Đắk Lắk: Đổ xô trồng tiêu, bất chấp rủi ro

Hàng ngàn ha hồ tiêu đang được trồng mới tại các tỉnh Tây Nguyên. Nông dân thậm chí chặt bỏ cả những vườn cà phê đang sung sức để trồng cây tiêu. Rủi ro khôn lường đã được dự báo, nhưng nhà nông vẫn làm…

Tăng gấp đôi quy hoạch

Năm nay gia đình ông Trương Văn Khánh ở xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ (Đak Lak) đã phá nửa sào cà phê, chặt hết cây chắn gió để trồng 400 trụ tiêu.

Việc phát triển diện tích tiêu ồ ạt đang bộc lộ nhiều bấp bênh.
Việc phát triển diện tích tiêu ồ ạt đang bộc lộ nhiều bấp bênh.

Dù mới đặt cây tiêu xuống đất nhưng ông Khánh tỏ ra hết sức lạc quan: “Trồng tiêu hiệu quả hơn cà phê nhiều lắm chứ. Chẳng riêng tôi, hàng chục hộ dân ở đây cũng không ngần ngại phá bỏ vườn cà phê để trồng tiêu. Nhiều người còn chặt luôn cả vành đai cây che bóng mát để trồng tiêu với tâm lý trồng thêm được trụ nào hay trụ ấy…”.

Ý kiến của ông Khánh là một sự thật bởi theo thống kê của xã Bình Thuận thì năm nay diện tích hồ tiêu đã tăng 350ha, gần gấp đôi năm ngoái…

Khắp các huyện thị Đak Lak ở đâu cũng nghe nông dân bàn chuyện trồng tiêu… Huyện Krông Buk từ chỗ chỉ có 400ha tiêu, chủ yếu tập trung ở các xã có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng… phù hợp với cây tiêu như Cư Kpô, Krông Buk thì đến nay đã được mở rộng lên hơn 600ha.

Chủ tịch huyện này, ông Y Bia, cho rằng “cơn sốt” trồng tiêu đang lan rộng ở địa phương bắt đầu từ hiệu quả kinh tế tức thời mà ra. Người ta tính toán: 1 sào tiêu hiện nay cho thu nhập gấp 2 lần trồng cà phê và nhiều loại cây trồng khác.

Tại các địa phương lâu nay được coi là vùng trọng điểm tiêu của Đak Lak như Ea H’Leo, Krông Buk, Krông Năng và Cư M’Gar… diện tích tiêu cũng tăng vọt. Theo ông Phan Hùng Cường – Phó phòng trồng trọt (Sở NNPTNT), hiện cả tỉnh đã có khoảng 5.700- 5.800ha tiêu. Trong khi đó, quy hoạch của tỉnh chỉ dừng lại ở mức 5.000ha.

Tuy nhiên ông Cường cũng cho biết, sắp tới diện tích hồ tiêu không chỉ ở con số này mà sẽ tăng gấp đôi so với quy hoạch – khoảng 10.000ha. Dự báo này hoàn toàn có khả năng xảy ra, bởi qua trao đổi với ông Đỗ Trọng Vinh – Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và phát triển nông – lâm nghiệp Ea Kmát, thì mặc dù công ty đã chuẩn bị số lượng giống đủ trồng hơn 5.000ha, nhưng hiện tại vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu trồng tiêu cho người dân trên địa bàn tỉnh…

Tai họa khó lường

Không một cấp thẩm quyền nào “dám” ra văn bản “cấm trồng tiêu” cả! Giá tiêu đang cao ngất ngưởng thì người nông dân chạy đua để phát triển thêm diện tích cây tiêu là điều tất yếu. __Ông Nguyễn Văn Sinh

Ông Nguyễn Văn Sinh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đak Lak cảnh báo: “Một khi quy hoạch trồng trọt bị phá vỡ thì đối với bất kỳ loại cây trồng nào cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm”.

Theo ông Sinh, do không kiểm soát hết các cung đoạn đầu tư sản xuất – từ cây giống, kỹ thuật, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản… nên chất lượng sản phẩm chắc chắn sẽ không đạt được phẩm cấp mà thị trường đòi hỏi. Mặt khác, khi mọi người đua nhau trồng tiêu, điều tất yếu cung sẽ vượt cầu dẫn đến giá cả sẽ giảm dần khiến hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này giảm sút. Hệ lụy tiếp theo là tình trạng suy thoái, bạc màu đất đai do lối canh tác xô bồ, triệt hạ cả vành đai cây che bóng có tác dụng ngăn chặn sự trôi rửa của đất.

Nhưng câu chuyện “trồng – chặt, chặt – trồng” này bộc lộ sự bấp bênh, thiếu bền vững của ngành sản xuất nông nghiệp nói chung, trong đó đáng quan tâm nhất là hàng hóa nông sản.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nong Văn Dân

    Ông nhà báo này viết suôn câu xiết tự, đọc cũng nghe hay hay, nhưng nếu để ý thì thấy ông nói bậy. Làm gì có phá nửa sào cà phê mà trồng được 400 trụ tiêu, có lẽ ổng nhìn gà hóa quốc, người ta trồng bắp lại tưởng trồng tiêu.

  2. trung_tin_727

    ở Chư Sê-Gia Lai chỗ em năm nay người ta hạ tiêu nhiều lắm, mỗi ngày co cả hàng chục xe máy cày chở trụ gỗ đi qua. Có 10 nhà thì chắc phải đến 7 nhà hạ thêm tiêu nữa. Cứ tình trạng này thì nguy quá nhỉ. Em sợ tương lai thì giá tiêu sẽ giảm xuống mạnh quá hic hic hic…

  3. agri-envi

    Ảnh hưởng kinh tế là rõ ràng khi cung vượt cầu. Ngoài ra, khi tiêu phát triển quá nhiều sẽ gây ra nguy cơ phát triển dịch bệnh nữa. Giống như trước đây có dịch rệp sáp hại rễ tiêu thôi. Bà con đợi thử xem.

  4. nghenhin

    Thị trường tiêu hiện tại đang được bà con quan tâm bởi do giá cao và tiếng nói có uy lực hơn mặt hàng cafe Việt Nam… Mình nhớ có đọc một bài viết là hội thảo gì đó về tiêu mà không có đại diện của Việt Nam là coi như thất bại… còn cafe thì không hề có chút ảnh hưởng gì trong khi sản lượng Việt Nam thì đang đứng ở cung bậc ngất ngưởng! Chán quá… mong cho các nhà quản lý tìm được tiếng nói trên thị trường cho tất cả các mặt hàng nông sản của dân mình.

  5. bò tót đực

    Nông dân ta có tâm lí: mình trồng thêm tí chẳng sao, họ nói thế thôi. Thứ tới họ không có khái niệm trong ý thức về thị trường hàng hóa (chứ không phải không biết). Lí-lì-liều là đặc tính của nông dân ta.
    Bác nghe nhìn nói là: “phải tìm tiếng nói trên thị trường cho tất cả các mặt hàng nông sản”. Theo em không phải họ không biết mà chỉ biết trên lí thuyết và làm cái gì là tham nhũng cái đó. Em nghĩ chẳng gì bằng mình đầu tư công nghệ, tuyển chọn-đãi ngộ nhân tài (Việt Nam ta rất nhiều chất xám ra đi, chúng ta không cần đào tạo vẫn dư), đến một ngày làm chủ công nghệ thì việc đó đâu khó. Bằng không thì dù ngồi trên đống vàng vẫn cứ nghèo.

  6. Trần Tiến

    Từ xưa đến nay dân ta tự làm là chính. Nhà nước hay tổ chức nào đầu tư kỹ thuật hay qui hoạch, bao tiêu sản phẩm, trợ giá cho dân đâu. Tự dân thấy cái gì làm được, thu được lợi nhuận để sống là theo nhau làm. Mấy người ở trên chỉ biết nói hay thôi chứ có làm được gì cho dân đâu.

  7. bò tót đực

    Em xin kể cái vụ này với bác Trần Tiến cùng nghe: Việt Nam (Vinashin) và Hàn Quốc (Huyndai):
    1. Tổng giám đốc (H.N.Tùng) trình độ trên đại học – tổng giám đốc (K.J.Chung) trình độ hết lớp 5.
    2. Tiền nhà nước – tiền vay ngân hàng thế giới được sự bảo lãnh của nhà nước.
    3. Nhân sự đầy đủ bằng cấp – vừa làm vừa học.
    4. Nợ 86.000 tỉ đồng – Thành ngành công nghiệp đi đầu.
    5. Dân ta trả nợ – Trở thành ngành sánh ngang với các cường quốc khác.
    5. Tổng giám đốc “được” truy nã quốc tế – Tổng giám đốc được cả thế giới biết đến.
    6.Bài học cay đắng cho chính phủ như một “vết nhơ” – Bài học sáng giá “kì tích sông Hàn” cho cả thế giới, niềm tự hào của con em Hàn Quốc.
    Vậy các bác có thể tự kết luận!.

  8. cuba

    Em phải nói rõ hơn:
    Bằng cấp trên đại học = cấp 1: xóa mù chữ ; C 2- 3: vừa học vừa chạy giặc ; đại học : chuyên tu ; trên đại học: mua hoặc bằng giả !

Tin đã đăng