Việt Nam tuy là quốc gia thuộc tốp đầu thế giới về xuất khẩu nông sản. Thế nhưng, có một thực tế là, đằng sau những con số doanh thu đẹp như mơ thì lợi nhuận đích thực của những mặt hàng ấy lại rất khiêm tốn.
Làm thế nào để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản xuất khẩu đang là bài toán làm đau đầu không chỉ các chuyên gia trong ngành mà còn là vấn đề lớn của đất nước.
Bài 1: Con số “buồn”
Theo con số chính thức từ Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành liên quan, hàng chục năm gần đây, doanh thu xuất khẩu nông sản của nước ta luôn tăng. Thế nhưng, trên thực tế, sự tăng trưởng này lại không tỷ lệ thuận với việc nâng cao đời sống cho nông dân – những người trực tiếp sản xuất. Điều này cho thấy sau hàng thập kỷ, xuất khẩu nông sản của Việt Nam chưa đạt được thành tựu thực sự như kỳ vọng.
90% nông sản xuất khẩu dưới dạng thô
Việt Nam luôn tự hào là nước xuất khẩu nông sản lớn, với nhiều mặt hàng chủ lực chiếm thứ hạng cao trên thị trường thế giới. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu trên tổng GDP của nước ta tăng từ 30% vào đầu những năm 1990 lên đến 70% trong 3 năm gần đây. Cơ cấu mặt hàng đã thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng hàm lượng giá trị công nghiệp và đa dạng hóa sản phẩm trong từng ngành hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, về cơ bản, xuất khẩu của nước ta vẫn chưa mang lại giá trị gia tăng cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời điểm này có tới 90% sản phẩm nông sản xuất khẩu của nước ta được xuất dưới dạng sơ chế, giá bán thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước từ 5 – 10%. Từ thực tế đó, Bộ này xây dựng đề án với “tham vọng” trong 10 năm tới, mỗi ngành hàng nông sản sẽ có mức tăng ít nhất 20% giá trị gia tăng. Dù đã đánh giá khá toàn diện thế mạnh và hạn chế của ngành Nông nghiệp và PTNT cũng như vị trí của từng loại nông sản xuất khẩu trước khi xây dựng đề án, nhưng nhiều người cho rằng, trong thời gian 10 năm tới, chúng ta rất khó “cán đích” mục tiêu đề ra. Theo tính toán của ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), mặc dù gỗ là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nóng trong nhiều năm liền, nhưng lợi nhuận mang lại chỉ đạt khoảng 8 – 9%. Tương tự, theo khảo sát của các chuyên gia Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong 3 sản phẩm mang lại doanh thu xuất khẩu lớn nhất cho ngành thủy sản, có tới 70% sản lượng xuất khẩu ở dạng sơ chế (đông lạnh). Ví dụ như cá tra, cứ 2,8kg nguyên liệu cho ra 1kg cá philê xuất khẩu, thu được 2,8 USD thì chi phí nguyên liệu đã ngốn hết 2,52 USD, còn lại 28 cent chênh lệch, bao gồm tất cả chi phí sản xuất và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tuy sản xuất và xuất khẩu hạt điều của chúng ta đứng đầu thế giới nhưng khả năng cạnh tranh và giá luôn thua Ấn Độ do năng suất chế biến thấp, chi phí sản xuất cao, những công đoạn chính như bóc tách, phơi sấy vẫn làm thủ công. Tương tự, với càphê, chúng ta đang dẫn đầu thế giới càphê robusta, nhưng hơn 70% lượng càphê bị trả về trên thị trường xuất khẩu là hàng Việt Nam. Với mặt hàng chè, mỗi năm chúng ta xuất khẩu hơn 100.000 tấn, giá chè trung bình của thế giới năm 2009 là 2,43 USD/kg, trong khi của ta chỉ đạt 1,23 USD/kg. Từ năm 1998 đến nay, giá chè của thế giới tăng 18%, còn giá chè của Việt Nam lại giảm 20%.
Cũng theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, quý I/2011, doanh thu của các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm trước. Dù doanh thu xuất khẩu tăng nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp lại không có lãi do chi phí đầu vào quá cao. Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt (An Giang) cho biết: “3 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cá tra của công ty đạt hơn 300 tỷ đồng nhưng tính ra chẳng có lời. Nguyên nhân là do giá cá tra nguyên liệu nhảy vọt lên 27.000 – 28.000 đồng/kg, cộng với lãi suất ngân hàng, giá điện, xăng dầu, bao bì… đều tăng, trong khi giá xuất khẩu chỉ tăng nhẹ nên kinh doanh không hiệu quả”. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng đang trong cảnh giảm lợi nhuận hoặc chấp nhận không lãi để duy trì sản xuất. Lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy sản Minh Hải (Cà Mau) cho biết: “Quý I/2011, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Minh Hải đạt 13 triệu USD, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù doanh số tăng mạnh nhưng lợi nhuận lại không như mong muốn. Cái được lớn nhất của chúng tôi là giữ chân được khách hàng cũ, tăng thị trường mới”.
“Khó” chung?
Có một thực tế là không chỉ các mặt hàng nông sản, mà hầu hết hàng xuất khẩu của Việt Nam đều thu được rất ít lợi nhuận cho dù doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Đơn cử, những năm gần đây, ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng đạt hơn 30%/năm, trở thành một hiện tượng của xuất khẩu Việt Nam năm 2010 nhưng lợi nhuận thực tế rất khiêm tốn, chỉ từ 6-8%. Nguyên nhân chính là chúng ta chưa tự chủ được đầu vào cho sản xuất, phải nhập khẩu nguyên phụ liệu khoảng 70 – 80%. Hay như ngành điện tử, mặc dù kim ngạch xuất khẩu mang lại chủ yếu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng tỷ lệ giá trị gia tăng chỉ chiếm 17 – 20% trong tổng giá trị sản xuất.
Cũng vì thế, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng: “Nếu ngành điện tử đạt giá trị gia tăng chưa vượt quá 20% thì không thể gọi là sản phẩm của công nghệ cao được. Ngoài các mặt hàng như dầu thô, than đá (do được khai thác từ tài nguyên sẵn có), hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang đứng ở đáy của chuỗi giá trị gia tăng. Những mặt hàng nông sản như gạo, điều, càphê, thủy sản… càng không thể là nhân tố “đánh bóng” thành tích xuất khẩu của chúng ta khi giá trị gia tăng thực tế quá thấp”.
Thử làm một phép so sánh để thấy dường như chúng ta đã hơi “thổi phồng” thành tích khi nói về sự tăng trưởng thần kỳ của nhiều mặt hàng xuất khẩu. Tại Malaysia, sản lượng hàng xuất khẩu trong năm 2009 chỉ tăng 2% so với năm 2008 nhưng vẫn tạo ra 14% tăng trưởng trong giá trị xuất khẩu; Thái Lan chỉ cần tăng 8% về lượng đã tăng giá trị xuất khẩu tới 18%. Giả định Malaysia đạt được mức tăng trưởng về lượng 9%, mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu có thể tăng tới 63%. Trong khi đó, Việt Nam cũng với sản lượng gia tăng xuất khẩu là 9% nhưng giá trị gia tăng trong xuất khẩu chỉ đạt 26%. Cũng vì lý do này, mặc dù nhiều ngành hàng của Việt Nam đứng thứ hạng cao trên thị trường xuất khẩu như hồ tiêu, điều, gạo, càphê, cao su, hàng dệt may…, nhưng do chưa tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng, nên phải lệ thuộc vào các trung gian thương mại nước ngoài làm tăng chi phí, đó là chưa kể có trường hợp bị ép giá!
TS. Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nền kinh tế nước ta hướng vào xuất khẩu nhưng 20 năm qua vẫn lâm vào tình trạng nhập siêu ngày càng nặng. Nếu căn cứ vào cơ cấu xuất, nhập khẩu hàng hóa và bảng cân đối tài khoản vãng lai, có thể nhận ra nền kinh tế nước ta thực sự là nền kinh tế tiêu thụ bán thành phẩm và thành phẩm của nước ngoài. Sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của các mặt hàng xuất khẩu nói riêng đang đuối trong cuộc chạy đua toàn cầu. Nguyên nhân chính là do chúng ta kéo dài quá lâu mô hình tăng trưởng theo chiều ngang, chỉ tập trung khai thác tài nguyên, khoáng sản để xuất khẩu.
Hiện, phần giá trị gia tăng trong nông nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện trên cả ba phương diện: chủng loại đơn điệu, thiếu bền vững, sản xuất chủ yếu để xuất khẩu, thị trường nội địa chưa quan tâm đúng mức; giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn, sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới nhưng giá cả xếp thứ 10. Hay như mặt hàng càphê, hiện Việt Nam đứng thứ hai thế giới về lượng cà phê xuất khẩu và đang có mặt ở tất cả các châu lục nhưng người tiêu dùng trên thế giới vẫn chưa biết nhiều đến sản phẩm càphê qua chế biến tại Việt Nam. Tỷ lệ áp dụng tiêu chuẩn sản xuất bền vững 4C mới đạt 5% diện tích, chỉ có 5% sản lượng được cấp chứng chỉ UTZ.