Trong sản xuất vụ mùa năm nay, nông dân trong tỉnh Gia Lai đã tự phát mở rộng diện tích và chuyển đổi hàng ngàn ha các loại cây trồng không theo quy hoạch, gồm 1.200 ha mía, 400ha tiêu, 200ha cà phê và gần 1.000 ha điều trồng tái canh.
Đó là chưa kể đến hàng chục ngàn ha sắn “vượt rào” từ nhiều năm nay.
Một trong những nguyên nhân chính là do nông dân chạy theo lợi nhuận trước mắt, bởi giá cả một số loại sản phẩm cây trồng tăng cao, như giá cà phê ở Gia Lai dao động ở mức 48.000-50.000 đồng/kg, giá tiêu hạt từ 100.000-120.000 đồng/kg, giá điều 28.000-30.000 đồng/kg…
Bà con nông dân cho rằng, với mức giá trên thị trường như hiện nay, dù có mất mùa chăng nữa vẫn còn có lãi để đầu tư cho tái sản xuất và một phần cho thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Do vậy, không ít hộ đã tự phá bỏ một số loại cây trồng truyền thống lâu nay trong vườn nhà, vườn đồi để chuyển sang trồng tiêu, cà phê,
Việc tự phát tăng diện tích một số loại cây trồng đã dẫn đến phá vỡ quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nông dân.
Tình trạng được giá – mất mùa và ngược lại đã dẫn đến thực tế là một số loại cây được “trồng rồi chặt phá, chặt phá rồi lại trồng”, kéo theo đó là chuyện thừa thiếu nguyên liệu ở các nhà máy chế biến.
Bên cạnh đó, do kiến thức khoa học kỹ thuật của bà con còn thấp, ít ứng dụng cho từng loại cây trồng nên các vườn cây chậm phát triển, còi cọc và thậm chí mất trắng.
Theo ông Văn Phú Bộ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, tình trạng nông dân tự phát tăng diện tích một số loại cây trồng là điều rất đáng lo ngại bởi dễ dẫn đến thiệt hại không chỉ cho bà con mà còn cho cả doanh nghiệp.
Ngành chức năng đã khuyến cáo các cấp chính quyền ở địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bà con dừng mở rộng diện tích cây trồng không theo quy hoạch, thay vào đó là tập trung thâm canh tăng năng suất từng loại cây trồng ổn định.