Lâm Đồng: Mắc ca sai quả mùa đầu

Gần cả tháng qua, vườn mắc ca sai quả mùa đầu của nông dân Lê Đức Ba ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương liên tục mỗi ngày có rất nhiều người đến từ nhiều nơi trong nước để tham quan, tìm hiểu. Đây có thể xem là một tín hiệu mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Lâm Đồng.


Hàng trăm cây mắc ca mùa đầu đã đạt

Trong suốt tháng 6/2011, vườn mắc ca rộng gần 8 sào của nông dân Lê Đức Ba ở số 47/3, đường Nguyễn Chí Thanh, thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương, liên tục đậu quả với tỷ lệ trên 40% số cây. Dự báo với lượng hoa đang nở, đến cuối tháng 11/2011, mắc ca sẽ tiếp tục đậu quả trên 60% số cây còn lại. Năm ngoái, ông Ba thu trái bói khoảng hơn 30 ký hạt mắc ca khô, bán được 6 triệu đồng. Năm nay vườn mắc ca đã gần 5 năm tuổi, chính thức vào mùa thu hoạch đầu tiên, ông Ba ước tính sẽ thu hạt khô trên tất cả hơn 300 cây, trung bình mỗi cây đạt khoảng 7 ký, tổng sản lượng là 2,1 tấn. Tính thành tiền mỗi tấn 200 triệu đồng, ông Ba đạt tổng doanh thu khoảng 420 triệu đồng.

Ông Ba cho biết, đây là lần đầu tiên gia đình ông trồng cây mắc ca xen canh với cây chuối La Ba trong vườn nhà. Toàn bộ nguồn cây giống mắc ca do Công ty TNHH Mắt Đá, Đà Lạt cung cấp, gồm hạt giống và mắc ghép. Ông Ba tự ươm hạt giống mọc lên thành cây, rồi ghép với mắc ghép giống của công ty trước khi đưa xuống hố trồng. Theo hướng dẫn của Công ty TNHH Mắt Đá, ông Ba đào hố trồng theo ô vuông, chiều rộng và chiều sâu đều bằng 0,5m. Trước mắt trồng cây cách cây và hàng cách hàng cũng đều với khoảng cách 5m. Có sẵn phân chuồng chăn nuôi tại chỗ, ông Ba bón lót một tỷ lệ phân cho cây mắc ca trồng xuống, tương tự như bón lót trồng cây cà phê. Có hàng ngàn gốc chuối trồng xen canh, khi tưới nước cho chuối là nước tự chảy qua tưới luôn cho cây mắc ca. Cứ vậy, mắc ca lớn lên tự nhiên gần như cây rừng. chiều cao trung bình của cây trên dưới 5m. “Trước đây, tôi không nghĩ là trồng cây mắc ca trong vườn nhà mình dễ chăm sóc như vậy. Chỉ vun gốc vừa đủ cho cây bám rễ chắc khi gặp gió lớn. Quá trình phát triển của cây, chú ý bơm đúng thuốc diệt trừ sâu đục thân khi vừa phát hiện…” – ông Ba nói. Thực tế 5 năm qua, trong khi chờ mắc ca đậu trái, ông Ba đã thu bán chuối La Ba xen canh mỗi năm từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng.

Hứa hẹn hàng vạn cây mắc ca mùa sau nữa

Ông Trần Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mắt Đá, Đà Lạt, cho biết thêm: Năm ngoái, công ty đã mang sản phẩm hạt khô mắc ca trồng từ vườn ông Ba ở Thạnh Mỹ, Đơn Dương đưa sang một đối tác tiêu thụ ở Mỹ phân tích. Kết quả hạt mắc ca của ông Ba trồng khá to và chắc, chất lượng đạt và vượt so với hạt mắc ca trồng từ các nước Úc, Mỹ. Đối tác này đã thỏa thuận tiêu thụ không giới hạn về thời gian và sản lượng hạt mắc ca được trồng trên đất cao nguyên Lâm Đồng.

Ông Trần Vinh đưa phóng viên đến vườn mắc ca rộng 3 ha, đang ra trái bói, nằm cách vườn mắc ca của ông Ba trên dưới một cây số. Mắc ca ở đây trồng thẳng tắp, cây cách cây và hàng cách hàng khoảng 5m. Cây phát triển khá đều với độ cao khép tán từ 2m trở lên, nhiều cây ra những chùm trái bói đung đưa trên cành. Bên dưới cây là những luống rau xanh trồng xen trên nền đất tơi xốp, ẩm ướt. Theo ông Vinh, đây là giống mắc ca ghép của Công ty TNHH Mắt Đá, được chăm sóc với kỹ thuật đặc biệt hơn nên chỉ mới trồng hơn 3 năm đã thu trái bói, sớm hơn 1 năm so với mắc ca của ông Ba, mỗi cây có thể thu từ 01 ký đến 2 ký khô trái bói. Dự tính đến giữa năm 2012, diện tích 3 ha mắc ca này sẽ vào mùa thu rộ đầu tiên, năng suất mỗi cây có thể thu gần 10 ký hạt khô. Được biết, trong các năm 2007, 2008, 2009, Công ty TNHH Mắt Đá, Đà Lạt cũng đã trồng và chăm sóc xanh tốt gần 50 ha cây mắc ca tại xã Phi Tô, Lâm Hà; mỗi ha trồng từ 400 cây đến 500 cây.

Cũng theo số liệu của ông Vinh: Đến cuối tháng 6/2011, Công ty TNHH Mắt Đá, Đà Lạt, đã thỏa thuận hợp tác với hàng trăm hộ nông dân các huyện, thành trong tỉnh Lâm Đồng như Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông… để trồng hàng trăm ha mắc ca xen canh với cà phê. Hình thức hợp tác ban đầu là: Bên nông dân góp diện tích đất và một phần công chăm sóc, bảo vệ. Bên công ty cung cấp giống, cải tạo đất, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu; kỹ thuật trồng, công chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tùy theo vị trí đất sản xuất, tỷ lệ ăn chia theo sản lượng từ 30% đến 40% thuộc về phần nông dân; và từ 60% đến 70% thuộc về phần công ty. Mọi thiệt hại trên cây mắc ca trong quá trình sinh trưởng đều do công ty chịu hoàn toàn trách nhiệm. Riêng toàn bộ hoa lợi trồng xen canh với cây mắc ca, hoàn toàn thuộc về quyền thu hoạch của nông dân. Dự kiến trong tháng 10, tháng 11/2011, hợp tác giữa công ty và nông dân sẽ bắt đầu triển khai xuống giống.

Về hiệu quả kinh tế trồng mắc ca hàng năm, Công ty TNHH Mắt Đá, Đà Lạt đưa ra những phép tính khá hấp dẫn: Với giống ghép mới, mắc ca trồng mỗi ha trồng từ 400 cây đến 500 cây. Trồng sang năm thứ 4 ở Lâm Đồng, thu hoạch hạt khô mỗi cây trên dưới 10 ký. Từ năm thứ 5 đến năm thứ 8, sản lượng mỗi cây sẽ tăng lên đến 30 ký. Đến năm thứ 10 trở đi, tỷ lệ không nhỏ số cây sẽ thu đạt đỉnh 100 ký. Công ty cam kết thu mua với giá sàn tối thiểu mỗi ký là 200 ngàn đồng, nhân với sản lượng trên, thì việc thu về bạc tỷ đối với nông dân hợp tác cùng Công ty TNHH Mắt Đá, Đà Lạt trồng mắc ca là điều không còn nằm ở ước mơ nữa.

Theo: Lâm Đồng Online

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Sơn hà

    Sao tui nghe nhiều người nói cây măc ca là cây xóa đói giảm nghèo? Sao bài này lại nói có thể thu về tiền tỷ? Vậy là ai nói đúng?

    1. Hùng

      Xóa đói giảm nghèo nhưng nếu thu được tiền tỷ thì tốt chứ sao
      tại sao lại thắc mắc một điều tốt như vậy?

      1. Sơn hà

        Sao lại có lối nghĩ hời hợt vậy?
        Điều tui muốn hỏi đâu là sự thật hay chỉ nói vống lên để bán cây giống.
        1 cây 6-7 chục ngàn, trồng 4-5 năm mới có quả nên cần phải tìm hiểu cho chắc chắn chứ!
        Đưa ra phép tính vậy thì quá đơn giản, trồng bơ còn nhiều hơn.

      2. Bờm

        Suy nghĩ như Sơn Hà cũng có cái đúng, vấn đề là có chắc chắn gì không ? Tại sao Đảng, Nhà nước, các bộ ngành không có chủ trương, không triễn khai, không bảo lãnh mà người nông dân cứ tự mày mò tìm kiếm cây trồng, vật nuôi. Nếu được mùa được giá thì sẽ có bài nói nông dân làm giàu tiền tỷ, nếu mất mùa hoặc không bán được sản phẩm thì cũng có bài do vì người nông dân tự phát làm ồ ạt thiếu quy hoạch, chưa có chủ trương của Đảng và nhà nước. Vì vậy tôi thiết nghỉ ông nông dân ta nông cạn quá, thật thà quá, không biết tính toán nên Công ty TNHH Mắt Đá, Đà Lạt mới tính giùm cho . Vậy đây phải là cây Tỷ phú mới đúng.

      3. cuba

        Cứ mạnh dạn thay đổi, cứ đeo cây cà phê 20 năm nay mà có gì đâu ! chỉ có cái QUÁ KHỔ!

      4. Dambri

        Có vẻ như ngành nông nghiệp và công tác khuyến nông cũng không mặn mà hay sao mà không thấy thúc đẩy công tác tuyên truyền cho cây mắc ca?
        Có thông tin chính thức từ công ty nào thu mua sản phẩm này chưa?
        Hay là để cho bà con tự phát tuyên truyền và tự đúc kết?
        Nông dân sao bơ vơ quá !

  2. thanh_le_đrao

    Theo tôi bài toán đầu ra rất là quan trọng. Bởi vì nông dân mình thường chạy theo trào lưu, đến khi có thu hoạch rồi thì chẳng biết bán cho AI? ví dụ CHANH DÂY .Theo tôi chúng ta nên trồng xen,

  3. Phước Trung

    Chào mọi người.
    Tôi ở vùng phía nam của tỉnh Lâm Đồng (Cát Tiên, Đạ Teh, Đạ Hoai). Nghe nói đến Mắc Ca khá lâu rồi nhưng chưa được “sờ tận tay”.
    Các bác nào biết làm ơn cho tôi hỏi, vùng tôi ở thì có thể trồng loại cây trồng này không?
    Bác nào biết làm ơn trả lời giúp tôi với nhé.
    Xin chân thành cảm ơn.

  4. hoang phuc

    Theo khảo sát điều kiện khí hậu thổ nhưỡng chúng tôi thu thập được thì vùng phía nam tỉnh Lâm Đồng thích hợp với cây mac-ca (cây mac-ca cần nhất là nhiệt độ ban đêm tháng 11-12 <20 độ C để hình thành nụ hoa) nếu đáp ứng được tiêu chuẩn đó thì mới trồng mac-ca. Có rất nhiều dòng mac-ca, mỗi dòng thích ứng với độ cao khác nhau. Bạn hãy liên hệ với tôi để được tư vấn về kỹ thuật. Hoàng Phúc dt: 0904.042639.

  5. Phước Trung

    Rất cảm ơn Anh Hoàng Phúc.
    Cảm ơn Y5CAFE đã tạo cho người nông dân “Một diễn đàn, một tiếng nói”.

  6. Tuấn Cường

    Các bác có kinh nghiệm tư vấn thêm cho em về cây mac-ca với.
    Nhà em ở Dak Song Dak Nông, khí hậu tương đối mát mẻ, tháng 11-tháng giêng dương lịch về đêm tương đối lạnh. Đặc biệt có một mùa gió khá dữ dội từ tháng 12- tháng 2 dương lịch.
    Đất dốc khoảng 25-30 độ, đất đỏ bazan, khi đào xuống khoảng 50cm thì có lẫn bôxit.
    Vậy tình hình nhà em có thích hợp để trồng mac-ca không, và loại cây này có thể trồng xen với một số loại cây khác như bơ,sầu riêng, mít nghệ cao sản…
    Mong được các bác tư vấn!

  7. nghenhin

    Mới đọc thì thấy thật hấp dẫn… Nhưng cái chuyện nói hơi quá một tý để rồi đua nhau bán giống là vẫn thường xuất hiện lâu nay . Giá như cấp chính quyền địa phương kết hợp khảo sát quy hoạch và có định hướng lâu dài thì bà con đầu tư chắc đỡ… run hơn… sợ lắm. Trồng xen canh thôi không nên đại trà mà lỡ có bề gì còn cơm ăn anh em ah.

    1. Dân Dak Mil

      Phải tìm hiểu cho cặn kẽ đã chứ ! Sao ai cũng ngại nói công khai nhỉ ? Tui cũng nghe nói trồng thí điểm 10 năm nay rồi, có Úc tài trợ nữa mà.

  8. HỒ XUÂN HƯƠNG

    Mình ở Bảo Lộc khí hậu chắc là hợp cây mác ca, chú Vịnh hay anh Thịnh có biết ở Lâm Đồng mình ở đâu bán cây giống không, có thể đây là loại cây giúp bà con phát triển kinh tế. Mong các anh chị trong ban biên tập cập nhật thông tin về loại cây này để bà con cùng tham khảo .

    1. Nguyễn Vịnh

      Trên diễn đàn có anh Hoàng Phúc, chuyên gia của Công ty Vinamacca Buôn Ma Thuột. Bà con có vấn đề gì cần tìm hiểu liên quan đến cây Măc ca xin cứ mạnh dạn hỏi sẽ được tư vấn đầy đủ.
      Cám ơn anh Hoàng Phúc đã nhiệt tình tư vấn cho bà con.

  9. boi

    Xin chào mọi người. Bài viết trên nói quá thực tế về sản lượng 1 cây trung bình thu từ 7-10kg qủa thô, cá biệt có cây đạt trên 10kg. Còn về giá trung bình được 2USD/kg, một ha đạt 3tấn bằng 6.000USD. Ưu điểm là trồng xen caphe làm cây chắn gió, chi phí ít hơn caphê, còn về đầu ra thì cung chưa đủ cầu, mà hạt này ăn thì chất lượng tuyệt vời. Nó được mệnh danh là hoàng hậu qủa khô, tôi chỉ biết thế thôi mong quí vị thông cảm.

  10. nongdancun

    Theo cách tính toán của công ty Mắt Đá thì từ năm thứ mười trở đi, mỗi hecta trồng cây mắc ca mỗi năm thu về được từ một đến hai tỷ đồng. Như vậy là gấp năm đến bảy lần trồng cà phê. Ôi quả là một con số ấn tượng chưa bao giờ ai dám nghĩ đến. Cám ơn công ty Mắc Đá đã cho nông dân Lâm Đồng nói riêng và nông dân Tây nguyên nói chung có một giấc mơ bay bỗng… có lẻ đến tận cung trăng. Xin chúc công ty sản xuất thật nhanh, thật nhiều cây giống để phục vụ giấc mơ của nông dân và cũng để nhanh chóng làm giàu nhờ bán cây giống. OK.

  11. chuotdong

    Trồng ít ko bõ, trồng nhiều sợ bể tui chưa trồng cây nào. Mấy chục năm nay làm cà phê nên chung thủy đến cùng. Ai chặt mặc kệ, mình cứ chăm nom. Trồng xen có tiêu rồi nên y án vậy.

  12. hoàng long

    Nếu mà kinh tế cho phép thì cũng mua mấy kg quả khô về nhân giống trồng xen cà phê, vừa có cây chắn gió che bóng mát, nếu mác ca có giá thì 5 năm sau có thêm thu nhập không gì phải sợ cả, vì trồng xen cà phê càng tốt cho cây cà phê.

  13. nongdancun

    Năm nay mình 60 tuổi. Mình sẽ trồng 10 cây mac ca và chăm bón với chế độ đặc biệt. Mười năm sau mỗi năm mình thu một tấn quả. Tính theo thời giá hiện tại là hai trăm triệu đồng, bằng bốn tấn cà phê nhân. Thật quá khỏe, quá nhàn. Và lúc đó thì tha hồ mà an hưởng tuổi già.

  14. hoang phuc

    Mình xin đính chính lại số liệu giá hạt macca thế giới năm nay giao động từ 3,2$- 3,8$, macca sạch có chứng chỉ giá 4,7$. Năng suất trung bình tại úc 5 tấn/ha, của hawaii 8 tấn/ha quan trọng là phương thức canh tác và khí hậu đất đai. Bạn hoàng long muốn tự làm giống quan trọng là phải có cành ghép đạt tiêu chuẩn và được lấy từ cây có năng suất cao, hạt giống macca nên mua hạt dòng H2, D4 là những dòng có bộ rễ khỏe đảm bảo tuổi thọ của cây, khả năng kháng bệnh tốt.

  15. phong trần

    Chào mọi người. Em ở BMT, em thấy cái gì chưa biết cứ thử, đừng chờ nhà nước khuyến nông làm gì. Hãy tự lo cho mình thì hơn, nếu làm cafe chưa xen tiêu thì trồng thử một ít coi như lấy quả ăn rất tốt mà đúc kết kinh nghiệm, nếu có điều kiên thì trồng thử hai ba sào, làm nông mà, phải thử chứ. Em làm cafe xen tiêu, cũng muốn trồng xen macca lắm nhưng quỹ đất eo hẹp. A Hoang Phuc cho em hỏi đất trắng là đất pha cát có hợp cây macca ko, thời tiết đêm thì lạnh ngày nắng gay gắt có hợp ko a. Nhờ a tư vấn dùm.thanks

  16. Phương daksong

    Macca mua bên công ty vinamacca đã cao gần 1.8m. Trồng 2 năm rồi chẳng thấy cao xíu nào. Mình trồng thử mấy cây thôi. Thấy thế nên chẳng ham nữa dù còn gần 2ha dất trống. Đất đỏ bazan hẳn hoi, thoát nước tốt. Chẳng hiểu tại sao

  17. Hoàng phúc

    Bạn Phương Đak Song, ở vùng Đak Song có rất nhiều hộ trồng cây macca của Vinamacca 2 năm tuổi, bây giờ cây cao 4-5m, một số cây đã ra quả bói. Mình không biết bạn trồng thế nào? Có bón lót trước khi trồng không? Có cắt rễ đâm ra ngoài bầu và tỉa bớt rễ rối xung quanh bầu không? Cách trồng macca hay cây nào cũng trồng như cafe thôi, nhiều bạn mua cây về xé bầu là đặt vào hố trồng không dám cắt rễ thòi nên cây chậm phát triển.

    Trả lời bạn Phong Trần: đất trắng pha cát về dinh dưỡng và kết cấu đất không bằng đất đỏ nên ta phải bón nhiều phân hơn và trong 3 năm đầu phải tỉa bớt tán và chống, qua năm thứ 3 khi bộ rễ phát triển tốt rồi thì không phải lo nữa. Trồng macca quan trong là thời tiết, ngày nóng đêm lạnh là điều kiện lý tưởng để cây hình thành hoa.
    Bạn nào cần tư vấn cách trồng và chăm sóc cây gãy gọi cho mình dt: 0904.042639

Tin đã đăng