Tổng hợp thị trường cà phê tuần từ 15 – 20/8/2011

Giá cà phê thế giới đã hoàn tất chuỗi tăng trưởng liên tục 7 phiên liên tiếp để trở lại mức cao của năm nay bởi nổi lo nguồn cung thực sự khan hiếm và kinh tế bất an.

Vào đầu tuần, giá cà phê robusta tại thị trường London tăng trưởng tiếp thêm 3 phiên. Kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 102 USD, chiếm 4,54 %, lên ở 2.350 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 100 USD, chiếm 4,39 %, lên ở 2.380 USD/tấn. Nâng chuỗi tăng của kỳ hạn tháng 9 lên tổng cộng 300 USD, tức tăng 14,63 % và chuỗi tăng của kỳ hạn tháng 11 lên tổng cộng 296 USD, tức tăng 14,23 %.

Giá cà phê nhân xô trong nước ở Tây nguyên cũng tăng theo, tổng cộng tăng 1.800 đồng/kg, lên đứng ở mức 50.200-50.300 đồng/kg.

Mức tăng làm cho người trồng cà phê và những ai còn tích trữ cà phê cũng phấn khởi vì đã chờ đợi khá lâu, nhưng thị trường vẫn chưa thấy có lượng hàng nào đáng kể được tung ra.

Giá cà phê robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ có giá 2.450 USD/tấn, (FOB), mức cộng 100 USD so với giá kỳ hạn tháng 9 của London.

Nhiều thông tin cho biết, các nước sản xuất cà phê chủ chốt có khả năng mất mùa trong vụ tới do ảnh hưởng thời tiết xấu và bị sâu bệnh phá hoại làm dấy lên lại nổi lo về nguồn cung.

Chi phối tất cả là nổi lo về nền kinh tế thế giới bước vào thời kỳ khủng hoảng, suy thoái, bắt đầu từ nợ công của các nước có nền kinh tế lớn. Tất cả các thị trường từ kim loại quý, dầu mỏ, nông sản… cho đến chứng khoáng, bất động sản đã có nhiều phiên giao dịch xoay chuyển, đảo điên ngoài sự mong đợi.

Chất lượng cuộc sống của con người và xã hội ngày càng giảm sút, lắm nổi bất an bởi thiên tai, đói kém, chính trị bất ổn, đồng tiền càng mất giá và lạm phát gia tăng.

Cuối tuần, giá cà phê robusta có 2 phiên sụt giảm, trong đó có phiên giảm rất mạnh. Kỳ hạn tháng 9 xuống 2.270 USD/tấn và kỳ hạn tháng 11 xuống 2.300 USD/tấn, tổng cộng giảm 80 USD cho mỗi kỳ hạn. Nguyên nhân sụt giảm được cho là hoạt động chốt lời tất yếu của giới đầu cơ trên sàn và mang yếu tố kỹ thuật cần thiết sau chuỗi liên tục gia tăng.

Giá cà phê trong nước quay đầu giảm theo 1.100 đồng/kg xuống còn 49.100-49.200 đồng/kg nhân xô.

Cà phê robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, ( FOB ), với mức cộng chỉ còn 60-100 USD/tấn so với giá kỳ hạn tháng 9 của London.

Trong khi đó, giá cà phê arabica tại thị trường New York có chuỗi tăng liên tục kéo dài suốt tuần. Chốt tuần, kỳ hạn giao tháng 9 tăng tổng cộng 25,8 cent, tức chiếm 10,73%, lên lại mức 266,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng tổng cộng 26 cent, tức chiếm 10,66%, lên lại mức 269,85 cent/lb, mức tăng tổng cộng vẫn thấp hơn giá cà phê robusta tại thị trường London. Chênh lệch giá giữa 2 loại cà phê arabica và robusta vẫn còn hơn 2,58 lần, một khoảng cách khá xa.

Theo ông Wang Tao, chuyên gia phân tích thị trường của hãng tin Reuters, giá cà phê sẽ sớm hồi phục ở mức cao. Phân tích của hãng Sucdent Financial cũng cho thấy, cả hai thị trường sẽ điều chỉnh vài phiên sau đó bật tăng trở lại.

Mặc cho Cơ quan Nông nghiệp Nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (FAS/USDA) vừa dự báo thế giới sẽ có thêm một niên vụ cà phê nữa cung vượt cầu. Nổi lo về sản lượng sụt giảm trông thấy của các nước sản xuất cà phê chính trên thế giới đang bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, sâu bệnh phá hoại cây trồng là điều rõ ràng và một khi vụ mùa chưa đến, sản phẩm chưa thu hoạch thì nổi lo vẫn còn không chỉ riêng của nông dân các nước trồng cà phê.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tư Thái - Krông Buk

    Đồng ý với tác giả. Dự báo là một chuyện, chỉ để tham khảo thôi.
    Khi nào cà phê thu hái xong chạy về kho nhà nông mới kết luận là được mùa hay mất mùa.
    Năm nay hiện tượng rụng quả non, trái xanh quá nhiều.

  2. Giang Sơn

    OK Tư Thái – Krông Buk.
    Theo tôi, cung cầu cafe trên thế giới hiện nay chỉ là vỏ đoán. USDA có ý làm giảm giá cafe thế giới nên mới đưa ra nhận định như vậy. Đây là biện pháp để chống suy giảm kinh tế cho chính nước Mỹ mà thôi.
    Tôi ở VN, nước sản xuất cafe lớn thứ 2 thế giới xin khẳng định dự đoán trong nông nghiệp phải sai số ít nhất là 15%. Ai có thể thống kê lượng tiêu thụ cafe trong một nước chính xác? Chỉ mấy anh em trong xã ngồi với nhau là cũng đủ để tranh cãi số diện tích và sản lượng cafe của xã mình là bao nhiêu mà đã không thống nhất được. Hay chính sản lượng của nhà thôi, dự kiến hàng năm so với số thực thu năm nào cũng chênh lệch từ 1,5- 3 tạ/ha thì thử hỏi sai số của cả nước là bao nhiêu?
    Nên ý kiến họ đưa ra, suy cho cùng cũng… để tham khảo!
    Nhân tiện xin được hỏi bà con, ai biết tổng diện tích cafe VN là bao nhiêu? và đó là con số thống kê của năm nào? Xin cám ơn.

  3. Chính trung GL

    Bác Anh Văn nói có lý : một khi vụ mùa chưa đến, sản phẩm chưa thu hoạch thì nổi lo vẫn còn không chỉ riêng của nông dân các nước trồng cà phê. Nên mới có câu : xanh nhà hơn già đồng.
    Nhà nông thì biết vậy thôi, ai giúp nhà nông với?

Tin đã đăng