Việc sản xuất cà phê ở Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều khó khăn như sự biến động của giá cả, vật tư, nhiên liệu tăng cao, sâu bệnh hại và đặc biệt nghiêm trọng nhất vẫn là vấn đề nước tưới vào mùa khô hạn.
Do đặc điểm sinh học của cây cà phê, phần lớn lượng rễ tập trung chủ yếu ở tầng đất mặt, chỉ sâu vào lòng đất từ 0 đến 30 cm, độ trùm của rễ biến động từ 0 đến 50 cm, nên có nhu cầu nước cao, chi phí tưới nước cho cà phê khá tốn kém, chiếm từ 25 đến 30% tổng chi phí.
Hàng năm, ở khu vực Tây Nguyên, cứ đến mùa khô là các hệ thống dự trữ nước của các địa phương đều khô cạn, mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt.
Mặc dù biện pháp tưới nước có tính quyết định đến năng suất, nhưng hầu hết bà con nông dân các dân tộc trồng cà phê ở khu vực Tây Nguyên chỉ tưới nước theo kinh nghiệm, với hai hình thức tưới: tưới phun mưa hoặc tưới gốc đều sử dụng một lượng nước tưới rất cao, vượt từ 300 đến 400 lít nước cho một gốc/lần tưới so với yêu cầu của cây cà phê. Điều này, không những gây lãng phí nước, nguồn tài nguyên quý của Tây Nguyên mà còn làm suy giảm độ phì nhiêu của đất do nhiều chất dinh dưỡng trong đất bị mang đi theo cùng với lượng nước dư thừa thấm xuống các tầng đất sâu hơn phạm vi hoạt động bộ rễ của cây cà phê.
Viện Khoa học kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên khuyến nghị đến các công ty, nông trường và nông dân các dân tộc trồng cà phê ở khu vực Tây Nguyên về tiến bộ kỹ thuật tưới nước và lượng nước hợp lý cho cây cà phê vối để mang lại hiệu quả kinh tế cao: Là xác định đúng thời điểm tưới nước lần đầu của vụ tưới (tưới đầu vụ) là rất quan trọng, tưới quá muộn (bắt đầu quá giới hạn chịu ẩm cho phép 25 đến 26%) làm cho cây cà phê khó phục hồi trạng thái khô héo để phát triển bình thường, thậm chí không phục hồi được.
Các nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên hợp tác với trường Đại học Leuven (Bỉ) cho thấy, có thể tưới nước tiết kiệm hơn mà vẫn bảo đảm năng suất, thậm chí còn đạt cao hơn. Ngay tại một số mô hình tưới nước trên diện tích cà phê trồng mới, với các dòng vô tính chọn lọc, năm đầu trồng mới chỉ cần tưới với lượng nước 120 lít/gốc/lần tưới, chu kỳ 20 đến 22 ngày và hai năm tiếp theo cũng chỉ cần tưới với lượng 240 lít/gốc/lần, chu kỳ 20 đến 22 ngày là đủ để cây phát triển bình thường trong mùa khô hạn.
Khi diện tích cà phê đã đưa vào kinh doanh ổn định, sau thu hoạch triển khai tưới với lượng nước cần tưới là 500 đến 600 lít/gốc/lần tưới, chu kỳ tưới 25 đến 30 ngày vẫn giúp cho cây cà phê phát triển tốt, đạt năng suất vụ sau từ 3 tấn đến 4 tấn cà phê nhân/ha trở lên (mỗi mùa khô, nhu cầu tưới nước cho cây cà phê 3 lần). Các mô hình tưới nước theo kỹ thuật mới này đã và đang áp dụng rộng rãi ở một số địa phương trọng điểm trồng cà phê vối của tỉnh Đắc Lắc.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đang mùa khô, mùa tưới cho cây cà phê, người trồng cà phê nên áp dụng phương pháp tưới trên nhằm vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước, vừa đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.
Y5Cafe tổng hợp
Áp dụng chu kỳ tưới nào còn phụ thuộc vào thời tiết, chất đất của từng vùng nữa.Mô hình tưới này còn chung chung, bạn phải nghiên cứu kỹ mới áp dụng cho mình được. Như thời tiết hiện nay thì không thể kéo dài đến 30 ngày cho cà kinh doanh được. Mà không biết cho đến thời điểm này các nhà nghiên cứu đã tưới đủ 3 đợt chưa?Chỉ cho người nông dân nghèo tôi cụ thể hơn được ko?
Ý kiến của nông dân nghèo tôi lâu quá không thấy có phản hồi. Theo tôi hiểu là đa số không đồng tình với chu kỳ của Viện đưa ra vì còn mâu thuẩn và không rõ ràng. Ví dụ cafe kinh doanh chỉ tưới 3 lần theo chu kỳ 25-30 ngày/lần là khoảng cách khá xa, làm cho cây héo, thậm chí một số bông đã thụ phấn bị khô héo, giảm năng suất nghiêm trọng. Với những năm khô hạn như năm nay, số lần tưới không thể là 3 lần mà khoảng cách càng không thể kéo dài đến 30 ngày nữa. Tôi nhớ hình như đây là qui trình áp dụng cho cây cafe thời bao cấp của LH các XN cafe VN cũ, đã dẫn đến việc tháo khoán vườn cafe cho người nông dân. Và sự thay đổi qui trình tưới của chính họ đã góp phần quan trọng đưa năng suất cây cafe tăng lên gấp 5-7 lần như hiện nay. Trong thực tế việc kéo dài khoảng cách giữa các lần tưới là không khả thi, mặc dù nông dân chỉ làm theo kinh nghiệm thấy héo là tưới.
Nhìn tấm hình của chú Thịnh post lên mà thấy chán, thấy tức cười quá chú Thịnh ơi.
Là cây công nghiệp mà trái thì xanh, trái thì chín, trái thì non v.v…Tui nhớ có tấm hình chú post lên có cả hoa đang nở nữa chứ. Theo tôi loại cây như thế này chỉ có nước cưa quách rồi ghép mới hoặc trồng lại thôi. Nó không tiêu biểu cho cái gì hết. À mà tui hay gọi nó là cà phê “tứ quý” vì quý nào nó cũng có hoa, có trái. cũng chín, cũng xanh.
Hay ta mệnh danh cho nó là giống cà phê “Giòng đời vẫn chảy” vậy nhé. Nó có đủ “nam, phụ, lão,ấu” như giòng đời vậy!!
Xin chào tất cả mọi người!
Mình là người lần đầu tiên vào đọc trang này nên cũng thấy có nhiều điều bổ ích, nhưng thấy ý kiến của chú “nông dân nghèo” sao lâu quá không thấy ai phản hồi, trong khi trong các vấn đề khác không liên quan đến việc chăm sóc cây cà phê thì mọi người lại xôm tụ lắm. Vấn đề tưới tiêu mà được mổ xẻ thì có lợi cho bà con nông dân biết bao nhiêu, vì nhà mình cũng làm ca phê nên hiểu tâm trạng của chú “nông dân nghèo”. Mong mọi người góp ý cho vấn đề được sáng tỏ.
Tôi ở bên Đăk nông . Nhà tôi mới tưới xong đợt 2 mà tôi thấy cà phê vẫn còn xanh lắm . Năm nay cà phê nhà tôi ra hoa linh tinh lắm , không biết đến mùa cà phê có rủ nhau chín không . Nó mà chín lôm côm thì chết giở , phải hái đi hái lại mấy lần thì tiêu .