Qua tìm hiểu tình hình sản xuất tại một số xã trên địa bàn huyện Tuy Đức thì được biết, từ nhiều năm nay, người dân ở các xã như Đắk Ngo, Quảng Tân, Quảng Tâm, Đắk R’tíh, Quảng Trực… đã bán điều non cho một số hộ dân đến từ các tỉnh Bình Phước, Bình Dương.
Ông Điểu Nơir, Chủ nhiệm Hợp tác xã Au Rúp, xã Quảng Tâm cho biết: “Mỗi khi vườn điều đến thời kỳ ra hoa thì có rất nhiều người từ các nơi khác đến lùng sục mua lại vườn cây. Do không đợi cây cho quả để thu hoạch nên người dân ở đây gọi đó là cách bán “bông điều”. Kiểu bán “bông” này được các thương lái tận dụng hết mọi mánh lới để đánh giá thấp chất lượng cây để ép các chủ vườn. Do vậy, dù vườn cây có xanh tốt, ra hoa, đậu quả sai đến mức nào cũng thua thiệt”. Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuy Đức thì tình trạng bán điều non trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các xã ở vùng sâu, vùng xa như xã Đắk Ngo, Quảng Trực…
Toàn huyện hiện có 3.040 ha điều, trong đó, xã Đắk Ngo: 1.250 ha, Quảng Tâm: 263 ha, Quảng Tân: 997 ha, Quảng Trực: 125 ha. Trong những năm qua, cây điều đã được bà con nông dân trên địa bàn huyện trồng khá phổ biến và trở thành loại cây trồng quan trọng đem lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ cây điều đem lại khá và lợi dụng những hộ đồng bào dân tộc thiểu số không biết tính toán làm ăn nên nhiều người dựa vào đó để trục lợi. Bên cạnh đó, cũng có một số hộ có thói quen nhậu nhẹt, ăn chơi, cần tiền mua xe, xây nhà, trả lễ cưới vợ… nên tự dấn thân hoặc bị các đối tượng có tiền dụ dỗ. Bằng mọi thủ đoạn tinh vi, thời gian đầu làm quen, cho các hộ này mượn tiền từ ít đến nhiều, cho thiếu nợ hoặc mua hàng lâu với cách tính lãi cao, đến lúc đòi nợ, bà con không có tiền trả thì các đối tượng này cấn nợ, làm hợp đồng thuê đất, ép bán “bông” điều…
Trong những năm qua, tùy theo giá cả thị trường điều mà việc bán vườn cây diễn ra với giá chênh lệch mỗi năm một khác, nhưng trung bình thì mỗi ha điều có giá bán từ 10-40 triệu đồng/ha, thời gian từ 3-5 năm, thậm chí có hộ bán trên 10 năm. Qua khảo sát thì xã có diện tích bán điều non nhiều nhất là xã Đắk Ngo và xã Đắk R’tíh, nhiều người đã cầm cố vườn điều nên khi vào vụ thu hoạch thì không còn nguồn thu nhập, cuộc sống trở nên khó khăn, vất vả hơn. Mặt khác, các chủ nợ, người đi mua điều non thường chủ động lập các giao dịch vay vốn, lợi dụng đồng bào không biết chữ nên trên giấy tờ vay thường không đúng với thực tế và đưa ra mức lãi suất cao để “thỏa thuận” với bà con. Đồng thời, do hầu hết các trường hợp bán điều non đều được thực hiện bằng miệng hoặc viết tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương, các hộ mua bán, sang nhượng đất lại có “thỏa thuận ngầm” với nhau, khi được hỏi thì không thừa nhận bán điều non nên hình thức mua bán này cứ ngấm ngầm diễn ra khó có thể phát hiện kịp thời. Điều đáng nói là tình trạng này kéo dài đã lâu và diễn biến ngày càng phức tạp, trong khi các cơ quan chức năng lại chưa có đủ cơ sở pháp lý, chế tài xử lý các trường hợp cụ thể.
Theo ông Điểu Plé, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk R’tíh thì thời gian qua, huyện cũng đã chỉ đạo địa phương rà soát, kiểm tra tình hình mua bán, cho thuê đối với cây điều ở các thôn, bon đồng bào dân tộc thiểu số. Xã cũng xác định được các hình thức mua bán và tiến hành vận động bà con không nên tiếp tục bán điều non nữa. Đồng thời, xã cũng tiến hành các biện pháp xử lý buộc những người đi mua điều non công khai công nợ để trả lại vườn điều cho đồng bào tự chăm sóc, thu hoạch và trả dần nợ cho những người này.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp sau khi xác minh các đối tượng có dấu hiệu cho vay nặng lãi, lừa đảo, ép buộc người dân phải bán điều non hoặc biến tướng thành hình thức cầm cố đất sản xuất… nếu đủ cơ sở, chứng cứ thì mới phối hợp với các ngành chức năng khởi kiện ra tòa án dân sự để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, công bằng cho người dân. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là các cấp, các ngành ở cơ sở cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động, hỗ trợ vật chất để người dân tự chủ, không bán điều non.
Kim Ngân