Đề nghị hỗ trợ 45.000 tỷ đồng thu mua cà phê và điều

45.000 tỷ đồng là số vốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, bố trí để hỗ trợ việc thu mua cà phê và điều.

Trước đề nghị của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam và Hiệp hội Điều Việt Nam, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn thu mua, xuất nhập khẩu ngành cà phê và điều.

Cuộc họp đã ghi nhận các khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành điều như: lãi suất vay vốn cao, chi phí đầu vào tăng, cộng thêm áp lực trả nợ ngân hàng vào những tháng cuối năm đã khiến nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm với giá thấp để trả nợ, dẫn đến thua lỗ.

Còn ngành cà phê, tuy các ngân hàng thương mại đều đã có các chính sách và dành vốn cho các doanh nghiệp nhưng nhiều đơn vị chưa đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện vay, do đó khó tiếp cận được nguồn vốn này.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, bố trí nguồn vốn vay lưu động khoảng 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp thu mua và chủ động tạm trữ cà phê xuất khẩu. Hình thức vay không phụ thuộc vào hạn mức, có thể cho vay 100% giá trị hàng nhập kho. Thời hạn vay tối thiểu 6 tháng và có chính sách ân hạn thêm khoảng 6 tháng khi thị trường bất lợi.

Đối với các doanh nghiệp trong ngành điều, Ngân hàng Nhà nước cần bố trí nguồn vốn vay khoảng 29.000 tỷ đồng. Trong đó 13.000 tỷ đồng để thu mua điều thô trong nước, 13.000 tỷ đồng để nhập khẩu nguyên liệu và 3.000 tỷ đồng cho vay dài hạn để hỗ trợ tín dụng đầu tư trang thiết bị, máy móc cho ngành điều. Thời hạn vay là 12 tháng và được áp dụng mức ưu đãi lãi suất tối đa.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh các điều kiện cho vay, tăng tỷ lệ áp dụng hình thức cho vay tín chấp.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương có biện pháp chấn chỉnh các doanh nghiệp cà phê, đặc biệt về phương thức kinh doanh sao cho hoạt động có hiệu quả, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, cũng như các vụ trước, vào khoảng thời gian thu hoạch rộ (tháng 11, tháng 12) cũng là lúc các doanh nghiệp khan hiếm về tài chính và gặp khó khăn trong vay vốn, do đó phải chốt giá và ồ ạt giao hàng, dẫn đến dễ bị ép giá, gây thiệt hại cho ngành cà phê Việt Nam.

Theo VnEconomy

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Bốn Cà

    Tại sao không kiến nghị cho nông dân vay với lãi suất thấp nhất để hạ thấp giá thành sản xuất, có cơ hội tích trữ cà và bán lúc được giá. Cải thiện đời sống nông thôn.

    1. Nông Văn Dân

      Doanh nghiệp vay thì dễ chứ nông dân vay thì nhiêu khê lắm Bốn Cà ơi. Doanh nghiệp họ vay cả hàng ngàn tỷ lắm màu mỡ, chứ cho nông dân vay hộ dăm chục triệu thì màu mỡ gì, mất công thẩm định, duyệt hồ sơ chẳng bỏ bèn.

  2. phong

    Các doanh nghiệp, Nhà nước thích chính sách gì cũng được. Tôi là nông dân chỉ mong sao sản phẩm làm ra được tiêu thụ và được thu mua một cách hợp lí, để nông dân bớt khổ.

  3. Nông dân cà phê

    Cho DN vay còn giải quyết được nhiều việc nữa, như công ăn việc làm cho nhiều lao động, thu ngân sách cho nhà nước, kích thích kinh tế vùng phát triển…, nông dân cũng có lợi vì DN có tiền thu mua. Chỉ có điều là khi DN vay được tiền thì phải sử dụng tiền đúng mục đích chứ đừng đem tiền đi làm việc khác.

  4. Lưu Hùng Lạc

    – Hi, mỗi lần anh Phong comment đều thấy anh than khổ, em cũng thừa nhận là bà con nông dân mình còn rất khổ.
    – Vậy thì để em thử phân tích theo hướng ngược lại với nhận định của anh 1 chút nha!
    + Hiện nay, mọi người đều đang đau đầu với tình hình kinh tế đất nước đang gặp khó khăn do tình trạng lạm phát; nhưng có ai suy nghĩ đến những nguyên nhân sâu xa trong đó không? Một trong những nguyên nhân đó là người Việt Nam còn có thói quen nắm giữ tiền mặt trong người rất nhiều (quá nhiều là đằng khác), chúng ta chỉ quan niệm đến việc là lượng tiền mình đang nắm giữ còn nhiều hay ít mà không quan tâm đến việc liệu rằng một đồng tiền mình đang nắm giữ trong tay nó có ảnh hưởng gì đến sự biến động của nền kinh tế (thị trường tiền tệ)… Bằng chứng là, trong thời gian qua Nhà nước ta đã thắt chặt 2 kênh bơm tiền ra thị trường đó là kênh phát hành tiền và kênh cho vay nhưng vẫn còn có 1 lượng tiền (kênh)thứ 3 rất lớn vẫn tiếp tục được bơm ra thị trường khiến cho việc kiềm chế lạm phát còn gặp rất nhiều khó khăn.
    + Vậy thì nhìn lại một chút về thị trường nông sản, cụ thể ở đây là mặt hàng cà phê thì những vấn đề A Phong đang đắn đo sẽ còn là một câu chuyện dài tập đúng không các Anh, Chị?

  5. duchuy

    45.000 tỷ đồng là số vốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, bố trí để hỗ trợ việc thu mua cà phê và điều.
    Về việc này tôi có ý kiến sau
    1/ Lãi suất ưu đãi tối đa nghĩa là bao nhiêu %? tại sao có đặc quyền này? kênh huy động vốn và cho vay của ngân hàng phải bình đẳng đối với các thành phần kinh tế và với các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng khác nhau, cớ sao phải ưu ái với DNXK cà phê? bên cạnh đó bộ NN cũng đã có động thái ” đẩy” các DNXK cà phê qui mô nhỏ ra khỏi cuộc chơi qua CV 290 về việc KDXK cà phê có điều kiện. Các động thái trên của bộ NN xuất phát từ mục tiêu gì? lợi ích nhóm?
    2/ Nếu số tiền 45.000 tỷ trên được “bơm ra”, liệu có bao nhiêu % dùng cho việc thu mua hàng hóa niên vụ năm nay? bao nhiêu % được “bơm ngược” lại ngân hàng để trả nợ niên vụ trước do thua lỗ? liệu có chắc chắn niên vụ năm nay các DNXK lớn được ” bảo kê” làm ăn có lãi hay ” sập hầm” để tạo thêm cơn sóng lạm phát?
    3/ Nếu ngân hàng tiếp cận tốt với người nông dân và giải ngân 45.000 tỷ đồng cho nông dân vay thì cả ngân hàng và người nông dân cùng có lợi và ngân hàng sẽ an toàn hơn về rủi ro từ nguồn vốn này.

    1. Cư Pul

      Đề nghị hỗ trợ cho DN để họ làm ăn được thì các bác nhà quan mới có “vi thiềng”. Đề nghị hỗ trợ cho nông dân thì các bác ấy ăn được gì?
      Dễ hiểu quá !

  6. Cafe Việt

    Vicofa và Vinacas kêu gọi bộ Nông nghiệp, bộ Công Thương và Ngân hàng hỗ trợ cho DN của mình cớ sao các bác nông dân lại lên diễn đàn phản đối ì xèo. Tôi thấy chuyện này cũng bình thường, thậm chí còn là đương nhiên nữa. Họ phải lo cho DN hội viên của mình chứ.
    Các bác nông dân sao không thấy ai kêu Hội Nông Dân VN đứng ra xin cơ chế, chính sách hỗ trợ cho mình? Bà con ngẫm cho kỹ đi.

  7. Ngoc Hien

    Do chính sách và cơ chế mà người sản xuất, doanh nghiệp và nhà nước đều có lợi mà bà con ! san sẻ mới liên kết được lâu dài, năm nay Nhà nước can thiệp sớm vậy là được, nên quan tâm nhiều về mặt hàng nông sản chiến lược này.

Tin đã đăng