Công ty cà phê Đak Đoa: Giao khoán kiểu bóc lột công nhân (Phần 2)

Bài 2: Không còn đường lùi…

Phương án giao khoán mới Ban giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa đề ra với nội dung chủ yếu tận thu lợi ích cho doanh nghiệp khiến hàng trăm công nhân lâm cảnh khó khăn nếu họ cam phận ký kết vào hợp đồng giao- nhận khoán. Và cũng vì mục đích tận thu cho doanh nghiệp, quyền lợi của người lao động ngang nhiên bị doanh nghiệp- tổ chức sử dụng lao động đùn đẩy sang cho chính… người lao động.

Công nhân lâu năm, càng nhiều kinh nghiệm sẽ… nợ càng nhiều

Đây là điều tất yếu khi công nhân Công ty cà phê Đak Đoa tham gia nhận khoán theo phương án mới của Ban Giám đốc doanh nghiệp này xây dựng. Không như phương án cũ, Ban Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa sau hơn 6 tháng xây dựng phương án giao khoán như đã nói ở trên là “vừa cứng, vừa mềm” đã sản sinh ra một hệ số rất mới, đó là hệ số công việc 2,07. Và cũng từ hệ số công việc này, quyền lợi của người lao động và các chính sách bảo hiểm, trách nhiệm của đơn vị, tổ chức sử dụng lao động được Ban Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa ngang nhiên đùn đẩy hay nói cách khác là san sẻ có chủ đích cho chính người lao động trong doanh nghiệp.

Công nhân Nguyễn Hữu Vững với hàng trăm kiến nghị phản đối…. Ảnh: Thanh Luận

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Vững, công nhân đội sản xuất số 2 bức xúc: Theo phương án giao khoán mới, những công nhân nhận khoán với Công ty cà phê Đak Đoa ngoài nhiệm vụ phải nộp đúng, nộp đủ sản lượng trên diện tích vườn cà phê nhận khoán (kể cả sản phẩm vượt khoán), hàng tháng người nhận khoán ngoài trách nhiệm đóng 9,5% bảo hiểm theo bậc lương còn phải nộp khoản chênh lệch giữa bậc lương đăng ký đóng bảo hiểm theo Luật Lao động với bậc lương công việc mà phương án khoán mới theo kiểu “vừa cứng, vừa mềm” do Công ty cà phê Đak Đoa xây dựng. Chẳng hạn một công nhân bậc 5, với hệ số bậc lương là 3,18 nếu ký hợp đồng giao- nhận khoán này họ sẽ phải đóng bù các chế độ bảo hiểm mỗi năm hơn 7,5 triệu đồng. Nhưng vẫn chưa hết khổ, nếu vụ sản xuất không thuận lợi hay do điều kiện công nhân túng thiếu và không đóng kịp các khoản chênh lệch này theo từng tháng, Ban Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa sẽ nộp thay và đến cuối năm thanh toán khoán, công nhân phải nộp đầy đủ các khoản bảo hiểm còn thiếu lẫn lãi suất theo ngân hàng. Công nhân đổ mồ hôi trên lô cà phê, vừa lao động theo kiểu không lương lại vừa mang nhiều khoản nợ như vậy đến vụ thu hoạch chúng tôi lại càng nợ nần chồng chất.

Công nhân càng gặp khó, doanh nghiệp càng nhiều khoản thu

Trên thực tế, với những lô cà phê đã hơn 15 năm kinh doanh, năng suất các vụ sau chắc chắn sẽ giảm, sản phẩm nộp khoán có khi còn chưa đủ huống hồ công nhân phải vừa làm việc, vừa tự trả lương cho mình, tự nộp tiền chênh lệch khi đóng bảo hiểm theo phương án giao khoán mới.

Theo chị Đỗ Thị Nhượng, đội sản xuất số 4: “Tôi làm công nhân ở đây được 5 năm rồi nhận khoán 8,9 sào, năng suất, chất lượng vườn cây thấp. Tôi đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo Công ty cà phê Đak Đoa cử cán bộ kiểm tra, đánh giá và có biện pháp giúp công nhân như giảm khoán, tăng đầu tư phân bón nhưng tất cả đều không được chấp nhận. Họ cho rằng do tôi không chăm sóc nên bắt tôi phải chịu tất cả rủi ro do sâu bệnh, thời tiết phát sinh… Công nhân làm đầu tắt, mặt tối cả năm đến khi thu hoạch lại bị Công ty và phê Đak Đoa trừ vào các khoản như hụt khoán, trừ lãi vay đầu tư… Gần 3 năm nay, gia đình tôi làm việc đủ sống là may mắn lắm rồi. Làm công nhân, đâu phải ai cũng có tiền đóng chênh lệch bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… nhưng nếu chúng tôi đóng muộn, công ty sẽ đóng giúp và bắt chúng tôi chịu lãi suất”.

Giọt nước mắt của công nhân Lê Thị Hương… Ảnh: Thanh Luận

Hơn 5 năm tham gia nhận khoán với Công ty cà phê Đak Đoa, gia đình chị Lê Thị Hương, công nhân đội sản xuất số 2 luôn sống trong túng thiếu, khó khăn thường trực. Gặp chúng tôi ngay tại lô cà phê cằn cỗi của mình, dưới cơn mưa nặng hạt, chị Hương bật khóc: “Tôi nhận khoán 8,9 sào của Công ty cà phê Đak Đoa từ năm 2007 đến nay, lô của tôi cà phê cằn cỗi lắm, năng suất thấp, sâu bệnh rất nhiều nhưng cũng đành chấp nhận vì mình đã ký kết rồi. Nhưng vụ sản xuất năm nay nếu chấp nhận phương án giao khoán mới, những công nhân nhận khoán như tôi chỉ có nước chết thôi! Chồng thì đang bệnh nằm bệnh viện, một tay nuôi 3 đứa con, cà phê lại sâu bệnh như thế này thì cuối năm chắc chắn không đủ sản lượng khoán, Công ty không những sẽ trừ hết lương khi thiếu khoán mà có khi còn lâm nợ nữa”…

Xem thường người lao động

Trong vai những công nhân tham dự Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2011 và triển khai thực hiện phương án khoán sản phẩm giai đoạn 2011-2015 tại Công ty cà phê Đak Đoa từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 8 năm 2011, nhóm PV chúng tôi chứng kiến hàng loạt bức xúc của hơn 300 công nhân tại 6 đội sản xuất của Công ty cà phê Đak Đoa, xung quanh việc không thể chấp nhận phương án giao khoán mới mà Công ty cà phê Đak Đoa đơn phương xây dựng trình Tổng Công ty phê duyệt. Trước hàng chục ý kiến bức xúc của công nhân trước phương án giao khoán mới, ông Lê Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa nhiều lần quát tháo, đập bàn ngay giữa hội nghị và lớn tiếng hăm doạ sẽ thu lô đối với những công nhân có ý kiến phản đối. Khi ông Lê Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa hăm doạ thu lô đồng nghĩa với việc những công nhân bị thu lô sẽ thất nghiệp, đi kèm với đói nghèo… Hiệu quả của lời hăm doạ này khiến các buổi tiếp thu ý kiến người lao động do Ban Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa tổ chức trở thành những buổi “đấu khẩu” không vì lợi ích của người lao động và doanh nghiệp như mục tiêu phương án giao nhận khoán đề ra.

Được biết, sau mỗi buổi trao đổi nội dung phương án giao khoán mới, dù không nhận được sự đồng thuận của hầu hết công nhân trong công ty nhưng tất cả các biên bản này đều được một số Đội trưởng đội sản xuất xác nhận tỷ lệ ủng hộ khống sai sự thật. Đơn cử như trong buổi họp vào sáng ngày 10-8-2011, đội sản xuất số 5 có 75/85 công nhân nhận khoán tham dự và hầu hết đều phản đối phương án giao khoán này nhưng chẳng biết vì đâu ông Nguyễn Đình Sơn, Đội trưởng đội sản xuất số 5 lại lập biên bản khống ghi 25 công nhân không đồng ý, còn tất cả đều đồng thuận? Những biên bản khống như thế này ngang nhiên được lập trước sự bất bình lẫn bất lực của hàng trăm công nhân tại các đội sản xuất số 1, 2, 3, 4 và 5. Riêng đội sản xuất số 6, biên bản không được lập.

Ngay sau buổi trao đổi về phương án giao khoán với đội sản xuất số 6, khoảng 16h30 phút nhóm PV chúng tôi đã gặp ông Lê Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa, Tổng Công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe) đăng ký làm việc xung quanh những bức xúc của hàng trăm công nhân doanh nghiệp này trước phương án giao khoán mới nhưng ông Ánh thẳng thừng từ chối- “Tôi không muốn làm việc với báo chí”.
Tuy nhiên, sau khi nhóm PV chúng tôi vừa ra khỏi cổng chính của doanh nghiệp này thì ông Dương Đình Kháng, Trưởng phòng Tổ chức- Hành chính và ông Hà Đắc Long, Bảo vệ Công ty cà phê Đak Đoa chặn đường lại và yêu cầu báo chí vào cơ quan để… làm việc. Khi nhận được lời từ chối của chúng tôi, ông Dương Đình Kháng lớn tiếng quát tháo: “Nhà báo gì cũng vứt. Tao gọi bảo vệ bắt nhốt hết!”. Tuy nhiên, khi các công nhân đội sản xuất số 6 tan cuộc họp, ông Kháng và ông Long, bảo vệ Công ty cà phê Đak Đoa mới lên xe máy bỏ đi kèm theo hàng loạt câu nói thiếu văn hoá và lời hăm doạ thu lô cà phê của công nhân.

Chị Phạm Thị Bảy, công nhân đội sản xuất số 2: “Chúng tôi làm việc tại công ty này từ bao năm qua, gia đình tôi luôn nộp đủ, nộp vượt sản lượng khoán nhưng chẳng hiểu từ đâu khoản nợ 22 tỷ từ Công ty cà phê Ia Sao lại phải bắt công nhân chúng tôi gánh chịu thay cho họ?”.

Vậy quyền lợi của hàng trăm công nhân đã gắn bó với hơn 320ha cà phê kinh doanh đang được Ban Giám đốc Công ty cà phê Đak Đoa để ở đâu?

Thanh Luận- Thanh Sơn

Theo: Gia Lai điện tử

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

    1. Nam còi

      Phận tá điền thì thời nào cũng chỉ biết cày cuốc nuôi … thiên hạ.
      Chia sẻ và đồng cảm chứ làm sao bây giờ ?

  1. Hoang tuyen

    Thật sự sống ở thế kỷ 21 rồi, nhưng vô số nơi nơi, vẫn bị bóc lột đến tận xương tủy của nhiều lĩnh vực, nạn quan liêu, con cha cháu ông, ô dù vẫn âm ỉ. Xã hội ko giải quyết được vấn nạn này, thì người dân mãi khổ, đất nước mãi nghèo!

  2. nguyen thanh khiet

    neu khong co cach giai quyet kip thoi thi ba con con kho nua vi nam nay gia ca phe co the thap hon nam truoc. Tuy nhien toi tin vao noi luc cua nhung con nguoi chiu kham chiu kho. Mong rang co ai du tham quyen dung ra benh vuc loi ich chinh dang cua nguoi lao dong 1 nang 2 suong de ho yen tam trong san xuat

    Vui lòng sử dụng tiếng Việt có đủ dấu! BQT

  3. Bảo Sơn

    Tôi thực sự bức xúc khi đọc bài viết này. Cơ quan chức năng cần thanh tra toàn diện, đặc biệt là tư cách của ban lãnh đạo công ty cà phê Đak Đoa. Tôi cũng là người ĐakĐoa-Gia Lai nhưng đã sinh sống ở thành phố HCM hơn 10 năm, tôi rất đồng cảm với bà con nông dân ở đây. Họ làm việc rất cực nhọc nhưng cuộc sống nghèo khổ, còn cán bộ nông trường ở địa phương này thì nhàn hạ và cuộc sống rất sung túc.

  4. công nhân công ty

    Tôi là công nhân công ty này, chúng tôi bức xúc mà không biết kêu ai. Bác nào biết thì chỉ cho công nhân chúng tôi với. Và theo các bác thì chúng em có nên ký không ?

  5. Nông Văn Dân

    Hầu hết bây giờ các Cty, nông trường, giám đốc là địa chủ kiểu mới, tìm mọi cách để vơ vét cho đầy túi tham. Mong nhà nước thay đổi cơ chế xóa bỏ được tầng lớp cai đầu dài này đi, dân mới bớt khổ nếu không người dân nhận khoán vườn cà phê cứ khổ dài dài thôi.

  6. chuotdong

    “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng – dân chủ – văn minh” đâu rồi mà để cho dân đen khổ như thế này sao đặng? Theo tôi, công nhân các đội sản xuất cử người đại diện làm đơn khiếu nại và trình bày những vấn đề thiếu dân chủ, thiếu đạo đức của những ông cai đến cấp có thẩm quyền theo trình tự luật pháp cho phép (công nhân ký vào, càng nhiều càng tốt) cuối cùng ko được thì cơm dùm cơm gói ra thẳng Thủ tướng chính phủ đề nghị can thiệp.
    Có lợi cho dân chả việc gì chính phủ ko ủng hộ. Đường lối của Đảng, nhà nước luôn đúng, chỉ những “đầy tớ” Đảng giao việc như lãnh đạo công ty Đăk Đoa thực hiện biến tướng thôi. Công nhân công ty ơi, ko nhất trí theo giao khoán mới thì tuyệt đối ko ký vào sổ khoán nhé. Tui ở công ty cà phê Chư Quynh – Đăk lăk nên những việc như thế này lạ gì, “bút sa gà chết” đó.
    Ở Chư Quynh có trường hợp công ty thu lô tương tự… chuyện dài lắm nhưng cuối cùng công nhân thắng kiện, công ty trả lại vườn cà cộng đền tiền 15 triệu trong mấy năm thu lô. Cuối cùng công ty phải làm chế độ hưu trí cho bà ta khi công ty thua kiện đấy.

  7. cà đắng

    Đã không ký thì phải đồng loạt tất cả ko ký. Cái gì cũng phải tập thể đồng lòng. Chứ có một vài người ký rồi thì những người non gan nhìn thấy họ ký cũng ký theo luôn. Rồi thì cán bộ tìm đến nhà nhưng người yếu thế, non gan hăm dọa hoặc phỉnh phờ lừa dối rằng ”họ ký nhiều rồi, bây ko ký thì cty thu lô…” Thế là số hộ này tưởng thật nên ký luôn, sau này mới biết bị lừa thì đã bút sa gà chết. Cái chiêu này ở các cty cà phê phần đa trên địa bàn Đăk lăk đấy nhé. Thế là nhiều người dính bẫy. Rồi thì trình độ công nhân có hạn, thấy họ ký mình cũng ký… rút cuộc còn lại một số người chưa ký cty lại bảo là quá bán rồi, thiểu số phục tùng đa số… Thế rồi ai ko ký trở thành ”gậy chống trời”… và dĩ nhiên họ bị cty ghét bỏ tìm cách gây áp lực khó khăn làm cho chủ lô chịu ko nỗi, cuối cùng cũng ký luôn. Thế là ”bản khoán thành công tốt đẹp” công nhân chết chìm cả nút. Đa số các Cty ở Đăk lăk là kiểu đó cả thôi, họ đã đi trước một bước rồi , công nhân Đăk Đoa đi sau tìm hiểu kỹ, rút kinh nghiệm nhé.

  8. nguyen viet hai

    Gia đình tôi cũng làm cà phê nên tôi cảm nhận rõ nỗi khổ của những công nhân ở công ty này. Người công nhân cà phê từ trước đến giờ làm lụng vất vả, quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” không một ngày ngơi nghỉ, không phải vì vài ba trăm ngàn tiền lương hàng tháng (ko đủ sống), không phải vì số cà phê vượt sản (giao khoán 11.300kg quả tươi/ha/năm thì đa số thiếu sản) mà cái họ mong muốn nhất là cố giữ lấy “cái chân công nhân” để tới khi về hưu (55 tuổi) họ còn có cái nuôi thân khi tuổi già, lúc đau yếu, đỡ đi gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Nhưng cái mong mỏi giản đơn ấy chẳng thể nào trở thành hiện thực nếu không được các cơ quan có thẩm quyền can thiệp kịp thời. Vì với cái cách giao khoán “vừa cứng vừa mềm” này thì người công nhân không được hỗ trợ tiền bảo hiểm hàng tháng (? họ lấy tiền đâu ra để tự đóng bảo hiểm cho mình). Mặt khác họ phải tự đầu tư mọi thứ (phân bón, thuốc trừ sâu, công sức cả năm trời…) lại còn gánh thêm khoản nợ trên trời rơi xuống lên đến 22 tỷ đồng, cuối năm còn cống nạp cho ông địa chủ mới 11.300kg quả tươi/ha. Không ký hợp đồng = thất nghiệp, ký hợp đồng = thắt cổ. Than ôi! người công nhân đã muôn phần khổ, nay còn tròng thêm cái khổ vì bị bóc lột nữa!.
    Chúc các bác nông dân thật nhiều sức khỏe, chí bền tâm vững, đoàn kết nhau lại đấu tranh đòi lại quyền lợi chính đáng của mình, góp phần xây dựng nước VN giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Chúc thành công, chúng tôi luôn ở bên các bạn.

  9. Nguyen ngoc Hien

    Tôi rất tiếc cho vị giám đốc này quá! người công nhân một nắng hai sương bán mặt cho đất bán lưng cho trời để làm ra sản phẩm nuôi sống gia đình mình và làm nghĩa vụ với doanh nghiệp. Nhưng vì quá quan liêu nên lãnh đạo công ty không thị sát từng lô một. Mức khoán không thỏa lòng công nhân, phản ứng công nhân cũng là chính đángvì quyền lợi của họ mà! Trong khi đó các Cty khác cùng hệ thống Tổng Công ty đều khoán sản phẩm cho công nhân của mình mà không có vấn đề gì.
    Giám đốc ơi ! đừng dấu dốt nữa, nên xem xét cách khoán của mình đi và học công ty cà phê Ia Sao đó để công nhân được nhờ. Làm lãnh đạo đôi lúc nên đưa mình vào vị trí chân bùn tay lấm như công nhân mới thấy nổi khổ của người lao động hết được, không biết bảng khoán của công ty hiệu lực mấy năm? Giám đốc có tính đến thời tiết hằng năm không? hạn hán, mưa nhiều do biến đổi khí hậu… bao nhiêu công nhân chịu hết, còn các ông làm gì?
    Còn 22 tỷ nợ của cấp trên đưa xuống cho công ty phân bổ cho hơn 300 công nhân? Là người lao động nên tôi cũng rất bức xúc vấn đề này. Tôi xin chia sẻ cùng các anh chị công nhân công ty nổi khó khăn của mình, mong các anh chị vượt qua vì quyền lợi hợp lý chính đáng. Xin trân trọng cám ơn !

  10. Dang Van Luan

    Cty này ăn trên mồ hôi nước mắt của nông dân, cho doanh nghiệp này tiêu vong cho rồi. Như thế này khác nào áp bức bóc lột công nhân của những thế kỳ trước. Kiểu hoạch định của cty này khác nào là bọn bất lương đâu. Nhà nước cần phải can thiệp ngay. Nhìn chị Lê Thị Hương khóc mà tôi thương quá.

  11. phận nghèo

    Ngày xưa người nông dân bị địa chủ bóc lột cùng cực phải lưu tán khắp nơi, tha hương để lập nghiệp, kiếm sống.
    Ngày nay công nhân nông trường bị bóc lột biết chạy đi đường nào? có còn nơi nào cho công nhân nghèo đến không? Kéo nhau lên núi thế này đã cùng đường chưa? ai biết xin chỉ dùm.

  12. Bốn Cà

    Vị Giám đốc này có phải là Đảng viên ĐCSVN không nhĩ, nếu là Đảng viên mà quát tháo nhân dân, không lắng nghe ý kiến của nhân dân, tước đọat quyền tự do dân chủ của nhân dân … là vi phạm tư cách Đảng viên không thể chấp nhận được.
    Để đêm lại sự công bằng và dân chủ cho bà con công nhân, tôi mách bà con nên đồng tình làm đơn gửi Tỉnh ủy, Ủy ban mặt trận tổ quốc VN tỉnh, Trưởng đòan đại biểu Quốc hội tỉnh Gia lai để tố giác sự việc. Việc này phải cử một số người đại diện không nên tổ chức tụ tập đông người sẽ gây khó khăn cho chính quyền địa phương.
    Theo nhận định của tôi việc này không đơn giản đâu nhà báo đã nhảy vào rồi thì công ty này có chuyện to rồi.

    1. Bù Na

      Bác này mỗi giá cà phê còn đi hỏi thì ý kiến ý củng gì nữa, sự thể không đơn giản như bác nghĩ đâu bác ơi.
      Chính quyền địa phương đâu ra ở trên đất của công ty hả bác!
      Làm sao mà công nhân biết nên hay không nên đây?

  13. Nguyễn Hoàng

    Chính quyền địa phương không bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân Đak Đoa đâu. Hôm nhà báo xuống thức cả đêm với công nhân còn bị hăm doạ, bảo vệ rượt theo chặn đường nữa chứ? Thất vọng lắm. Thất vọng cho cơ chế bóc lột kiểu mới này.

Tin đã đăng