Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu ngành cà phê, chế biến gỗ… đang chịu sức ép lớn từ lãi suất cao, chênh lệch tỷ giá và cả sự cạnh tranh quyết liệt từ các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khiến họ bị lép vế ngay trên “sân nhà”.
Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết, vào thời điểm khó khăn hiện nay của ngành chế biến gỗ (có tới 30% DN chế biến gỗ đã phá sản), đúng ra Trường Thành có thể tự hào khi có tăng trưởng. “Tuy nhiên, hàng chế biến đồ gỗ chỉ tăng trưởng 2,2%, không thể bù lại được mức tăng giá đầu vào khoảng 8%. Với mức lãi suất vay ngân hàng vẫn còn cao (18 – 20%/năm) như hiện nay, DN không thể đầu tư phát triển công nghệ hay đầu tư chiều sâu để hiện đại hóa máy móc, thiết bị…”, ông Thành nói và cho biết, gần đây ở Đồng Nai, Bình Dương có nhiều DN nước ngoài đầu tư vào ngành chế biến gỗ. Do các DN này có lợi thế có thể chuyển giá được, không phải nộp thuế thu nhập DN và lại vay được USD ở nước ngoài thấp hơn so với ở Việt Nam, nên họ đang đưa các DN chế biến gỗ Việt Nam vào thế bất lợi.
Nếu năm 1997, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của các DN trong nước chiếm tới 56% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, thì nay tụt xuống chỉ còn 44% và phần lớn còn lại là của DN FDI.
Ở góc độ khác, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex cho biết, DN kinh doanh cà phê trong nước gần như phải vay 100% vốn của ngân hàng để phục vụ cho mục đích kinh doanh xuất khẩu, do đó, khi lãi suất tín dụng cao thì DN rất khó cạnh tranh với DN nước ngoài. “Vừa qua, ngay sau khi nhóm DN thuộc Câu lạc bộ DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam thống nhất mua tạm trữ 432.000 tấn cà phê ngay từ đầu vụ, thì giá cà phê tăng được 4 ngày liên tiếp. Song, ngay sau đó lại giảm do có thông tin kinh tế thế giới suy giảm. Điều này cho thấy, cà phê đang bị chi phối bởi các DN nước ngoài”, ông Nam dẫn chứng.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Công Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Vinacafe cho rằng, năm nay, nhiều khả năng, kim ngạch xuất khẩu của ngành cà phê đạt 2,5 tỷ USD và năm 2012, dự kiến đạt 3 tỷ USD. “Ngành cà phê không cần vốn vay ưu đãi, mà chỉ cần ngân hàng cung cấp đủ vốn vay cho DN vay dài hạn để mua cà phê là đủ”, ông Hoàng nói.
Theo đại diện nhiều DN xuất khẩu nông sản, trong điều kiện bình thường, DN xuất khẩu hoàn toàn có thể cạnh tranh được với DN nước ngoài. Tuy nhiên, hiện DN nước ngoài vay USD ở nước ngoài chỉ chịu lãi suất 3%/năm, trong khi doanh nghiệp trong nước vay USD phải chịu lãi suất tới 8%/năm. Do vậy, DN rất khó cạnh tranh với DN FDI trong việc thu mua hàng nông sản phục vụ xuất khẩu. Theo các DN, lãi suất vay USD ít nhất phải ở mức 6 – 7%/năm mới mong có thể cạnh tranh được với DN nước ngoài.
Ông Đỗ Hà Nam phát biểu “…Vừa qua, ngay sau khi nhóm DN thuộc Câu lạc bộ DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam thống nhất mua tạm trữ 432.000 tấn cà phê ngay từ đầu vụ, thì giá cà phê tăng được 4 ngày liên tiếp…” nghe mà sướng!
Mới có thống nhất, chưa mua tấn nào mà cà phê đã tăng liên tiếp 4 ngày, e rằng nếu mua được hàng thì cà phê không chừng tăng liên tục 40 hay 400 ngày? Nông dân chúng ta cứ vô tư mà chờ giá lên nhé!
Xin cám ơn ! xin cám ơn!… G20. xin cám ơn Vicofa.