Tái canh cây cà phê, cần sự tham gia của doanh nghiệp

tái canh cà phêPhát triển ồ ạt, chỉ chú trọng năng suất, thiếu quan tâm tới chất lượng, trong khi diện tích cà phê già cỗi ngày một tăng… là những thách thức đe dọa trực tiếp ngành cà phê. Hơn lúc nào hết, việc tái canh cà phê phải được chú trọng nhằm tạo sự phát triển bền vững. Về vấn đề này, TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông -lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết:

cà phê là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, nhất là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Sau nhiều năm khai thác, cây cà phê ngày một già cỗi, khiến năng suất và chất lượng quả giảm. Diện tích tái canh cà phê trên cả nước trong 10 năm tới sẽ là 137.000ha, chiếm 27,4% tổng diện tích cà phê, trong đó Tây Nguyên có tới trên 100.000ha cà phê già cỗi, năng suất thấp.

Năng suất đứng đầu thế giới trong khi giá đang ở mức cao, vì sao chúng ta lại đề cập tới vấn đề tái canh cà phê vào lúc này, thưa ông?

Đúng là năng suất cà phê của nước ta hiện được đánh giá là cao trên thế giới, tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt, không chú trọng tới chất lượng sẽ khiến giá trị của cây giảm hẳn.

Thực tế, nếu như năm 1980, cả nước chỉ có 22.500ha cà phê, năng suất 0,78 tấn/ha, sản lượng 8.400 tấn thì đến năm 1990, diện tích đã tăng lên 119.000ha, năng suất 1,4 tấn/ha, sản lượng 92.000 tấn. Hiện nay, cả nước có trên 525.000ha cà phê, trong đó 90% diện tích tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên với năng suất bình quân 1,8-2 tấn/ha, sản lượng 1 triệu tấn/năm. Quy hoạch của ngành cà phê đến năm 2020 ổn định ở mức 500.000ha, giảm 25.000ha so với hiện nay, áp dụng các biện pháp thâm canh để tăng năng suất.

Chặt bỏ cây cũ để trồng mới sẽ mất nhiều thời gian, điều này sẽ không thuyết phục được nông dân. Xin ông cho biết, làm thế nào để vừa có thể tái canh cà phê, vừa đảm bảo thu nhập cho nông dân?

Không phải cứ tái canh là phải nhổ bỏ hoàn toàn cây cũ. Nếu trồng bằng hạt thì tỷ lệ cây không cho thu hoạch sẽ lên tới 15-20%, còn nếu nhổ cây cũ trồng lại và chăm sóc thì chi phí rất lớn. Vì thế, thời gian qua, chúng tôi đã đưa ra giải pháp ghép chồi giống mới lên những gốc cây cà phê già cỗi. Nếu như cà phê trồng mới phải mất 3 năm mới cho thu hoạch thì áp dụng phương pháp ghép chồi, năm thứ hai đã cho năng suất hơn 1 tấn/ha và từ năm thứ ba trở đi đạt 2-3 tấn/ha. Hơn nữa, cây cà phê bình thường thu 15kg quả, cây cà phê xấu chỉ thu được 5 kg. Riêng với cây cà phê ghép chồi giống mới cho thu hoạch 20kg.

Với quy trình ghép chồi như ông nói liệu nông dân có thể thực hiện được không?

Thực tế là đã có một số mô hình tái canh thành công khi áp dụng triệt để quy trình khai hoang, thu gom rễ và luân canh từ 2 – 4 năm sau đó mới trồng lại. Những diện tích tái canh này, cây đều sinh trưởng, phát triển bình thường, cho năng suất bình quân 2,5-3 tấn nhân/ha.

Thời gian qua, Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên đã hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật trồng âm, khi trồng mới, phần cổ rễ của cây con được đặt thấp hơn mặt đất 10 – 15cm, bước vào mùa khô thì tiến hành đào bồn để hạn chế sự tổn thương của bộ rễ và cho phép sử dụng hiệu quả kỹ thuật tưới gốc.

Việt Nam cũng là nước duy nhất trên thế giới sử dụng phổ biến kỹ thuật tưới gốc cho cà phê. Cạnh mỗi gốc cà phê, bà con thường tạo một chiếc bồn diện tích 4m2, dự trữ được hơn 1.000 lít nước. Mỗi khi vào mùa mưa, nước mưa sẽ chảy và trữ ở trong các bồn này, nhờ vậy mà nước mưa không làm trôi đất, chống được xói mòn. Đồng thời trữ được nước tưới cho cây trong mùa khô.

Để thực hiện việc tái canh diện tích cà phê lớn như vậy, nếu một mình nông dân làm thì sẽ khó thành hiện thực, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đa phần cuộc sống của nông dân các tỉnh Tây Nguyên phụ thuộc vào cà phê, vì vậy để có thể tái canh được số diện tích lớn nói trên nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong ngành cà phê, ít nhất trong 2 năm đầu. Nếu không có sự hỗ trợ kinh phí, nhiều khả năng người dân sẽ chuyển sang trồng các loại cây khác như ngô, sắn.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cho phép Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai dự án nhân chồi cây cà phê, nhưng Nhà nước chỉ hỗ trợ 50% kinh phí. Viện mong muốn các doanh nghiệp lớn cùng tham gia đầu tư vườn nhân chồi cây cà phê, mỗi hecta cần đầu tư vốn 1 tỷ đồng, doanh nghiệp hoặc tư nhân tham gia sẽ được hỗ trợ 50%.

Mặc dù chúng tôi đã kêu gọi nhưng các doanh nghiệp và tư nhân đều không muốn làm, vì thời điểm này nhu cầu mua cây giống thấp, chồi sản xuất ra khó bán. Đến nay, chúng tôi mới liên kết nhân giống được 4,5ha ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng.

Ông có kiến nghị gì để việc tái canh cây cà phê đạt hiệu quả?

Hiện, giá cà phê đang khá cao (trên dưới 50.000 đồng/kg) nên năng suất cà phê dù thấp đến mức chỉ 1 tấn/ha thì nông dân vẫn có lãi. Vì vậy, bà con chưa muốn chặt bỏ cây già để tái canh.

Chúng tôi lo rằng, khi giá cà phê xuống dưới 20.000 đồng/kg, lúc đó nông dân ồ ạt chặt bỏ cây cà phê cũ để trồng mới, hoặc ghép chồi mới. Như vậy sẽ gây áp lực thiếu giống.

Các tỉnh Tây Nguyên cần quan tâm phát triển vườn nhân chồi giống để kịp thời phục vụ nông dân khi họ có nhu cầu. Một số diện tích cà phê già cỗi được trồng ở những địa điểm không thuận lợi cần được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế hơn như cao su, ca cao, mắc – ca…

Xin cảm ơn ông!

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Thuận Hòa

    Bài viết rất đáng chú ý- cảm ơn ban biên tập đã có công sưu tầm trích đăng một bài viết đáng được quan tâm trong thời điểm hiện tại. Cafe nhà mình gần đây sản lượng luôn cho năng suất thấp so với mọi năm đầu thời gian kinh doanh, trong khi mức đầu tư vẫn giữ nguyên và có tăng thêm nữa. Có lẽ do sự thay đổi thời tiết, già cỗi giống, dịch bệnh hoành hành… cho nên ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng. Có lẽ phương pháp trồng mới, ghép chồi sẽ được nhiều người áp dụng tùy thuộc khả năng và diện tích của mình thôi.

  2. Cafe Vối

    Bài báo này viết sai nhiều quá, có lẽ do tác giả không có kiến thức về cây cà phê nên ghi chép không cẩn thận.
    Y5 kiểm tra lại kỹ đi, hình như có bài báo nội dung tương tự bài này rồi!

  3. chuotdong

    Xào nấu lại để ta ngẫm nghĩ thêm có sao đâu, cơ bản mình nên làm gì trong tình thế nước sôi lửa bỏng này. Tui ko tái canh cà phê mà dặm thêm chắn gió làm nọc tiêu vào tất cả giáp ranh giữa 4 cây cà nếu như điểm trên còn ánh nắng. tuy tham lam một chút nhưng có lẽ ăn chắc mặc bền vì mô hình này tui bội thu hai loại của 4 sào cà phê – tiêu vụ vừa rồi.
    Hôm nay tui đã bám trụ tại rẫy Gia Lai. Bạn nào có điều kiện xin mời ghé thăm.
    Tiêu của chuot năm nay ít quả lắm nhưng bù lại cà phê rất được, bón 12 tấn phân vi sinh loại tốt vừa xong, chỉ chờ ngày thu hoạch.
    Tùy thực tế của nhà hãy vận dụng tối đa những gì bạn có thể.

    1. Chính trung GL

      Cái gì mà nước sôi lửa bỏng vậy? Chả lẽ sắp động đất hay núi lửa phun trào? Hồi này nhiều phản hồi sốc quá, khó hiểu thật!

  4. Tiêu cay@

    Bác Chuotdong nói chí phải, tôi cũng sẽ làm như bác.
    Bài báo đã đăng rồi, bà con đã góp ý rồi sao hâm lại?
    Bộ NN cho phép, Viện cứ nhân chồi (chạy được dự án đâu có dễ). Bà con nhà vườn chúng tôi mua hay không là quyền của bà con. Bộ cho 500 triệu, DN bận đi buôn, dân chưa muốn làm, Viện lo nốt 500 triệu = 1tỷ/ha nhân chồi, nay mai không bán được, chồi già coi như dự án phá sản. Bộ chịu.
    Rõ khổ cứ ăn ốc nói mò, từ nay trở đi làm gì cà phê có giá 20.000 đ/kg!

  5. Nghenhin

    Việc xào nấu là của các nhà báo không chịu đầu tư chiều sâu chỉ chuyên ngồi một chỗ tìm tòi các bài viết hay tri thức của người khác để kiếm sống…. Cái này chúng ta khó chấp nhận nhưng cũng nên nhìn nhận cái tốt của bài viết này tuy BQT Y5Cafe thừa hiểu đó là sự xào chẻ nhưng vẫn đăng để cho mọi người nhìn nhận xem xét lại phương thức canh tác xưa nay của mình để có một sự chuyển đổi hợp lý hơn. Tôi chấp nhận bài trích đăng này về mặt tích cực hơn là sự chê bai tác giả. Thân

  6. hoàng long

    Riêng tái canh thì phải chờ 2-4 năm mới trồng lại cà phê được, còn nếu nóng ruột trồng ngay thì cà phê phát triển rật chậm và tỷ lệ cây chết rất nhiều, do khi nhổ bỏ cây cũ có chất nhựa ở dễ chảy ra làm đất chua và nhiều tuyến trùng khác nên cà phê con khó phát triển. Còn trong thời gian đó trồng các loại cây trồng khác như bắp đậu thì không có lời, vì phân bón và nhân công cao, đó là yếu tố mà gần như người nông dân khó vượt qua được trong thời gian gần chục năm trời lấy tiền đâu chi cho cuộc sống, còn nếu để cà phê già cỗi thì năng suất kém làm không có lời. Cưa ghép thì tỷ lệ sống thấp và tốn rất nhiều công và cững phải chờ 3 năm mới cho thu hoạch, đúng là bài toán chưa có lời giải, chọn giải pháp cải tạo dần dần thì chỉ phù hợp với những hộ có nhiều đất đai còn đại bộ phận ít đất thì vẫn chưa có giải pháp nào khả thi hơn. Mong mọi người có cao kiến đóng góp ý kiến hay để bà con nghèo bắt trước làm theo để xoá đói giảm nghèo ha ha ha.

  7. hoang phuc

    Thế kỷ 21 là thế kỷ cuả KHCN, nông nghiệp trên thế giới dang phát triển theo hướng sinh học, hạn chế dùng thuốc hóa học. Theo quy luật tự nhiên mỗi loài đều có những đối tượng áp chế vì vậy những bệnh nấm rễ, xử lý a xít trong đất để tái canh cafe có thể làm được mà không cần chờ quá lâu. Mình cộng tác với một số nhà KH đang thử nghiệp và tin chắc chỉ cần 3 tháng là có thể trồng tái canh cafe. Phương pháp ghép thay tán cafe 2 năm sau là có thể đạt sản lượng cao nhưng chỉ kéo dài 5-7 năm vì bản chất cây gốc ghép đẫ đến tuổi nghỉ hưu rồi.

  8. nông văn dền

    Cây cà phê già cỗi như con người sống nhiều năm. Người già được con cháu chăm sóc tốt sẽ khỏe như thanh niên . Cây cà phê già không cần nhổ để trồng lại mà dùng phương pháp ghép chồi thì có thể cho năng suất cao hơn. Đây là phương pháp trường sinh bất lão, càng già càng dẻo càng dai. Hay thật !

  9. chuotdong

    Chính Trung ơi, mình nói nước sôi lửa bỏng ở đây chẳng có gì to tát vì đa phần dân ta muốn thay đổi cơ cấu cây trồng khi vườn cà già nua chẳng khác gì như đứng giữa ngã ba đường ko biết chính xác mình đi hướng nào là đúng.”Chặt trồng – Trồng chặt” ko chỉ nói nhiều trên diễn đàn mà chắc mỗi thành viên của nhiều gia đình cũng bàn cãi rất nhiều, gia đình chuot ko ngoại lệ.
    Lên diễn đàn có bạn cho mình hay “nổ” nhưng mình rất vui về vấn đề này, về vấn đề mình hay khoe.
    Năm nay, tính đến giờ phút này mình đã trồng xen 4000 cây chắn gió vào cà phê mà chẳng phải chặt hay thanh lý cây cà phê nào. Việc này ông xã mình phản đối kịch liệt, thú thật chuot rất đau đầu và quyết định nghỉ hưu trước tuổi để thực hiện bằng được kế hoạch đề ra quả là ko dễ.
    Cây chắn gió sau này làm nọc tiêu chuot trồng 4 loại nhưng chủ yếu cây sầu đâu nhổ từ bắc vào. Sầu đâu là cây rất thích hợp cho trầu không leo nên có lẽ phù hợp với cây tiêu. Vấn đề này chuot đoán đúng, năm ngoái chuot trồng thử nghiệm mấy chục cây năm nay cây lớn đã bắc thang trèo được, tiêu con bám nọc rất tốt. Nhưng vấn đề chuot cho quan trọng nhất ở đây là trồng xen sầu đâu có lễ cây cà phê cũng như tiêu hạn chế tối đa các loại rệp vì mùi hăng từ loại cây này khó con vật nào thích nghi các bạn ạ. Sinh ra từ làng tui rất rõ bà con nông dân vận dụng lá sầu đâu để bảo quản khoai , sắn tươi… chống thối, hà, sùng, rất tốt.
    Trồng xen canh nhà ít hay nhiều diện tích đều được, đây là cách tốt nhất chứ cà phê đang được giá chưa nên tái canh làm gì, cây cà phê đa phần bị bệnh đói rồi chết đó thôi. Năm ngoái ông xã nhà chuot bỏ đói 2 ha để thay thế hồ tiêu nhưng mình thấy quyết định đó chưa hợp lý nên ko chỉ nước sôi mà đầu cũng bị sôi lên. Nói các bạn đừng cười chứ khi đầu sôi ông xã chuot noi rằng ông sinh ra ko phải làm cu li cho vợ, cái gì cũng muốn hơn người thì xuống rẫy mà làm cu li… Thế đó, non phân vài lần mùa tưới vực dậy muốn đứt hơi. Nhìn vườn cà như bị bom na-pan mới rớt, cây trơ trụi chẳng có cái lá nào nhưng cho ăn thoải mái vào thì nay lại” đời vẫn đẹp sao”.
    VIệc nhà chuot vậy đó, năm nay mưa nhiều nên trồng cây chắn gió cũng như thả tiêu vẫn chưa muộn đâu các bạn, chuot điện về bắc nhổ thêm 1000 cây sầu đâu tiếp rồi, 18 âl tháng này mới trồng đợt cuối, trồng chắn gió đến đâu thả tiêu vào đến đó. Có điện rồi, cần nước lúc nào chả được.
    Tuần sau chuot chôn hệ thống ống tưới bằng bét để chủ động cho mùa sau luôn.

  10. Phuong Nguyen

    Cho mình nhảu chuyện một chút, mình thấy bên lúa gạo có triển khai “cánh đồng mẫu lớn” http://tuoitre.vn/Kinh-te/431904/Lam-an-kieu-moi-Nong-dan-lai-lon.html.

    – cung ứng lúa giống xác nhận (một đến hai loại);
    – cung ứng phân bón, thuốc BVTV (từ doanh nghiệp đến thẳng người nông dân, không qua trung gian); và
    – hợp tác với doanh nghiệp thu mua lúa hoặc doanh nghiệp đứng ra tổ chức khép kín các khâu, từ cung ứng đầu vào đến bao tiêu đầu ra cho nông dân (Cty CP BVTV An Giang).

    Không biết ở bên cà phê ta có hình thức giống như vậy chưa? Nếu mà có, xin bà con cho mình xin vài cái ví dụ, còn nếu mà chưa, bây giờ mà có DN nào đứng ra làm vậy, bà con có chịu tham gia hông?

Tin đã đăng