Các phương tiện truyền thông trong thời gian vừa qua loan tin khá nhiều về sự “ra đi” của không ít rừng thông trên địa bàn “thành phố thông reo” Ðà Lạt. Thực tế đó đã và đang xảy ra, khi mật độ hạ tầng và kiến trúc ngày càng lấn lướt những không gian thiên nhiên. Ở một khía cạnh khác, còn nguy cơ về “những cây thông không chặt mà đổ”. Ðó là những ẩn họa, thứ ẩn họa khôn lường…
Rừng thông đổ sập vào nhà dân.
Những tai nạn đau lòng…
Vào lúc 15 giờ 30 phút chiều 24-9-2011, tại Khu du lịch thác Datanla (Ðà Lạt), một đoàn du khách nước ngoài đang chờ đến lượt đi xe máng trượt từ chân thác trở về đỉnh thác thì bất ngờ một cây thông cổ thụ đổ ập xuống nhà chờ. Vụ tai nạn khiến bảy du khách nước ngoài bị nạn, phải chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Ða khoa Lâm Ðồng, trong đó một người đã tử vong trên đường chuyển đi cấp cứu là anh A-ri-xti-ô-nô (Ignatins Adri Aristiono, 28 tuổi, quốc tịch In-đô-nê-xi-a). Vụ tai nạn thương tâm này gợi lên những ký ức đau buồn do nguyên nhân tương tự trong những năm gần đây…
Tháng 9 năm ngoái, một cây thông cổ thụ cao hơn 30 m trong khuôn viên một tòa biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Ðạo bất ngờ long gốc đổ xuống. Cây thông già ấy đã đè chết tại chỗ chị Phùng Thị Thanh (sinh năm 1977, giáo viên Trường THPT Trần Phú) khi người mẹ trẻ đang chở xe máy đưa con đến trường. Chỉ vài giờ đồng hồ sau cái chết của cô giáo Thanh, cũng trên chính đoạn đường Trần Hưng Ðạo, một cây thông cổ thụ khác bị gió xô ngã đè lên chiếc ô-tô khách mang biển kiểm soát 49X-5413 khi xe đang lưu thông. Toàn bộ 16 người trên xe bị thương phải vào viện cấp cứu và một người trong số đó tử vong. Cùng ngày, thêm một gốc thông cổ thụ đè sập một góc Trường mầm non 7. Ngày hôm sau, đến lượt ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Hải Ninh ở đường Hà Huy Tập bị thân cây đổ đè nát. Ngược tiếp dòng thời gian, còn vụ bé gái 13 tuổi chết dưới cành thông vào ngày 6-8-2007, hay vụ một cây thông đổ chắn ngang đường gây tai nạn giao thông nghiêm trọng ở bờ hồ Xuân Hương. Còn thông đổ gây sập nhà thì xảy ra liên tục, mà gần nhất là chuyện một gốc thông lớn làm sập nhà ông Nguyễn Ðức Nhật ở phường 3…
Ẩn họa khôn lường
Hiện nay, số lượng cây thông nói riêng và cây xanh nói chung ở nội ô Ðà Lạt bị chết, khô cành, trụi lá, mục gốc, lòi rễ… có nguy cơ gãy đổ là không ít. Hộ gia đình bà Ngô Thị Kim Liên ở 16/2 đường 3/4, hiện tại chung quanh nhà có đến sáu cây thông, có những cây do làm đường đã bị chặt hơn một nửa bộ rễ và có cây đã bị bít gốc đang chết dần. “Mỗi lúc có mưa bão là chúng tôi không dám ngủ trong nhà vì thông có thể gãy đổ bất cứ lúc nào. Tôi đã làm đơn xin chặt hạ nhưng do thông còn xanh tươi nên chưa được phép”, bà Liên thổ lộ.
Trong khuôn viên Trường đại học Ðà Lạt hiện nay có nhiều cây thông đã già cỗi, khô cành. Theo Phòng Quản trị thiết bị – Trường đại học Ðà Lạt, mấy năm gần đây, hầu như mùa mưa năm nào trong khuôn viên trường cũng có cây thông bị gãy đổ, có nhiều cây đã đổ làm sập nhà, hỏng mái tôn, làm đứt dây và gãy trụ điện, rất may chưa có thương vong về người. Tại đường Phù Ðổng Thiên Vương, nơi hằng ngày có hàng nghìn sinh viên Trường đại học Ðà Lạt qua lại, nhiều cây thông lớn lòi rễ, đứng chênh vênh bên ta-luy đường. Một ngày đầu tháng 10-2011, đi qua đường Trần Quang Diệu, chúng tôi cùng dừng lại mục kích những người dân đang lo lắng đứng nhìn hai cây thông có đường kính gần 30 cm khô cành, trụi lá, trốc gốc đang chờ đổ. Ðoạn đường này hằng ngày có khoảng 2.000 học sinh tới trường…
Không chỉ thông, còn nhiều cây xanh khác theo năm tháng bị khô, chết cũng tiềm ẩn mối hiểm nguy cho con người. Tại tổ 9 (khu phố Chi Lăng, phường 9) dọc theo bờ rào Trường tiểu học Chi Lăng có nhiều cây khuynh diệp được trồng từ thời Pháp thuộc, nay rất nhiều cành khô và thường gãy vào những lúc có gió mưa. Ông Trương Văn Ðạm – tổ trưởng tổ dân phố – nói: “Những cây khuynh diệp này có tuổi đời đã gần 100 năm rồi, mấy năm gần đây mỗi lúc có mưa gió là cành lá lại gãy xuống. Nhà tôi đã nhiều lần bị lủng mái tôn do cành cây gãy”.
Trách nhiệm của con người
Ngoài nguyên nhân tự nhiên, thông Ðà Lạt gãy đổ nhiều cũng một phần là do con người. Dân cư tăng lên quá nhanh nên việc phát triển các công trình xây dựng, nhà ở, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy hay việc phát triển các kết cấu hạ tầng khác đã dồn những cây thông đến chỗ chết. Một công trình mọc lên là hàng loạt cây thông phải ngã xuống, chưa kể số cây bị chặt đứt rễ, bị lòi gốc do ta-luy công trình xây dựng tạo nên. Có những cây bị mái nhà vây chung quanh, thậm chí “sống chung với người” trong những mái nhà để rồi khô héo từ từ. Thông sống dở chết dở do con người bức tử. Bị cấm chặt thông, người dân dùng “chiến thuật” làm “hao mòn sinh lực” của cây thông bằng nhiều cách như: đổ a-xít và các loại thuốc vào gốc thông, gọt hết vỏ dưới gốc thông, chắn rễ, ken gốc thông… khiến cho cây thông chết dần.
Bị con người cố tình tàn sát, những cây thông phải chăng đã phản kháng bằng cách tự mình trở thành những mối ẩn họa, trước khi ngã xuống?