Hỏi: Nông dân chúng tôi thường nghe đài báo nói “Muốn có cà phê năng suất và chất lượng phải biết quản lý dinh dưỡng”. Vậy quản lý dinh dưỡng là gì và như thế nào?
Trả lời: Ngày xưa, khi đất còn rộng người còn thưa, canh tác theo lối quảng canh, năng suất rất thấp nên không cần đến quản lý dinh dưỡng vì những dinh dưỡng trong đất và không khí đủ cho cây trồng. Tuy nhiên dân số ngày nay đã tăng nhiều lần. Dân số không những tăng nhiều mà còn sống lâu, bình quân tuổi thọ năm 1950 mới 55 tuổi thì nay đã là 71 tuổi. Bởi vậy buộc phải thâm canh, tăng năng suất cây trồng.
Muốn tăng năng suất thì không những phải có giống tốt mà còn phải có chế độ dinh dưỡng tốt cho cây. Muốn cho cây dinh dưỡng tốt thì trước hết đất phải tốt. Đất tốt biểu hiện ở 3 mặt, một là phải có lý tính tốt (đất phải tơi xốp, độ ẩm vừa phải…), hai là có hóa tính tốt, độ pH trung bình, trong đất có nhiều đạm, lân, kali, các nguyên tố trung vi lượng và ba là có sinh tính tốt, trong đất phải có nhiều trùn, và nhất là hệ vi sinh vật trong đất phải dồi dào, cân bằng giữa vi sinh vật có ích và có hại. Quản lý dinh dưỡng có nghĩa việc sử dụng phân bón và bảo vệ, bồi bổ đất làm sao đảm bảo đất tốt, cây tốt, đạt năng suất, chất lượng cao mà chi phí lại thấp nhất.
Với cà phê cũng vậy, 30 năm trước, khi đất rừng Tây Nguyên mới khai hoang còn màu mỡ mà năng suất chỉ mới đạt 1 T/ha thì vấn đề quản lý dinh dưỡng chưa đặt ra, nhưng hiện nay do chúng ta đã khai thác, bóc lột đất quá lâu, lại kèm không còn rừng che phủ nên xói mòn và rửa trôi quá mạnh làm cho độ phì trong đất đã giảm gần đến ngưỡng của kiệt quệ mà lại còn muốn năng suất cà phê đạt 3-4 T/ha thì chúng ta phải biết quản lý dinh dưỡng.
Hỏi: Với cây cà phê thì cụ thể quản lý dinh dưỡng như thế nào?
Trả lời: Để tạo ra 1 tấn nhân, cây cà phê cần 34,2kg N (nguyên chất) + 6,1kg P2O5 + 46,9kg K2O + 4,1kg MgO + 4,3kg CaO kèm theo các chất vi lượng khác. Nếu muốn có năng suất 4 T/ha thì lượng dinh dưỡng trên phải được nhân lên 4 lần. Trước hết cần phải phân tích đất vườn mình xem có được bao nhiêu và bao nhiêu cần bổ sung bằng con đường phân bón rồi nhân với hệ số hấp thu của cây (thông thường 50%).
Thế nhưng nếu chỉ bón phân như trên thì đất vẫn không khỏe, cây vẫn không hấp thu được nên cây vẫn không khỏe, năng suất không cao và hiệu quả phân bón kém. Bởi vậy phải biết kết hợp với phân hữu cơ. Ngoài ra cà phê cũng như các cây trồng khác, mỗi giai đoạn sinh trưởng và phát triển lại cần tỷ lệ dinh dưỡng khác nhau, giai đoạn KTCB thì cần bón phân loại có hàm lượng đạm và lân cao như NPK 16.16.8 hoặc 20.20.15; giai đoạn bón sau thu hoạch cây cần nhiều đạm, giai đoạn nuôi trái cần đạm và kali cao… Nên phải biết cân đối các hàm lượng N, P, K thích hợp, phải cung cấp đủ các yếu tố trung vi lượng và phải biết sử dụng phân bón lá trong một số giai đoạn cần thiết.
Thực tế sản xuất cà phê thấy muốn tăng năng suất lên 1 T nhân thì cần tăng thêm 1 T phân bón. Liều lượng (kg/ha) bón sau đây được nhiều người chấp nhận (năng suất đạt 3,5 – 4 T/ha):
Mùa khô: Bón 300 kg NPK Đầu trâu : 20.5.5 + TE.
Đầu mùa mưa bón 450 – 600 kg NPK Đầu trâu Agrotain Cà phê (16.16.8 + TE).
Giữa mùa mưa bón 700 kg – 1.000 kg/ha Đầu Trâu Agrotain Cà phê 16.8.16 + TE.
Cuối mùa mưa bón 700 – 800 kg/ha Đầu Trâu 16.8.16 + TE.
Hỏi: Trên thị trường hiện có cả phân lỏng, việc sử dụng phân này cho cà phê như thế nào?
Trả lời: Phân dạng lỏng vẫn sử dụng bình thường như các phân khác. Bao bì phân dạng lỏng vẫn ghi các hàm lượng dinh dưỡng có trong đó, căn cứ vào giai đoạn bón mà cân đối, nếu thiếu thì bổ sung bằng phân viên hoặc bột.
Hỏi: Trên thị trường có bán phân siêu Bo, siêu kẽm. Việc sử dụng phân này cho cà phê như thế nào?
Trả lời: Bo và kẽm là 2 nguyên tố vi lượng rất quan trọng cho cây cà phê, nhưng số lượng không nhiều. Ngoài các nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu là đạm, kali, lân thì cây cà phê còn cần nhiều lưu huỳnh, can xi, ma giê và 2 nguyên tố vi lượng là Bo và kẽm. Tuy nhiên, với những người sử dụng phân đơn mới cần quan tâm đến bón bổ sung phân vi lượng, còn nếu sử dụng phân bón chuyên dùng cho cà phê thì không cần phải bón thêm nữa vì các nhà sản xuất đã phối trộn với lượng vừa đủ. Tất cả các loại phân chuyên dùng của Bình Điền đều đã có bổ sung TE (trung vi lượng) với hàm lượng thích hợp.
Hỏi: Vào mùa mưa cà phê thường rụng trái non. Nguyên nhân và cách khắc phục?
Trả lời: Vào mùa mưa, nhất là tháng 6, tháng 7 cà phê thường bị rụng trái non. Nguyên nhân có thể là do hiện tượng rụng sinh lý hoặc bệnh hại. Khác với một số cây trồng khác, trong mùa mưa cây cà phê vừa cần nhiều dinh dưỡng để vừa nuôi trái và vừa tạo cành lá cho mùa năm sau. Hơn nữa, thông thường cà phê đậu rất nhiều trái nên cây phải tự rụng bớt. Cần đánh giá dinh dưỡng và bộ lá của cà phê để xem có thiếu dinh dưỡng không. Nếu rụng nhiều thì phải “cấp cứu” ngay bằng phân bón lá, sau đó bổ sung bằng phân bón gốc. Nếu sử dụng phân chuyên dùng cho cà phê và bón đủ lượng thì việc rụng một số trái non sẽ không ảnh hưởng đến năng suất. Trường hợp bị rụng trái do nấm bệnh, do mọt thì trước đó phải có biện pháp phòng và sử dụng thuốc BVTV.
Hỏi: Hiện tượng cà phê trái to nhưng hạt lại nhỏ. Nguyên nhân và cách khắc phục?
Trả lời: Có thể do đặc tính giống hoặc dinh dưỡng. Nếu trong vườn chỉ một số cây bị thì chắc do giống xấu lẫn vào, nếu cả vườn bị thì do dinh dưỡng.
TS Tôn Nữ Tuấn Nam – ThS. Phạm Anh Cường
Tôi đồng ý mọi người có thể tham gia làm quảng cáo vì đó là một khoảng thu nhập chính đáng.
Tôi ghét nhất mấy nhà khoa học mà tham gia quảng cáo một cách vụng về làm cho bài báo của mình mất đi tính khoa học và trong sáng.
Lúc trước viết gì cũng Chánh Hưng, về sau viết gì cũng Việt Nhật, giờ viết gì cũng Đầu Trâu. Mấy nhà khoa học có biết và có đảm bảo những loại đó không dổm cho bà con không?
Nếu là nhà khoa học đích thực thì không nên nói :
Mùa khô: Bón … Đầu trâu : 20.5.5 + TE.
Đầu mùa mưa bón … Đầu trâu Agrotain Cà phê (16.16.8 + TE).
Giữa mùa mưa bón … Đầu Trâu Agrotain Cà phê 16.8.16 + TE.
Cuối mùa mưa bón … Đầu Trâu 16.8.16 + TE.
mà phải nói khoa học hơn , phân chính là phân gì, lỡ ở Bra-xin không có đầu trâu, chỉ có đầu ngựa thì cà phê của họ không có trái hả?
Khoa học không cần chi tiết cụ thể, các bạn cứ đầu trâu mà bón.
Nông dân biết gì mà thắc mắc cho mệt ngài, đừng bón đầu tru là được rồi.
– Các bác có ý kiến cũng đúng, vì trên là bài viết có thể từ một diễn đàn nông nghiệp mà nhà tài trợ chính lại là phân bón Đầu Trâu thì phải. Ai tài trợ thì phải nói cho người đó chứ!
Kể ra mang danh là nhà khoa học như vậy cũng đáng buồn thật, nhưng do cái nghèo với đồng lương thấp quá ra cả đấy các bác ạ. Các bác ý kiến cũng vừa thôi nhé, cũng do hoàn cảnh mà.
TS bắt bón 54 bao phân NPK đầu trâu cho 1 ha/năm, còn bắt bón thêm phân hữu cơ, vi sinh ! nông dân vẽ được tiền chắc ?
đầu trâu tha hồ mà bán phân !
Các nhà khoa học ta luôn hô hào nông dân thay đổi tập quán canh tác, hạn chế dùng phân vô cơ, canh tác bền vững…
Thế mà hướng dẫn nông dân bón đến 2,7 tấn NPK/ha chưa tính các loại phân hữu cơ vi sinh, bón lá… Rõ là bền vững trời ạ!
Không biết các nhà nông học Tây sẽ nghĩ gì!
Các Bác nói Tui nghe mà ưng cái bụng: tính trung bình cho một cây cà phê thì tổng lượng phân cần bón trong năm là: phân mùa khô + phân mùa mưa + phân vi sinh + phân chuồng = 1,2 kg + 2,1kg + 7kg + 20kg, quy về giá trị tương đương 60 ngàn đồng, cộng thêm tiền công thì tổng chi phí vào khoảng 120 ngàn đồng/cây. Các nhà khoa học nghiên cứu sao thì Tui không cần biết nhưng nếu có được khoản tiền trên thì bà con nông dân chẳng dại gì mà làm cà phê, riêng cá nhân Tui thì lúc đó cũng sẽ làm công tác nghiên cứu như các nhà khoa học!?
Nông dân chúng tôi nghe. Để canh tác nông nghiệp bền vững, giảm chi phí đầu tư tăng thu nhập. Nhưng khuyến cáo của nhà khoa học như trên giá thành 01 kg cà phê xô đã trên 25.000đ, nếu thị trường xuống thấp hơn 25 nđ nông dân đói. Với quy trình trên thực đọc tôi là nông dân trồng cây caphe cũng không biết băt đầu từ đâu để làm.
Không hiểu sao tôi dị ứng với mấy danh từ “TS.Tên người ” hay “ThS.Tên người “. Mà món gây dị ứng nhất là “PGS .TS.Tên người”.
Cũng còn tùy bạn ơi. Không phải TS/PGS nào cũng làm ta khó chịu cả. Điều đó còn tùy thuộc vào nhân phẩm và sự cống hiến cho nhân loại. Có một số người mang danh này, mang danh nọ mà thực sự họ khiến ta dị ứng vì họ khoác trên mình những bằng cấp chứ không phải là tri thức và nhân phẩm.
Đồng ý với Đại ca chùa bộc. Chúng ta không nên vơ đũa cả nắm như thế làm cho các nhà khoa học chân chính, họ cống hiến cho xã hội rất nhiều có khi cả cuộc đời họ, chua xót khi đọc được những suy nghĩ của chúng ta. Riêng tôi tôi rất tôn trọng các nhà khoa học đã đóng góp cho đời cho đất nước, nhưng cơ chế sự đãi ngộ của nhà nước ta còn quá thấp (ở các nước tiên tiến nhà nước tạo mọi điều kiện cơ sở phòng thí nghiệm v.v… và chỉ cần một phát minh là họ đã trở thành triệu phú .còn ở ta bạn xem thử như thế nào), và họ cũng như ta, phải nuôi vợ nuôi con lại còn đền đáp công ơn cha mẹ biết bao nhiêu điều trong cuộc sống lấy gì để họ sống. Vì thế đôi khi họ phải làm thêm, thì bị sức ép của các doanh nghiệp… Cho nên các bạn phải phân biệt được đâu là HỌC GIẢ THẬT SỰ và đâu là HỌC GIẢ BẰNG THẬT nhé!
Đồng ý với các bác, nhưng các bác có đánh đố không đấy? nông dân thì biết làm thế nào để phân biệt được THẬT-GIẢ hả các bác?
Khó thật cafe Vối ạ. Nhưng theo tôi nghĩ nông dân thời đại này họ tiếp cận xã hội rất tốt cộng với kiến thức của con cái họ và điều quan trọng là những người hiểu biết trong cộng đồng khoác áo nông dân như họ thì nông dân chúng ta sẽ nhìn nhận được đâu thật đâu giả.
Không phải ai cũng dễ có học vị đâu, những thông tin trên diễn đàn điều đúng hay sai, cái quan trọng là nông dân chúng ta phải sàng lọc như thế nào để áp dụng trên vườn càfe của mình . Tiêu chuẩn chung cho năng suất đạt từ 4-5 tấn/ha phải 2.500kg phân NPK chưa kể 2 năm bón 1 lần phân hữu cơ. Các nhà khoa học chỉ đưa ra khuyến cáo chung tùy từng chất đất của mỗi vườn mà áp dụng cho phù hợp. Chúng ta không nên đưa ra những lời lẽ không hay.