thì giá mới bắt đầu tăng trở lại, thậm chí tăng mạnh. Câu hỏi đặt ra là, tại sao nông dân không chờ đến khi nào cà phê được giá thì bán?

Vấn đề này, anh Trần Thanh Ngọc (thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) giải thích, nhà tôi có 2 ha cà phê kinh doanh với 4 miệng ăn, 2 con nhỏ đang đi học. Tất cả mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào rẫy cà phê này. Tiền nợ đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đã cam kết ngay khi thu hoạch xong phải trả; vay ngân hàng đến hạn phải thanh toán; thuê nhân công thì phải tiền tươi thóc thật… ai mà chả muốn đợi giá cao rồi hãy bán thế nhưng có được đâu. Bao nhiêu khoản cần phải chi buộc phải bán dù biết giá còn thấp, có khi còn phải bán non nữa đấy chứ.

Quả rụng

 

Cây cà phê bị rụng quả do mưa quá nhiều làm giảm năng suất. Ảnh: N.L

Đầu niên vụ cà phê năm nay, nông dân rất phấn khởi khi thời tiết khá thuận lợi, mưa nhiều. Tuy nhiên, đến thời điểm còn khoảng 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, nhiều người hết sức lo lắng khi quả không hiểu vì sao rụng hàng loạt. Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân thì đó là do năm nay thời tiết mưa quá nhiều, gây úng rễ cây.

Còn theo giải thích của cơ quan bảo vệ thực vật thì, nguyên nhân làm cho cà phê rụng quả hàng loạt là do độ ẩm thay đổi đột ngột tạo môi trường thuận lợi cho rầy, rệp sáp chích hút hoặc cho nấm Collectotrichum coffeanum gây thối cuống… phát triển. Bên cạnh đó là bệnh sinh lý làm mất cân đối dinh dưỡng.

Ông Vũ Ngọc Vĩnh (tổ dân phố 4, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) có 1 ha cà phê 7 năm tuổi, chuẩn bị thu hoạch, ông lo lắng: Rẫy nhà tôi có hơn 30% diện tích bị rụng quả. Trong số này có đến phân nửa bị rụng đến hơn 90% (mỗi cây trong vườn nhà ông Vĩnh cho từ 12-15 kg quả tươi). Số còn lại bị ảnh hưởng ít hơn nhưng cũng bị rụng mất chừng từ 3- 5 kg quả.

Đó là chưa kể giữa niên vụ cà phê năm nay, một số địa phương như huyện Đak Đoa, Ia Grai… còn xuất hiện nạn ve sầu hoành hành đã khiến cho nhiều vườn cây bị rụng quả dẫn đến giảm năng suất. Một số vườn đã có nhiều cây hư hỏng và chết nhưng đến giờ vẫn chưa có thuốc đặc trị loài côn trùng nguy hại cho nông nghiệp này khiến nông dân rất chán nản. Bởi, thời gian để cây hồi phục lại là rất lâu, nếu bị ảnh hưởng nặng thì không thể nên nhiều nông dân đã manh nha phá bỏ vườn cà phê để chuyển sang trồng hồ tiêu (loại nông sản đang rất được giá).

“Người nông dân đang rất hy vọng sau khi thu hoạch xong, giá cà phê sẽ tăng trở lại. Hiện giá cà phê tươi là 8.000 đồng/kg, giá phải đạt từ 10.000 đồng/kg quả tương trở lên chúng tôi mới bắt đầu có lãi chút đỉnh vì giá các loại vật tư, xăng dầu, phân bón… đầu tư cho các vườn cà phê đều tăng cao. Bên cạnh đó, giá thuê nhân công lao động thu hoạch cà phê trong niên vụ này cũng tăng mạnh, khoảng 150.000 đồng/lao động/ngày”. Ông Vĩnh tính toán.

Nơm nớp lo trộm cắp

Trong cuộc đời hơn 20 năm làm cà phê từ tỉnh Đak Nông sang Gia Lai, ông Vũ Ngọc Vĩnh đã chứng kiến rất nhiều thủ đoạn của kẻ xấu. Ông liệt kê: Kẻ xấu không chỉ hốt cà phê đang phơi ngoài sân, kéo bè kéo lũ khuân cà phê đóng bao trong kho, nhà nông dân mà còn tuốt cành, hái quả. Tệ hơn là dùng dao, kéo cắt cành, thậm chí còn dùng cưa cắt ngang cả thân cây đưa đi nơi khác để tuốt quả. Nếu kẻ gian chỉ tuốt quả thì sau này cành ấy còn nuôi lên được, cắt cành vẫn còn chút hi vọng tái tạo lại dù lâu, còn nếu cắt cả cây thì phải phá đi trồng mới lại. Cách “tác nghiệp” của kẻ gian cũng rất có “tổ chức”, chúng dùng điện thoại, có bộ phận canh gác, có bộ phận hái và một bộ phận đóng bao khuân đi…

Người dân luôn muốn quả chín rực vườn mới thu hoạch để bán được giá cao, tuy nhiên thực hiện việc này rất khó vì kẻ xấu luôn chực chờ sơ hở. Thành quả lao động bị mất đã khiến người ta khó chịu, đàng này chúng còn phá hoại tài sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những vụ sau, nhất là đối với vườn cà phê đang thời đỉểm kinh doanh mới đáng giận. Trên thực tế, lực lượng chức năng vốn mỏng và ít nên chỉ bảo vệ chung chung. Trong khi thủ đoạn của bọn trộm phải nói là ngày càng ở mức độ tinh vi nên rất khó phát hiện, bắt giữ. Nói chung, ai có của thì phải tự bảo vệ, trông coi.

Được biết, hiện tại giá cà phê tươi tại Tây Nguyên đang vào khoảng 8.000 đồng/kg, với mức giá này thì những nông dân tự làm chỉ lãi được tiền công, còn những chủ rẫy thuê nhân công lao động thì sẽ hòa vốn hoặc lỗ tùy vào chất lượng vườn cà phê. Mong rằng, sau khi thu hoạch xong, giá cà phê sẽ tăng mạnh để xóa bớt nhọc nhằn cho người nông dân.

Ngọc Linh

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nông dân

    Haizzzzzz. Thật chán khi giá cà phê xuống luôn phiên, trong khi mọi chi phí tăng cao, nhân công thì khó kiếm… Cả một năm trời làm được mấy hạt cà phê nào là chi phí này chi phí kia, nỗi lo này tới nỗi khác, năm nào cũng vậy cứ tới mùa chuẩn bị thu hoạch thì giá cà phê đua nhau đi xuống như một thói quen, sau khi thu hoạch xong bán hết rồi thì giá lại lên cao, thật khổ! Đầu mùa thi lo thu hoạch, lo mượn công cán, rồi giá cà phê đi xuống liên tục làm người dân lo âu thì sau khi thu hoạch xong bán hết, giá lại tăng lên, người dân lại sống trong sự tiếc nuối. Khổ vẫn hoàn khổ!

  2. Vĩnh Hà

    Chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
    Mong sao ông ngân hàng cho vay tiền để dự trữ cà phê, thì mấy ông thu mua cà phê không còn ép giá nông dân nữa. Bởi vì, mấy ông thu mua cà phê không mua được cà phê, thì sẽ không có cà phê giao nộp đúng thời gian ký hợp đồng với các công ty thu mua ở nước ngoài, lúc đó cuống cuồng mua tháo, cà phê sẽ tăng giá trở lại bình thường. Bà con nông dân gắng dự trữ cà phê nhé!

  3. hoàng long

    Tôi thì mong cà phê xuống để đỡ nạn trộm cắp cà phê, dẫn đến phải thu hoạch xanh khi cây chưa chín, vì khẩu hiệu ” xanh nhà hơn già đồng ” nhưng khổ nỗi giá xuống thì cũng thiệt cho người nông dân, vì mấy ai trường vốn có sẵn tiền trong nhà để thuê nhân công thu hoạch đa số phải bán cà phê cho đại lý, để lấy tiền trả tiền công và chi phí trong mùa thu hoạch. Đúng là cái khó bó cái khôn, chúng ta là ngươi Việt nam chúng ta phải đoàn kết bắt chước như người Nhật Bản hay người Do Thái, tệ lắm cũng được như người Anh thì đất nước chúng ta mới mong thoát khỏi một trong 17 quốc gia nghèo nhất thế giới.

  4. Thanh Lê

    Nạn cà phê tặc làm tôi mất ăn mất ngủ, ngày thì đi làm việc cơ quan tối lại phải trông cà phê thật là mệt. Mong sao dân mình giầu lên cho đỡ nạn cà phê tặc.

  5. chuotdong

    Cà phê nhà tui chưa hái được quả bói nào. Tuần qua về nhà bán heo để lấy tiền chi tiêu, có mấy con gà ấp nó vào khoắng sạch. Khu vực tui ko cần canh gác vườn cà vẫn bình yên. 16/10/AL mới hái chọn đợt đầu, nay còn xanh um, chưa chín.

    1. Cư Pul

      Trộm chỗ chuotdong dại ghê, cà phê đầy cây không truốt lại đi khoắng sạch mấy mệ gà ấp.
      Cũng bình yên đấy chứ!

  6. Võ Ngọc Vũ

    Điều cốt lõi làm giá cà phê giảm nằm ở chỗ.
    – Vì phải thu hoạch non, dùng các biện pháp tăng trọng dẫn đến chất lượng cà phê không đảm bảo. Điều này sẽ làm giá giảm thê thảm, GIẢM KHÔNG THỂ TĂNG LÊN ĐƯỢC. (Chất lượng không có thì lấy gì mà tăng). Hệ quả tất yếu là “thương hiệu cà phê Việt Nam” sẽ vô tình lọt vào top kém nhất và mang tiếng dài dài. Những năm về sau nguồn cung có thấp mấy đi chăng nữa, nguồn cầu có tăng thên bao nhiêu đi chăng nữa thì chắc chắn “GIÁ CÀ PHÊ VIỆT NAM SẼ KHÔNG CAO HƠN GIÁ THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI” (vì chất lượng không đảm bảo).
    Ông bà ta có nói “Một lần bất tín vạn lần bất tin”. Mong bà con vận dụng hợp lý, tránh tình trạng “Việt Nam xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng chất lượng thì tệ nhất thế giới.”
    – Nguồn cung, cầu là 1 yếu tố nhưng theo tôi chưa phải là yếu tố quyết định.
    “Chất lượng cà phê là yếu tố quyết định mang tính sống còn, để ba nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông) phát triển thương hiệu CÀ PHÊ VIỆT”.
    Đây là bài toán khó cần có sự hợp tác, giúp đỡ giữa ba nhà (đặc biệt là bà con nông dân). Điều này còn nhiều vấn đề phải bàn.

  7. nông dân

    Giá cà phê lại giảm không biết rồi thế nào đây, hiện tại đang vào vụ thu mà giá giảm thế, biết bao khoản phải lo nữa chứ.

  8. duơng thị thủy

    Giá cà thấp thì người dân chịu thiệt, công ty chế biến thì chỉ cần lợi nhuận, bằng cánh nào họ làm ra những sản phẩm mà người uống không dám dùng. Cứ đà này người trồng cà phê như mình có lẽ chẳng hi vọng gì… Nạn tha hương lại tái diễn.

Tin đã đăng