Cả tuần qua, hàng trăm công nhân Công ty Cà phê Đăk Đoa- Tổng Công ty Cà phê Việt Nam tập trung về trụ sở công ty yêu cầu Ban giám đốc giải thích rõ hợp đồng nhận khoán mà lãnh đạo công ty đơn phương đặt ra yêu cầu công nhân phải ký kết.
> Phương án giao khoán “vừa cứng vừa mềm”
Thất tín
Sáng 30-9, khoảng 300 công nhân Công ty Cà phê Đăk Đoa (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) tụ họp về hội trường công ty để đối thoại phương án khoán “nửa cứng nửa mềm” theo lịch hẹn của ông Nguyễn Văn Trương – Phó Tổng giám đốc Công ty Cà phê Việt Nam.
Trong khi công nhân đang bồn chồn chờ đợi thì khoảng 10 giờ, người đại diện công ty là ông Hà Văn Hội ra thông báo rằng, vì công nhân mất trật tự nên không làm việc được, giải tán. Toàn bộ lãnh đạo công ty cùng lãnh đạo huyện Đăk Đoa ra khỏi hội trường, mà không hẹn thời điểm tổ chức cuộc họp công nhân trở lại.
Hàng trăm công nhân đã tràn xuống sân, trước cổng công ty yêu cầu Ban giám đốc giải thích cụ thể để dân hiểu vấn đề nhưng không được đáp ứng. Kiên quyết chờ giải quyết quyền lợi, công nhân đã cắt cử nhau nấu cháo phục vụ mọi người. Đến hơn 12 giờ, ban lãnh đạo Công ty Cà phê Đăk Đoa định rời khỏi công ty.
Tuy nhiên, vì ông Giám đốc Công ty Cà phê Đăk Đoa, Phó Tổng giám đốc Công ty Cà phê Việt Nam chưa giải thích vấn đề công nhân cần nên họ đã không cho hai ông này đi buộc quay trở lại phòng làm việc công ty.
Đến 17 giờ cùng ngày, lãnh đạo Công ty Cà phê Đăk Đoa vẫn cố thủ trong phòng còn hàng trăm công nhân vẫn quyết chờ câu trả lời. Theo các công nhân, đến ngày hôm nay họ đã chờ trước sân Công ty Cà phê Đăk Đoa được 5 ngày. Nếu Lãnh đạo công ty không có câu trả lời thấu đáo, họ sẽ tiếp tục đợi cho đến lúc nào được giải quyết.
Công nhân tập trung chờ đối thoại với lãnh đạo TCty Cà phê Việt Nam tại Cty Cà phê Đăk Đoa.
Khoán bóp chẹt công nhân
Theo một số công nhân ở đây, những năm qua năng suất cà phê ở công ty này bình quân chỉ đạt từ 6-8 tấn, trong khi mức giao khoán là 11.300kg quả tươi/ha/năm khiến hàng trăm hộ thường xuyên thiếu sản lượng. Nhiều hộ đã đề nghị tổng công ty cũng như cơ quan chức năng về khảo sát lại toàn bộ diện tích cà phê của đơn vị, tính toán lại để có mức khoán phù hợp.
Thế nhưng đầu tháng 8-2011 công nhân đã nhận phương án giao khoán cà phê theo quyết định 405/QĐ-HĐTV ngày 19-7-2011 do Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) phê duyệt phương án giao – nhận khoán sản xuất cà phê trong 5 năm từ 2011-2015, quyền lợi của người công nhân bị xâm hại.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai đã kiểm tra tình hình giao khoán vườn cây của công ty Cà phê Đăk Đoa sau đó có công văn yêu cầu Công ty Cà phê Đăk Đoa trả lời và giải thích rõ những vấn đề về phương án giao khoán vườn cây của công ty giai đoạn 2011-2015; Đề nghị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn Công ty Cà phê Đăk Đoa xây dựng phương án khoán vườn cây theo đúng quy định của pháp luật…
Huỳnh Kiên – Linh Luận
Theo Báo Tiền Phong Online
Buổi sáng 1/10/2011 Phó TGĐ TCty Cà phê Việt Nam giải trình chung chung, hay nói đúng hơn là không giải trình nổi những bức xúc của hơn 300 công nhân trong suốt một tuần qua chờ đợi buộc mọi người phải kéo nhau lên UBND tỉnh đòi hỏi.
Ko biết các sếp lệnh thế nào mà hai nhà báo ăn đợi nằm chờ cả tuần nay cùng thức đêm ăn cháo để đòi hỏi chế độ quyền lợi cho người công nhân tự dưng lại bỏ về không lời từ biệt ? chắc là hết thuốc rồi, người công nhân chịu khổ mãi thôi.
Không biết nhà nước duy trì làm gì quá nhiều khâu trung gian ăn bám vào sản phẩm của người lao động làm ra mà chẳng giúp ích gì cho xã hội. Bảo họ điều hành càng không đúng vì mọi việc sản xuất đều KHOÁN HẾT CHO CÔNG NHÂN rồi mà.
Không biết các vị đại biểu của dân có ai thấy chỗ này không? hay là đang mùa mưa, bầu trời u ám nên ko ai thấy gì cả.
Ở chỗ tôi khoán 1ha là 8 tạ nhân một năm, tức là 4 tấn quả tươi mà loạng quạng chăm sóc không tốt còn bị lỗ. Huống chi 11.300 kg tươi/1ha thì có nước người công nhân bán nhà đi mà bù lỗ. Sao thời buổi này còn có chỗ khoán mà như bóc lột sức lao động vậy?
Với mô hình tổ chức, quản lý theo kiểu như TCty cà phê VN đã không còn phù hợp với thực tiễn nữa. Nó chỉ có thể nên tồn tại trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Đặc biệt là đáp ứng về mặt ổn định an ninh, chính trị và phát triển Kinh tế trong giai đoạn đất nước mới giải phóng. Bây giờ đất nước đã được ổn định nên phải xóa bỏ mô hình quản lý theo kiểu này, nó chỉ còn có tính lịch sử.
Công nhân Đăk Đoa ơi, hãy đấu tranh cho chính nghĩa đến cùng. Phần thắng rồi sẽ thuộc về các bạn. Dambri nói đúng lắm, đại biểu của dân đâu rồi mà để sự việc diễn ra lâu thế chưa được giải quyết.
Thu sản 11,3 tấn/ha tương đương 3 tấn nhân/ha rồi còn gì. Thu sản kiểu này ko chỉ đơn giản là bóc lột tàn nhẫn mà còn quá phát xít ấy chứ. Nói 11,3 tấn nhưng khi nhập thực tế tui tính trên 14 tấn (trừ % tạp chất). Không chỉ riêng ở Đăk Đoa mà công ty nào trừ tạp chất cũng ác chiến lắm.
Tổng thu 3 tấn nhân/ha đang là mơ ước của nhiều hộ gia đình trồng cà phê ở Tây Nguyên. Họ ăn gì, lấy gì đầu tư mà công ty lại giao khoán bất hợp lí thế?.
Mức giao khoán 11.300kg quả tươi/ha… vậy khác nào róc xương, hút tủy công nhân!
Trên Ia Sao chúng tôi cũng vậy, chỉ khổ người nông dân chúng tôi. Biết kêu ai bây giờ. Ký cũng chết mà không ký cũng chết. Cà phê thì già, xin nhổ thì không cho. Vậy biết làm sao bây giờ.
Cầu mong các cơ quan nhà nước sớm cổ phần hóa ngành cà phê để người dân thoát khỏi cảnh ăn bám bóc lột của các cấp cán bộ và tầng lớp trung gian.
Tại sao cho đến giờ mà cơ quan nhà nước vẫn chưa có lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp trồng cà phê? Chính sách thực hiện trong nông nghiệp còn mù mờ quá.
Mô hình quản lý theo kiểu nông trường thực chất đã biến tướng tạo nên tầng lớp trung gian ăn bám, phi sản xuất. Duy trì nó chính là duy trì đặc quyền đặc lợi cho một nhóm người lười biếng, năng lực không có nhưng muốn hưởng thụ nhiều hơn người khác. Nếu không thử hỏi làm sao có những cảnh này xảy ra trong một đất nước theo chế độ XHCN?
Những vị đại biểu của dân có ai nhìn thấy cảnh này không?
Thật khổ cho cảnh những công nhân cafe Đăk Đoa, nếu hộ nào ko có rẫy riêng thì với sản lượng 11,3 tấn là quá cao. Nhưng ko biết với sản lượng này phần đầu tư phân thuốc, tưới nước ai lo, lương của công nhân được trả bao nhiêu trên năm?
Cũng là người đã có hoàn cảnh tương tự, tôi làm công nhân NT49 thuộc Tổng Cty cafe VN như các bạn đấy, thời gian công nhân gần 17 năm, tôi cũng đành cởi áo ra đi làm ăn tự do. Nói chung cùng chung một Tổng hầu như phương thức khoán của từng Cty con chẳng khác nhau là mấy. Công nhân càng ngày càng mạt, cán bộ Cty mỗi ngày một giàu ra, cuộc sống mà cóc kêu chẳng thấu được trời, họ có phe cánh cả rồi.
Theo tôi Cty Đăk Đoa này thanh lý toàn bộ vườn cây này cho công nhân! Có thể theo phương thức trả dần trong 10 năm, mỗi năm trả 10% giá trị vườn cây, tương đương 30% sản lượng năm đó.
Sau khi đã trả tiền mua xong theo cam kết, nông hộ nhận được sổ đỏ vườn cây.
Như vậy đạt được mục đích dân giàu, dân giàu nước tất mạnh!
Bạn Thanh lý đừng mơ, ở CTy cà phê Chư quynh, Dak Lak năm 1996 giao khoán vườn cây cà phê cho người dân, người dân phải nộp khấu hao vườn cây hằng năm bằng 1/10 giá trị vườn cây đã định giá vào thời điểm 1996, giá trị vườn cây hồi đó là 29.000.000/ha. Thế nhưng năm nay làm sổ khoán lại Cty tính giá trị vườn cây thời điểm này còn lại là 116.000.000/ha, chẳng khác nào câu chuyện anh chàng nhà nghèo ăn nợ con gà luộc của chủ quán.
Ở chỗ cháu họ cũng khoán zậy đó? như zậy cán bộ mới có ăn chứ!
Mong cho nhà nước sớm cổ phần hóa các công ty cà phê để bà con nông dân sống vào cây cà phê đỡ bị bóc lột. Khổ quá!
Bởi mọi trách nhiệm xã hội hiện giờ đối TCTy cà phê VN đã biến thành ban ơn và hàm ơn, hệ thống quản lý tài chính thì máy móc phức tạp. Dối trá ngày càng có nguy cơ trở thành bình thường miễn là chứng từ chi tiêu hợp lệ, miễn là nói dối được hợp pháp hóa. Nên khoán “cứng mềm” của các công ty con của TCTy cà phê Việt Nam điều thế cả. Không chỉ riêng công ty cà phê Đắk Đoa.
Thật sự là bất công và vô lý khi mà phải hi sinh quyền lợi của hàng trăm, hàng nghìn người lao động để duy trì sự tồn tại của một nhóm nhỏ người- gọi là ban quản lý các doanh nghiệp cà phê nhà nước như hiện nay.
Cũng như cây lúa, đến nay toàn bộ quá trình tổ chức đầu tư và chăm sóc cây cà phê người nông dân có thể tự lo liệu một cách có hiệu quả, họ chỉ cần nhà nước làm tốt công tác thị trường đảm bảo đầu ra. Do vậy giải thể các đơn vị dạng như công ty cà phê Đắc Đoa là giải pháp tốt nhất tránh sự bất ổn xã hội như đã sảy ra.
Mong khi nào các vị lãnh đạo dám hy sinh một “nhóm nhỏ người đó” cho quyền lợi hàng triệu người trồng cà phê của Việt Nam đang chịu cảnh phát canh thu tô thời @, phải suy nghĩ được như Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ là vì lợi ích của 80.000.000 người . Thì may ra mới Delete được những kẻ bóc lột trong ngành cà phê VN.
Sao lạ thế này?
Cùng thuộc Tổng Cty cà phê VN mà công ty Ia Sao bên cạnh lại khoán cho công nhân 3,2 tấn cà tươi/năm, còn Đắc Đoa lại khoán 11,3 tấn cà tươi/năm?
Sao ông Nguyễn Văn Trương Phó Tổng giám đốc TCty lại im lặng để cho lãnh đạo Cty Đắc Đoa bóc lột công nhân thậm tệ vậy?
Hay là dung túng cho cấp dưới làm bậy rồi chúng nó vi thiềng cho.
Mong UBND tỉnh Gia Lai phải làm sáng tỏ vụ này thì mới đúng là vì nhân dân.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND huyện Đak Đoa) tiến hành kiểm tra tình hình giao khoán vườn cây của Công ty Cà phê Đak Đoa cho công nhân giai đoạn 2011-2015. Sau khi xem xét Báo cáo số 113/BC-SNN ngày 5-9-2011 của Sở Nông nghiệp và PTNT về kết quả kiểm tra việc giao khoán vườn cây của Công ty Cà phê Đak Đoa, ngày 20-9, UBND tỉnh có Công văn số 2934/UBND-NL nêu rõ:
Ủy ban Nhân dân tỉnh chuyển đơn kiến nghị của công nhân Công ty Cà phê Đak Đoa đến Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Công ty Cà phê Đak Đoa để đơn vị giải quyết, trả lời kiến nghị theo thẩm quyền. (Báo Gia Lai điện tử)
BBT Y5Cafe đã nhận được bản kiến nghị nêu 18 điểm của Công nhân Đak Đoa phản đối bài báo thiếu trung thực của Báo Nông nghiệp VN ngày 10/10 mới đây phản ánh về việc công nhân Đak Đoa và phương án khoán cà phê.
Mong bản kiến nghị này được nhiều Cơ quan chức năng thẩm quyền của TW và Địa phương nhận được và có phản hồi.
BBT Y5Cafe.
Dẹp bỏ đi cơ chế xin-cho, doanh nghiệp nhà nước kiểu bóc lột sức lao động như địa chủ này đi. Công nhân ơi! Chúng tôi ở mãi bên các bạn.
Không riêng gì công ty cà phê Đak Đoa mà hầu hết những chi nhánh của Tổng công ty cà phê Việt Nam tại huyện Iagrai như tôi được biết thì bà con cũng bị các công ty chèn ép về sản lượng và giá thành sau thu hoạch. Nhiều gia đình rớt nước mắt vì công sức lao động 1 nắng 2 suơng cả năm trời lại bị trừ ngược trừ xuôi vì những điều khoản do công ty đưa ra. Giá cả thì bị ép xuống vài giá so với thị trường. Không biết những khoản chênh lệch mà các công ty thanh toán đã đi đâu về đâu. Mong là nhà nước mình đừng bỏ rơi bà con. Bà con lao đông vất vả chỉ mong có cuộc sống no đủ nhưng cứ thế này bà con khổ lại càng khổ mà chỉ lợi những người sống trên công sức lao động của bà con thôi.