Tâm điểm làm cho thị trường thế giới chao đảo tuần qua là vấn đề Hy Lạp . Ông Olli Rehn, Cao ủy phụ trách vấn đề kinh tế và chính sách tiền tệ tại Liên minh châu Âu, khẳng định lãnh đạo châu Âu sẽ không chấp nhận Hy Lạp vỡ nợ thiếu kiểm soát và không để Hy Lạp rời khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, khả năng nước này vỡ nợ, điều mà các chuyên gia kinh tế đang coi như hiển nhiên.
Tiếp nối đà tăng của tuần trước, giá cà phê robusta tại London có thêm 2 phiên đầu tuần tăng điểm. Kỳ hạn tháng 11 tăng tổng cộng 31 USD lên 2.140 USD/tấn. Nguyên nhân tăng được cho là sự điều chỉnh kỹ thuật và tác động tích cực từ thông tin 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam quyết định mua tạm trữ hơn 400.000 tấn cà phê.
Giá cà phê nhân xô tại Tây nguyên cũng tăng 500 đồng lên 46.500-46.600 đồng/kg.
Giá cà phê robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ có giá 2.240 USD/tấn. (FOB), với mức cộng duy trì ở 100 USD so với giá tháng 11 của London.
Theo nguồn tin từ Dow Jones, các nhà xuất khẩu Việt Nam đã chào bán được khoảng 40.000 tấn cà phê của vụ mới tuy chưa thu hoạch với mức trừ lùi khoảng 50 – 60 USD/tấn theo giá London tháng 1/2012.
Trọng tâm của tuần này là sự hoảng loạn của thế giới trước nguy cơ suy thoái kinh tế. Vàng không còn là nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu cơ nữa. Thế giới đang quay lại với đồng “bạc xanh” trong khi Fed vừa đưa ra chương trình hỗ trợ nền kinh tế bằng cách mua 400 tỷ USD trái phiếu dài hạn và bán lượng tiền tương đương trái phiếu ngắn hạn. Đồng thời Fed cũng công bố quan điểm bi quan về kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, Bộ trưởng tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương của 5 nền kinh tế mới nổi, bao gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRIC), kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tăng tốc độ hạn ngạch và cải cách việc quản lý để cứu vãn suy thoái kinh tế thế giới.
Từ giữa tuần, giá cà phê robusta tại London quay đầu sụt giảm liên tiếp đến cuối tuần. Chốt tuần, kỳ hạn tháng 11 giảm tổng cộng 189 USD xuống 1.951 USD/tấn, tức giảm 9,69 % và kỳ hạn tháng 1/2012 giảm tổng cộng 182 USD xuống 1.983 USD/tấn, tức giảm 9,18 %, mức giảm rất mạnh.
Giá cà phê nhân xô trong nước mất 3.000 đồng, lui về ở 43.500-43.600 đồng/kg.
Tại thị trường New York, giá cà phê arabica có thêm một tuần sụt giảm, tuy giữa tuần có phiên chững lại nhưng không ngăn được đà giảm. Kỳ hạn tháng 12 giảm thêm tổng cộng 28,95 cent, chiếm 12,51 %, về ở mức 231,45 cent/lb.
Tổng cộng đợt sụt giảm này, giá cà phê arabica mất tất cả 39,5 cent/lb, tức giảm 17,07 %, mức giảm rất sâu.
Cà phê robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ có giá 2.050 USD/tấn, (FOB), với mức cộng vẫn duy trì 100 USD theo giá tháng 11 của London.
Không chỉ riêng cà phê mà gần như tất cả hàng hóa trên các thị trường đều sụt giảm khi đồng USD mạnh lên. Đặc biệt, lực đối trọng là đồng Euro lại suy giảm hết sức bất ngờ khi khả năng vỡ nợ của Hy Lạp được bỏ ngỏ vì nhiều nền kinh tế lớn của Châu Âu không thể chấp nhận ra tay cứu giúp trong khi chính người Hy Lạp lại không chịu thắt lưng buộc bụng.
Sự lây lan của hiện tượng Hy Lạp làm cho kinh tế của khu vực Eurozone có thể rơi vào suy thoái vào đầu năm 2012. Có ý kiến cho rằng các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã liên tục sai lầm về chính sách, khiến tình hình châu Âu trở nên nguy hiểm hơn.
Nhiều thông tin từ bên ngoài cho rằng Việt Nam đang đối diện một vụ mùa bội thu với sản lượng cà phê robusta đạt mức kỷ lục ; trong khi người trồng cà phê tại Tây nguyên đang lên tiếng vì hiện tượng rụng trái non đã tràn lan do sâu bệnh và thời tiết mưa nhiều hiện nay có thể khiến quá trình làm cứng nhân bị chậm lại. Một số tiểu vùng đang thu hoạch cà phê arabica.
- Thống kê của Hải Quan cho biết, trong tháng 8 chỉ xuất 36.054 tấn cà phê các loại, đạt giá trị kim ngạch 83,34 triệu USD. Lũy kế 8 tháng xuất khẩu 954.041 tấn cà phê các loại, đem về tổng giá trị kim ngạch 2,1 tỷ USD.
Anh Văn (giacaphe.com)
Chưa có cà phê trong tay nhưng các nhà xuất khẩu cứ bán vo đến 40.000 tấn rồi, không khác gì đánh bạc. Đến ngày giao hàng, nếu giá cao thì ép giá nông dân mua để có mà giao, không ép được thì… xù! Nhưng đến khi đó già cà phê rẻ thì… trúng.
Thị trường kỳ hạn giống như con dao hai lưỡi, nếu vậy thì khác gì đánh bạc hả bà con?
Bác Trung Ngôn nói vậy là chưa chính xác rồi, bác chỉ nhìn vào cái trước mắt. Nó còn nhiều mánh khóe nữa bác àh…
Thế đấy bà con thấy không chưa đến mùa mà đã phao tin được mùa bội thu để bán khống lấy tiền xài đã , sau đó ép nông dân mua cà rẻ . Khi nào hết tiền giá cà lên lại đổ cho các doanh nghiệp nước ngoài mua bán không lành mạnh. Doanh nghiệp Việt Nam là vậy đó bà con a.
Các Bác không biết đấy thôi người ký hợp đồng giá 40 tr.đồng/tấn là đã cầm chắc trong tay một số chênh lệch rồi đấy vì tôi thấy ở địa phương của tôi các đại lý cà phê đã chốt cà non của bà con chỉ có 31 tr.đồng/tấn để lấy phân bỏ đợt cuối. Đại lý vừa được lời từ cà phê còn được lời từ bán phân.
Bà con ơi, lại điệp khúc “vào mùa rớt giá” thế này chỉ có nông dân mình là tiêu đời vì một cổ rất nhiều tròng…
Kết thúc phiên London tối nay bảng giá đã có màu xanh. Tuy chỉ tăng vài đô nhưng nhen nhúm chút hy vọng cho bà con rồi đấy!
Tôi thì hết hy vọng rồi, tôi còn mấy tấn muốn bán nhưng người ta không mua, còn những người mua là những người ép giá chỉ có 39.000 đồng. Tôi hiện đang ở Chư Á, Gia Lai.
Giá cà phê cứ như trò đùa. Hai hôm nay ko thấy yếu tố nào hỗ trợ rõ rệt mà giá London vẫn cứ tăng.
Các nhà đầu cơ sàn đang sắp đặt giá chăng?
Mánh khóe của các nhà thu mua chế biến cà phê là nhân cơ hội giá thế giới giảm trong phiên nào đó là liên kết với nhau giảm giá thu mua thật sâu (như mấy ngày qua giảm gần 3000 đ/kg cà chè quả tươi qui ra gần 20.0000đ /kg nhân) sau đó có lên giá mua lại thì lên nhỏ giọt vài trăm. Với cách này, nhà thu mua chắc ăn cho cả vụ còn người trồng cà phê coi như mất gần hết toàn bộ phần lợi nhuận. Đáng tiếc thay là các đơn vị thuộc Tổng Công ty cà phê cũng tiếp tay cho kiểu thu mua này!