Cà phê Đắk Nông nguy cơ mất mùa do rụng quả hàng loạt

Từ đầu tháng 7 đến nay, tại các huyện trọng điểm cà phê của tỉnh Đắk Nông như Đak Mil, Đak Song, Đak R’lấp, Krông Nô… xuất hiện tình trạng bất thường, vườn cà phê đang xanh tốt nhưng quả rụng hàng loạt.

Xem thêm:

cham-soc-ca-phe
Gia đình ông Trần Văn Bình, ở xã Đak Sak,
huyện Đak Mil thuê phun thuốc phòng trừ rệp sáp tấn công vườn cà-phê.

Trong đó, huyện Đak Mil bị thiệt hại nặng nhất, nhiều diện tích cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh ở xã Đức Minh, Đức Mạnh, Đak Sak, Thuận An tỷ lệ quả rụng từ 35-40% mà chưa rõ nguyên nhân, khiến hàng nghìn hộ trồng cà phê mất ăn mất ngủ vì nguy cơ mất mùa đang hiện rõ.

Những ngày qua, nhiều người dân sốt ruột chạy đôn chạy đáo mua các loại thuốc bảo vệ thực vật về phun phòng trừ rệp sáp và các loại sâu bệnh hại vườn cà phê, nhưng tỷ lệ quả rụng giảm không đáng kể. Trong khi đó, hiện nay quả cà phê đã lớn, chỉ còn gần ba tháng nữa là người nông dân bước vào thu hoạch cà- phê niên vụ 2011-2012.

Gia đình ông Nguyễn Bảo Hải, ở xã Đức Minh, trồng được 2,5 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Trong niên vụ vừa qua do gặp hạn hán nên vườn cà phê của gia đình ông mất mùa, trong niên vụ năm nay vườn cà phê của ông rất sai quả, ông Hải dự tính năng suất có thể đạt 5 tấn cà phê nhân/ha. Tuy nhiên, trong hai tuần gần đây ra thăm rẫy ông hốt hoảng khi phát hiện vườn cà phê của mình bị rụng quả hàng loạt, trong đó nhiều cây tỷ lệ quả rụng đến 40%. Ông Hải cho biết: “Những năm trước đây, vào khoảng thời gian này vườn cà phê có rụng quả, nhưng tỷ lệ rụng rất ít, còn năm nay không biết nguyên nhân gì mà tỷ lệ quả rụng quá nhiều. Trong những ngày qua, tôi đã mua nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật về phun, nhất là thuốc đặc trị rệp sáp, hiện nay tỷ lệ quả rụng có giảm nhưng không đáng kể, gia đình rất lo lắng”.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Công Quảng ở xã Đức Mạnh trồng được 3 ha cà phê, hơn 10 ngày nay, vườn cà phê của ông xuất hiện tình trạng quả chuyển màu vàng rồi rụng hàng loạt, nhiều cây tỷ lệ quả rụng đến 35-40%. Ông Quảng lo lắng nói: “Khi phát hiện ra sự bất thường này, tôi hoảng quá đi mua thuốc bảo vệ thực vật về phun nhưng chẳng thấm tháp gì, cứ sau mỗi cơn mưa là quả rụng xanh đất, mỗi lần ra thăm rẫy thấy mà nóng ruột, bởi chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa thôi đã bước vào vụ thu hoạch rồi. Mong các nhà khoa học, các kỹ sư nông nghiệp giúp bà con nông dân chúng tôi sớm tìm ra nguyên nhân để khắc phục, chứ tình trạng này kéo dài người nông dân chúng tôi bị thiệt hại nặng nề”.

Không chỉ gia đình ông Hải, ông Quảng mà nhiều hộ trồng cà phê ở huyện Đak Mil cũng lâm vào tình cảnh tương tự, hàng ngày họ chạy đôn chạy đáo mua các loại thuốc bảo vệ thực vật về phun phòng trừ sâu bệnh, rệp sáp, nhưng tỷ lệ quả rụng giảm không đáng kể. Ông Trần Văn Bình, ở xã Đak Sak, huyện Đak Mil thuê năm nhân công đi phun thuốc trừ rệp sáp trên diện tích 4 ha cà phê của gia đình vừa về đến nhà, gặp chúng tôi ông than thở: “Chưa năm nào việc sản xuất cà phê lại khốn đốn như năm nay. Đầu vụ bị nắng hạn làm kiệt nguồn nước tưới khiến cà phê sinh trưởng kém, đến giai đoạn nuôi quả thì gặp mưa liên tục làm cho cây bị bệnh rụng quả. Thêm vào đó, giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường đều tăng cao, người nông dân chúng tôi cũng không đủ tiềm lực đầu tư nhiều. Với những bất lợi này, vụ thu hoạch sắp tới có thể ảnh hưởng nhiều đến năng suất và sản lượng cà phê”.

Theo Hội Nông dân huyện Đak Mil, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể là do trong thời gian qua, giá các loại phân bón trên thị trường tăng cao, nên người dân chỉ bón phân cầm chừng dẫn đến vườn cây không đủ chất dinh dưỡng gây rụng trái. Bên cạnh đó, tình trạng rệp sáp tấn công các vườn cà phê trên địa bàn thời gian gần đây cũng là nguyên nhân làm cho quả cà phê rụng hàng loạt. Đặc biệt là trong mùa mưa năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp, lượng mưa nhiều hơn các năm trước đây, khiến cây thiếu ánh sáng, độ ẩm cao cũng có thể làm cho quả cà phê bị thối cuống rồi rụng…

Huyện Đak Mil là địa phương có diện tích cà phê và năng suất đạt cao nhất tỉnh Đắk Nông hiện nay, với hơn 18.000 ha cà phê, năng suất bình quân đạt từ 2,3-2,8 tấn/ha, nhiều gia đình đầu tư và chăm sóc tốt năng suất đạt đến 4-5 tấn cà phê nhân/ha.

Trước tình trạng cà phê rụng quả hàng loạt xảy ra trên diện rộng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật các huyện phối hợp với hội nông dân ở địa phương tiến hành tìm nguyên nhân gây bệnh để có giải pháp phòng trừ hiệu quả. Trước mắt, tập trung vận động người dân tích cực tỉa cành, vặt chồi… tạo ánh sáng cho cây cà phê và tăng cường bón các loại phân hoá học để cây đủ chất nuôi quả; phun thuốc phòng trừ bệnh nấm hồng, rệp sáp tấn công vườn cà phê để hạn chế tình trạng rụng quả.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Đinh tân lâm

    Ở Lâm Đồng cà phê cũng rụng trái hàng loạt ước chừng mất 1/3 sản lượng. Tôi có đi coi nhiều vườn ở Di Linh và Bảo Lâm thấy trái rụng vàng cả gốc. Có những vườn xanh tốt ko bị rệp sáp, ko nấm bệnh mà vẫn rụng. Theo tôi nghĩ chắc là do thời tiết bất thường ngay từ lúc ép bông đến lúc trổ bông và thời tiết lạnh bất thường kéo dài ko theo quy luật như những năm trước đây. Thấy trái rụng nhiều bà con phát hoảng đua nhau mua thuốc xịt nhưng chẳng ăn thua gì. Hỏi các chú BVTV về nguyên nhân và nên xịt loại thuốc nào thì tất cả cũng bó tay. Xem ra thời tiết ngày càng bất lợi, nông dân ta trông chờ vào hên xui thôi.

    1. Cafe Việt

      Bạn @Đinh tân lâm nói nghe buồn cười, sao lại hên xui được. Ông bà mình dạy “đói ăn rau, đau uống thuốc”, vậy theo bạn nói cà phê ở đó là đói hay là đau?
      Nếu đói mà rụng thì bạn phải bón phân, khẩn trương cấp cứu bằng cách xịt phân bón qua lá. Sau đó bạn xem lại cây đói phân gì? P hay K, vì mùa này thường ko thiếu N.
      Nếu đau là bệnh gì? Rệp hay nấm? phân biệt chỗ này cũng ko khó lắm. Xem kỹ các phản hồi trao đổi của bà con để tìm cho ra nguyên nhân. Tui nghe nói bà con mình mua thuốc xịt tùm lum vừa không đúng bệnh vừa tốn công, tốn tiền nhiều vì thuốc không rẻ. Mong được trao đổi cụ thể để tìm ra giải pháp.

  2. TAM NÔNG

    Đây là hiện tượng chung, có thể do thời tiết (!?)
    ở Đăklăk cũng có hiện tượng rụng quả từ 5 – 15% là phổ biến.
    ở các vườn cây chăm sóc tốt cũng bị hiện tượng này!

  3. lê hồng thắng

    Nếu caphe bị rụng nhiều quả thì các bác xem caphe có bị rệp sáp hay các loại nấm khác không. mua Super til cùng với Nucaphe xịp thử xem, hiệu quả lắm đó.

  4. nguyen khiem

    Xin chào bà con nông dân tây nguyên nhà mình .Tôi hiện đang ở Di Linh hiện tượng cà phe thối qua và rung quả đang là nổi lo lớn của bà con chúng ta .Nhưng theo kinh nghiệm của riêng tôi , Cà phê của chúng ta trong vòng 4 năm trở lại đây, đang bị bệnh ve sầu và tuyến trùng rễ nên cây trồng phát triển kém . Nhưng nặng nhất là bệnh tuyến trùng rễ vì bệnh này khi mưa nhiều là lây lan rất nhanh làm cho cây cà phê bị thối rễ và không hấp thụ được phân bón, làm cho cây trồng thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến vàng lá và rụng quả non . Vì vậy vào đầu tháng 6 dương lịch bà con nên dùng thuốc viphudan 3g bón 40kg/ha để trừ tuyến trùng Và cuối tháng 6 đầu tháng 7 bà con dùng thuốc validamycin của nhật bản + thuốc cacbenvil phun với liều lượng ghi trên bao bì và bà con nên nhớ sau 10 ngày phải xịt lại lần hai . Để trừ bệnh thôi rụng quả non , chắc ăn hơn nữa sau hai đợt này bà con xịt phân bón qua lá klibo liều lượng 1kg/300lit nước . Đó là kinh nghiệm của riêng tôi chúc bà con thành công . Xin cảm ơn

    1. quốc kháng

      Tôi thấy năm 2009 tôi rắc thuốc sâu như bạn cà phê công nhận là có xanh lại thật nhưng tôi lại thấy trùn đất chết chẳng còn con nào, vậy có ảnh hưởng nhiều không bạn tôi đang định rắc thuốc đó bạn.

  5. V. Đ. Hùng

    Vườn tôi ở chưa tới gần cầu 14, tức cách Buôn Ma Thuột chừng 12-14 km, rụng nhiều hơn, 2/3 trái tự nhiên rụng. Tuy có mưa, nhưng nắng lên là rệp sáp ào ào tấn công. Năm nay phải mất mùa thôi.

  6. nghenhin

    Cafe rụng trái xuất hiện cách đây hơn một tháng trở về, mình đã viết rồi. Cứ tưởng chỉ mỗi nhà mình bị ai dè các nơi khác cũng bị thì chắc là do khí hậu ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến cây cafe rồi. Nhà mình ở Di Linh vẫn chăm sóc phân chuồng và NPK đầy đủ. Thuốc dưỡng trái thì xịt đủ mà vẫn cứ… bị chín sớm hoài (tức là rụng trái non mình gọi vui là chín sớm nên rụng đó)

  7. Phạm Mạnh Hùng

    Chuyện Caphe rụng trái cũng thật đau đầu đấy ! Hiện tượng này năm ngoái nhà mình cũng bị nên năm nay rút kinh nghiệm thì thấy OK ngay. Xin chia sẻ cùng bà con:
    1. Đầu mùa mưa mình dùng 25bao Philip/1.2Hec, sau đó 10 ngày bơm 5lít bón lá (Siêu N-P-…) + 5lít tinh phân cá + 2lít Anvil + 02 lít siêu Ca – Zn + 3Kg RIZ ; 1 tháng sau nhìn vườn cà mê hồn luôn, không có biểu hiện bất thường.
    2. Tiếp sau đó 2 tháng do thời tiết năng mưa bất thường cộng thêm năm này trời hạn nhiều hơn, nhìn lại vườn cà thấy chuyển vàng rất nhiều nấm hồng –> bị thối cành – quả – rụng lá và trái thế là mình phân vùng ra lô nào bị nặng mình làm cho nó 1 liều Vôi đồng (2 Đồng – 3 vôi); lô nào bị nhẹ phun cho nó thêm 1 liều nữa: Phân tím NPK 1.5%, thuốc nấm dạng bột mình quên chủng loại, thêm một ít bón lá giống đợt 1, Đạm – Kali 2% –> Kết quả hôm nay thấy vườn cà đẹp tuyệt vời, hết nấm và rụng quả chỉ lát đát thôi do sinh lý.
    3. Mình định tuần này bón phân đợt 2 cho nó chắc phải làm 15 bao Cò Hà Lan + 15Kg siêu vi lượng của Đức sau đó 10 ngày phun thêm đợt 3 cho nó làm nhân và kích thích to trái.
    Rất mong bà con chia sẻ !

  8. Nguyễn Phúc Trị

    Vườn cà phê mình ở Bảo Lộc năm nay bị rụng nhiều toàn giống trái lớn, phân bón thuốc trừ sâu mình chăm sóc đầy đủ. Khi rụng dưới cuống trái màu tím, như vậy là bệnh gì anh em chỉ giúp.

  9. Hung Do

    Các bác cho em hỏi là trường hợp trái rụng này xảy ra trên vườn cũ (vườn đã thu hoạch từ vài năm trước) hay chỉ bị đối với vườn mới trồng lại?

  10. capenghot

    25bao /1.2ha thì quá nhiều. Tây nguyên vào đầu mùa mưa có những trận mưa rất lớn, bón như thế là lãng phí.

  11. chuotdong

    Cách đây non tháng rẫy cà phê nhà mình rụng quả nhiều lắm. Sau khi khảo sát và quyết định phun hết 8lít Anvil trộn 8 lít Bi58 cho 7 ha, tính cả tiêu trồng xen canh là ko dưới 10.000 gốc. Ko biết do thời tiết khá hơn hay do ngấm thuốc nay cà phê ko rụng nữa. Thời điểm này trái lớn trông thấy luôn. Gia Lai năm nay có lẽ được mùa.
    Mình bón phân đợt 3 rồi, 3 đợt 3 loại mà chỉ ít thôi: vô cơ ko quá 3 tấn/đợt, vi sinh khoảng 1kg/cây. Phân bò ủ vỏ cà thì 1 bao/4 cây. Nhà mình ít xài phân hóa học, đợt còn lại khoảng 10 tấn vi sinh nữa là OK.

  12. Phạm Hùng Sơn

    Đúng là khó có thể nào hiểu bạn muốn nói gì. Vừa không có dấu vừa “nói sao viết vậy” (vd: rụng => dụng), vừa dùng ngôn ngữ kiểu “mạng” của tuổi teen (rồi => rùi => zùi). Ngay cả các anh trong BBT cố gắng lắm rồi mà vẫn không hiểu được ý bạn muốn viết (vd: “voi laj em vao goc cay vat troi ma van dụng…”. Có lẽ ý bạn muốn nói: “với lại em vào gốc cây vặt chồi mà vẫn rụng…” phải không?).
    Xin bà con hãy tuân theo yêu cầu của BBT: phải phản hồi bằng tiếng Việt có dấu để người đọc đỡ phải đoán mò và hiểu đúng ý kiến phản hồi.

  13. hoàng long

    Ý bạn ấy nói là em vào gốc cây vặt chơi xem mà vẫn rụng, ý bạn là cà phê thối cuống hết nên đụng nhẹ vô cành là rụng.

  14. Nguyễn Văn Tiết

    Tôi ở huyện EAH LEO- DAK LĂK làm cà phê cũng đã 25 năm rồi mà chưa thấy cà phê rụng trái như năm nay. Tôi chăm sóc cà phê theo như khoa học kỹ thuật, vườn cà phê phát triển rất xanh tốt, nhưng năm nay rụng nhiều quá. Mà đâu có phải một mình vườn nhà tôi mà toàn thể các vườn cà phê ở đây đều bị rụng trái non như vậy.
    Theo tôi nghĩ nguyên nhân cà phê rụng trái non là do thời tiết thi đúng hơn. Nếu là do kỹ thuật chăm sóc thì chẳng lẽ cả làng cả xã đều giống nhau hay sao. Năm nay thất thu là chắc rồi.

  15. Tiến Kiên

    Tôi không hiểu tại sao bà con mình chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra các hiện tượng đó mà đã vội vàng ra quán thuốc BVTV mua thuốc về xịt rồi. Tại sao chúng ta không bình tĩnh tìm hiểu rõ nguyên nhân rồi tìm cách xử lý sao cho phù hợp. Cây cà phê của chúng ta sống ngoài trời chịu nhiều tác động từ bên ngoài như thời tiết khí hậu, sâu bệnh, đất đai, nguồn nước… Tôi thấy bà con chúng ta khi vườn cây xảy ra sự cố ít để ý đến đất đai của mình, đã có ai nghĩ tới việc đất đai của mình đã bị nhiễm do quá trình bón phân, sử dụng thuốc BVTV không hợp lý?

Tin đã đăng