Đồng Nai: Cây ca cao đang “lên ngôi”?

Hiện nay, diện tích trồng ca cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã lên gần 1.200 hécta. Theo Quyết định 1209 của tỉnh thì đến năm 2015 sẽ phát triển trên 4.200 hécta. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa mặn mà với loại cây trồng này.

Cây ca cao được trồng ở Đồng Nai cách đây gần 30 năm, tập trung ở huyện Tân Phú. Tuy nhiên, thời điểm ấy do khâu chế biến và tiêu thụ khó khăn nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Sau đó, nông dân chặt bỏ cây ca cao và trồng cây khác. Đến năm 2003, thông qua chương trình “cây ca cao quốc gia”, các doanh nghiệp ở Đồng Nai tiếp cận đầu tư, bao tiêu sản phẩm để sơ chế xuất khẩu, cây ca cao tiếp tục xuất hiện ở một số địa phương trong tỉnh. Những năm năm gần đây, giá ca cao liên tục tăng, lợi nhuận đạt từ 40-45 triệu đồng/hécta/năm đã thu hút nông dân đầu tư mở rộng diện tích.

* Định hướng cho cây ca cao

Cây ca cao trong vườn nhà ông Ninh (xã Hàng Gòn, TX. Long Khánh). Ảnh: H.G

Sau 2-3 năm trồng xen ca cao trong vườn cây già cỗi và cây lâm nghiệp thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao, nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn mở rộng diện tích. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn diện tích trồng ca cao trên địa bàn tỉnh tăng lên gần 1.200 hécta. Để nông dân không ồ ạt trồng cây ca cao, lãnh đạo tỉnh phê duyệt chương trình phát triển cây ca cao giai đoạn 2011-2015, khuyến khích nông dân trồng xen ca cao trong vườn điều già cỗi hoặc cây lâm nghiệp. Thế nhưng, do nhận thức chưa đầy đủ nên rất nhiều trường hợp tận dụng trồng xen ca cao cả trong vườn cà phê, chôm chôm, sầu riêng, tiêu.

Nhận định về vấn đề trồng xen ca cao đại trà, ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Đồng Nai, lưu ý: Đầu ra của cây ca cao hiện nay rất thuận lợi, cho thu nhập cao. Thế nhưng, việc trồng xen ca cao vào các vườn cây gì cần phải cân nhắc. Dù bệnh gây hại nặng trên cây trồng chưa xuất hiện nhưng ngành nông nghiệp vẫn khuyến cáo, nông dân chỉ nên áp dụng mô hình trồng xen ca cao tại vườn điều. Vì quá trình chăm sóc ca cao, cây điều cũng được hưởng lợi, năng suất có thể tăng gấp 2-3 lần. Với giá hai loại nông sản điều và ca cao như hiện nay, nông dân thu lời 70-80 triệu đồng/hécta/năm.

Hiện tại, diện tích cây điều ở Đồng Nai khoảng 50 ngàn hécta, nhưng năng suất chỉ đạt chừng 1 tấn/hécta/năm, lãi cao nhất cũng chỉ 12-15 triệu đồng/hécta/năm. Theo kế hoạch, đến năm 2015, diện tích cây điều của tỉnh còn khoảng 35 ngàn hécta nhưng được trồng xen ca cao.

* Tạo mối liên kết

Sơ chế ca cao tại Công ty Nguyên Lộc (xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh). Ảnh: H.G

Hiện nay, do quy mô sản xuất ca cao của nông dân trong tỉnh chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành vùng chuyên canh, nên nông dân gặp không ít khó khăn  trong sản xuất và tiêu thụ. Thời gian qua, một số xã đã hình thành câu lạc bộ (CLB), tổ hợp tác (THT) ca cao nhằm tổ chức “đầu ra” cho sản phẩm thuận tiện hơn. Tuy nhiên, đa số ca cao của nông dân thu hoạch xong, đều bán trái tươi cho Công ty TNHH Trọng Đức và Công ty TNHH đầu tư phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc. Hai doanh nghiệp này đặt các điểm mua ngay tại CLB, THT để thu gom ca cao tươi về sơ chế xuất khẩu.

Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, thông thường nông dân thu hoạch xong liền đem bán thô nên giá không cao. Nếu có sự liên kết chặt chẽ ở CLB, THT thì điều kiện làm ăn dễ dàng hơn, bởi thành viên của những tổ chức này có thể hợp tác để đầu tư máy móc, ứng dụng kỹ thuật sơ chế nông sản để nâng giá trị sản phẩm và tìm hướng tiêu thụ. Vì vậy, về lâu dài, khi diện tích cây ca cao tăng, số lượng nhiều, nếu vẫn duy trì việc bán trái tươi, nông dân sẽ rơi vào thế bị động.

Đến nay, diện tích trồng ca cao tập trung ở các huyện: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và Thống Nhất. Tương lai, “đầu ra” của ca cao tương đối thuận lợi, trong khi đó mỗi năm nhu cầu tiêu thụ tăng 3-4% (tương đương 100 ngàn tấn), song thực tế chỉ đáp ứng được 70%. Đáng lưu ý, hiện có không ít địa phương trong tỉnh muốn “né” loại cây trồng này, cơ bản sợ nông dân không nắm rõ nguồn gốc giống, kỹ thuật chăm sóc và sâu bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến cây trồng khác. Để hỗ trợ nông dân trồng cây ca cao đạt hiệu quả, vừa qua ngành nông nghiệp đã biên soạn hoàn tất tài liệu “Quy trình trồng, chăm sóc ca cao xen với cây điều và cây lâm nghiệp” để cấp phát cho nông dân. Ngoài ra, các trạm khuyến nông: Tân Phú, Xuân Lộc, Trảng Bom đã xây dựng các mô hình điểm trồng xen ca cao trong vườn điều, cây lâm nghiệp để nông dân đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.

Hương Giang

Theo Báo Đồng Nai

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Sáu cacao

    Nếu để lựa chọn cây trồng không phải đầu tư nhiều như cây cà phê giữa 3 loại: Ca cao, Điều, Măc ca thì tôi chọn cây Ca cao, bởi lẽ thời tiết cũng ít tác động đến nó không như cây Măc ca và cây Điều. Chỉ cần mưa nắng thất thường một tí là cả Măc ca và Điều có hoa mà khó đậu quả, năng suất giảm ngay. Sâu bệnh ở 2 loại này cũng nhiều hơn Ca cao.
    Tôi cũng nghĩ là có thể gọi Ca cao là “cây nhà nghèo” nghĩa là trồng Ca cao không cần bỏ vốn nhiều.

Tin đã đăng