Xuất khẩu cà phê gặp khó

Sau 3 vụ liên tiếp thắng lợi lớn với kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (riêng niên vụ 2007 – 2008 lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 2 tỷ USD), bước vào niên vụ 2008 -2009, ngành xuất khẩu cà phê Việt Nam lại đang gặp khó vì những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trầm buồn cùng giá

Năm 2008, giá cà phê thế giới (tại sàn London) lên cao đến mức lý tưởng (trên 2.800 USD/tấn) nhưng trong 3 tháng đầu năm 2009 giá đã sụt giảm mạnh, chỉ còn dao động trên dưới 1.500 USD/tấn.

Tại Tây Nguyên, giá cà phê nhân xô cũng tuột dốc, từ 34.000 – 35.000 đồng/kg xuống còn 25.000 đồng, thậm chí có thời điểm xuống 22.000 đồng/kg.

Mức giá này không chỉ khiến nông dân thua lỗ mà còn làm cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê gặp không ít khó khăn.

Ông Trương Công Quý, Trưởng ban kiểm soát Công ty cổ phần Đầu tư – Xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên cho biết: Giá cả xuống thấp cùng với sức tiêu thụ kém nên việc xuất khẩu của công ty bị ảnh hưởng khá lớn. Trong quý 1-2009, công ty chỉ xuất được 50.000 tấn cà phê, đạt 80% chỉ tiêu. Còn Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 (Đắc Lắc), trong quý 1, dù sản lượng xuất khẩu tăng 20% so với năm ngoái (34.300 tấn cà phê nhân) nhưng kim ngạch lại chỉ đạt 53 triệu USD, giảm 20%.

Riêng tại Lâm Đồng, tình hình khả quan hơn khi có sự tham gia xuất khẩu mạnh của một số công ty như Thái Hòa, Công Chính… Trong quý 1, các công ty trên địa bàn xuất được 28.651 tấn, tăng 41,44% so cùng kỳ, nhờ vậy, dù giá giảm mạnh nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt trên 46 triệu USD, tăng 25,5%.

Cùng với giá cả thì chất lượng cà phê thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc xuất khẩu gặp khó. Thời tiết bất thường, mưa nhiều trong năm qua đã khiến việc phơi và bảo quản không đảm bảo, dẫn đến chất lượng cà phê bị giảm sút, nên các công ty xuất khẩu tốn nhiều thời gian xử lý trước khi xuất.

Tín hiệu tích cực từ gói kích cầu

Ông Nguyễn Đình Khánh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đắc Lắc cho rằng, khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam hiện nay là vấn đề vốn. Doanh nghiệp Việt Nam không thiếu kinh nghiệm thương trường nhưng lại khó cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp nước ngoài vì thiếu vốn.

Hiện ở Tây Nguyên có khoảng 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có 100% vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động, do có vốn lớn nên họ có thể tung tiền trữ hàng để chờ giá, trong khi doanh nghiệp trong nước khó thực hiện điều này. Chính vì vậy, việc triển khai hỗ trợ lãi suất của Chính phủ sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có thêm vốn nhằm tăng sức cạnh tranh.

Theo ông Lê Tiến Hùng, Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 thì việc được tiếp cận với vốn vay lãi suất thấp sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu giảm chi phí đầu vào (tức là phí trả lãi ngân hàng) để cân đối sản xuất nhằm nâng giá thu mua cà phê cho dân. Như vậy, không chỉ doanh nghiệp có lợi mà nông dân cũng được hưởng lợi. Không những thế, nguồn vốn vay lãi suất thấp đến tay nông dân sẽ giúp họ có tiền tiếp tục đầu tư phân bón, nước tưới, công lao động mà không phải bán tống bán tháo cà phê dẫn đến bị ép giá như trước đây.

Ngoài ra, qua phân tích cung – cầu thì sản lượng cà phê vụ 2008 – 2009 đủ đáp ứng nhu cầu thế giới nhưng vụ 2009 – 2010 cung sẽ thiếu hụt do sản lượng cà phê của Brazil sẽ giảm bởi chu kỳ giảm sản lượng cà phê Arabica

Hơn nữa, lượng dự trữ tại các nước sản xuất đang ở mức thấp sẽ là nguyên nhân khiến giá cà phê tăng trở lại trong thời gian tới.
Tại Tây Nguyên, trong khoảng một tháng qua, giá cà phê cũng đã tăng trở lại và đang giữ ổn định ở mức 25.000 đồng/kg. Đây là tín hiệu mừng cho cả nông dân và doanh nghiệp cà phê Việt Nam.

_____________
Theo SGGP

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng